Bỏ qua nội dung chính

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước > Bài đăng > Chuyến đi Liên Xô, Trung Quốc đấu năm 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chuyến đi Liên Xô, Trung Quốc đấu năm 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang thăm không chính thức Trung Quốc, Liên Xô. Đây là sự kiện lớn, có quan hệ nhiều mặt đến lịch sử cách mạng Việt Nam. Việc xác định đầy đủ thời gian và nội dung của sự kiện là rất quan trọng, thu hút nhiều tổ chức và các nhà nghiên cứu.

Tháng 8-1976, lần đầu tiên Viện bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm về sự kiện này. Sau đó, Nguyễn Hoàng Tửu, Trần Thị Hiền đã viết bài: "Xung quanh sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên Xô cuối năm 1949, đầu năm 1950" đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 18-19, năm 1987. Mặc dù, những vấn đề cơ bản đã được xới xáo, nhưng các tác giả cũng thừa nhận, do thiếu tư liệu nên nhiều vấn đề quan trọng chưa thể làm sáng tỏ.

Năm 1990, NXB Sự thật, Hà Nội cho ra mắt bạn đọc cuốn Chủ tịch Hô Chí Minh với công tác ngoại giao của Viện quan hệ quốc tế, Bộ ngoại giao. Cùng năm, NXB Sao mới Quảng Tây Trung Quốc công bố cuốn Hồ Chí Minh với Trung Quốc của nhà sử học Hoàng Tranh. Đây là những bước tiến quan trọng về mặt tư liệu. Bước tiến này được ghi nhận và khẳng đinh khi NXB CTQG cho ra mắt cuốn Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử của Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào tháng 9-1994. Đây là công trình được biên soạn rất công phu, nhưng do tính chất "biên niên", sách đã không thể trình bày đầy đủ những diễn biến chính của sự kiện, nhất là những trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc về tình hình và triển vọng của cách mạng Việt Nam, cũng như những thỏa thuận đạt được trong các cuộc hội đàm.

Ngoài ra, còn có một số bài đề cập đến sự kiện như: "Hồ Chí Minh với Stalin" của Mai Hương, "Nhớ lại một vài hoạt động ngoại giao của Bác Hồ với Trung Quốc" của Bích Ngọc, đăng trên Tạp chí quan hệ quốc tế năm 1990; một số thông tin quan trọng trong các cuốn hồi ký, hồi ức của các nhân chứng lịch sử như: Hồi ký Khơrusốp, New york, 1971; Con đường theo Bác của Hoàng Quốc Việt, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1990. Đặc biệt năm 1995, NXB Quân đội nhân dân và NXB Thanh niên phát hành cuốn Chiến đấu trong vòng vây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách này cung cấp khá nhiều thông tin liên quan đến sự kiện.

Mặc dù chưa có nguồn tư liệu gốc, nhưng những tài liệu có được gợi cho chúng tôi khả năng khôi phục lại thời gian và diễn biến chính của sự kiện.

Cuối năm 1949, trước những thay đổi to lớn của tình hình quốc tế, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chuẩn bị cho chuyến ra nước ngoài của mình. Đây là chuyến đi thứ tư kể từ khi Người về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Mục tiêu cơ bản là phát triển ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và bạn bè quốc tế, nhằm, đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đưa cách mạng Việt Nam nhập vào trào lưu thời đại.

Vấn đề tiên quyết là phải liên lạc và thông báo cho Ban lãnh đạo nước Trung Hoa mới về yêu cầu của chuyến đi. Qua một cán bộ cao cấp Việt Nam hoạt động ở vùng Triều Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bức thư Thủ tướng Chu Ân Lai đã nhận được bức thư này. Công việc chuẩn bị được chính Người xúc tiến tích cực.

Theo số liệu thống kê của chúng tôi, để giữ bí mật, đảm bảo an toàn cho chuyến đi, Người đã viết trước hàng chục bài báo, thư từ, lời kêu gọi... ký sẵn trên ba mươi sắc lệnh để các đồng chí trong nước phối hợp, công bố dần trong thời gian Người đi công tác. Trước ngày lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp viết bản báo cáo về tình hình quân sự để Người mang theo. Ngày 29-12-1949, Bộ trưởng tài chính Lê Văn Hiến đã trao 50 đồng tiền vàng trong số 200 đồng tiền vàng đầu tiên do Sở đúc tiền của nước ta đúc, để Người làm quà tặng trong chuyến đi công tác.

Ngày 1-1-1950, theo chỉ thị của Người, đồng chí Lâm Cẩm Như (bí danh Lâm Kính) cùng hai cán bộ quân đội: Lê Phát (bảo vệ, phiên dịch) và Ngô Vi Thiện (điện đài) lên đường làm nhiệm vụ tiền trạm. Ngày 2-1-1950, phái đoàn tập trung tại Phủ Chủ tịch đóng ở châu Tự Do (Tuyên Quang). Trước khi đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp riêng một số đồng chí để dặn dò và giao nhiệm vụ trong thời gian Người ra nước ngoài. Buổi chiều, Người rời Phủ Chủ tịch, bắt đầu cuộc hành trình bí mật sang thăm không chính thức Trung Quốc, Liên Xô. Cùng đi với Người có đồng chí Trần Đăng Ninh (đóng vai trưởng đoàn), bác sĩ Chánh và đồng chí Nhất (cảnh vệ).

Cuộc hành trình hết sức nguy hiểm. Phái đoàn vượt qua biên giới Việt - Trung, khu vực quân viễn chinh Pháp còn đang chiếm đóng dày đặc. Phía bên kia biên giới, tàn quân Tưởng và các lực lượng ô hợp khác có mặt nhiều nơi trong tỉnh Hoạ Nam. Phái đoàn phải đi bộ, đi ngựa qua rừng núi. Từ Phục Hòa (Cao Bằng) sang chợ Thủy Khẩu (Trung Quốc), phái đoàn gặp bộ phận tiền trạm của đồng chí Lâm Cẩm Như. Ngày 19-1-1950 đoàn đến Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Về sự kiện này, nhà sử học Trung Quốc Hoàng Tranh viết: "Đó là một ngày sau Tết nguyên đán năm Canh Dần, Hồ Chí Minh từ huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam sang chợ Thủy Khẩu, huyện Long Châu, Quảng Tây... Quân khu Quảng Tây. Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc phái một cán bộ dẫn một trung đội vũ trang đến Thủy Khẩu nghênh đón và hộ tống Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thị trấn... Tối hôm đó, Người ngụ ở Bộ tư lệnh phân khu Long Châu giải phóng quân". Sáng ngày 20-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ô tô đến Nam Ninh, nghỉ tại Kim Sơn Tửu Điếm. Ngày hôm sau, Người đi ô tô đến Lai Tân và tiếp tục đến Bắc Kinh bằng tàu hỏa.

Khi đến Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chu Ân Lai đón tiếp nồng hậu. Về danh nghĩa, đây là phái đoàn của Trung ương Đảng ta sang thăm ĐCS Trung Quốc. Trong các cuộc hội đàm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo về đường lối cách mạng Việt Nam, về tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của Ban lãnh đạo Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho rằng trước đây chưa có điều kiện giúp đỡ cách mạng Việt Nam; từ nay, sẽ hết sức chi viện cho kháng chiến của ta; đồng thời khuyên Việt Nam kiên trì kháng chiến lâu dài .

Theo đề nghị của ta, Trung Quốc đã điện báo cho Nguyên soái Xtalin về sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Kinh và ngỏ ý muốn sang Liên Xô để trực tiếp thông báo về tình hình cách mạng Việt Nam. Đồng chí Xtalin mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm không chính thức Liên Xô.

Ngày 3-2-1950, với bí danh là "Đại Hồ" và “Tiểu Hồ", Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Chu Ân Lai đáp tàu hỏa đi Mátxcơva. Đồng chí Trần Đăng Ninh đi theo Người.

Tới Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc với các đồng chí trong Ban lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc như Xtalin, Môlôtốp, Kazanôvích, Khơrútsốp, Mao Trạch Đông, Chu ân Lai... Khi được thông báo về tình hình Việt Nam, Xtalin đã đồng ý với đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta, song cũng ngỏ ý muốn Việt Nam phải nhanh chóng làm cách mạng ruộng đất. Về quân sự, Xtalin khuyên Việt Nam nên chú trọng toàn bộ vùng rừng núi phía tây, nắm được vùng đó, sẽ nắm được quyền làm chủ đất nước; đồng thời thỏa thuận với Trung Quốc một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho cách mạng Việt Nam. Trước mắt, Liên Xô sẽ viện trợ cho Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vân tải Môlôtôva, thuốc và dụng cụ quân y. Phía Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam; sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh, một đơn vị pháo binh; sẽ cử một số cán bộ có kinh nghiệm sang làm cố vấn quân sự, cũng như kinh nghiệm về phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất.

Ngày 16-2-1950, nhận lời mời của Ban lãnh đạo Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự buổi chiêu đãi trọng thể tại điện Kremlin do Xtalin tổ chức để chào mừng "Hiệp ước hữu nghị tương trợ đồng minh Xô - Trung" vừa ký kết.

Trong những ngày lưu lại Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian gặp gỡ đại diện ĐCS Pháp và nhiều tổ chức quốc tế khác để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của họ với cách mạng nước ta.

Ngày 4-3-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Bắc Kinh và lưu lại đó một tuần.

Tối ngày 11-3-1950, Người lên tàu hỏa về nước. Trên đường về, Người đã sáng tác năm bài thơ chữ Hán có đầu đề: "Ly Bắc Kinh", “Qúa Hồ Bắc", "Thập Tam tảo, quá Trường Sa". "Ngọ Qua Thiên giang", “Cận Long Châu.

Hạ tuần tháng 3-1950, Người tới biên giới Trung - Việt Ngày 2-4-1950, Người về đến Bắc Cạn. Sau khi gặp gỡ và làm việc với Ban lãnh đạo tỉnh, Người về An toàn khu bằng xe tải. Tới Quán Vuông (đường Bắc Cạn - Thái Nguyên), đoàn gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số đồng chí trong cơ quan Bộ tổng tư lệnh ra đón. Nghỉ lại đây một hôm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể vấn tắt chuyến đi công tác tại Trung Quốc, Liên Xô của Người. Hôm sau, Người về sớm để chuẩn hoàn bị cho phiên họp Thường vụ Trung ương Đảng .

Ngày 6-4-1950, tại phiên họp của Thường vụ Trung ương ĐCS Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức thông báo tình hình và kết quả chuyến đi của Người, đồng thời nghe Thường vụ Trung ương báo cáo tình hình trong nước từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng.

Chuyến đi bí mật đầy gian lao, nguy hiểm, song cũng hết sức mưu lược, tài trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc tốt đẹp. Nghiên cứu chuyến đi này, chúng tôi có một vài suy nghĩ:

Đây là sự phối hợp tuyệt vời trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta. Nếu như với tuyên bố ngày 14-1-1950, Chính phủ ta đã giành được sự công nhận về mặt Nhà nước của Trung Quốc, Liên Xô và các nước khác trong phe XHCN, thì chuyến đi ngày 2-1-1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng thúc đẩy các quan hệ đó phát triển toàn diện, vững chắc, và hiệu quả hơn.

Trong chuyến đi này, đứng ở cương vị mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Liên Xô, Trung Quốc hiểu rõ hơn thực chất của cách mạng Việt Nam và sự uyển chuyển của đường lối chiến lược và sách lược của ĐCS Đông Dương trong tiến trình Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần làm bạn bè quốc tế nhận thức rõ hơn về cách mạng Việt Nam. Nhờ đó đã dấy lên một phong trào ủng hộ cách mạng Việt Nam ngày càng lan rộng, đưa nước ta lên vị thế mới trên trường quốc tế. Sự ủng hộ của các nước trong phe XHCN, đặc biệt là viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc, có ý nghĩa tinh thần và vật chất to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "... mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất trên thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ, và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới...

Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”.

Chuyến đi của Người thể hiện đường lối đối ngoại trước sau như một của Đảng ta, phản ánh xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Bằng lộ trình Việt Bắc - Bắc Kinh - Mátxcơva và tài ngoại giao xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết lập được mối quan hệ tay ba Việt – Xô - Trung, một mối quan hệ chiến lược, có ảnh hưởng to lớn và thường xuyên đến cách mạng Việt Nam trong nhiều thập kỷ sau đó.

Chuyến đi này cũng chứng tỏ, trong quan hệ quốc tế, việc đi thăm chính thức, không chính thức, thăm cá nhân hay tiếp xúc bí mật... là việc thường thấy trong hoạt động ngoại giao. Song ở mỗi thời đoạn lịch sử cụ thể, việc lựa chọn phương án sao cho hoạt động ngoại giao đạt được hiệu quả cao nhất, thực chất là vấn đề có tính nghệ thuật. Mặc dù đây là chuyến đi ngoại giao không chính thức, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào lịch sử quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta một mẫu mực tuyệt vời về việc chủ động lựa chọn giải pháp và việc phối hợp các hoạt động trong công tác ngoại giao.

Chúng tôi hy vọng cùng với thời gian và sự xuất hiện của những tư liệu mới, nhất là tư liệu từ các cơ quan lưu trữ của Trung Quốc và Nga, lưu trữ Quốc tế cộng sản, những chi tiết về chuyến di của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ dược bổ sung phong phú thêm.

 

Nguồn Lịch sử đảng. – 1996. – Số 3. – Tr. 65-67.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.