Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Danh mục
Hát xoan - Khúc hát có từ thời các Vua Hùng

Hát Xoan (còn có tên gọi khác là Hát Lãi Lèn, Hát Đúm, Hát Thờ, Hát Cửa đình) bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ.

Tương truyền rằng, vợ Vua Hùng đau bụng đã lâu ngày mà vẫn không sinh nở, một nàng hầu gái nói nên đón nàng Quế Hoa múa đẹp hát hay đến múa hát. Quế Hoa được gọi đến trước giường, uốn tay đưa chân, dáng như tiên, giọng như suối, sắc như hoa... Vợ Vua Hùng xem múa nghe hát quả nhiên vui vẻ sinh ra được 3 người con trai tuấn tú khác thường. Vua Hùng rất vui mừng, truyền cho các công chúa trong cung nữ đều học những điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các điệu múa hát đó là Hát Xuân và sau này gọi trại đi là Hát Xoan.

 

Theo sử sách ghi lại thì hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ). Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.

Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau như: mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá... Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.

Hát Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ. Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Đây là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) gọi là ông Trùm. Ông Trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các màu, quần lụa, đeo xà tích. Những làng có người đi hát Xoan này nước nghĩa với phường Xoan và các phường Xoan cũng nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào kép Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng nước nghĩa. 

Năm 2012, Hát Xoan đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và đến đầu tháng 12/2017, tại Phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO chính thức rút khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, và ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thật vui mừng khi thế giới ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ một di sản của nhân loại.

Cúc Nguyễn