Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > NHÀ CÁCH MẠNG HỒ TÙNG MẬU
NHÀ CÁCH MẠNG HỒ TÙNG MẬU

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896 - 15/6/2016)

 

Đồng chí Hồ Tùng Mậu – Từ tinh thần yêu nước đến ý chí cộng sản

Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

 Sinh ra và lớn lên trong một gia đình và dòng họ có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Hồ Tùng Mậu sớm mang trong mình những khát khao và hoài bão lớn. Sau một thời gian dạy học ở huyện Thanh Chương, Hồ Tùng Mậu quyết định bỏ nghề dạy học để có điều kiện hoạt động cách mạng.

Đầu năm 1920 ông sang Trung Quốc để hoạt động chính trị với mục đích giành độc lập cho Việt Nam khỏi chế độ đô hộ của thực dân Pháp và gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 6/1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” và mở lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên ở trong nước sang. “Ban huấn luyện chính trị đặc biệt” đặt ở ngôi nhà số 13 đường Văn Minh(Quảng Châu). Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn là giảng viên phụ giảng của Người.

Tháng 3/1926, do yêu cầu của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu Hồ Tùng Mậu gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc. Hồ Tùng Mậu là một trong 5 thành viên đầu tiên được Người chọn là hạt nhân của Cộng sản Đoàn để xúc tiến mở rộng tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở Quảng Châu sau này. Từ đó, ông đã kiên định con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1927 – 1929, ông đã ba lần bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, đến ngày 3 tháng 2 năm 1930 thì được thả, trong suốt những thời gian này ông đã góp phần tích cực vào việc hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (Hương Cảng).

Năm 1930, ông là Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Có thể nói với 31 năm hoạt động cách mạng, thì ông có 14 năm ở trong lao tù đế quốc, bị kẻ thù giam cầm trong các nhà tù: Sài Gòn, Hỏa Lò, Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê. Dẫu bị giam cầm, chịu đựng nhiều gian lao, Hồ Tùng Mậu vẫn bền bỉ giữ vững khí tiết của người cộng sản; là trung tâm đoàn kết anh em tù chính trị; cùng các đồng chí của mình biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, kiên trì đấu tranh chống lại những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù những khi thời cơ đến.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được phân công giữ các chức vụ: Phụ trách trường Quân chính Nhượng Bạn (Trung Bộ), Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, Ủy viên thường vụ Liên khu ủy. Năm 1947, ông làm Trưởng Ban Thanh tra Chính phủ, sau đó còn làm Hội trưởng Hội Việt Hoa hữu nghị. Tại Đại hội Đảng lần thứ II vào tháng 2 năm 1951, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

   Ngày 23 tháng 7 năm 1951, ông hy sinh trên đường đi vào Liên khu IV công tác, do bị máy bay Pháp bắn trúng tại Phố Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi được tin ông hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tự tay viết Lời điếu viếng.

   Năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nhà nước Việt Nam.

  Hồ Tùng Mậu - Tấm gương đạo đức cao đẹp, sáng ngời

Trong quá trình hoạt động cách mạng ông luôn được tổ chức tin cậy, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Ông là người có năng lực phân định đúng sai trong việc thực thi chính sách của Đảng và Chính phủ trong các cơ quan công quyền và các cá nhân có chức quyền nắm giữ quyền lực và tài sản của dân.

Ở Hồ Tùng Mậu, bản lĩnh và trí tuệ một chiến sĩ với ý chí cách mạng kiên cường, một con người đậm chất nhân văn, am hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa - một nhà lãnh đạo cận nhân tình. Suốt những năm làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu IV, rồi giữ cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Hồ Tùng Mậu làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị và khảng khái. Đồng chí có uy tín lớn trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ, được mọi người thân mật gọi là “Cụ Mậu”, “Cụ Hồ em”. Dù ở cương vị nào, đồng chí Hồ Tùng Mậu cũng thể hiện là một người cán bộ lão thành cương trực và trung hậu, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ với một tinh thần trách nhiệm cao. Với phẩm chất cách mạng tốt đẹp cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, với tinh thần tận tụy, thanh liêm, “Dĩ công vi thượng”.

Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phẩm chất đạo đức này của Hồ Tùng Mậu được minh chứng qua việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ông làm Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên. Hồ Tùng Mậu được chọn là vì ông vừa có đạo đức, vừa có tài, luôn lấy chữ vì dân làm đầu, ghét thói đặc quyền đặc lợi, không bao giờ lợi dụng quyền hạn, chức vụ công tác để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình, cá nhân.

Nhân ái, khoan dung, độ lượng là phẩm chất làm người cao thượng của Hồ Tùng Mậu. Thương người, dung thứ cho người là những đức tính bẩm sinh của ông đã bộc lộ từ thuở nhỏ. Tình thương người được nảy nở và được nâng lên dần cùng với nhận thức và bề dày hoạt động thực tiễn. Thương những người ruột thịt trong gia đình, thương bà con làng xóm, những người cùng cảnh ngộ, thương đồng chí, đồng bào bị bóc lột, đàn áp, thương các dân tộc, quần chúng nô lệ bị đọa đày. Từ tình thương đồng bào ông đã vươn đến tình thương yêu đồng loại và đạt đến chủ nghĩa nhân văn cộng sản cao quý. 

Với những biểu hiện, chuẩn mực đạo đức ấy,  đồng chí Hồ Tùng Mậu được xem là tấm gương để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hướng đến học tập và phát huy nhằm tôn vinh và biết ơn một nhân cách văn hóa cao đẹp, một nhân cách cộng sản mẫu mực, nhân cách Hồ Tùng Mậu.

 

Nguyễn Thị Sen

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.