Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Chủ Nhật, 16/09/2018, 19:50

Kỷ niệm 130 năm (1888- 2018) ra đời ''Quốc tế ca''

Quốc tế ca (tiếng Pháp: L'Internationale) là bài ca tranh đấu nổi tiếng nhất của những người công nhân theo xã hội chủ nghĩa và là một trong những bài hát được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Từ khi ra đời cho đến nay, Quốc tế ca đã trở thành bài hát quen thuộc trong các phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa và hiện nay được dùng trong các Hội nghị của Đảng, nhất là các buổi lễ kết nạp đảng viên.

 

 

Vào thời đó, “Lanh-téc-na-xi-ônan-lơ” là tên gọi tắt theo tiếng Pháp tổ chức “Liên hiệp công nhân quốc tế”, thường gọi “Quốc tế thứ nhất” được thành lập năm 1864. Hoạt động chủ y​ếu của Quốc tế nhằm truyền bá học thuyết Mác, chống những tư tưởng lệch lạc trong nội bộ; đồng thời, thông qua những nghị quyết có ý nghĩa chính trị và kinh tế quan trọng như tán thành bãi công, thành lập công đoàn, đấu tranh có tổ chức, đòi ngày làm 8 giờ và cải thiện đời sống công nhân.

Đầu tháng 6/1871, sau khi công xã Pa-ri bị đàn áp, nhà thơ, ca sĩ công nhân Pháp Ơ-gien Pôchiê (Eugène Pottier (1816-1887), là  tác giả của bài thơ Quốc tế ca, lớn lên trong giai đoạn bão táp đấu tranh giai cấp ở Châu Âu cuối thế kỷ 19, ông sớm tiếp thu tư tưởng của Mác và Ăng-ghen, đã tham gia đấu tranh trên cả mặt trận tư tưởng và là người chiến sĩ cầm súng chiến đấu cho đến phút cuối cùng trong “Tuần lễ tháng 5 đẫm máu”) đã sáng tác bài thơ “Lanh-téc-na-xi-ônan-lơ” (L’Internationale – Quốc tế). Nội dung bài thơ thấm nhuần tư tưởng của bản “Tuyên ngôn cộng sản”, do đó, lập tức được phổ biến và nhanh chóng truyền bá rộng rãi.

Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! 

Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn! 

Sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa rồi. 

Quyết phen này sống chết mà thôi. 

Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành 

Toàn nô lệ vùng đứng lên đi. 

Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa 

Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình. 

Đấu tranh này là trận cuối cùng 

Kết đoàn lại để ngày mai 

L'Anh-te(rơ)-na-xi-o-na-lơ 

Sẽ là xã hội tương lai. 

Đấu tranh này là trận cuối cùng 

Kết đoàn lại để ngày mai

L'Anh-te(rơ)-na-xi-o-na-lơ sẽ là xã hội tương lai.

(Bài thơ được phổ nhạc)

 

Năm 1888, Pie Đơ gây tơ (Pierre Degeyter) phổ nhạc bài “Lanh-téc-na-xi-ônan-lơ”. Lần đầu tiên, bài hát được giới thiệu tới công chúng là ngày 23/6/1888, khi Ban đồng ca công nhân của thành phố Lille (Pháp) biểu diễn bài hát này trong Ngày hội công nhân của thành phố. Sau lần biểu diễn đầu tiên, “Quốc tế ca” đã gây được tiếng vang rất lớn trong công nhân. Mọi người vô cùng yêu thích bài ca này. Từ đó, nó được lan truyền rất nhanh ở nước Pháp và các nơi trên thế giới, trở thành tiếng kèn lệnh chiến đấu của các chiến sĩ cộng sản và nhân dân lao động. Sức truyền cảm của điệu nhạc và lời ca đã có sức cổ vũ, động viên, kêu gọi mạnh mẽ tinh thần “vô sản thế giới đoàn kết lại”, lật đổ chế độ bóc lột, mang sức ta mà giải phóng cho ta. Bài hát được truyền khắp nước Pháp. Đại hội thống nhất các Đảng xã hội Pháp họp năm 1889, quyết định lấy bài “Lanh-téc-na-xi-ônan-lơ” (Quốc tế ca) làm đảng ca.

 

 

Năm 1902, Kôt-xơ, một trong những người Nga tham dự đại hội thống nhất các Đảng Xã hội Pháp dịch bài “Quốc tế ca” ra tiếng Nga. Kôt-xơ chỉ chọn dịch 3 khổ: thứ nhất, thứ hai, thứ sáu vì lời ca nói rõ nhất khí thế cách mạng của công nông.

Từ 1905, Lê-nin đã giới thiệu bài “Quốc tế ca” và tác giả thơ Ơ-gien Pôchiê trên các báo “Công nhân”, “Sự thật”. Và sau Cách mạng tháng Mười Nga, theo ý nguyện của Người, “Quốc tế ca” trở thành bài hát chính thức của nhà nước Xô-viết. Bài “Quốc tế ca” trở thành quốc ca của Liên Xô từ năm từ 1917 đến 1944 và khi Liên Xô chọn bài quốc ca khác (Quốc ca Liên bang Xô viết) thì "Quốc tế ca" trở thành Đảng ca của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (năm 1917), “Quốc tế ca” được lấy làm Quốc ca của Liên Xô. Đến năm 1944, sau khi thông qua bài Quốc ca mới, Đảng Cộng sản Liên Xô quyết nghị giữ bài Quốc tế ca làm Đảng ca.

Ở Việt Nam, Bác Hồ là người đầu tiên dịch “Quốc tế ca” thành thơ lục bát và giới thiệu trên một số tờ báo vào năm 1927. Khi Đảng cộng sản Đông Dương thành lập năm 1930, bài “Quốc tế ca” được bí mật phổ biến và sau đó được hát công khai trong những cuộc biểu tình. Các bản dịch khác nhau đã được các đồng chí đảng viên thống nhất, hoàn chỉnh lại như lời ca hiện nay.

Hỡi ai nô lệ trên đời

Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên!.

Bất bình này chịu sao yên,

Phá cho tan nát một phen cho rồi!.

Bao nhiêu áp bức trên đời

Sạch sành sanh phá cho rồi mới tha!

Cuộc đời này đã đổi ra,

Xưa kia con ở, nay là chủ công!.

(Điệp khúc):

Trận này là trận cuối cùng

Ầm ầm đoàn lực đùng đùng đảng cơ

Lanh - téc - na - xi - ô - nan - lơ

Ấy là nhân đạo, ấy là tự do.

(Quốc tế ca được Hồ Chí Minh dịch thành thơ lục bát)

Trong những năm đấu tranh cách mạng gian khổ, “Quốc tế ca” là nguồn an ủi, vũ khí, sự thúc giục, giữ vững ý chí chiến đấu cho biết bao chiến sĩ cách mạng trung kiên trong chiến đấu, trong tù, cũng như trong các cuộc mít tinh, biểu tình…

130 năm đã trôi qua kể từ ngày ra đời, tác phẩm “Quốc tế ca” đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ kể cả tiếng Việt và trở thành đảng ca của các đảng cộng sản và công nhân trên toàn thế giới. Đối với nước ta, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3-2-1930), “Quốc tế ca” là bài hát chính thức của Đảng ta. Quốc tế ca là lời hiệu triệu giai cấp công nhân vùng đứng lên, siết chặt hàng ngũ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng xã hội mới (xã hội tương lai) dân chủ, công bằng, văn minh, phồn thịnh đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới như những lời cuối của bài hát.

“Đấu tranh này là trận cuối cùng 

Kết đoàn lại để ngày mai 

L'Anh-te(rơ)-na-xi-o-na-lơ 

Sẽ là xã hội tương lai”. 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1541 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày