Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 08/10/2018, 13:45

KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN VĨNH CỬU (1948-2018)

Huyện Vĩnh Cửu là một vùng đất nổi tiếng có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân Vĩnh Cửu phúc hậu đảm đang nhưng chí khí kiên cường. Không những thế đây còn là một vùng đất giàu tiềm năng kinh tế với ruộng lúa phì nhiêu, cây sai trái ngọt đặc biệt là đặc sản bưởi Tân Triều. Lịch sử địa lý huyện Vĩnh Cửu gắn liền với tỉnh Đồng Nai trên 300 năm hình thành và phát triển.

Trước thế kỷ 17, vùng đất thuộc huyện Vĩnh Cửu ngày nay còn là một vùng đất rừng rậm hoang vu nhưng lúc này đã có sự xuất hiện của người Việt, họ là những người nông dân phản kháng sự áp bức của chế độ phong kiến và chống đối chiến tranh Trịnh – Nguyễn. Vùng Bến Cá là một trong những địa phương sớm có người Việt đến lập làng, khai phá.

Ngược dòng thời gian, năm 1698 Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam, lấy xứ Đồng Nai đặt thành phủ Gia Định gồm hai huyện Tân Bình có dinh Phiên Trấn và huyện Phước Long có dinh Trấn Biên. Năm 1808 vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đổi tên đất Nam Bộ từ phủ Gia Định thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long thăng thành phủ có 4 huyện: Long Thành, Bình An, Phước An và Phước Chánh (bao gồm vùng đất ngày nay thuộc huyện Vĩnh Cửu). Huyện Phước Chánh có hai tổng: Chánh Mỹ và Phước Vinh (Huyện Vĩnh Cửu thuộc tổng Phước Vinh). Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập địa bạ các tỉnh để quản lý đất đai, huyện Phước Chánh từ hai tổng tách thành 6 tổng và vùng đất Vĩnh Cửu thuộc hai tổng Chánh Mỹ Trung và Chánh Mỹ Hạ.

Trước 1945, huyện Vĩnh Cửu là huyện Châu Thành đất rộng người đông bao quanh thị xã Biên Hòa, do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng từ 1945-1948 huyện Vĩnh Cửu ngày nay thuộc quận Châu Thành. Sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, Ủy ban hành chính tỉnh Biên Hòa được thành lập. Bộ máy chính quyền cách mạng cấp quận, xã được hình thành để xây dựng cuộc sống mới và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta.

Nhận rõ vai trò vị trí quan trọng của tỉnh lỵ Biên Hòa, năm 1948 Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ quyết định chia quận Châu Thành làm hai đơn vị: Thị xã Biên Hòa gồm xã Bình Trước và 8 ấp vùng ven; Huyện Vĩnh Cửu gồm các xã còn lại của quận Châu Thành. Theo yêu cầu của chiến trường, địa bàn tỉnh Biên Hòa cũ thay đổi rất nhiều lần từ sau Hiệp Định Giơ-ne-vơ 1954, nhưng Huyện Vĩnh Cửu vẫn không thay đổi. Năm 1963, chính quyền Diệm lập huyện Công Thanh, phần lớn lãnh thổ huyện Vĩnh Cửu thuộc huyện Công Thanh.

Năm 1965, thị xã Biên Hòa được nâng lên thành đơn vị thuộc Trung ương Cục Miền Nam còn gọi là U1. Đến tháng 10 năm 1967, tỉnh U1 nhận thêm hai huyện: Vĩnh Cửu và Trảng Bom. Từ 1967 đến 1971 khu miền Đông giải thể. Địa bàn tỉnh Đồng Nai lúc này có nhiều phân khu trong đó U1 có thêm thị xã Biên Hòa. Từ tháng 5-1971 đến tháng 10-1972, U1 nhập với phân khu 5 thành phân khu Thủ Biên trong đó hai huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom nhập lại gọi tên Vĩnh Cửu. Tháng 10-1972 đến tháng 4-1975, huyện Vĩnh Cửu tái lập thuộc tỉnh Biên Hòa. Năm 1985, huyện Vĩnh Cửu đổi thành thị xã Vĩnh An, địa giới hành chính bao gồm hai nông trường Hiếu Liêm và Mã Đà, 2 phường và 11 xã.

Ngày 29-08-1994, chính phủ ra Nghị quyết số 109/CP, thành lập lại huyện Vĩnh Cửu gồm 1 thị trấn Vĩnh An và 9 xã là: Bình Hòa, Bình Lợi (Bình Long – Lợi Hòa), Phú Lý, Tân An (Đại An – Tân Định), Tân Bình (Tân Triều – Bình Ý – Bình Phước), Thạnh Phú (Bình Thạnh – Tân Phú), Thiện Tân, Trị An (phường Trị An), Vĩnh Tân (Phường Cây Gáo)

Vĩnh Cửu là một vùng đất màu mỡ nằm bên dòng sông Đồng Nai, hàng năm được phù sa bồi đắp nên việc trồng các cây lương thực và cây ăn trái luôn được mùa và phát triển. Ngoài ra còn có Hồ Trị An được sử dụng làm đập thủy điện lớn ở miền Nam vừa cung cấp nước canh tác vừa bảo đảm cung cấp điện cho Đồng Nai và các tỉnh thành phía Nam. Rừng Vĩnh Cửu một thời “che bộ đội, vây quân thù” với nhiều loại động, thực vật quý hiếm và đặc biệt các khoáng sản: cát, đất sét, mỏ đá,…là những tiềm năng quan trọng được khai thác phục vụ yêu cầu phát  triển kinh tế của địa phương.

Vĩnh Cửu còn là địa bàn cư trú lâu đời của người cổ xưa. Những di vật khảo cổ bằng đá, bằng đồng, gốm sứ,…cách đây trên dưới 4.000 năm cho thấy người xưa đã đến đây cư trú và sinh sống từ rất lâu đời, cùng nằm trong hệ thống của nền văn minh Đồng Nai đặc biệt là nhiều di tích hoặc vết tích của nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa rất phát triển ở miền Tây Nam Bộ vào thế kỷ thứ III, thứ IV sau công nguyên.

Ngoài tín ngưỡng truyền thống: thờ cúng ông bà tổ tiên, các nghi thức cưới hỏi, tang ma đều giữ được tập tục của người dân Nam bộ, Đạo Phật và Thiên Chúa cũng phát triển khá sớm so với nhiều vùng khác ở Nam Bộ.

Huyện Vĩnh Cửu là vùng đất mới, đại đa số là người dân nghèo khổ, cần cù lao động, họ luôn đối mặt với lam sơn chướng khí, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, luôn phải nỗ lực cố gắng vượt lên để nuôi gia đình và bản thân, xây dựng xóm làng. Nhưng cũng chính vì khó khăn ấy đã hình thành nên con người Vĩnh Cửu yêu tự do, tình yêu quê hương tạo nên sức mạnh của tinh thần chiến đấu bền bỉ, quật cường trong suốt cuộc trường chinh chống các thế lực ngoại xâm và tay sai bán nước. Vĩnh Cửu cũng là nơi sớm ra đời đội ngũ giai cấp công nhân, ngoài việc phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt với những cơn sốt rét rừng, người công nhân còn phải chịu đựng chế độ lao động hà khắc, khổ sai của bọn địa chủ phong kiến nên đã đồng tâm hiệp lực chống áp bức bất công.

Huyện Vĩnh Cửu là xứ sở có nhiều thành tích kháng chiến, nơi ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Biên Hòa (Chi bộ Bình Phước - Tân Triều 1935). Phong trào học sinh chống Pháp cũng bắt đầu tại đây. Trong những năm 30 của thế kỷ 20, huyện Vĩnh Cửu (lúc đó là quận Châu Thành, Biên Hòa) là cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Biên Hòa. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã dấy lên phong trào đấu tranh sôi nổi, là bước tập dượt quan trọng để nâng cao nhận thức cách mạngvà hình thức đấu tranh.

Thời kháng chiến chống Pháp là thời kỳ diễn ra ác liệt và đau thương. Bọn Pháp bắt thanh niên thuộc địa đi lính ở chiến trường Pháp. Nhân dân đã nổi lên đánh đuổi Pháp trong đó những người yêu nước của Trại Lâm Trung là minh chứng của lòng kiên trung bất khuất đã tấn công vào khám đường và dinh tỉnh trưởng của Pháp. Pháp đã bắt, xét xử 66 người và tử hình 9 người của Lâm Trung Trại. Trong kháng chiến chống Mỹ-Ngụy, Vĩnh Cửu là chiến trường trọng điểm của tỉnh Biên Hòa có tác dụng uy hiếp và kiềm chế rất quan trọng đối với kẻ thù, là vành đai án ngữ cửa ngõ chiến khu Đ về phía nam đồng thời là bàn đạp quan trọng để các lực lượng vũ trang cách mạng tiến công sân bay Biên Hòa và các kho tàng, căn cứ quân sự của Mỹ.

Từ khi giải phóng đất nước cho đến nay, huyện Vĩnh Cửu không ngừng thay da đổi thịt, kinh tế ngày càng phát triển. Địa bàn huyện này có Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Huyện có diện tích lớn nhất tỉnh và dân số ngày càng tăng do tốc độ phát triển công nghiệp như KCN Thạnh Phú. Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Chiến khu Đ là di tích lịch sử quan trọng, được xếp hạng di tích quốc gia tháng 12 năm 1998, hệ thống địa đạo Suối Linh, địa đạo Căn cứ Khu ủy Miền Đông và khu rừng tái sinh đang được tôn tạo, giữ gìn, thu hút nhiều người du khảo và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của vùng đất này.

70 năm dần trôi qua, Vĩnh Cửu hôm qua là chiến trường ác liệt và mang nhiều vết tích của chiến tranh, hôm nay ruộng vườn đã trải màu xanh tốt và ngày mai tươi sáng bởi bàn tay và khối óc cùng sức lao động của con người. Ôn lại truyền thống tốt đẹp và quá trình hình thành của vùng đất mến yêu ấy chúng ta càng thêm trân trọng hạt cơm mới nảy sinh từ những mảnh đất mà những người con anh hùng phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Đồng thời góp phần nhắc nhở, giáo dục con cháu học tập noi theo, để từ đó ra sức bảo vệ và gìn giữ quê hương, đất nước trong thời đại mới.

 

Như Quỳnh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 926 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày