Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 27/04/2016, 07:35

KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP CHIẾN KHU Đ – 55 NĂM THÀNH LẬP TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM

Trong chiến tranh cách mạng Việt Nam, Chiến khu Đ là một trong những căn cứ địa, cùng với các chiến khu Dương Minh Châu, Đồng Tháp Mười, U Minh Thượng, … đã đi vào lịch sử kháng chiến của nhân dân Nam Bộ như một biểu tượng của kháng chiến và của cách mạng. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chiến khu Đ đã trở thành chiếc nôi ra đời của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Hình thành từ đầu năm 1946, Chiếu khu Đ nằm trên địa bàn 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An của huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Với những ưu điểm về điều kiện tự nhiên, Chiến khu Đ có một vị trí quân sự đặc biệt quan trọng. Nằm trong hệ thống rừng núi phía bắc Miền Đông Nam Bộ, địa hình hiểm trở, Chiến khu Đ là một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, nơi cất giấu lực lượng, cất trữ kho tàng và phát triển mọi mặt của một căn cứ địa kháng chiến. Chiến khu Đ còn là một vị trí án ngữ chiến lược, nối nhiều chiến trường với nhau, là một trong những địa điểm liên lạc, tiếp nối, trung chuyển quan trọng từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam. Hơn nữa, với ưu thế tiếp cận các đường giao thông chiến lược, các đô thị lớn và trung tâm sào huyệt của địch – thành phố Sài Gòn, Chiến khu Đ có ưu thế là một bàn đạp quân sự quan trọng đặc biệt. Từ đây lực lượng kháng chiến có thể mở rộng các cuộc tiến công vào các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế của địch ở Sài Gòn, thị xã Biên Hòa, thị xã Thủ Dầu Một cùng toàn bộ các đường giao thông và cứ điểm quân sự địch trên vùng đông bắc Miền Đông Nam Bộ.

Chiến khu Đ đã giữ một vị trí không thể bỏ qua hay thay thế trong công cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Điều này biểu hiện rất sâu sắc trong diễn biến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua. Thời kỳ chống Pháp, chiến khu Đ tồn tại như một trung tâm kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ, nơi xây dựng một hình mẫu xã hội mới trong tiềm thức của toàn thể nhân dân miền Đông, cả với những người vào khu đi kháng chiến và những người bị địch kềm kẹp trong các vùng tạm bị chiếm. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nói đến lịch sử ra đời và phát triển của lực lượng chủ lực Miền không thể không nói đến chiến khu Đ.

Tên chiến khu Đ gắn liền với những chiến thắng vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân và dân miền Đông Nam bộ. Đó là chiến thắng Lạc An, Tân Uyên, Nhà Nai, Mã Đà, cầu Bà Kiên và hàng chục trận đánh bại các cuộc càn quét qui mô lớn kéo dài hàng tháng trời của địch trong kháng chiến chống Pháp; là chiến thắng Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, đường 14 -  Phước Long … trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong hai cuộc kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân chiến khu Đ đã chịu đựng và vượt qua bao nhiêu gian lao thử thách ác nghiệt của thiên nhiên, đói rét bệnh tật, bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù để bảo vệ, giữ vững căn cứ, góp phần làm nên truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” và là nỗi kinh hoàng đối với kẻ thù: “Chiến khu Đ còn – Sài Gòn mất”. Với vai trò, vị trí đặc biệt ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đánh giá “Chiến khu Đ với quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã lập được những chiến công vẻ vang, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, Quân đội Việt Nam ta nói chung, Đảng bộ và quân dân miền Nam nói riêng”

Về phương diện chính trị, tinh thần, chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần đoàn kết toàn dân, là niềm tin và là nguồn hy vọng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam bộ.

Trên một phương diện khác, với tầm vóc của mình, Chiến khu Đ được coi như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của cả nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Năm 1961 là năm đã hoàn thành quá trình thành lập Trung ương Cục, từ quyết định của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khóa III) ngày 23/1/1961 đến Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Cục họp ở Chiến khu Đ tháng 10/1961. Đồng thời với quá trình ra đời và kiện toàn về tổ chức, Trung ương Cục đã thực hiện ngay chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo được Trung ương Đảng phân công. Trung ương Cục đã cụ thể hóa đường lối cách mạng miền Nam khi đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Những chủ trương và biện pháp của Trung ương Cục đề ra và chỉ đạo thực hiện trong năm 1961, nhất là tại Hội nghị Trung ương Cục lần thứ nhất là đúng đắn và phù hợp. Trung ương Cục đã thực hiện đúng vai trò và sứ mệnh lịch sử được Trung ương Đảng cử ra và ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đối với Trung ương Cục đã thực hiện chặt chẽ, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của cả Trung ương Đảng và Trung ương Cục. Đó cũng là một bước phát triển trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam. Sự phân công công tác của các đồng chí lãnh đạo trong Trung ương Cục đối với các chiến trường, kiện toàn tổ chức các Khu ủy, Tỉnh ủy hướng về cơ sở, nắm dân trên tất cả các địa bàn đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam 1961, 1962 và các năm tiếp theo cho đến ngày toàn thắng.

Qua biết bao gian khổ, thăng trầm, Chiến khu Đ đã đi vào lịch sử như một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ngày nay, sau bao nhiêu năm chiến tranh lùi vào quá khứ, nhưng những bài học quý giá về lòng yêu nước, tinh thần xã thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, còn nguyên giá trị, đặc biệt là vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời đại mới.

Để kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ và 55 năm thành lập Trung Ương Cục miền Nam, chúng ta có dịp ôn lại cả một chặng đường thắng lợi với những thăng trầm của nó. Mặc cho bao năm tháng trôi qua, dấu tích của một thời căn cứ đang mai một đi bởi sự vận hành của tự nhiên và bởi những chuyển đổi lớn lao của đất nước. Nhưng những gì thuộc về nội dung lịch sử Trung ương Cục – cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng tại Nam Bộ, lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước sẽ không thể nào mất đi mà còn lại mãi mãi như một hằng số lịch sử. Và hằng số ấy trở thành một thứ tiềm lực to lớn góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 964 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày