Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 02/07/2016, 15:25

Kỷ niệm 40 năm ngày Thành phố Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh (2/7/1976 – 2/7/2016)

Vùng đất thành phố Hồ Chí Minh xưa kia thuộc đất Thủy Chân Lạp, nhưng lúc bấy giờ còn là vùng hoang hóa, dân cư thưa thớt. Bắt đầu từ thế kỷ XV, đã có người Việt ở vùng Tân Bình – Thuận Hóa chống quân Minh bị thất bại bỏ chạy vào đây lập nghiệp…

 

          Năm 1623, Chúa Nguyễn sai một phái bộ tới yêu cầu vua Chey Chettha II (con rể) cho lập đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đây là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng cũng là địa điểm qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Cao Miên  Xiêm La. Cùng khi đó, người Việt bắt đầu tập trung sinh sống tại xung quanh hai đồn này. Chẳng bao lâu, hai đồn thu thuế trở thành trung tâm của khu thị tứ trên bến dưới thuyền, công nghiệp và thương nghiệp trở nên sầm uất.

          Vào khoảng năm 1658, Chân Lạp đứng trên bờ vực khủng hoảng đã cầu viện chúa Nguyễn nhằm chống lại người Thái. Năm 1679, chúa Nguyễn cho phép một nhóm người Hoa tị nạn triều Mãn Thanh, gồm hơn 3.000 người đến cư trú ở Biên Hòa (Đồng Nai) và Mỹ Tho.

          Sau khi nối liền giang sơn một dải, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất vào Nam, thiết lập chính quyền, các đơn vị hành chính, chia đặt tỉnh, lỵ…, chính thức xác lập chủ quyền của Đại Việt trên vùng đất mới. Nguyễn Hữu Cảnh lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nghĩa là Quảng Bình mới), đặt ra hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định), cho quan vào cai trị. Từ đó, xứ Sài Gòn trở thành huyện Tân Bình và huyện sở đặt ở làng Tân Khai, là trụ sở của dinh Phiên Trấn. Những xóm làng đầu tiên của Sài Gòn là xóm Hòa Mỹ (tức xóm Thủy Trại, gần đường Cường Để), xóm Tân Khai (đường mé sông khoảng cầu Mống), xóm Long Điền, xóm Than, xóm Bàu Sen (cây Mai), xóm Phú Giáo, xóm Lò Bún, xóm Cây Củi, xóm Rẫy Cải, xóm Ụ Ghe. Sài Gòn trở thành một thị trấn đông đúc với hơn một vạn dân và là thủ phủ của dinh Phiên Trấn. Thanh Hà là xã đầu tiên của người Hoa ở, vùng Đồng Nai và Minh Hương là xã đầu tiên của người Hoa tại Tân Bình.

          Năm 1790, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho đắp thành Gia Định ở làng Tân Khai, lập Gia Định Kinh, làm nơi đóng đô của Nguyễn Ánh chống quân Tây Sơn. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1802, vua Gia Long cho lập kinh đô ở Huế, đổi Gia Định Kinh lại thành Gia Định Trấn. Đây là một đơn vị hành chính quản trị cả 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Do dễ gây ra sự nhầm lẫn về danh xưng Trấn, nên năm 1808, vua Gia Long cho thành lập Gia Định Thành, một cơ quan hành chính cấp cao, thay mặt hoàng đế quản trị 5 trấn. Tại Bắc Hà, Gia Long cũng cho thành lập một đơn vị hành chính tương đương là Bắc Thành.

          Năm 1832, vua Minh Mạng giải tán Gia Định Thành, chia lại 5 trấn do Gia Định Thành quản lý lại thành 6 tỉnh, gọi chung là Nam Kỳ Lục tỉnh. Phiên An trấn trở thành tỉnh Phiên An. Sau cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, thành Quy bị phá hủy. Một thành mới nhỏ hơn gọi là thành Phụng được xây dựng, thành này không chống nổi cuộc vây hãm của quân Pháp vài năm sau đó.

          Thời Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, người Pháp đã xây dựng ở Sài Gòn một thành phố tao nhã và sôi động được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" hay "Paris của Phương Đông". Sau khi chiếm được Sài Gòn vào năm 1859, người Pháp đã gấp rút quy hoạch xây dựng Sài Gòn thành một đô thị lớn nhiều chức năng (hành chính, quân sự, kinh tế, cảng,...). Ngày 19 tháng 12 năm 1941, các Tòa Thị chính của hai thành phố cũ: Sài Gòn và Chợ Lớn bị giải thể. Toàn Khu Sài Gòn - Chợ Lớn được chia thành 5 quận, bao gồm: Quận 1 (nay thuộc một phần quận 1); Quận 2 (nay thuộc một phần quận 1); Quận 3; Quận 4 (nay là địa bàn quận 5  quận 8); Quận 5 (nay là địa bàn thuộc quận 6).

          Năm 1945, nơi đây được gọi là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Vào ngày 23 tháng 9 năm 1945, ở đây xảy ra trận Sài Gòn - Chợ Lớn giữa quân đội của Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quân đội Pháp được hỗ trợ bởi Anh - Ấn. Sau khi tái chiếm được Đông Dương, năm 1948 chính quyền Pháp tại Đông Dương đã chia thành phố thành 6 quận hành chính, đến năm 1952, tăng thành 7. Quận 6 được thành lập từ một phần của quận Nhà Bè thuộc tỉnh Gia Định (nay là quận 4).

          Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã đổi tên Khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau khi trở thành Tổng thống, ngày 22 tháng 10 năm 1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh đổi “Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn” thành “Đô thành Sài Gòn”. Sau đó, lại ra sắc lệnh ấn định quy chế quản trị Sài Gòn: Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm Đô trưởng và các quận trưởng trong đô thành. Bốn ngày sau, lại có thêm nghị định chia lại các quận, theo đó Đô thành Sài Gòn được chia lại thành 8 quận, được đánh số từ 1 đến 8: Quận 1: địa giới quận I cũ, Quận 2: địa giới quận 2 cũ, Quận 3: địa giới quận 3 cũ, Quận 4: địa giới thuộc quận 6 cũ, Quận 5: phần địa giới thuộc quận 4 cũ, phía bắc Kênh Tàu Hủ, Quận 6: một phần địa giới của quận V cũ, Quận 7: một phần địa giới của quận 5 cũ, Quận 8: phần địa giới thuộc quận 4 cũ, phía nam Kênh Tàu Hủ. Dưới quận là phường, dưới phường là khóm. Tháng 12 năm 1966, quận 1 sát nhập thêm hai phường mới lập: An Khánh và Thủ Thiêm, từ xã An Khánh thuộc quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định kế cận tách ra. Tháng 1 năm 1967, hai phường mới của quận 1 lại tách ra, lập thành Quận 9 của Đô thành Sài Gòn có 2 phường. Tháng 7 năm 1969 thành lập Quận 10, Quận 11 trên cơ sở tách một phần Quận 3, Quận 5 và Quận 6. Lúc này thành phố có diện tích 67,53 km² với dân số khoảng 2 triệu người, gồm 11 quận và 60 phường.

          Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân Giải Phóng Miền Nam tấn công và Sài Gòn thất thủ. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị giải thể và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam - nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - quản lý miền Nam. Ngày 10 tháng 5 năm 1975, Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định xác định Thành phố Sài Gòn - Gia Định là một cơ cấu hành chính thống nhất, bao gồm toàn bộ Đô thành Sài Gòn, toàn bộ tỉnh Gia Định, quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương và quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa cũ. Toàn thành phố bao gồm 21 quận, trong đó 14 quận nội thành: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, Phú Nhuận (nguyên là xã Phú Nhuận, thuộc quận Tân Bình cũ, được tách ra và nâng cấp thành quận), Bình Hoà (nguyên là xã Bình Hòa, quận Gò Vấp cũ), Thạnh Mỹ Tây (nguyên là xã Thạnh Mỹ Tây, quận Gò Vấp cũ); 7 quận ngoại thành: Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chính, Tân Bình (trừ xã Phú Nhuận, Gò Vấp (trừ Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây), Hóc Môn, Củ Chi (gồm quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương và quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa cũ).

          Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đổi tên nước thành Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đồng thời đặt lại tên cho thành phố Sài Gòn theo tên của vị chủ tịch nước đầu tiên, Hồ Chí Minh. Cho đến nay, mặc dù đã được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tên gọi cũ Sài Gòn vẫn được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt trong các ngữ cảnh không chính thức. Đối với người dân có gốc ở Sài Gòn lâu đời và đặc biệt là cộng đồng người Việt hải ngoại, Sài Gòn vẫn là cái tên mà họ yêu chuộng và dùng hàng ngày.         

          Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng 30 - 4 - 1975, công cuộc xây dựng, tái thiết cơ sở hạ tầng được chính quyền và nhân dân thành phố chung tay vun đắp. Sau 40 năm kể từ ngày thành phố Sài Gòn được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trong gian khó thể hiện sức sống năng động của một thành phố đầu tàu về kinh tế, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước và đang từng bước xây dựng thành phố thành đô thị ngang tầm với đô thị các nước trong khu vực.

          40 năm, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đã thực sự đổi thay mọi mặt trên thực tế chứ không phải lý thuyết đó là dưới góc nhìn của người trí thức và Việt kiều là như thế. Còn đối với công dân của thành phố này thì họ lại càng tự hào hơn vì họ sinh ra trong thời bình và lớn lên cùng thành phố, họ cảm nhận được sự đổi thay mỗi ngày, từng góc phố, từng con đường đến từng dòng kênh. Thành phố Hồ Chí Minh giờ đã là một đô thị khang trang, hiện đại mang tầm vóc khu vực, tuy đã có những bước phát triển năng động nhưng vẫn gìn giữ được những giá trị văn hoá bền vững khi cuộc sống người dân ngày càng đi lên. Thành phố Hồ Chí Minh đổi thay mạnh mẽ với các công trình kiến trúc hiện đại, mang tầm thế kỷ bên sông Sài Gòn. Những vùng đầm lầy kênh rạch xưa nay đã trở thành những khu đô thị hiện đại. Dòng kênh xanh lộng lẫy ánh đèn đêm, hệ thống hạ tầng giao thông được mở mang thông suốt với các tuyến đường cao tốc, cầu, hầm vượt hiện đại (Hầm Thủ Thiêm, một trong những công trình hầm ngầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á ngày nay)... tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối thành phố với các vùng phụ cận.

          Việc quy hoạch và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố hiện đại với tầm nhìn rộng đang là ưu tiên số một của chính quyền. Bên cạnh những công trình đã trở thành biểu tượng của tư duy sáng tạo, sự năng động, dám nghĩ, dám làm của chính quyền và nhân dân thành phố này, như: hầm vượt sông Sài Gòn, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Sa - Trường Sa, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm… thì hiện tại thành phố đang di dời đường hoa Nguyễn Huệ sang đường Hàm Nghi để thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên cùng với các đường ngầm, đường trên cao, nhà ga trung tâm. Đây là công trình mà khi hoàn thành, người dân chỉ mất từ 20 - 30 phút có thể đi một mạch từ ngoại thành vào ngay quận trung tâm mà không bị kẹt xe, tắc đường… Công dân thành phố tự hào hơn bởi Thành phố hôm nay giao thông ngày càng tốt lên, nhà cửa khang trang, sạch đẹp hơn, sông rạch sạch sẽ hơn, con người cũng văn minh hơn, thế hệ trẻ đang và sẽ được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất của thành phố.

          Không chỉ có những con đường, khu đô thị hay những cây cầu mới, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới còn có những con số đầy ấn tượng: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 tăng 9,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ USD. Thành phố đã thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên 3,2 tỷ USD, trong đó dự án Sam sung có tổng vốn 1,4 tỷ USD. Cùng với sự phát triển về kinh tế, chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, bình ổn thị trường… Mỗi năm Tp. Hồ Chí Minh đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế đến thăm, chiếm 55% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiên phong trong việc giải quyết được tình trạng người nghiện lang thang và dẹp nạn người ăn xin trên đường phố, góp phần đem lại nhiều niềm vui cho người dân thành phố.

          Với ý thức trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của đất thép thành đồng; chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đang tận dụng những thời cơ và thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đi trước, về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

          Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 là xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò là một trong những đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á. Thành phố ngày càng có nhiều dự án phát triển các khu đô thị hiện đại làm thay đổi tích cực về điều kiện sống và môi trường cho hàng triệu người dân.

          Với khẩu hiệu “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, Thành phố Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc chăm lo, nâng cao đời sống người dân bằng nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả như: phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; đẩy mạnh chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội, giữa thành thị và nông thôn; nâng dần chuẩn an sinh xã hội thành phố ngang tầm khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
          Từ khi gia nhập vào lãnh thổ Đại Việt và được tổ chức thành các cấp hành chính đến nay, vùng đất Gia Định, Sài gòn và hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 300 năm, với biết bao lần thay đổi địa giới và địa danh, đã định hình thành một thành phố vào hàng lớn nhất cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và giao lưu quốc tế lớn nhất phía Nam Việt Nam.

          Có thể nói, sau 40 năm, từ “Hòn ngọc Viễn Đông” đến một “Siêu đô thị” hiện đại với nền tảng đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vững vàng và phát triển ngang tầm với khu vực và quốc tế đang ngày càng hiện rõ ở Thành phố Hồ Chí Minh, mảnh đất đầy nắng và gió của vùng đất phương Nam giàu đẹp và văn minh.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1797 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày