Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 12/07/2016, 09:25

KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY MẤT CỦA CỐ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (10/7/1986 – 10/7/2016)

30 năm đã trôi qua, kể từ ngày cố Tổng bí thư Lê Duẩn đi xa, về cõi vĩnh hằng. Công lao và sự nghiệp cách mạng của đồng chí được ghi đậm trong lịch sử đất nước và trong lòng dân tộc Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng.

Đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí tham gia Hội Thanh niên Cách mạng năm 1928 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1931, đồng chí là uỷ viên Ban Tuyên Huấn của Xứ uỷ Bắc Kỳ và cũng trong năm đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù, và lần lượt bị giam ở các nhà lao Hà Nội, Sơn La và Côn Đảo. Tại các nhà tù này, Lê Duẩn cùng nhiều Đảng viên Cộng sản lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức việc học tập chính trị.

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp và cuộc đấu tranh của nhân dân ta, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả lại tự do cho nhiều Đảng viên Cộng sản Việt Nam, trong đó có Lê Duẩn. Từ nhà tù trở về, Lê Duẩn đã tham gia hoạt động xây dựng phong trào ở các tỉnh miền Trung, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít và chống chiến tranh.

Năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, năm 1939 được bổ sung vào Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 9-1939 Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ thì tháng 11 năm ấy, Thường vụ Trung ương Đảng đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần đã tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 6, phân tích tình hình thế giới, trong nước và đề ra nhiệm vụ giải phóng dân tộc, lập Mặt trận Phản đế Đông Dương. Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (1940) lại trở lại nhấn mạnh hai nhiệm vụ cách mạng phản đế và thổ địa (phản phong). Tư tưởng đoàn kết các giai cấp và các tầng lớp yêu nước tập trung lực lượng chống kẻ thù đế quốc và tay sai đã được Nguyễn Ái Quốc nêu lên từ khi đề ra “Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt” được Hội nghị thành lập Đảng thông qua nhưng không được Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ và Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 thừa nhận. Tuy vậy tư tưởng của Người vẫn tồn tại âm ỷ trong các cấp của Đảng cho đến Hội nghị Trung ương 6 này lại được nêu lên.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, Lê Duẩn cùng nhiều đồng chí Trung ương bị bắt, một số đồng chí lãnh đạo bị kết án tử hình, Lê Duẩn bị kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Đảng và Chính phủ đưa tàu ra đón các đồng chí về, trong đó có Lê Duẩn, Bác Tôn, Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh...

Năm 1946, ra Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Năm 1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp ở Việt Bắc. Vì tình hình Nam Bộ có nhiều khó khăn, Lê Duẩn không ra dự nhưng đã gửi thư đóng góp ý kiến với Đại hội. Tại Đại hội này, đồng chí đã được bầu vắng mặt vào Trung ương và Trung ương đã cử vào Bộ Chính trị.

Cuối năm 1952, Lê Duẩn lại ra Bắc một thời gian. Theo hồi ký của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đây là lần đầu tiên đồng chí Võ Nguyên Giáp và Anh Ba Duẩn gặp nhau trao đổi nhiều vấn đề về tình tình thế giới và trong nước. Sau lần gặp ấy, Lê Duẩn trở về Nam Bộ với cương vị là uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Xứ uỷ. Đồng Chí đã cùng Xứ uỷ Nam Bộ đề ra chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất với phương pháp thích hợp, chủ trương xây dựng phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, chú trọng hơn vấn đề xây dựng bộ đội chủ lực. Đặc biệt là với chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng cả nước giành thắng lợi to lớn trong Đông Xuân 1953-1954, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn ở Nam Bộ.

Từ năm 1954 đến năm 1957, đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong những năm tháng vô cùng khó khăn này, đồng chí đã sống trong lòng nhân dân, được quần chúng bảo vệ, từ những vùng nông thôn hẻo lánh đến trung tâm các thành phố để củng cố các cơ sở cách mạng, chuẩn bị cuộc chiến đấu chống Mỹ.

Năm 1958, Trung ương cử đồng chí vào Ban Bí thư và chủ trì công việc của Ban Bí thư. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã đọc “Báo cáo chính trị”, trong đó nêu ra hai chiến lược cách mạng: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, kết hợp cách mạng hai miền nhằm mục tiêu chung hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà. Tại Đại hội này, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất. Suốt 15 năm trên cương vị này, trong hoàn cảnh đất nước trải qua thử thách cực kỳ nghiêm trọng và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng cả nước ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thông nhất Tổ quốc, đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976) và lần thứ V (năm 1982), đồng chí Lê Duẩn lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư. Tại Đại hội lần thứ IV, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí trình bày, đã tổng kết thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, và vạch ra đường lối chung của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tại Đại hội lần thứ V, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí trình bày Báo cáo chính trị, vạch rõ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đồng thời định ra chiến lược kinh tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Trong suốt thời gian đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư, sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Đảng ta nói chung là đúng đắn sáng suốt nên đã giành được thắng lợi vĩ đại. Ngày 10-07-1986, đồng chí Lê Duẩn từ trần. Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác.

Kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố tổng bí thư Lê Duẩn, dân tộc Việt Nam mãi mãi nhớ đến đồng chí Lê Duẩn, một đồng chí lãnh đạo, tấm gương người Cộng sản kiên cường bất khuất, năng động sáng tạo, suốt cuộc đời hy sinh chiến đấu cho lý tưởng Cộng sản cao cả, cho độc lập tự do của Tổ quốc.  Là người học trò xuất sắc của Bác Hồ, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, đã có cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

Nguyễn Yên

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1560 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày