Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 25/08/2016, 09:15

KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY MẤT CỦA THƯỢNG TƯỚNG TRẦN VĂN TRÀ (20/4/1996 -20/4/2016)

Cố Thượng tướng Trần Văn Trà tên thật là Nguyễn Chấn – Sinh năm 1919, tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vùng quê Sơn Tịnh nơi ông sinh ra tuy nghèo nhưng lúc nào cũng giàu truyền thống yêu nước, đây cũng là nơi đã sinh ra nhiều anh hùng và nhiều tướng lĩnh quân đội nổi tiếng của Việt Nam trong chiến tranh và trong hòa bình.

Ông là một vị tướng tài ba, đức độ, hết lòng vì dân, vì nước, vì đồng đội, đồng chí và vì quê hương Tịnh Long của ông. Hơn ai hết, người dân Tịnh Long, Sơn Tịnh (nay là TP. Quảng Ngãi) rất đỗi tự hào về ông - một người con đã làm rạng danh quê hương xứ sở.

Cha mẹ ông không có ruộng đất, cha ông làm thợ xây, mẹ ông buôn thúng bán bưng kiếm tiền nuôi con nhưng lúc nào cũng quyết tâm cho con cái học hành nên người. Cha ông cũng là một người yêu cách mạng, từng tham gia phong trào 1930 – 1931. Thừa hưởng tình yêu nước và tinh thần cách mạng của cha nên người thanh niên trẻ Nguyễn Chấn cũng sớm tham gia phong trào cách mạng ngay từ khi còn là học sinh.

Ngay từ năm mười bảy tuổi, ông đang theo học tại Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Đến năm mười tám tuổi, Trần Văn Trà đã sớm đứng vào đội ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Năm 1938, ông bị địch bắt tại Sài Gòn và sau 5 tháng giam giữ, được trả tự do, nhưng bị quản thúc vô thời hạn ở quê. Tháng 3 năm 1941, ông trốn lên Đà Lạt rồi về Nha Trang sau đó trở lại Sài Gòn bắt liên lạc với cách mạng. Tháng 11 năm 1944, ông bị địch bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn  Sài Gòn.

Năm 1945, ông tham gia quân đội. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Trần Văn Trà gắn bó với chiến trường và nhân dân miền Nam. Ông là một trong những người được phong tướng sớm nhất. Năm 1959, ông được phong Trung tướng và đến năm 1974 được phong Thượng tướng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với những cương vị khác nhau, ông đã góp phần lãnh đạo quân và dân miền Đông Nam Bộ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây căn cứ kháng chiến mở các chiến dịch để phối hợp với chiến trường toàn quốc, giành nhiều thắng lợi trong các trận đánh lớn… Sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (7/1954), ông tập kết ra Bắc và được bổ nhiệm làm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị và Tòa án Quân sự Trung ương. Năm 1959, ông được đề bạt cấp Trung tướng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam ngày càng mở rộng, năm 1963, ông được Trung ương cử về Nam đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó bí thư Quân ủy Miền. Với tài thao lược quân sự, ông đã góp phần chỉ đạo chỉ huy làm nên những trận thắng vang dội như Đất Cuốc, Đồng Xoài, Phước Long, chiến dịch Bình Giã, Mậu Thân, Nguyễn Huệ… Năm 1973, Hiệp định Paris Việt Nam được ký kết, Trung tướng Trần Văn Trà được cử làm trưởng đoàn đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kiểm soát thi hành hiệp định do 4 bên tham chiến. Năm 1974, ông được đề bạt quân hàm Thượng tướng.

Mùa xuân 1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn – Gia Định và cả miền Nam. Với cương vị Phó Tư lệnh chiến dịch, ông đã góp phần lãnh đạo cuộc tiến công nổi dậy ở B2, hoàn thành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà được cử làm Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định, sau đó giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Năm 1978, ông được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương. Ông đã từng được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội. Năm 1982, Thượng tướng nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, ông vẫn được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 1992 và kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh.

Ông sinh ra là vị tướng văn võ song toàn, Trần Văn Trà còn là người ham học, say mê nghiên cứu khoa học và là một cây bút sắc sảo đã để lại hàng ngàn trang bản thảo mà gần một nửa trong số đó đã được xuất bản: Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, Gởi người đang sống, Mùa thu lịch sử, Cảm nhận về xuân Mậu Thân, Hòa bình hay chiến tranh… Trong tác phẩm kết thúc cuộc chiến 30 năm, Trần Văn Trà đã viết những câu tràn đầy tình cảm: “…Khi về thành chớ quên bưng biền, rừng núi. Nhờ nhân dân mà ta làm nên tất cả, nay có tất cả trước hết phải vì nhân dân. Nhờ bạn bè mà ta tạo thành sự nghiệp, nay có sự nghiệp, chớ có lãng quên bạn bè. Cái đức của người Việt Nam là tình nghĩa thủy chung, là đạo xử thế nghĩa con người với con người, nên mắt ta phải trong, lòng ta phải sáng. Đó là cái quý nhất của một đời người…”. Ông nói với chính mình mà cũng gởi gắm nỗi lòng, suy nghĩ của mình đến bao người khác. Qua đoạn văn trên của Thượng tướng Trần Văn Trà, chúng ta càng thấy mênh mông lòng dân, tấm lòng thủy chung của “một vị tướng của nhân dân”.

Mãi mê với chinh chiến trận mạc, nên đến tận những năm tháng về hưu, Thượng tướng Trần Văn Trà mới có thời gian sống bên cạnh vợ con, vui hưởng cuộc sống yên bình với gia đình. Điều khiến ông luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc là ông luôn có một hậu phương vững chắc, một người vợ hiền đảm tần tảo nuôi con, chăm sóc gia đình, giúp ông yên lòng thực hiện nhiệm vụ lớn của mình với đất nước.

Trong những bữa cơm hằng ngày, câu chuyện mà ông thường kể cho vợ và những người con của mình nghe là những câu chuyện cảm động về chiến tranh, những kỉ niệm không thể nào quên của ông về những người đồng chí, đồng đội, hay chuyện về những người lính trở về từ chiến trận đang phải vật lộn với miếng cơm manh áo. Một người tiểu đội trưởng dũng cảm năm xưa giờ phải chạy ăn từng ngày trong căn nhà dột nát, một người mẹ liệt sỹ sống già yêu cô đơn, tất cả đều khiến đồng chí day dứt và trăn trở. Ông thương cảm với những khó khăn của đồng đội và thường dặn dò vợ con: “Phải luôn nhớ đến anh em cựu chiến binh. Chiến tranh qua rồi, nhưng nhiều người vẫn còn nghèo lắm. Nhà mình có gì ăn thì phải san sẻ bớt cho anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Nhờ người ta, mình mới có cuộc sống này. Nếu không có những sự hy sinh to lớn của họ thì làm gì đất nước được thống nhất...”. Vì vậy, khi là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông tìm mọi cách vận động, quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh, gia đình chính sách và giúp đỡ mọi người.

Ngày 20/4/1996, trong một lần đi công tác ở nước ngoài Thượng tướng Trần Văn Trà đột ngột từ trần đã để lại bao niềm tiếc thương cho các đồng chí và đồng bào dân tộc Việt Nam.

Tròn 20 năm đồng chí Trần Văn Trà đi vào cõi vô cùng, đất nước quê hương đã tiến những bước dài trong sự nghiệp kiến thiết, dựng xây. Vẫn còn đây hình ảnh đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà – một nhà yêu nước lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi nhớ ơn sâu sắc một vị tướng tài ba, lỗi lạc, người đã có công lao rất lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2071 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày