Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 12/10/2016, 14:05

Kỷ niệm 55 năm Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam tại Chiến khu Đ, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (10/10/1961 – 10/10/2016)

          Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam tại Chiến khu Đ là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt đối với tình hình kháng chiến của quân và dân miền Nam. Đây là hội nghị đánh dấu một bước ngoặt mới của phong trào cách mạng miền Nam chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

          Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng. Đầu năm 1961, thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đã ra quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam (lúc này bao gồm cả Trị Thiên, Liên khu 5, Khu 6 và Nam bộ). Vào thời điểm đó, Cao trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương đã làm cho chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị sụp đổ. Mỹ phải chọn con đường chiến tranh, chuyển từ chính sách viện trợ và cố vấn sang “chiến lược chiến tranh đặc biệt” hòng đè bẹp cách mạng miền Nam. Chúng lập ra bộ chỉ huy quân sự đặc biệt của Mỹ ở miền Nam; ráo riết đẩy mạnh và xây dựng quân ngụy – lực lượng chiến lược chủ yếu trong chiến tranh đặc biệt; đề ra kế hoạch Stalây – Staylo (Staley – Taylor) gom dân lập ấp chiến lược, coi đó là “quốc sách” của chế độ Mỹ - ngụy; đưa hàng trăm máy bay trực thăng và thiết xa vào miền Nam, nống ra đóng thêm đồn bót, liên tục mở các cuộc càn quét, khủng bố ác liệt đánh vào vùng đông dân cư, vùng căn cứ và vùng giải phóng của ta. Tham vọng của chúng là tiêu diệt lực lượng vũ trang còn non trẻ của ta, dập tắt phong trào nổi dậy của nhân dân, bình định miền Nam trong vòng 18 tháng bằng cách gom cho được 9 đến 10 triệu dân vào ấp chiến lược.

          Trước âm mưu mới của Mỹ, ngay từ những ngày đầu tháng 1/1961, với những tiên liệu sáng suốt về sự phát triển của tình hình sau Cao trào Đồng Khởi, Trung ương đã vạch ra phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, khẳng định quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ - ngụy lên một bước mới, bằng phát triển đấu tranh quân sự lên song song với đấu tranh chính trị để đánh bại mọi âm mưu của địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh đổ đế quốc Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam.

          Sau một thời gian tập trung chuẩn bị cho sự kiện chính trị rất quan trọng này, đúng ngày 10/10/1961, Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Cục miền Nam chính thức khai mạc tại rừng Mã Đà ở Tây Bắc Chiến khu Đ (nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. 

          Hội nghị Trung ương Cục lần thứ nhất đã quán triệt Chỉ thị ngày 31/1/1961 của Bộ Chính trị và đánh giá một cách toàn diện về phong trào đấu tranh cách mạng trong những năm qua (từ năm 1954 đến 1961), xác định phương hướng tiến lên của cách mạng miền Nam. Hội nghị đã khẳng định: “Con đường đúng đắn mà Đảng ta chủ trương hiện nay là con đường tổng khởi nghĩa dành chính quyền về tay nhân dân…, đó là con đường duy nhất và có nhiều khả năng hiện thực”. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là xây dựng các cơ quan chuyên môn giúp cấp ủy đề ra các chủ trương, đường lối, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các chủ trương, chỉ đạo nghiệp vụ cho cấp dưới và đào tạo cán bộ thuộc ngành phụ trách. Hội nghị cũng đã xác định nhiệm vụ cụ thể là: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”.

          Hội nghị Trung ương Cục lần thứ nhất đã thảo luận, nghiên cứu rất kỹ các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Bộ Chính trị để quán triệt sâu sắc phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Trung ương Cục nhấn mạnh nội dung xây dựng căn cứ địa là: xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, tích cực phát triển lực lượng du kích tự bảo vệ căn cứ, gắn với hoạt động chiến đấu với xây dựng, phát triển sản xuất, dự trữ hậu cần, tiếp tục củng cố và mở rộng nhiều vùng căn cứ: Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Vùng Rừng Sác, Đồng Tháp Mười, Rừng U Minh, vùng rừng núi Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ… để hình thành hệ thống căn cứ địa liên hoàn, đảm bảo cho nhiệm vụ lãnh đạo và phục vụ cho các lực lượng cách mạng. Từ đó, Hội nghị đã nêu ra 10 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện: Đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng rộng trên khắp 3 vùng; Đẩy mạnh đấu tranh vũ trang phối hợp với đấu tranh chính trị phá tan kế hoạch Stalây – Taylo của địch, chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa và đối phó với âm mưu mới của địch; Tăng cường vận động binh lính và sĩ quan trong quân đội ngụy, đây là công tác có tính chất chiến lược cần quán triệt trong quá trình cách mạng; Đẩy mạnh công tác Mặt trận và dân vận, tập hợp mọi lực lượng, mọi khả năng chống Mỹ Diệm; Tiếp tục xây dựng và mở rộng căn cứ địa; Xây dựng và củng cố chính quyền ở vùng giải phóng; Đẩy mạnh công tác kinh tế, tài chính nhằm cải thiện đời sống nhân dân; đáp ứng nhu cầu to lớn của cách mạng; Xây dựng và mở rộng cơ sở cách mạng ở thành thị; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục; Củng cố, xây dựng, phát triển Đảng, Đoàn.

          Hội nghị đã nhấn mạnh phải quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị về việc vận dụng đúng đắn, linh hoạt phương châm đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang song song đối với 3 vùng để thực hiện cụ thể trên từng chiến trường; lưu ý các cấp phải vừa chú trọng đánh địch mạnh ở vùng rừng núi, giáp ranh căn cứ, vừa hết sức chú trọng khôn khéo đưa lực lượng vũ trang thọc sâu vào vùng địch sơ hở để tiêu hao tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phân tán địch trên một quy mô lớn, phá thế kìm kẹp của địch ngày càng nhiều.

          Về tổ chức chỉ huy quân sự các cấp, Hội nghị quyết định thành lập: Ban Quân sự Miền (mật danh là Ban Quân sự R); Bộ Tư lệnh cấp quân khu (mật danh là Ban Quân sự T); Bộ chỉ huy cấp tỉnh đội, huyện đội (gọi là Ban Quân sự U và V), không tổ chức Đảng ủy mà do Thường vụ tỉnh ủy và huyện hủy trực tiếp lãnh đạo cử các đồng chí thường vụ phụ trách quân sự cùng một số cán bộ cấp ủy chỉ định thành lập cơ quan tỉnh và huyện. Xã đội (còn gọi là Y).

          Chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và phát triển lực lượng vũ trang tại chỗ của cách mạng miền Nam của Hội nghị là văn kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy và đặt nền móng cho việc đánh bại các chiến lược “Chiến tranh cục bộ” “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy, cùng với toàn đảng, toàn quân, toàn dân đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

          Sự kiện thành lập Trung ương Cục miền Nam và việc tổ chức Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Cục tại Chiến khu Đ nhằm xác định những vấn đề hệ trọng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách về chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng đã khẳng định vị trí đặc biệt của Chiến khu Đ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

          Tại căn cứ này, Trung ương Cục đã xây dựng và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, các cơ quan tham mưu, xây dựng Quân Giải phóng miền Nam, đón tiếp lực lượng cán bộ tập kết và chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho miền Nam, xây dựng hậu cần, tích lũy lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của Trung ương, Bộ Chính trị cùng với những cố gắng to lớn của Trung ương Cục, toàn Đảng bộ và quân dân miền Nam, đến cuối năm 1962, đầu năm 1963 đã giành được thắng lợi bước đầu rất quan trọng, làm thất bại kế hoạch Stalây – Staylo, từng bước giành lại thế chủ động và đẩy lùi địch.

          Tuy Trung ương Cục miền Nam ở Chiến khu Đ một thời gian không lâu (1961- 1962), nhưng căn cứ kháng chiến này đã trở thành ý chí, biểu tượng cho lý tưởng giải phóng dân tộc, lòng quyết tâm của toàn Đảng bộ và quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

          Hiện nay Di tích lịch sử, cách mạng Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961 – 1962 tọa lạc tại lâm trường Vĩnh An (Chiến khu Đ), thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là di tích có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của căn cứ Trung ương Cục đầu tiên, là nơi đứng chân của Trung ương Cục – đại diện cho Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

          Nhân kỷ niệm 55 năm Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam tại Chiến khu Đ, ôn lại lịch sử nhằm góp phần nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam. Tất cả văn kiện của Hội nghị là cương lĩnh chính trị quân sự đầu tiên của lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với vị trí lịch sử đặc biệt đó, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ nhất ở Mã Đà, Chiến Khu Đ đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam và chiến tranh giải phóng của nhân dân miền Nam. Những bài học về đấu tranh chính trị, phát triển lực lượng vũ trang tại chỗ của cách mạng miền Nam vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2541 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày