Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 14/03/2018, 15:05

Kỷ niệm 30 năm Hải chiến Gạc Ma - Trường Sa năm 1988 (14/3/1988 - 14/3/2018)

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, cách đây 30 năm đã diễn ra cuộc Hải chiến Gạc Ma - Trường sa giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam,64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ngoài vùng biển Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, đến nay thân xác các chiến sĩ trong trận đánh Gạc Ma vẫn nằm yên dưới đáy biển sâu.

Hải chiến Gạc Ma - Trường Sa 1988 là tên gọi của một trận đánh trên biển Đông năm 1988.Khi các tàu vận tải cùng với chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao của Việt Nam thì Hải quân Trung Hoa bất ngờ đưa tàu chiến ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ trên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc của Việt Nam, nổ súng tấn công hòng chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa(Gạc Ma là một rạn đá ngầm được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Khi nước triều xuống, hòn đảo như một vệt đá trải dài giữa biển). Sự kiện xảy ra vào mùa xuân 1988, gây cho hải quân Việt Nam nhiều tổn thất…

Cuối năm 1987 Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, bao gồm việc củng cố, xây dựng thêm các hạng mục công trình chiền đấu, sinh hoạt cho bộ đội.

Sau Tết Nguyên đán, các chiến sĩ Trung đoàn công binh 83 (Quân chủng Hải quân) nhận lệnh từ Sơn Trà (Đà Nẵng) vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm ở Trường Sa , theo chiến dịch CQ-88.

Đầu tháng 3-1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm các đảo: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) Trung Quốc lại có ý đồ chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm kiểm soát cả khu vực. Để thực hiện ý đồ này, Trung Quốc đã huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9-12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải, tàu đo đạc.

20h ngày 11/3/1988, tàu 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở theo lính công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) – cách đất liền khoảng 500 km. Đảo chìm Gạc ma lúc đó chỉ là những bãi san hô nổi lên giữa biển, có tên trong Bản đồ Việt Nam.

2h sáng ngày 12/3, nhận thấy nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh quân chủng điều thêm tàu HQ-605 cùng HQ-604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu 505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin. Sau hai ngày đêm, HQ-604 và HQ-605 có mặt tại Gạc Ma vào chiều tối 13/3. Đêm đó, sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho bộ phận giữ đảo quyết tâm phải giữ vững các mục tiêu đã xác định là Cô Lin, Lên Đao và Gạc Ma.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã triển khai lực lượng bảo vệ giữ chủ quyền. Tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân khẩn trương vào lúc 5 giờ ngày 14-3-1988 tàu đã  đến đảo, cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền. Trước đó, lúc 9 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ-604 do Đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng được lệnh về Gạc Ma; tàu HQ-505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ tiến về đảo Cô Lin. Phối hợp với 2 tàu này có 2 đội công binh 70 người và 4 tổ chiến đấu 22 người thuộc Lữ đoàn 146. Sau khi 2 tàu thả neo được khoảng 30 phút, tàu hộ vệ, tàu Trung Quốc áp sát liên tục đe dọa, uy hiếp.

Lúc 21 giờ ngày 13-3-1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho các thuyền trưởng chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, đồng thời khẩn trương thả xuồng, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm. Tàu HQ-604 cho công binh chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma. Lúc này chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã cắm cờ trên đảo và triển khai 4 tổ bảo vệ. Thấy vậy, phía Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ có trang bị pháo 100 ly đến hỗ trợ, đe dọa buộc ta phải rời khỏi Gạc Ma. Trước căng thẳng ấy, Ban chỉ huy tàu HQ-604 họp bàn, nhận định Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

Tại Đá Gạc Ma: Sáng sớm ngày 14/3, khi tổ cắm cờ và giữ cờ với khoảng 25 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ, chỉ mang theo hai khẩu AK 47, xà beng, cuốc xẻng.4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa Trung Quốc chạy đến, 1 tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát 200-300m. Trung Quốc dùng xuồng máy đổ bộ vào 50 lính có trang bị súng AK (48 lính mang AK, 1 lính mang điện đàm, 1 lính mang súng ngắn). Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn hy sinh.Lúc này, phía đảo Gạc Ma là cảnh tượng hoang tàn. Nhiều mảnh vỡ, đồ đạc của tàu trôi dạt khắp nơi…

7h30 cùng ngày, tàu Trung Quốc nhả đạn hỏa lực gồm đủ loại từ trọng liên 12,7mm, pháo 37mm cho tới pháo 76,2mm, pháo 100mm, có cả dàn ống phóng rocket 12 nòng bắn vào tàu HQ-604 và lính Việt Nam trên đảo. Sau loạt đạn, gần như toàn bộ lính Việt Nam trên đảo không được trang bị vũ khí hy sinh. Sau đó, tàu Trung Quốc quay sang bắn cả tàu HQ-505 bên đảo Cô Lin và tàu HQ-605 bên đảo Len Đao. Trung Quốc tiếp tục nã pháo cho đến khi tàu HQ-604 bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đá Gạc Ma.

Trên Đá Cô Lin: 6h tàu HQ-505 của Việt Nam đã cắm 2 lá cờ trên đá. Khi thấy tàu HQ-604 bị chìm, thuyền trưởng HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhỏ neo cho tàu ủi bãi,cắm cờ chủ quyền và hạ lệnh hạ xuồng máy cứu sinh ra ứng cứu đồng đội. Phát hiện tàu HQ-505 đang lên bãi, 2 tàu Trung Quốc quay sang  tấn công khi tàu HQ-505 trườn được 2/3 thân tàu lên đá thì bốc cháy. Nhờ việc ủi bãi nên tàu HQ-505 không bị chìm, chiến sĩ tàu HQ-505 hoàn thành nhiệm vụ giữ được chủ quyền ở đảo Cô Lin.

Trên Đá Len Đao: 8h20 ngày 14/3 hải quân Trung Quốc bắn vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam. Tàu HQ-605 bị bốc cháy và chìm.Ngày 15/3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn.

Trong sự kiện bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, về phía ta, Tàu HQ-604 và HQ-605 bị chìm, HQ-505 bị hư hỏng, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 chiến sĩ bị bắt.Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc.

Kể từ ngày 14/3/1988, Việt Nam đóng giữ thêm đá Len Đao và đá Cô Lin. Ngày 15/3/1988, đóng giữ đảo chìm Đá Thị, ngày 16/3 đóng giữ đảo Đá Nam. Tổng cộng trong năm 1988, Việt Nam đóng giữ thêm 11 đảo chìm. Tháng 11/1988, Hải quân Việt Nam bắt đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực mỏ dầu DK1 ở thềm lục địa phía Nam…

Nhằm ghi công và tri ân 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh trong cuộc hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 27-7-2017, khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “vòng tròn bất tử”, từ hình ảnh 64 chiến sĩ hải quân nắm tay nhau, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma, trong trận chiến giữ đảo ngày 14-3-1988 được hình thànhở bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Công trình như một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, với khát vọng giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

30 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau mất mát thì không bao giờ kể xiết. Song chúng ta đều rất tự hào và kiêu hãnh, bởi đất nước Việt Nam đã sinh ra những người con anh hùng, bất khuất, các anh đã hy sinh cho Tổ quốc được độc lập, thanh bình.Và đúng như mong muốn của thuyền trưởng con tàu anh hùng HQ 505Vũ Huy Lễ nói: “Chúng tôi muốn các thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì quê hương, không bao giờ quên Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc”. Vâng, cha anh hãy yên lòng, thế hệ sau chúng tôi sẽ ghi nhớ Gạc Ma, nguyện sẽ kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, tiếp tục sự nghiệp bảo vệ và xây dựng biển đảo Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1425 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày