Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 27/12/2018, 07:55

Kỷ niệm 60 năm ra đời tác phẩm ''Đạo đức cách mạng'' của Hồ Chí Minh (12/1958 – 12/2018)

Đạo đức cách mạng là tác phẩm đặc biệt ra đời trong tình hình mới của cách mạng Việt Nam.Tháng 12-1958, khi sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nỗ lực thực hiện cùng với công cuộc khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc thì đồng thời đó lại có những biểu hiện suy thoái và chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không dừng lại ở hiện tượng đơn lẻ, mà trở thành căn bệnh, nguy cơ của Đảng ta. Chính vì vậy, mà tác phẩm đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch ra đời nhằm khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, chỉ rõ kẻ thù, những nguy cơ của đạo đức cách mạng, đồng thời nêu rõ những biện pháp để ngăn ngừa và sửa chữa căn bệnh đó…

Theo các tư liệu mà tác giả thu thập được thì tác phẩm “Đạo đức cách mạng” ra đời được Bác Hồ lấy bút danh là Trần Lực, tác phẩm được in lần đầu trên tạp chí Học tập (nay là tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12 -1958.

Với nội dung rất phong phú, lối viết súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu của Người, tác phẩm đã chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức mới – đạo đức cách mạng. Tác phẩm tuy không dày (chỉ gần 20 trang giấy), nhưng đã thể hiện được những nội dung cụ thể về đạo đức cách mạng như sau: Đạo đức cách mạng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, đoàn kết chặt chẽ với nông dân, trí thức và toàn dân tộc, ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác. Đạo đức cách mạng là phải thực hiện được các mục tiêu của Đảng, phải hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đạo đức cách mạng là, vô luận cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không cúi đầu. Đạo đức cách mạng là, phải luôn luôn thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải thật sự gương mẫu, lời nói phải đi đôi với việc làm, tư tưởng phải thống nhất với việc làm. Đạo đức cách mạng là phải biết hy sinh cho sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và của dân tộc, coi đó là niềm vinh dự. Phân tích về con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên Chủ nghĩa xã hội.Và cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chúng ta sẽ chiến thắng chủ nghĩa cá nhân

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, để chống lại chủ nghĩa cá nhân, nhất định phải rèn luyện, tu dưỡng và thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách  mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước… Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Theo Người, đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Cũng trong tác phẩm Bác đã nhấn mạnh những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa tập thể, đồng thời nêu những cách thức xây dựng phong cách làm việc quần chúng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Theo đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống; chống và bài trừ các hành vi mang tính chủ nghĩa cá nhân, đặc quyền, đặc lợi; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân... Theo Người, lợi ích của nhân dân, dân tộc và cách mạng phải đặt lên trước lợi ích cá nhân. Khi hai lợi ích mâu thuẫn nhau thì lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích cách mạng, nhân dân, dân tộc. Ngược lại, lợi ích chung cũng sẽ tạo điều kiện cho cá nhân phát triển. Sự thống nhất, hài hòa giữa hai lợi ích này là động lực cho cá nhân hoạt động, là cơ sở cho sự gắn bó giữa cá nhân với tập thể và xã hội, đồng thời phát huy được sức mạnh cá nhân, cộng đồng trong sự nghiệp cách mạng chung. Thực tiễn đã chỉ rõ tính biện chứng, đúng đắn của việc giải quyết hài hòa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân trong quan điểm của Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá, thì tác phẩm “Đạo đức cách mạng” có giá trị cao về công tác Đảng, cách mạng. Bởi đây là tác phẩm đầu tiên và duy nhất được trình bày một cách hệ thống, hoàn chỉnh và bao quát những vấn đề cơ bản về đạo đức cách mạng. Tác phẩm Đạo đức cách mạng ra đời đúng vào hoàn cảnh đặc biệt của cách mạng nước ta, khi dấu hiệu của căn bệnh suy thoái về đạo đức, chủ nghĩa cá nhân đang dần biểu hiện. Tác phẩm như liều thuốc quý, đánh vào tâm lý của người cách mạng, thức tỉnh người cách mạng đang có những hành vi đi chệch hướng với quy chuẩn của đạo đức cách mạng... Tác phẩm có ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn đối với Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên và toàn dân ta.

Nói về những tác phẩm của Bác viết về Đảng về cách mạng thì rất nhiều.Trước tác phẩm “Đạo đức cách mạng” năm 1958, thì tác phẩm “Đường Cách mệnh” ra đời năm 1927, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; năm 1965 đến năm 1969 Bác viết “Di chúc”, trong Di chúc Bác cũng nói nhiều về “đạo đức cách mạng” và vào ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1969) Bác viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đó là những tác phẩm tiêu biểu của Bác thể hiện tư tưởng về đạo đức cách mạng, cùng hàng trăm bài nói, bài viết khác Bác đề cập đến việc bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội  tiền phong của giai cấp và dân tộc. Cả cuộc đời Bác đều giành tâm huyết để lo cho dân, cho nước, ôi tấm lòng Bác thật bao la vĩ đại.

Để thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với lý tưởng của Đảng, quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân; ham học hỏi, tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản thân để không ngừng tiến bộ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tích cực tự phê bình và phê bình, dám chống lại cái sai, bảo vệ cái đúng; tích cực học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; rèn luyện tác phong quần chúng, gần dân, hiểu dân, tôn trọng nhân dân...

Trong tình hình hiện nay, khi đất nước đang thực hiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” càng có giá trị thực tiễn cao, càng phải được vận dụng xuyên suốttrong việc phòng chống tham ô, tham nhũng, quan liêu, lãng phí của công, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh xứng đáng với tâm nguyện của Bác lúc sinh thời.

Ra đời đã tròn 60 năm, nhưng những nội dung cơ bản, những vấn đề có tính nguyên tắc trong tác phẩm “Ðạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằmbảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, để chống chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên thực hiện đạo đức cách mạng, để xây dựng một Ðảng cầm quyền duy nhất trong sạch, vững mạnh, một chính quyền hướng về dân, một đội ngũ công chức xứng đáng là công bộc của dân... vẫn còn đó một sức sống trường tồn, giữ nguyên giá trị thực tiễn.

Thấm nhuần tác phẩm Đạo đức cách mạng của Người, bản thân tôi với tư cách là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyện cố gắng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, gương mẫu thực hiện điều lệ Đảng, sống trong sạch, liêm khiết, thanh cao, đẩy mạnh tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân sống lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, xứng đáng với tình yêu của Bác giành cho cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân.

Nhân kỷ niệm 60 năm ra đời tác phẩm Đạo đức cách mạng, là dịp để ôn lại những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, đồng thời góp phần tuyên truyền các chuẩn mực đạo đức cách mạng tới mỗi cán bộ, đảng viên.Giúp mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần những giá trị trong tác phẩm đạo đức cách mạng, góp phần giúp đảng ta thực sự được trong sạch và vững mạnh, tạo thêm niềm tin yêu của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tài liệu tham khảo:

Về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh, NXB. Sự thật, năm 1976.

Về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh, NXB. Chính trị Quốc gia, 2008.

Về tác phẩm nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2012.

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 (1957-1958). NXB. Chính trị Quốc gia, 2011.

Tạp chí Thanh niên, số 45, ngày 08/12/2018.

http://lyluanchinhtri.vn, thứ sáu, 18 tháng 5 năm  2018.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1045 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày