Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng > Danh mục
Áo dài - Trang phục tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam

Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Trải qua từng thời kì phát triển của lịch sử, áo dài luôn không ngừng biến đổi, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng biệt nhưng vẫn đảm bảo tôn được vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người phụ nữ Việt. Phát triển qua rất nhiều năm tháng áo dài đã trở thành nét đặc trưng của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam

Từ ngàn xưa, áo dài được xem là trang phục truyền thống của người Việt Nam, được đông đảo người Việt ở mọi lứa tuổi ưa chuộng và mặc không những đi học đi làm mà còn được mặc trong những sự kiện đặc biệt. Cũng giống như lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, tà áo dài đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước và có sự thay đổi rất nhiều so với những ngày đầu tiên xuất hiện nhưng vẫn luôn giữ được nét văn hóa rất đẹp, rất Việt Nam.

Áo dài trước thời Nguyễn: Áo dài được cho là xuất hiện đầu tiên vào những năm 38-42 SCN. Trong giai đoạn này, áo dài thường được gắn liền với hình ảnh Hai Bà Trưng mặc ra chiến trường, đánh giặc Hán giành độc lập cho nước nhà.

Áo dài thời Nguyễn, gồm có áo dài tứ thân và áo dài ngũ thân:

Vào thời điểm vua Nguyễn Phúc Khoát đã lên ngôi và cai trị vùng đất phía Nam. Miền Bắc được cai quản bởi chúa Trịnh ở Hà Nội, người dân ở đây mặc áo giao lĩnh, trang phục mang nét tương đồng với người Hán. Có lẽ sự xuất hiện của áo dài bắt nguồn từ áo giao lãnh – là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lãnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.

Nhằm phân biệt giữa Nam và Bắc, vua Nguyễn Phúc Khoát đã yêu cầu tất cả phụ tá của mình vận quần dài bên trong một chiếc áo lụa. Bộ váy này kết hợp giữa trang phục người Hán và Chămpa. Có thể đây là hình ảnh của bộ áo dài đầu tiên.

Đến thời vua Gia Long, chiếc áo dài ngũ thân dần xuất hiện dựa trên áo tứ thân. Thiết kế này bao gồm 2 tà ở sau, 2 tà ở trước và một tà váy ẩn dưới tà trước. Đây cũng là bộ váy đầu tiên có xẻ tà ở eo, một trong những điểm đặc biệt trong áo dài hiện đại. Không giống như những thiết kế sau này, áo ngũ thân ít ôm hơn và cũng ngắn hơn áo dài bây giờ. Loại áo này thường được may thêm một tà nhỏ để tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội. Giai cấp quan lại quý tộc thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội.

Áo dài truyền thống Việt Nam (từ 1970 đến nay): Qua các thời kỳ áo dài Việt Nam có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách (được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân…) Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.

Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động Tuần lễ Áo dài2021 trên toàn quốc. Theo đó, từ ngày 1-8/3/2021, các địa phương vận động cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nữ công chức, viên chức, phụ nữ mọi lứa tuổi hưởng ứng mặc áo dài khi đến công sở, trường học, tham gia các sự kiện và hoạt động khác phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19, nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài và phụ nữ Việt Nam.

Hưởng ứng phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài trong chuỗi hoạt động Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh quy định 100% cán bộ Hội các cấp mặc áo dài truyền thống Việt Nam trong các ngày làm việc, học tập từ ngày 1 đến hết ngày 8-3. Đồng thời, thông qua trang fanpage Hội Liên hiệp phụ nữ Đồng Nai, Hội cũng tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ và những cá nhân phụ nữ yêu thích áo dài truyền thống mặc áo dài truyền thống trong những ngày làm việc. Để lan tỏa vẻ đẹp áo dài, Hội LHPN tỉnh cũng đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam bằng cách chụp hình dưới dạng tập thể hoặc cá nhân mặc áo dài, đăng lên trang facebook cá nhân có gắn Hashtag: #TuanleaodaiVietNam, #PhuNuDongNai…  Các ảnh đẹp sau khi đăng tải trên Fanpage Hội LHPN tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ cũng như những bình luận tích cực của cộng đồng. Qua đó, giới thiệu và tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, mà điểm nhấn là phụ nữ Đồng Nai, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân.

Đối với phụ nữ Thư viện tỉnh Đồng Nai, áo dài là trang phục vừa toát lên vẻ đẹp nền nã dịu hiền vừa có nét hiện đại không kém phần trang trọng. Nó không chỉ thể hiện vẻ đẹp bên ngoài mà còn tô điểm nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Có một điều thú vị cho dù ở độ tuổi nào, vóc dáng nào, chiếc áo dài đều mang lại sự tự tin và niềm kiêu hãnh, nhất là trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế. Sự phong phú về chất liệu cũng như sự tinh tế, sắc sảo của các họa tiết được thể hiện trên áo khiến người mặc có nhiều sự lựa chọn phù hợp cho riêng mình. Thật vui, thật may mắn là nghề nghiệp của chị em chúng tôi hiện nay nhiều lúc cũng gắn với trang phục áo dài, đó là vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm trọng đại của quê hương, đất nước, ngày hội văn hóa đọc, liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách... Đặc biệt trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 thì áo dài luôn là trang phục đầu tiên mà quý chị em phụ nữ chúng tôi lựa chọn. Với những vẻ đẹp tuyệt vời và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa ấy, áo dài – đã được chọn là quốc phục của đất nước, dân tộc Việt Nam. Đây cũng là chủ đề đã mang lại nhiều cảm hứng cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác văn học, nghệ thuật. Dù thời gian có đổi thay, nhiều loại hình trang phục ra đời, nhưng chắc chắn một điều rằng áo dài luôn là một trong những bộ sưu tập không thể thiếu của hầu hết chị em phụ nữ Việt Nam xưa và nay.

 

Tài liệu tham khảo:

1.      Lịch sử phát triển áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. Nguồn http://hoilhpn.org.vn.

2.      Lịch sử áo dài Việt Nam. Nguồn https://toiyeu.com.vn/

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 

Dấu ấn Biên Hòa – Đồng Nai trong tôi.

Buổi sáng khí trời mát dịu, làm bạn với chiếc xe quen thuộc, đang chạy trên con đường nhựa sạch sẽ với hàng cây xanh bên đường để tới nơi làm việc như thường lệ. Chợt giật mình nghĩ, ô không ngờ mình đã sống trên mảnh đất này được ba năm. Nơi mà trong tiềm thức chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày sẽ gắn bó với nó - Biên Hòa ,Đồng Nai. Bây giờ đối với tôi mảnh đất này trở nên thân quen đến lạ lùng.

Biên Hòa, Đồng nai sắp tới đây sẽ kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển. Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này trải qua biết bao nhiêu thăng trầm cùng lịch sử mới có ngày rực rỡ  như hôm nay.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Nghệ đã viết về cuộc gặp gỡ định mệnh, giữa những con người vùng Ngũ Quảng vượt biển hay chèo đèo lội suối tìm đường vào Nam với mảnh đất Đồng Nai xưa trong bài thơ “Lịch sử Đồng Nai” như thế này:

               Người gặp sông, ngụm nước mát ngọt ngào,

               Kết bè nứa xuôi dòng say nắng sáng.

               Đây trời xanh nhởn nhơ đàn cò trắng,

               Đây đồng tranh ngơ ngẩn đám nai vàng.

Trải qua đoạn đường dài đầy chông gai với máu và nước mắt, những con người không chịu nổi cảnh thống khổ nơi làng quê nghèo đã “xông pha vượt núi băng ngàn”, để tìm tới mảnh đất này. Họ tiến vào Nam với đủ sự thiếu thốn: đầu trần, chân đất, quần áo mỏng manh, đói khát và những cơn sốt rét rừng đã lấy đi không biết bao sức khỏe, thậm chí là sinh mạng của bản thân và gia đình, họ đã thề “Dầu trắc trở núi đồi. Cũng liều sống thác tìm trời tự do”. Thế nên, khi đặt chân tới được vùng đất “Đồng nai”  họ đã quên hết đi mọi khó khăn mệt nhọc, bởi ở đây họ gặp được “ ngụm nước mát”, “ nắng sáng”,  “trời xanh”, “đàn cò trắng”, “đồng tranh”, có đám nai vàng ngẩn ngơ. Hỏi cảnh vật còn gì hiền hòa hơn thế nữa, còn gì tốt tươi hơn thế nữa mà không chọn đây là vùng “trời đất mới” cho cuộc sống của mình.

Thật không sai khi nói khí hậu nơi đây được thiên nhiên ưu đãi khi quanh năm dường như mát mẻ, nó không có cái rét run người như ở Bắc bộ quê tôi, hay cái nóng như thiêu như đốt trên 40 °C  của đất Sài Gòn. Nhiệt độ trung bình nơi đây chỉ từ khoảng 23°C đến 33 °C. Đồng Nai nằm trong khu vực Đông Nam Bộ nên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Chia làm 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 10, mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Điều đó làm cho con người sinh sống nơi đây luôn cảm thấy dễ chịu khỏe khoắn và yêu đời. Sáng sớm những ai tới khuôn viên Quảng trường tinh, có lẽ đều có một cảm giác yêu đời giống như tôi. Tôi cảm nhận được tình yêu mảnh đất này của các cô các chú lớn tuổi khi họ vui vẻ tập thể dục với nhau, người chạy bộ, người chơi cầu lông, người tập võ, vừa tập vừa cười, tiếng cười hiền hậu và giòn tan như nói lên lòng thỏa mãn với cuộc sống mà mảnh đất này mang lại vậy. Tôi cũng thế, cũng vui vẻ và hạnh phúc với những gì mảnh đất này mang đến cho tôi – một con bé miền biển Bắc bộ nhỏ bé và ngây ngô. Nơi đây cho tôi một căn nhà nho nhỏ với một mái ấm gia đình hạnh phúc cùng chồng và cậu con trai lém lỉnh. Biên Hòa – Đồng Nai cũng là nơi trao cho tôi công việc khi ra trường. Thư viện tỉnh đã thu nhận tôi và biến tôi thành một cô thủ thư vui vẻ các bạn ạ. Cũng tại nơi này tôi đã được mọi người yêu quý, chỉ bảo và giúp đỡ rất nhiều. Tôi luôn ghi dấu trong lòng lời biết ơn từ đó.

Tôi cảm thấy thích thú vì ở đây tôi được tiếp xúc với nhiều người ở những vùng miền khác nhau, từ người miền Bắc, miền Trung, miền Tây tới người Nam gốc. Đặc điểm dân cư Thành phố Biên Hòa đa dạng là do sự di cư đến đây sinh sống lao động và làm việc. Cũng chính vì thế mà ẩm thực và văn hóa nơi đây rất đa dạng, phong phú. Có quán ăn thiên về vị mặn của người Bắc, người Trung, có quán ăn vị ngọt béo cho người miền Nam và miền Tây, có món ăn hài hòa cả hai vị mặn ngọt cho những ai là người miền ngoài vào đây đã lâu năm. Từ trái cây tới món ăn vặt hay những món ăn đặc sản cũng ghi dấu ấn của sự đa dạng. Ví dụ như quán phở Hà Nội, thịt cày Nam Định, quán mì Quảng, hủ tiếu, bánh đa cua, chả lụi, bánh bột lọc…Tất cả các quán ăn hàng hiệu hay vỉa hè đều tấp nập, nhộn nhịp về đêm. Dưới ánh đèn điện sáng choang của thành phố, các bạn nam thanh nữ tú thì vui vẻ câu chuyện trong các quán trà sữa, cà phê, còn các anh, các chú, các bác thì lại huyên náo trong các quán ăn. Dường như họ đã quên hết đi một ngày tất bật lao động và học tập mệt mỏi. Những con người nơi mảnh đất này cũng giống như bao người con đất Việt vậy gần gũi và hiền hòa.

 Khi chạy xe khám phá thành phố Biên Hòa những ngày đầu mới đến, tôi nhận ra rằng ở mảnh đất này rất đa dạng về văn hóa tín ngưỡng. Bạn có thể phải thốt lên sửng sốt khi chạy qua xóm đạo Công giáo tại khu vực Hố Nai. Khu vực này dọc hai bên đường chỉ khoảng mười mấy mét lại có một nhà thờ đẹp đẽ và yên bình. Vô tình đi qua đây vào buổi chiều, hàng loạt tiếng chuông nhà thờ vang lên làm cho tôi gợi nhớ về quê nhà. Không những thế mảnh đất Biên Hòa cũng là nơi có nhiều phật tử sinh sống, với nhiều ngồi chùa và đình nổi tiếng như: Chùa Ông, Đền thờ Nguyễn Hửu Cảnh, Chùa Đại Giác, Đình Bình Quan, Đình Bình Qưới…Ngoài ra còn có cả đạo Tin Lành, đạo Hòa Hảo, Đạo Cao Đài... Đó là nét đặc trưng tôn giáo nơi đây.

Ngày còn nhỏ khi còn ở quê tôi hay nghe câu « cao su đi dễ khó về/ khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Thế mà không hiểu sao hàng loạt thanh niên từ nam tới nữ cứ rủ nhau vào Đồng Nai trong đó có cả hai chị gái tôi. Bây giờ thì tôi đã hiểu Đồng nai ngày nay đã khác Đồng nai xưa. Đồng Nai có tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế với nền đất lý tưởng, khí hậu thuận lợi cho việc xây dựng phát triển công nghiệp, có nguồn tài nguyên khoáng sản với trữ lượng khai thác đáng kể, có nguồn nước dồi dào đủ cung cấp nhu cầu sản xuất và sinh hoạt (sông Đồng Nai), ngoài ra nguồn nhân lực với trình độ cao đã tăng cường nguồn lực con người cho yêu cầu phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đây cũng là trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước. Biên Hòa có thế mạnh về công nghiệp và cũng là nơi đi tiên phong trong lĩnh vực Công nghiệp đầu tiên của cả nước với việc hình thành sớm KCN Biên Hòa I (năm 1967). Ngoài ra còn có KCN Biên Hòa II, KCN AMATA, KCN Nhơn Trạch, KCN Long Thành… càng ngày càng phát triển, thu hút giới đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.

Việc mua sắm cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi hàng loạt hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị lớn của Big C, Co.op Mart, Vincom Plaza, Mega Market, Lotte,... cùng một số hệ thống siêu thị Điện máy, thế giới di động, cửa hàng điện tử, điện thoại máy tính có uy tín xuất hiện tại đây. Bạn có thể đến đây mua sắm kết hợp cho em bé nhà bạn vui chơi trong khi mua sắm luôn. Ngoài ra, các chợ truyền thống cũng là nét đặc trưng nơi đây, nhiều chợ khá nổi tiếng như Chợ Biên Hòa, Chợ Tân Hiệp, Chợ Long Bình... với đủ thứ mặt hàng từ dân giã đến những mặt hàng xa xỉ. Nói chung dù bạn ở bất kỳ vùng miền nào khi tới chợ nơi đây bạn vẫn cảm nhận được không khí và hương vị quê nhà trong đó.

Mặc dù con trai còn nhỏ nhưng cũng như bao bậc làm cha làm mẹ khác, tôi cũng đã suy nghĩ về việc học tập văn hóa của con mình. Nhưng chẳng còn gì đáng lo nữa khi mà Biên Hòa Đồng Nai bây giờ có đầy đủ các trường học Mầm non, Tiểu học, Trung học, Phổ thông, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học,từ công lập tới dân lập, với đội ngũ giáo viên hùng hậu và chất lượng. Giáo dục được chú trọng hàng đầu, kỹ năng mềm hay kỹ năng cứng đều được đưa vào giảng dạy. Các trung tâm anh ngữ, tin học, các lớp bơi lội, võ truyền thống, võ hiện đại, hát múa được mở ngày càng nhiều để giúp các con phát triển toàn diện cả về tri thức cũng như thể chất và tâm hồn.

Bạn hãy đến đây cùng tôi. Chắc chắn bạn sẽ có một kỳ nghỉ tuyệt vời khi được tận hưởng không khí mát mẻ trong lành, những món ăn ngon nổi tiếng (Gỏi cá, cơm gà cá mặn, gà hấp bưởi, bưởi Tân Triều, mít tố nữ Long Khánh), những dịch vụ cao cấp luôn sẵn sàng phục vụ bạn, và đặc biệt là bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ nhưng cũng không kém phần kỳ vĩ  của các khu du lịch nổi tiếng nơi đây. Nó như là một viên ngọc ẩn mình giữa sự phát triển công nghiệp của tỉnh nhà. Điển hình như khu du lịch Bửu Long (được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn của miền Nam) phong cảnh non nước hữu tình, núi non hòa quyện vào nhau tạo nên một thể thống nhất hài hòa làm say đắm lòng người. Khu du lịch Vườn Xoài, vườn quốc gia Nam Cát Tiên, thác Giang Điền, núi Chứa Chan, đá Ba Chồng, suối Mơ, khu du lich sinh thái Cù Lao Ba Xê, Cù Lao Phố…Hay khu di tích lịch sử Văn miếu Trấn Biên cho ta cảm giác uy nghiêm tĩnh mịch của lối kiến trúc mái vòm độc đáo biểu tượng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt ở đất phương Nam, lại còn có phong cảnh nên thơ mát mắt.

Chỉ với bây nhiêu thôi bạn đã hiểu Biên Hòa – Đồng nai để lại dấu ấn tốt đẹp trong tôi như thế nào. Mỗi lần có dịp trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tôi lại thấy trong lòng nao nao, cảm giác một nỗi nhớ cồn cào trào dâng trong lòng về mảnh đất mà mình đã chọn lựa để gắn bó tới cuối hành trình cuộc đời. Tôi yêu quê hương tôi và cũng như vậy tôi yêu mảnh đất này - Biên Hòa - Đồng Nai hào hùng và ấm áp như vòng tay của những người mẹ không bao giờ khuất.

 

Dung Nguyễn 

 

 

 

 

Hồ Chí Minh với dân tộc thiểu số miền Nam và Tây Nguyên trên phương diện vi mô

“Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất, Người được toàn thể nhân dân Việt Nam yêu mến, kính trọng và gọi bằng nhiều tên thân mật. Người Kinh gọi là Bác Hồ, người Tày gọi là ông Ké, người Nùng gọi là Cúng Hồ, người Bana gọi là Boh Hồ…Tất cả những tên gọi của đồng bào các dân tộc từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược đều có nghĩa coi Bác thân thiết như người Ông, người Bác, người Cha trong gia đình. Suốt đời mình Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo cho đời sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số không kể là các dân tộc nơi miền cực Bắc tổ quốc hay các đồng bào dân tộc miền Nam nơi xa mà Bác chưa một lần được vào thăm cho thỏa nỗi lòng.

Bác Hồ chăm lo cho dân tộc luôn căn cứ trên hai lĩnh vực vĩ mô vi mô. Nói đến tư tưởng của Bác về vấn đề dân tộc trên phương diện vĩ mô là đề cập đến các nội dung tư tưởng của Người. Trong bối cảnh đất nước ta còn là nước thuộc địa nửa phong kiến, vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh lúc này là vấn đề giành lại độc lập, tự do cho toàn dân tộc, bao gồm dân tộc đa số và thiểu số trong quốc gia Việt Nam thống nhất với mục tiêu cách mạng cao cả là làm cho các dân tộc đó từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân thực sự của đất nước.

Và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc trên phương diện vi mô là đề cập đến nội dung: xác định đường lối, chính sách để các dân tộc xoá nghèo nàn lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trong một xã hội cổng bằng, văn minh.

Khi nói đến việc giải quyết vấn đề dân tộc trên phương diện vi mô, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng những thuật ngữ để chỉ các thành phần dân tộc ở nước ta khi đề cập đến nội dung và việc giải quyết vấn đề dân tộc như: dân tộc Kinh, dân tộc đa số, dân tộc thiểu sổ, đồng bào thượng du, đồng bào thượng, anh em thiểu số, anh chị em, các dân tộc, bà con,v.v...

Người không dùng các thuật ngữ thị tộc, bộ tộc, sắc tộc mà dùng thuật ngữ dân tộc để chỉ dân tộc đa số và dân tộc thiểu số trong cộng đồng quốc gia Việt Nam. Tư tưởng của Người về một dân tộc Việt Nam là cơ sở để giải quyết vấn đề dân tộc trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, và “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Người còn dùng thuật ngữ dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam để chỉ các thành phần dân tộc đa số và thiểu số sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Người nhận thức Việt Nam là quốc gia gồm nhiều thành phần dân tộc anh em với văn hoá, tiếng nói, phong tục tập quán, đời sống và trình độ khác nhau. Đây không chỉ là nhãn quan chính trị mà còn là luận điểm, khoa học chân xác để giải quyết vấn đề dân tộc, để lãnh đạo việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Người nói: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc”. Đoàn kết vốn là truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên - Trường Sơn. Trong đời sống của cộng đồng bao giờ đồng bào cũng muốn sao cho “trăm cái bụng giữ làng đều nghĩ một ý, trăm cái miệng đều nối một lời. Trong quá trình sinh tồn và phát triển, trong các mối quan hệ tự nhiên và xã hội, đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên - Trường Sơn dựa lưng vào nhau, không phân biệt làng bản, dân tộc, đồng lòng ghét áp bức bất công, yêu tự do, dân chủ, độc lập. Trong cuộc khởi nghĩa Nơ Trang Long hay các phong trào sau năm 1930, các dân tộc ở Tây Nguyên sớm kết đoàn chặt chẽ với người Kinh chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ trong phong trào Cần Vương.

Người từng nói: “Một ngày đất nước chưa thống nhất, đồng bào miền Nam còn sống trong ách thống trị của quân xâm lược thì tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Tư tưởng đoàn kết các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm yếu tố Đng bào, với đúng nghĩa của nó - cùng một bọc là con Lạc, cháu Hồng, anh em một nhà. Dù ở miền Bắc hay miền Nam,Việt Bắc, Tây Bắc hay Trường Sơn - Tây Nguyên, Nam Bộ... thì số phận các dân tộc, các vùng hay mỗi gia đình, con người đều gắn bó với Tổ quốc Việt Nam. Nếu Tổ quốc bị xâm lăng thì các dân tộc, toàn thể đồng bào bị sống trong cảnh nô lệ, bị áp bức bóc lột; nếu đất nước được độc lập thì đồng bào được tự do, mọi dân tộc trên đất nước được yên vui trong cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Đó là nhận thức, là sự khẳng định trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Miền Nam nói chung và Tây Nguyên - Trường Sơn nói riêng trong tình cảm của Hồ Chí Minh có vị trí đặc biệt. Đó là nơi Người sống những ngày trước khi ra đi tìm đường cứu nước, là nơi Người đã ra đi tìm chân lý về cho dân tộc. “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của Việt Nam”.

Trong thư gửi cho đồng bào Nam bộ Bác có viết: Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam bộ… Hay trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, Người cũng đã viết: “…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xơ Đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào…”

Và trong lời phát biểu tại hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Bác cũng luôn đề cao vai trò của người dân tộc thiểu số trên mọi miền tổ quốc, Người quan tâm và luôn nhắc nhở các ban ngành phải chăm lo cho đời sống người dân tộc vì nhờ có sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia giống nòi, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa. Khi đó Bác đã nói: “Anh em thiểu số chúng ta sẽ được: Dân tộc bình đẳng, chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu sự bất bình (sự không bình đẳng) trước sẽ sửa chữa đi. Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình.”

Người chỉ đạo Đảng, Chính phủ phải có kế hoạch dài hạn để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội miền núi; đồng bào miền xuôi phải giúp đỡ đồng bào miền ngược. Song Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng phải không ngừng vươn lên về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đồng bào các dân tộc Miền Nam có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tình cảm, ý chí của Người. Câu trả lời của Hồ Chủ tịch với phóng viên báo Gran-ma (Cu Ba) Mác-ta-rô-hat, tháng 7 năm 1969, đã cho ta rõ thêm điều đó: “Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam, mặc dù vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn quý tôi cũng như tôi vẫn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”

Suốt đời mình Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo cho đời sống nhân dân: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc…đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tấm lòng nhân ái của Người là lo đến nhu cầu cần thiết tối thiểu nhất trong đời sống của một con người. Lòng thương người bao la vô tận đó, Hồ Chí Minh đã nói một cách thống thiết, cảm động biết bao, Người có một tình cảm đặc biệt đối với đồng bào Miền Nam: “Ở miền Nam Việt Nam…, mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Đặc biệt Người lo cho các dân tộc thiểu số ở miền Nam và Tây Nguyên qua công tác nhắc nhở Đảng và Chính phủ phải chăm lo phục vụ lợi ích nhân dân đồng bào các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc, ấm no. Với những tình cảm đó Người trở thành ánh đuốc là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân cả nước nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng trong đêm đen thống khổ tiếp bước đến tương lai tươi sáng phồn vinh.

Hồng Hạnh

 

 

 

 

Chợ phiên – nét đẹp văn hóa  của làng quê Việt Nam

          Đã sinh ra nơi làng quê thì  không ai là không biết tới những buổi chợ ngày phiên. Có lẽ nó đã in đậm trong tâm trí của mỗi con người nơi đó. Chợ phiên là những buổi chợ được tổ chức vào đúng những ngày định kỳ trong tuần trong tháng hoăc trong năm, với đầy đủ những mặt hàng  phong phú và đa dạng. Chợ phiên có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước xinh đẹp của chúng ta với nhiều hình thức khác nhau.

 Chợ phiên được hình thành từ xa xưa cũng giống như chợ, có lẽ từ ngày con người biết trao đổi vật chất cho nhau. Nó bắt nguồn từ nhu cầu thiết yếu của con người muốn thay đổi  thực phẩm, dụng cụ lao động…, khi nhận thấy một sản phẩm  nào đấy của mình làm ra quá nhiều không sư dụng hết, mà mình lại cần một sản phẩm khác mà gia đình mình không làm ra được hoặc không có đủ để dùng.

Trên đất nước chúng ta chợ phiên có ở khắp mọi nơi từ Bắc vào Nam từ miền ngược tới miền xuôi và có rất nhiều những phiên chợ nổi tiếng. Ví dụ như chợ Viềng ở Nam Định , một phiên chợ cầu may được họp vào mỗi đêm mùng 7 tháng giêng hàng năm. Hay chợ phiên Bắc Hà của dân tộc người Mông ở Lào Cai, Sapa vào mỗi chủ nhật hàng tuần mà nổi tiếng có món thắng cố. Còn có chợ phiên đá quý diễn ra chủ nhật hàng tuần ở số 456 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng có một chuỗi những phiên chợ thu hút rất đông đảo các bạn trẻ tham gia… Chợ phiên cũng là một trong những nguồn cảm hứng bất tận của các nhà văn nhà thơ khi viết về làng quê. Có nơi chợ phiên được tổ chức vào những ngày lẻ trong tháng, có nơi nó lại được mở vào những ngày chẵn của tháng. Còn với quê tôi, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày còn nhỏ được mẹ chở trên chiếc xe đạp để đến với chợ phiên Đông Xuyên – Tiền Hải- Thái Bình những ngày mùng 1, mùng 5, 11, 15, 21, 25 trong tháng. Khi đến với chợ phiên trong lòng bạn sẽ dâng trào một thứ cảm xúc thật khó tả, nó vui vẻ, tò mò và hưng phấn như một đứa trẻ lần đầu tiên được khám phá một thế giới mới hay như  thưở bé bạn được mẹ mua cho chiếc áo đẹp mỗi lần tết đến vậy. Chợ phiên lớn hơn chợ những ngày thường vì có nhiều người ở nhiều thôn xã đến bán hàng hơn với nhiều mặt hàng hơn và khách đến chợ mua hàng tất nhiên cũng đông hơn ngày thường rất nhiều.

Chính vì thế ở quê nhiều người hay có thói quen đề dành tới ngày phiên để bán hoặc dể mua. Tôi vẫn nhớ ngày xưa bà tôi thường hay nói: “có đàn gà con để đến chợ phiên này bà đi bán”  hay  “chờ đến chợ phiên bà mua cho cháu cái khăn nhé”. Sự chờ đợi đó đã làm cho người đi chợ phiên với một tâm trạng rất háo hức. Khi đi chợ mọi người cười nói vui vẻ nhộn nhịp râm ran cả một vùng, đậm chất quê. Đến với chợ phiên bạn sẽ thấy các mặt hàng  với số lượng có thể không nhiều như ở các thành phố lớn ,nhưng nó lại có đủ các mặt hàng dân dã từ chú lợn con xinh xắn, đàn gà nhiếp đáng yêu, con chó con, con mèo con, con ngan con ngỗng, con tôm con tép  đến các loại hoa quả tới hàng thủ công đan nát như rổ rá; có thêm các gian bán hàng quần áo đủ các loại màu sắc cho các bạn tha hồ lựa chọn. Cả những thứ nhỏ nhặt như cây kim cuộn chỉ, quả ổi, quả táo tới miếng trầu quả cau cũng được bày bán ở chợ phiên, còn có cả cây giống, hay phấn son cho các cô các chị. Chợ phiên ở quê  đa phần đều họp từ buổi sáng sớm đến giữa trưa hoặc chiều tối. Chợ phiên ngày tết còn đặc biệt hơn nữa, chỉ cần tới cổng chợ thôi là bạn đã thấy được ngay không khí của ngày tết rồi.

         Bây giờ khi đã lớn và đang sống ở thành phố, tôi có thể mua được mọi mặt hàng ở trong siêu thị hay ở trong những cửa hàng tiện ích, nhưng tôi vẫn mong được về quê và đi chợ phiên cùng mẹ. Vì ở chính trong phiên chợ đó tôi gặp được hồn quê.

 

Dung Nguyễn

 

 

 

 

VAI TRÒ KINH TẾ CỦA PHỤ NỮ Ở CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Việt Nam có nền văn hóa truyền thống lâu đời với văn minh lúa nước và các nghề truyền thống trải khắp chiều dài đất nước. Các làng nghề được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thay nhau gìn giữ các giá trị văn hóa thông qua các ngành nghề. Tuy nhiên để các làng nghề được tồn tại cho tới ngày nay không thể không nhắc đến vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình các làng nghề đó.

Làng nghề truyền thống ở Việt Nam chủ yếu dựa trên đơn vị gia đình. Trong gia đình, đối tượng làm nghề chủ yếu là phụ nữ, do đó việc xác định đóng góp công sức và kinh tế của phụ nữ là điều cần thiết. Thời gian dành cho hoạt động sản xuất tại làng nghề kéo dài hơn so với các khu vực chỉ làm nông nghiệp, nên có thể nói phụ nữ làng nghề vất vả hơn so với phụ nữ chỉ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, họ chủ động về thời gian, về tài chính và chủ động trong công việc. Mối quan hệ vợ chồng cũng bình đẳng hơn, thể hiện ở sự tôn trọng khi cả hai cùng đóng góp và hỗ trợ nhau hàng ngày.

 

Vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình được nhìn nhận ở vai trò đóng góp tiền mặt và đóng góp công sức thuộc hoạt dộng kinh tế, quản lý tiền của và ra quyết định làm ăn kinh tế như tiếp cận, kiểm soát nguồn lực và lợi ích.

Ở làng nghề, cho dù được coi là nghề phụ hay nghề chính, phụ nữ đều có vai trò quan trọng và dành phần lớn thời gian để làm nghề. Để thúc đẩy cải thiện vai trò kinh tế của phụ nữ, phụ nữ cần tham gia lực lượng lao động. Quan niệm về việc phụ nữ chỉ làm việc nhà và trách nhiệm kiếm tiền thuộc về nam giới đã thay đổi, và bản thân phụ nữ trong quá trình tham gia nghề đã chứng minh được năng lực của mình. Ví dụ trong các làng nghề chạm khắc, đan lát, dệt vải, may thêu thì vai trò của phụ nữ rất đa dạng và là những lao động chính, trực tiếp sản xuất chế tạo ra các sản phẩm. Ngoài ra còn có vai trò buôn bán, giới thiệu sản phẩm. Nhiều chị em đã trở thành chủ doanh nghiệp, quản lý giỏi…

 

Phụ nữ làng nghề phải thực hiện ba gánh nặng (làm nông nghiệp, làm nghề, và làm việc nhà) trong đó làm nông nghiệp được duy trì vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là do những lúc thu nhập kém ổn định thì nghề nông đặc biệt là nghề trồng lúa và hoa màu vẫn được coi là nguồn giúp ổn định sinh kế. Việc duy trì hoạt động nông nghiệp trong một cộng đồng hoạt động phi nông nghiệp giúp phụ nữ có thế mạnh lớn hơn:

Thứ nhất, nguồn thu nhập của phụ nữ trở nên đa dạng hơn so với nam giới, đặc biệt có ý nghĩa khi việc buôn bán sản phẩm bị trì trệ. Thứ hai, phụ nữ có thể cung cấp gạo và nhiều thực phẩm khác trong khi thực phẩm không an toàn đang là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Thứ ba, nhiều gia đình thuê nhân công làm ruộng, như vậy phụ nữ vừa giảm gánh nặng cho mình, vừa có quyền lực của người làm chủ. Khi phụ nữ có khả năng chuyển dịch và đa dạng sinh kế, họ có thể tư tạo ra sức mạnh của bản thân ở cả trong và ngoài gia đình và khi vì lợi ích chung của cả gia đình trong việc tìm kiếm thu nhập, tất cả mọi thành viên không kể già trẻ, nam nữ đều không tiếc công sức làm việc thì vấn đề phân công lao động trong gia đình sẽ cũng vì mục tiêu phù hợp với lợi ích của cả gia đình. Như vậy, đóng góp của người phụ nữ không những rất to lớn, mà còn không hề thua kém người chồng.

Ngoài ra, nam giới ở các làng nghề được đánh giá là không có tính gia trưởng (mặc dù chỉ mang tính tương đối), và không nề hà việc nhà nếu vợ bận. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc nam giới ở những nơi này đều sinh ra trong những gia đình mà bố mẹ làm nghề, mọi người đều chăm chỉ hỗ trợ nhau trong tất cả các công việc, hoặc linh hoạt khi phân chia lao động nên sau này lớn lên cũng xây dựng gia đình riêng như vậy.

Nhìn chung, một điều dễ nhận thấy là vai trò và vị thế kinh tế của phụ nữ là vấn đề không thể phủ nhận, nhưng thời gian dành cho hoạt động sản xuất tại làng nghề kéo dài hơn so với các khu vực chỉ làm nông nghiệp, nên có thể nói phụ nữ làng nghề vất vả hơn so với phụ nữ chỉ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, bù đắp lại sự vất vả đó là sự chủ động về thời gian, và quan trọng hơn là sự chủ động về tài chính và cả trong công việc. Cuối cùng, là mối quan hệ vợ chồng cũng tương đối bình đẳng, thể hiện ở sự tôn trọng khi cả hai cùng đóng góp và hỗ trợ nhau hằng ngày trong sự phân công lao động.

 Hồng Hạnh

 

 

 

 

VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ VỀ QUYẾT ĐỊNH CHI TIÊU TRONG GIA ĐÌNH NHƯ THẾ NÀO?

        Đất nước ta trải qua mấy ngàn năm văn hiến nhưng phải chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng phong kiến phương Bắc nên coi thường vai trò của người phụ nữ mặc dù vai trò đó không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn không thể phủ nhận tầm quan trọng của người phụ nữ về quyết định chi tiêu của mỗi gia đình để góp phần hình thành nên tổ ấm và sự ổn định phồn vinh của xã hội.

          Hiện nay, Việt Nam phần lớn kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp do kết cấu địa lí và ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước nên lối sản xuất nhỏ lẽ manh mún, làm ăn theo cá thể hộ gia đình chủ yếu vẫn là nông nghiệp - nông thôn. Vậy thì người phụ nữ có quyền quyết định như thế nào trong các gia đình thành thị và cả ở nông thôn?. Quyền quyết định là chỉ báo quan trọng đánh giá địa vị, vai trò của phụ nữ trong gia đình. Trong đó, quyền quyết định của phụ nữ về các khoản chi tiêu có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc nhận định về khả năng kiểm soát nguồn lực kinh tế của gia đình mà còn là cơ sở để đánh giá cơ hội thụ hưởng các phúc lợi gia đình của phụ nữ.

          Về quyền quyết định việc chi tiêu lớn trong gia đình thì mức độ quyết định của phụ nữ trong tương quan với người chồng theo các yếu tố: khu vực sinh sống, mức sống gia đình, trình độ học vấn, mức đóng góp kinh tế của người vợ - người chồng, loại hình sản xuất của gia đình.

Thực tế cho thấy về khu vực sinh sống, sự tham gia của phụ nữ vào các quyết định chi tiêu lớn của gia đình ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Tiếp theo là về học vấn và nghề nghiệp của phụ nữ cùng với đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh ở thành thị đã có tác động rõ rệt đến quyền ra quyết định của phụ nữ trong gia đình. Về tác động của mức sống gia đình, vai trò của người chồng trong nhóm hộ nghèo có vị trí cao hơn so với hộ giàu. (Theo Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2008) thì tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng quyết định của nhóm hộ nghèo thấp hơn nhóm hộ giàu. Về độ tuổi, người chồng ở nhóm tuổi trẻ (dưới 30) và nhóm tuổi già (trên 60) có quyền quyết định mua sắm đồ đạc đắt tiền nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác. Trong khi đó quyền quyết định của người vợ tăng lên theo độ tuổi nhưng mức tăng không đáng kể. Về yếu tố dân tộc, không có khác biệt đáng kể liên quan đến quyền quyết định của người vợ hoặc chồng là người dân tộc với người kinh trong vấn đề mua sắm đồ đạc đắt tiền.

 

          Sự đóng góp thu nhập giữa vợ và chồng không thể hiện mối liên hệ chặt chẽ với quyền quyết định trong những khoản chi tiêu lớn của người vợ. Những gia đình có chồng đóng góp thu nhập cao hơn vợ thì khả năng vợ là người quyết định chủ yếu việc chi tiêu lớn trong gia đình chỉ bằng 0,6 lần so với những người vợ ở gia đình hai vợ chồng đóng góp thu nhập bằng nhau.

          Khu vực sinh sống có sự tác động đáng kể đến khả năng được quyết định chủ yếu việc chi tiêu lớn của phụ nữ. So với phụ nữ sống ở thành thị, khả năng được quyết định chủ yếu việc chi tiêu lớn của phụ nữ ở nông thôn thấp hơn.

Khả năng là người quyết định chính việc chi tiêu lớn trong gia đình ở nhóm phụ nữ sống ở thành phố Hồ Chí Minh cao hơn 2,8 lần so với nhóm phụ nữ sống ở Hà Nội.

Loại hình công việc của phụ nữ có mối liên hệ khá chặt chẽ với quyền quyết định chi tiêu của họ. Nhóm những phụ nữ làm việc phi nông nghiệp có khả năng là người quyết định chủ yếu việc chi tiêu lớn trong gia đình cao hơn nhóm phụ nữ thuần nông.

          Mức đóng góp thu nhập giữa vợ và chồng có tác động tới quyền quyết định chi tiêu của phụ nữ. Phụ nữ có đóng góp thu nhập bằng chồng có khả năng được quyết định các khoản chi tiêu cao hơn những phụ nữ có đóng góp thu nhập của chồng.

Quan điểm giới cũng có những ảnh hưởng nhất định tới quyền quyết định của phụ nữ với các khoản chi tiêu trong gia đình. Phụ nữ thành thị có nhiều khả năng quyết định các khoản chi tiêu trong gia đình hơn phụ nữ nông thôn.

Tóm lại, quyền lực của phụ nữ với các khoản chi tiêu của gia đình vẫn hạn chế so với nam giới. Đại đa số phụ nữ nắm quyền chủ yếu trong quyết định chi tiêu nhỏ trong khi phần lớn nam giới nắm quyền quyết định trong chi tiêu lớn. Điều đó cho thấy những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới vẫn rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền của phụ nữ nói chung và quyền của phụ nữ trong các quyết định chi tiêu lớn của gia đình nói riêng.

 

Hồng Hạnh

 

 

 

 

LỄ HỘI LÀM CHAY – NÉT VĂN HÓA CỦA NGƯỜI HOA BANG HẸ Ở BỬU LONG (BIÊN HÒA)

Là vùng đất văn hiến mang trong mình nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu như Cù lao phố, Văn miếu Trấn Biên, miếu Quan Đế, miếu Thiên Hậu v.v., Biên Hoà còn được biết đến với Lễ hội làm chay của đồng bào người Hoa bang Hẹ tại vùng núi Bửu Long, ngoại vi Biên Hoà.

 

Cổng miếu mùa Đại lễ làm chayThông lệ cứ 3 năm một lần, tại Miếu tổ sư hay còn gọi là Chùa bà Thiên Hậu tổ chức lễ hội làm Chay (Lễ vía Tổ sư) với quy mô lớn: diễn ra 4 ngày (từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 6 Âm Lịch) để cầu an, cầu phúc cho người dân bá tánh. Đây là lễ hội rất lớn của Miếu cũng như của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa, thu hút bá tánh từ khắp nơi về tham dự.

 Lễ hội làm chay có nguồn gốc rất rõ ràng. Theo một số điển tích mà các cụ bô lão người Hoa bang Hẹ tại địa phương kể lại thì: Trước đây ở vùng Bửu Long có nạn dịch tả, Bà Thiên Hậu nhập đồng vào ông Tào Khương (tiếng Hẹ gọi là Sùng Khoỏng) cho biết phải có người lên núi hái đủ 103 vị thuốc bằng lá về trị cho dân làng, người ta làm theo và trong vùng hết nạn dịch. Nhân dân đã tổ chức lễ hội làm chay cúng tạ ơn Bà. Mặt khác, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng Bửu Long và Miếu Tổ Sư là nơi một số cán bộ cách mạng của ta bị giết hại nên nhân dân đã phối hợp cúng linh hồn cho các chiến sĩ, cầu an cho dân làng, xua đuổi mọi điều xấu, thoát khỏi các dịch bệnh và cầu siêu cho các vong linh. Nhưng quan trọng hơn cả trong lễ hội làm chay vẫn là dịp để những người làm đá tại địa phương và ngưòi Hoa ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận tụ họp về đây để tạ ơn Tỗ nghề, cầu nghề nghiệp được ăn nên làm ra, phát triển thịnh vượng hơn.

Đây là một lễ hội lớn, cho nên công tác chuẩn bị rất quan trọng. Vào năm định kỳ, ngay từ lễ vía sanh Bà Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch), Ban Quản trị miếu thông báo tổ chức lễ và phân công những bộ phận phụ trách các phần việc liên quan.

Ban tổ chức được bầu và thực hiện ngay việc đăng ký danh sách những người tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Những người đăng ký có thể góp tiền trước hoặc đăng ứng. Tất cả nguồn kinh phí được tổng kết trước ngày  bắt đầu lễ (10/3 - âm lịch). Mức đóng góp tùy có tính chất tự nguyện, tùy điều kiện người đăng ký. Người Hoa quan niệm càng bỏ nhiều tiền vào lễ làm chay, càng được nhiều phúc của Bà và các thần nên có nhiều người tham gia góp phần. Mức chi phí cho lễ hội rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trước ngày lễ tiến hành, những bài trí trong khu vực hành lễ phải được hoàn tất. Khắp nơi từ trong miếu đến ngoài cổng nhiều đèn lồng, hoa kết, cờ lễ được treo lên tạo một cảnh quan nhiều màu sắc độc đáo. Tại sân miếu, một cây phướng được dựng lên. Trên cây phưng treo 52 ngọn đèn lồng màu trắng, chữ Hán màu đỏ (mỗi đèn có một chữ), treo thành 5 dây song song với nhau tượng trưng cho năm bậc thần thánh, Tổ nghề được thờ trong miếu. Dây đèn lồng ở giữa treo cao hơn và dài nhất (gồm 20 đèn), phía trên có biểu tượng cờ lệnh và mão, chữ đề “Cung chúc Ngũ Đăng Tiên Sư bửu đán”. Bốn dây còn lại đối xứng hai bên (mỗi dây 8 đèn) với các dòng chữ “ QuốcTrì Tiên Sư”, “Lỗ Ban Tiên Sư”, “Thiên Hậu Thánh Mẫu” và “Quan Thánh Đế Quân”. Cây phướng là điểm báo cho các vị thần linh, Tổ nghề chứng giám lễ cầu an, cầu siêu.

Dưới cây phướng có bàn hương án. Đối diện bên phải có lều bày hương án và hình nộm Ông Tiêu phết màu sắc rực rỡ. Ông Tiêu với hình dáng cao to, đầu đội mão, hai tay cầm thẻ bài, cờ lệnh, mắt quắc uy nghi, lưỡi thè ra. Ông Tiêu được quan niệm là một biến thể của Quan Âm để chiêu tập tất cả các loại cô hồn. Hai bên Ông Tiêu có là các hình nhân Thổ Địa, Tướng Quân và Thủy Quân có chức năng hộ vệ.

Trong sân còn có dựng đàn có rạp che chắn bốn bên. Đây chính là đàn chay nơi các đạo sĩ thực hiện các nghi cúng tế. Trong rạp được trang trí bàn thờ, tranh ảnh, cờ trướng, liễn đối, nhang đèn, hương hoa... như một điện thờ. Phía trên là tranh bức vẽ Tam Thánh gồm: Thái Thượng Lão Quân, Thông Thiên Giáo Chủ và Hải Triều Thánh Nhân (những vị được xem là Giáo chủ của Đạo Giáo do Lão tử sáng lập). Phía dưới Tam Thánh là một điện thờ phủ vải đỏ, nơi đặt các bài vị các vị Tổ, bài vị thỉnh từ các miễu, chùa và bài vị của trăm họ được thỉnh dự lễ. Dưới điện thờ là bàn hương án và các đồ tế khí của đạo sĩ dùng cúng lễ. Hai bên rạp dán các bức mô tả Thập Điện Diêm Vương (10 cửa ngục âm phủ). Bên cạnh, còn có lều che, bày bàn hương án có hình nộm tượng Phán Quan và các vị lính hầu đội mũ chóp nhọn màu vàng, xử án ở địa phủ.

Trước cửa chùa, hai hình nộm Quan Văn và Quan Võ uy phong trấn giữ Thánh môn. Trong chùa, cảnh trang trí với màu đỏ chủ đạo với hàng trăm đèn lồng treo khắp xà cột. Các bàn thờ, đồ cúng, kiệu rước, giá biểu bài vị, đồ bát bửu sắp xếp ngăn nắp. Tất cả trong tư thế sẵn sàng cho việc lễ khi tiến hành.

Chương trình lễ hội:

Ngày thứ nhất tổ chức lễ thỉnh sắc Bà Thiên Hậu. Lễ được bắt đầu vào giờ tốt trong buổi sáng với chuông trống gióng lên báo hiệu.

Đoàn rước thỉnh theo lộ trình từ Miếu Thiên Hậu đến miếu Cây Quăn (nơi thờ Bà trước đây). Tại Miếu Cây Quăn, khi xin keo thỉnh sắc xong, đoàn rước trở ra đi vào  đến thỉnh bài vị Tiên Cô Nương Nương (miếu Bà Thánh trong khu du lịch Bửu Long) bài vị Thổ Công (tại Miếu thờ cổng khu du lịch) rồi trở về miếu. Trên lộ trình đoàn rước đi qua, nhiều gia đình sắp sẵn lễ vật cúng nghênh đón Bà, sau đó hòa vào đoàn rứơc về miếu.Tất cả các bài vị thỉnh rước được đặt lên tầng cao nhất của điện thờ. Sau đó, vị chánh tế và thành viên Ban Tổ chức thực hiện việc thỉnh Bà từ Thiên Hậu Cung (một cơ sở thờ Thiên Hậu của người Hoa bang Sùng Chính, phường Hòa Bình) về miếu.

Sau khi cung thỉnh sắc hoàn tất, trước sân miếu, các đội võ thuật biểu diễn các trò hội như múa đao, múa võ... tạo nên không khí vui nhộn. Sau đó, miếu bắt đầu đón khách đến lễ Bà. Số người tham dự viếng Bà Thiên Hậu trong ngày đầu lễ rất đông đảo.

Ngày thứ hai tổ chức khai kinh cầu an. Từ sáng sớm, một bộ phận giúp lễ và đội lân các gia đình rước các lễ vật cúng (mâm lễ, tháp giấy, bánh...) các gia đình tham gia cúng về miếu. Chọn giờ tốt, vị chủ tế bắt đầu khai kinh cầu an tại đàn chay và các bàn hương án dưới cây phướng, bàn thờ Ông Tiêu.

Chiều tối, các đạo sĩ nhập đàn, tụng các kinh, làm nghi dâng sớ, múa cờ lệnh, tụng kinh, đăng hương.

 

Sân khấu hát bội ngày hộiNgày thứ ba là chính lễ với nhiều nghi thức lễ hội như khai Kim phong bảng, các đạo sĩ thay phiên nhau tụng kinh cầu an khắp các nơi hành lễ. Khu vực sân lễ, các đội lân múa hòa vào với dàn nhạc ngũ âm tạo nên một không khí náo nhiệt, cuốn hút nhiều người. Sau lễ khai Kim phong bảng, tại miếu tổ chức hội đấu đèn lồng. Số lượng đấu là chín đèn. Khi đấu, thầy cúng đọc những câu thành ngữ  tương ứng với thứ tự đèn. Bất kỳ ai thấy hợp với sở cầu thì đấu giá. Thông thường, đèn đầu tiên và cuối cùng được nhiều người đấu giá cao. Mỗi đèn có khi giá đấu lên hàng chục triệu đồng. Không khí đấu đèn rất sôi nổi, hào hứng.

Buổi chiều, tổ chức phóng đăng, phóng sanh cầu siêu cho thập loại cô hồn. ở bến sông Tân Thành (thuộc khu phố 3, phường Bửu Long)

 

Nhộn nhịp buổi cơm chay ngày hộiBuổi tối, bắt đầu nghi thức lập giàn chay và lễ bắc cầu cho Bà.

Ngày thứ tư (Kết lễ làm chay), bao gồm các nghi thức: Lễ Cúng thí, xô giàn; cúng cả mặn kết lễ; đãi cơm chay, biểu diễn ca kịch, lân sư rồng.

Việc tổ chức lễ hội làm Chay ở Miếu tổ sư là biểu hiện của tín ngưỡng tôn giáo được người Hoa sùng tín, được người Hẹ bảo tồn, duy trì cho đến ngày nay. Đây là sản phẩm phi vật thể rất có giá trị trong hệ thống các cơ sở tín ngưỡng ở Biên Hòa và Đồng Nai. Lễ hội đã góp phần làm phong phú, đa dạng giá trị của nó trong cộng đồng người Hoa và cả người Việt ở địa phương.

Không chỉ vậy, đây còn là dịp để cộng đồng người Hoa, người Việt gặp mặt giao lưu văn hóa với nhau, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chuyện gia đình, con cái học hành đỗ đạt và xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.

Sau mỗi lần tổ chức Lễ hội làm Chay xong, Ban Trị sự miếu lại bàn tính việc sửa sang ngôi miếu cho khang trang, to đẹp hơn giúp công tác xã hội hóa tại di tích ngày càng nâng cao. Đặc biệt, miếu luôn mở lòng hướng thiện tìm về những mảnh đời cơ cực, những địa phương bị thiên tai, lũ lụt từ khắp mọi miền Tổ quốc. Theo đại diện Ban Trị sự miếu cho biết: Sau mỗi lễ hội, Miếu đã ủng hộ hàng triệu đồng đến những thanh niên lên đường nhập ngũ; trẻ em nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương thông qua Hội Chữ thập đỏ của địa phương và của tỉnh.

Có thể nói, qua từng hoạt động của Lễ hội làm chay, người Hoa bang Hẹ đang góp phần thực hiện hai sứ mệnh cao cả: Một là gìn giữ bản sắc văn hoá người Hoa bang Hẹ, làm phong phú hơn văn hoá Việt Nam, hai là nỗ lực hoà đồng vào cộng đồng chung các dân tộc Việt Nam. Tất cả những việc làm đó đã thể hiện mối liên kết, tình tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm truyền thống được hun đúc, gìn giữ từ bao đời nay của cả người Hoa và người Việt. Đây chính là nét đẹp trong giao lưu văn hóa Việt – Hoa.

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 

GIA ĐÌNH NHỎ - HẠNH PHÚC TO: Kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2016):

 

          Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.

          Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

          Chúng ta cũng vẫn thường nghe: Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai thứ đó là hạnh phúc. Gia đình luôn là nơi nương náu bình yên nhất cho tâm hồn mỗi người. Có thể nói, gia đình là sự nghiệp cuối cùng, tất cả mọi sự nghiệp khác đều phục vụ cho một mục đích - đó chính là gia đình.

          Đến đây, tôi chợt nhớ đến lời bài hát “Gia đình nhỏ hạnh phúc to” mà nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung vừa sáng tác:

“Một nụ cười bé, cha vui cả ngày
Một vài tiếng khóc, mẹ lo hằng đêm
Thầm cầu mong cho, con sẽ an lành
Chín tháng sinh thành, một đời yêu thương 
Một vòng tay lớn, ôm con vào lòng
Một bàn chân to, cho con tập đi
Dù ngày mai kia, con lớn nên người
Nhưng với cha mẹ, con mãi bé thơ. 
À ơi à ơi!

Con ngủ cho ngoan, giấc mơ sẽ mang đầy lời mẹ ru. 
À ơi à ơi!

 Mãi mãi chúng ta.

Một gia đình nhỏ.

Một hạnh phúc to” 

          Một gia đình nhỏ nhưng lúc nào cũng chan chứa tình yêu thương vô bờ bến của ông bà, cha mẹ đối với con cái, của các thành viên trong gia đình đối với nhau và hạnh phúc đó luôn luôn, sẵn sàng chào đón ta bất cứ lúc nào. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình cùng chung tay góp phần vào hạnh phúc đó, nhà nhà hạnh phúc, xã hội hạnh phúc, cuộc sống sẽ ấm no, xã hội phát triển.

          Một gia đình nho nhỏ, mà mỗi thành viên trong đó luôn luôn có sự khát khao cháy bỏng, khát khao lớn nhất đó chính là gia đình mình sẽ được hạnh phúc mãi mãi. Gia đình là tiếng gọi thiêng liêng và ấm áp, nơi không bao giờ đóng cửa, nơi lúc nào cũng sẵn lòng mở rộng vòng tay nâng đỡ, yêu thương, dịu dàng, tin cậy, bao dung, tha thứ... Gia đình không phải là cái mà người ta có thể thay đổi, chuyển dời. Gia đình là điều gì đó thiêng liêng nhất, sâu sắc nhất, lâu bền nhất và cũng là vĩnh cửu nhất. Hai tiếng gia đình mà không phải ai muốn cũng có và không phải ai có cũng đều biết trân trọng. Hạnh phúc là khi được yêu thương, được chở che, được làm cho và nhìn thấy những người mình yêu thương được hạnh phúc và hạnh phúc chỉ tồn tại với những ai biết giữ gìn và biết phát huy nó.

          Gia đình là tổ ấm yêu thương, nơi mỗi con người sinh ra, trưởng thành và đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Gia đình là hai tiếng thiêng liêng mà mỗi chúng ta đi đâu cũng nhớ về. Nơi đó, ta có bàn tay vỗ về của mẹ, có bờ vai vững chãi bình yên của cha, có nụ cười hiền hậu ấm áp của ông bà, có tình vợ chồng yêu thương gắn bó, có ánh mắt long lanh của những thiên thần... Mái ấm tuy nhỏ bé nhưng luôn sẵn sàng đón những người con trở về bất cứ lúc nào, kể cả lúc thất bại, khi thành công, gặp phải những khó khăn hay được hạnh phúc. Nơi đây, sẽ hình thành nhân cách, vun đắp ước mơ và thực hiện bổn phận làm con, làm chồng, làm vợ, làm mẹ, làm cha,... đúng như câu nói của nhà viết kịch vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại Euripides: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”. Và như vậy, mỗi gia đình nhỏ hạnh phúc, sẽ góp phần làm cho một xã hội hạnh phúc – “một gia đình nhỏ - một hạnh phúc to”.

          Vì lẽ đó, ngày Gia đình Việt Nam 28/06 đã ra đời để nhắc nhở mọi người nhớ đến những giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình.  

          Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, ngày nhắc nhở các cặp vợ chồng về giá trị của mái ấm gia đình và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

          Riêng tại Đồng Nai, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2016)), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp tổ chức ngày Hội Văn hóa Gia đình, hưởng ứng truyền thông Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Gia đình – nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình” tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện tỉnh. Với mục đích, nhằm tạo điều kiện để các gia đình văn hóa tiêu biểu trong tỉnh thể hiện năng khiếu về thể thao, về nấu ăn, về văn nghệ. Đồng thời, đây còn là dịp để các gia đình gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữ “lửa” hạnh phúc trong gia đình, phương pháp nuôi dạy con tốt và giữ gìn danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu. Qua đó, gửi gắm thông điệp nhắc nhở mọi người biết yêu quý, trân trọng và vun đắp hạnh phúc gia đình, cùng nhau giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong giai đoạn đất nước hội nhập và phát triển. Hội thi đã thu hút gần 40 gia đình tiêu biểu trong tỉnh tham gia. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến đời sống hạnh phúc gia đình đối với các gia đình Việt Nam của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh.

          Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2016), xin được gửi lời chúc đến toàn thế những gia đình nhỏ nói riêng, gia đình Việt Nam nói chung lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc cho đại gia đình Việt Nam chúng ta luôn luôn bình đẳng, ấm no, tự do, hạnh phúc và tiến bộ.

 

 

 

         

 

 

 Đinh Nhài

 

 

 

 

 

VĂN HÓA GIA ĐÌNH – NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT

Kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2016)

 

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Để thực hiện lời Bác Hồ đã dạy và nhằm tôn vinh Gia đình, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa cao đẹp, ngày 28/6 được xem là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Và đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc

Gia đình trong tiềm thức người Việt

Gia đình” hai tiếng thiêng liêng luôn ghi sâu vào tâm khảm của mỗi người con Việt Nam. Gia đình là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người. Đối với mỗi cá nhân, gia đình luôn là điều thiêng liêng, tuyệt vời nhất .

Nét đẹp lớn nhất mà ai cũng có thể nhận thấy, bắt nguồn từ thuở cha ông chảy mãi đến tận ngày nay, đó là mối quan hệ nghĩa tình trong gia đình. Đây là nét đặc trưng, một nét đẹp văn hóa mà có lẽ chỉ có ở một dân tộc hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước, lại phải trường kỳ chịu cảnh thiếu thốn khó khăn, phải chống chọi với ngoại xâm, thiên tai và thú dữ. Gia đình của người Việt có lối sống trọng tình trọng nghĩa đặc biệt tình nghĩa vợ chồng gắn bó keo sơn:

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.

Bên cạnh quan niệm về tình nghĩa, về thủy chung, gia đình Việt Nam còn coi trọng chữ hiếu. Đối với mỗi người chúng ta, gia đình có vai trò rất quan trọng. Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách. Mỗi người khi sinh ra và lớn lên luôn được nuôi dưỡng và bao bọc bởi cha mẹ, rộng hơn nữa là ông bà, cô bác, anh chị em ruột thịt. Cha mẹ có công nuôi dưỡng mỗi người nhưng cha mẹ cũng đã tác động lên mỗi con người những ảnh hưởng từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày đến các ứng xử văn hóa. Nếu ai đó đã từng nói, trẻ con như tờ giấy trắng, thì người đã đặt nét chữ đầu tiên lên tâm hồn ngây thơ, trong trắng ấy là cha mẹ. Không cha mẹ nào không dành những gì tốt nhất cho con và chỉ mong mỏi một điều duy nhất là con nên người.

Từ khi sinh ra, con người luôn gắn bó, biết ơn đấng sinh thành nuôi dưỡng với tình cảm quý trọng. Chữ hiếu tạo nên một mối ràng buộc trong quan hệ cha mẹ và con cái. Con phải hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng, lễ phép và vâng lời cha mẹ. Nhiều người nghĩ rằng hiếu thảo là phải làm những việc gì đó trọng đại. Không cần to lớn như thế đâu, hiếu thảo bắt đầu từ những việc rất nhỏ, nhỏ đến mức tầm thường nhưng làm vui lòng cha mẹ. Quà tặng quý giá nhất của cha mẹ đó là lòng biết ơn, lòng kính yêu, kết quả học tập thật tốt như vậy cũng đủ để làm người con hiếu thảo rồi. Có nhiều lúc, nhiều thành viên thờ ơ trong việc giúp đỡ cha mẹ, biếng nhác, nhưng đến khi nào đó nhận ra rằng mình đã không tròn đạo hiếu thì đã muộn rồi. Gia đình là nơi chức đựng tất cả tình yêu thương, là điều thiêng liêng, đáng trân trọng nhất. Không ai có thể nói mình là yêu tổ quốc, yêu đồng bào khi mà họ sống bất hiếu với ông bà, cha mẹ.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Trong gia đình có quá nhiều chị em chắc chắn cha mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái sẽ không đầy đủ và khó có sự công bằng. Khi đó, sự tranh giành quyền lợi giữa chị em trong gia đình rất dễ xảy ra, cho dù có đôi lúc bất đồng ý kiến hay tranh cãi nhau, nhưng đó là chuyện hiển nhiên trong cuộc sống chung dưới một mái nhà.

“Ngồi buồn rọc lá gói nem

Thịt thà có ít chị em thì nhiều”

Nhưng trên hết, phải có tình yêu thương gắn bó, nhường nhịn, hiểu nhau và tôn trọng nhau, như vậy sẽ nhận được cái dịu ngọt và niềm hạnh phúc của tình chị em.

 Anh em như chân, như tay

Như chim liền cánh, như cây liền cành”

Mái ấm gia đình luôn là nơi yên bình nhất của mọi người. Lòng nhân ái của con người bắt nguồn từ gia đình. Còn gì hạnh phúc hơn khi được sống chan hòa yêu thương với mọi người trong gia đình. “Gia đình” nơi mọi người cùng chung tay xây đắp, cùng đấu tranh và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hình ảnh vợ chồng quyến luyến và nâng đỡ nhau trong cuộc sống, cha mẹ yêu thương, chăm sóc con cái, anh em hòa thuận, con cái hiếu thảo với cha mẹ luôn là một khung cảnh thần tiên trong cuộc sống trần thế. Mỗi gia đình chỉ cần như vậy thôi là đã ươm hạt giống cho tương lai rồi đấy. Hạt giống ấy sẽ nở hoa thật đẹp và mỗi gia đình sẽ tràn đầy hạnh phúc cùng mùa xuân bất tận.      

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định sự tôn trọng giá trị ứng xử từ gia đình truyền thống: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”.

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống cho mỗi dòng họ. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Không chỉ vậy, gia đình còn góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của người Việt được lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong gia đình của người Việt Nam còn coi trọng mối quan hệ giữa các gia đình với nhau vì Người Việt quan niệm rằng sinh ra cùng chung cha mẹ: cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ trong bọc 100 trứng, do đó tuy rằng Việt Nam có 54 dân tộc nhưng họ cùng là anh em, cùng là “đồng bào”. Vì vậy, người Việt sống trên nguyên tắc tình nghĩa, sống có nghĩa, có tình, tình làng nghĩa xóm sâu đậm

Tuy rằng xứ bắc, xứ đông
Khắp trong bờ cõi cũng là anh em.

Không chỉ gần nhau về không gian sinh hoạt mà còn do đặc điểm sản xuất lúa nước nên các gia đình đã tự nhiên xích lại gần nhau. Cùng một đám rộng ở một cánh đồng, từ khâu gieo vãi, chăm sóc, thu hoạch, các gia đình đều tạo thành mối liên kết chặt chẽ với nhau. Cùng nhau làm kênh mương dẫn nước, rồi lấy nước từ ruộng nhà này sang nhà khác mà không sợ ai thiệt ai hơn, rồi đắp đê ngăn lũ lụt, xây dựng các hồ đập chống hạn mùa khô, thậm chí những khi cần lao động để sản xuất cho kịp thời vụ, các gia đình còn đổi công cho nhau. Cùng hợp tác với nhau trong sản xuất, trong việc chống chọi thiên tai, thú dữ, nên người Việt Nam sớm sinh sống theo lối quần cư. Làng từ đó mà hình thành rồi sau này, làng trở thành các đơn vị hành chính, tạo thành một xã hội khắng khít, đoàn kết với nhau. Từ mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình với nhau mà Đảng ta đã đề ra chủ trương rất phù hợp là xây dựng “làng văn hóa”, “khu văn hóa”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Ngày nay, khi mà kinh tế thị trường đang gây một sức ép lớn lên mọi người, thời gian trở nên eo hẹp, tâm lí trở nên nặng nề, nhiều người đã đặt cái tôi hưởng lạc và thực dụng của mình lên trên hết, bỏ quên gia đình, người thân, xóm giềng, coi nhẹ các giá trị nhân văn truyền thống, thậm chí còn ngược đãi với cha mẹ, anh em. Đó là điều mà chúng ta phải cùng nhau lên án. Hãy quay về với gia đình, coi gia đình là trên hết, hãy sống tốt với những người thân trong gia đình, những người xung quanh. Tuy rằng trong gia đình mỗi người một tính cách, để có được hạnh phúc bản thân, mỗi người không nên đề cao cái tôi của mình mà cần phải biết bỏ qua tính ích kỷ cá nhân. Và để có được một gia đình thật sự hạnh phúc, mỗi thành viên trong gia đình luôn dành sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm của nhau bằng thái độ chân thành nhất. Nhận thức đúng giá trị văn hóa và bằng tình yêu thương chân thành đối với gia đình, suy cho cùng đó cũng chính là lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc.

Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cuộc sống ấm no là biểu hiện cho sự phát triển kinh tế của gia đình nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần của các thành viên. các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau và được hưởng mọi quyền lợi về học tập, lao động, nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi. Mọi thành viên trong gia đình luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên, tiến bộ về mọi mặt kể cả kiến thức, trình độ, năng lực; có đạo đức, lối sống lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. 

Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng có chất lượng. Trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như mỗi cá nhân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội. Và điều quan trọng là các thành viên trong gia đình cần gắn bó, thương yêu, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường trong sạch, ngăn chặn tệ nạn xã hội để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

Đây cũng là cơ sở, là nguồn lực để xây dựng và phát triển của tỉnh Đồng Nai trong những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh luôn quan tâm xây dựng phong trào và đạt kết quả đáng khích lệ: Giảm tỷ lệ nghèo, đời sống tinh thần được nâng cao, đời sống vật chất dần được cải thiện, bạo lực gia đình giảm rõ rệt. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, chương trình xây dựng gia đình văn hóa trong tỉnh đã thực sự trở thành phong trào có ảnh hưởng sâu rộng, được đông đảo quần chúng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng góp phần nâng cao đời sống của các gia đình. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm đều tăng cao và ngày càng chú trọng đến chất lượng. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực từ các gia đình là mỗi “hạt nhân”, vai trò của ban chỉ đạo các cấp, sự vào cuộc một cách trách nhiệm của các ngành, các cấp đóng vai trò quan trọng góp phần đáng kể trong việc đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

 

Như Quỳnh