Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Ba, 21/06/2016, 08:00

VĂN HÓA GIA ĐÌNH – NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT

Kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2016)

 

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Để thực hiện lời Bác Hồ đã dạy và nhằm tôn vinh Gia đình, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa cao đẹp, ngày 28/6 được xem là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Và đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc

Gia đình trong tiềm thức người Việt

Gia đình” hai tiếng thiêng liêng luôn ghi sâu vào tâm khảm của mỗi người con Việt Nam. Gia đình là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người. Đối với mỗi cá nhân, gia đình luôn là điều thiêng liêng, tuyệt vời nhất .

Nét đẹp lớn nhất mà ai cũng có thể nhận thấy, bắt nguồn từ thuở cha ông chảy mãi đến tận ngày nay, đó là mối quan hệ nghĩa tình trong gia đình. Đây là nét đặc trưng, một nét đẹp văn hóa mà có lẽ chỉ có ở một dân tộc hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước, lại phải trường kỳ chịu cảnh thiếu thốn khó khăn, phải chống chọi với ngoại xâm, thiên tai và thú dữ. Gia đình của người Việt có lối sống trọng tình trọng nghĩa đặc biệt tình nghĩa vợ chồng gắn bó keo sơn:

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.

Bên cạnh quan niệm về tình nghĩa, về thủy chung, gia đình Việt Nam còn coi trọng chữ hiếu. Đối với mỗi người chúng ta, gia đình có vai trò rất quan trọng. Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách. Mỗi người khi sinh ra và lớn lên luôn được nuôi dưỡng và bao bọc bởi cha mẹ, rộng hơn nữa là ông bà, cô bác, anh chị em ruột thịt. Cha mẹ có công nuôi dưỡng mỗi người nhưng cha mẹ cũng đã tác động lên mỗi con người những ảnh hưởng từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày đến các ứng xử văn hóa. Nếu ai đó đã từng nói, trẻ con như tờ giấy trắng, thì người đã đặt nét chữ đầu tiên lên tâm hồn ngây thơ, trong trắng ấy là cha mẹ. Không cha mẹ nào không dành những gì tốt nhất cho con và chỉ mong mỏi một điều duy nhất là con nên người.

Từ khi sinh ra, con người luôn gắn bó, biết ơn đấng sinh thành nuôi dưỡng với tình cảm quý trọng. Chữ hiếu tạo nên một mối ràng buộc trong quan hệ cha mẹ và con cái. Con phải hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng, lễ phép và vâng lời cha mẹ. Nhiều người nghĩ rằng hiếu thảo là phải làm những việc gì đó trọng đại. Không cần to lớn như thế đâu, hiếu thảo bắt đầu từ những việc rất nhỏ, nhỏ đến mức tầm thường nhưng làm vui lòng cha mẹ. Quà tặng quý giá nhất của cha mẹ đó là lòng biết ơn, lòng kính yêu, kết quả học tập thật tốt như vậy cũng đủ để làm người con hiếu thảo rồi. Có nhiều lúc, nhiều thành viên thờ ơ trong việc giúp đỡ cha mẹ, biếng nhác, nhưng đến khi nào đó nhận ra rằng mình đã không tròn đạo hiếu thì đã muộn rồi. Gia đình là nơi chức đựng tất cả tình yêu thương, là điều thiêng liêng, đáng trân trọng nhất. Không ai có thể nói mình là yêu tổ quốc, yêu đồng bào khi mà họ sống bất hiếu với ông bà, cha mẹ.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Trong gia đình có quá nhiều chị em chắc chắn cha mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái sẽ không đầy đủ và khó có sự công bằng. Khi đó, sự tranh giành quyền lợi giữa chị em trong gia đình rất dễ xảy ra, cho dù có đôi lúc bất đồng ý kiến hay tranh cãi nhau, nhưng đó là chuyện hiển nhiên trong cuộc sống chung dưới một mái nhà.

“Ngồi buồn rọc lá gói nem

Thịt thà có ít chị em thì nhiều”

Nhưng trên hết, phải có tình yêu thương gắn bó, nhường nhịn, hiểu nhau và tôn trọng nhau, như vậy sẽ nhận được cái dịu ngọt và niềm hạnh phúc của tình chị em.

 Anh em như chân, như tay

Như chim liền cánh, như cây liền cành”

Mái ấm gia đình luôn là nơi yên bình nhất của mọi người. Lòng nhân ái của con người bắt nguồn từ gia đình. Còn gì hạnh phúc hơn khi được sống chan hòa yêu thương với mọi người trong gia đình. “Gia đình” nơi mọi người cùng chung tay xây đắp, cùng đấu tranh và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hình ảnh vợ chồng quyến luyến và nâng đỡ nhau trong cuộc sống, cha mẹ yêu thương, chăm sóc con cái, anh em hòa thuận, con cái hiếu thảo với cha mẹ luôn là một khung cảnh thần tiên trong cuộc sống trần thế. Mỗi gia đình chỉ cần như vậy thôi là đã ươm hạt giống cho tương lai rồi đấy. Hạt giống ấy sẽ nở hoa thật đẹp và mỗi gia đình sẽ tràn đầy hạnh phúc cùng mùa xuân bất tận.      

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định sự tôn trọng giá trị ứng xử từ gia đình truyền thống: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”.

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống cho mỗi dòng họ. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Không chỉ vậy, gia đình còn góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của người Việt được lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong gia đình của người Việt Nam còn coi trọng mối quan hệ giữa các gia đình với nhau vì Người Việt quan niệm rằng sinh ra cùng chung cha mẹ: cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ trong bọc 100 trứng, do đó tuy rằng Việt Nam có 54 dân tộc nhưng họ cùng là anh em, cùng là “đồng bào”. Vì vậy, người Việt sống trên nguyên tắc tình nghĩa, sống có nghĩa, có tình, tình làng nghĩa xóm sâu đậm

Tuy rằng xứ bắc, xứ đông
Khắp trong bờ cõi cũng là anh em.

Không chỉ gần nhau về không gian sinh hoạt mà còn do đặc điểm sản xuất lúa nước nên các gia đình đã tự nhiên xích lại gần nhau. Cùng một đám rộng ở một cánh đồng, từ khâu gieo vãi, chăm sóc, thu hoạch, các gia đình đều tạo thành mối liên kết chặt chẽ với nhau. Cùng nhau làm kênh mương dẫn nước, rồi lấy nước từ ruộng nhà này sang nhà khác mà không sợ ai thiệt ai hơn, rồi đắp đê ngăn lũ lụt, xây dựng các hồ đập chống hạn mùa khô, thậm chí những khi cần lao động để sản xuất cho kịp thời vụ, các gia đình còn đổi công cho nhau. Cùng hợp tác với nhau trong sản xuất, trong việc chống chọi thiên tai, thú dữ, nên người Việt Nam sớm sinh sống theo lối quần cư. Làng từ đó mà hình thành rồi sau này, làng trở thành các đơn vị hành chính, tạo thành một xã hội khắng khít, đoàn kết với nhau. Từ mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình với nhau mà Đảng ta đã đề ra chủ trương rất phù hợp là xây dựng “làng văn hóa”, “khu văn hóa”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Ngày nay, khi mà kinh tế thị trường đang gây một sức ép lớn lên mọi người, thời gian trở nên eo hẹp, tâm lí trở nên nặng nề, nhiều người đã đặt cái tôi hưởng lạc và thực dụng của mình lên trên hết, bỏ quên gia đình, người thân, xóm giềng, coi nhẹ các giá trị nhân văn truyền thống, thậm chí còn ngược đãi với cha mẹ, anh em. Đó là điều mà chúng ta phải cùng nhau lên án. Hãy quay về với gia đình, coi gia đình là trên hết, hãy sống tốt với những người thân trong gia đình, những người xung quanh. Tuy rằng trong gia đình mỗi người một tính cách, để có được hạnh phúc bản thân, mỗi người không nên đề cao cái tôi của mình mà cần phải biết bỏ qua tính ích kỷ cá nhân. Và để có được một gia đình thật sự hạnh phúc, mỗi thành viên trong gia đình luôn dành sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm của nhau bằng thái độ chân thành nhất. Nhận thức đúng giá trị văn hóa và bằng tình yêu thương chân thành đối với gia đình, suy cho cùng đó cũng chính là lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc.

Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cuộc sống ấm no là biểu hiện cho sự phát triển kinh tế của gia đình nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần của các thành viên. các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau và được hưởng mọi quyền lợi về học tập, lao động, nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi. Mọi thành viên trong gia đình luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên, tiến bộ về mọi mặt kể cả kiến thức, trình độ, năng lực; có đạo đức, lối sống lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. 

Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng có chất lượng. Trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như mỗi cá nhân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội. Và điều quan trọng là các thành viên trong gia đình cần gắn bó, thương yêu, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường trong sạch, ngăn chặn tệ nạn xã hội để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

Đây cũng là cơ sở, là nguồn lực để xây dựng và phát triển của tỉnh Đồng Nai trong những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh luôn quan tâm xây dựng phong trào và đạt kết quả đáng khích lệ: Giảm tỷ lệ nghèo, đời sống tinh thần được nâng cao, đời sống vật chất dần được cải thiện, bạo lực gia đình giảm rõ rệt. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, chương trình xây dựng gia đình văn hóa trong tỉnh đã thực sự trở thành phong trào có ảnh hưởng sâu rộng, được đông đảo quần chúng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng góp phần nâng cao đời sống của các gia đình. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm đều tăng cao và ngày càng chú trọng đến chất lượng. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực từ các gia đình là mỗi “hạt nhân”, vai trò của ban chỉ đạo các cấp, sự vào cuộc một cách trách nhiệm của các ngành, các cấp đóng vai trò quan trọng góp phần đáng kể trong việc đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

 

Như Quỳnh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3444 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày