Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Tư, 21/10/2015, 08:50

Sự giao thoa giữa Lễ Hội và Du lịch ở tỉnh Đồng Nai

Lễ hội là hoạt động văn hóa mang tính chất tất yếu và thiết yếu trong đời sống mỗi quốc gia, dân tộc. Nó ra đời đã hàng ngàn năm, đồng hành cùng lịch sử. So với lễ hội thì du lịch ra đời muộn hơn nhưng lại phát triển với tốc độ nhanh chóng, trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người trong xã hội hiện nay. Tự thân hai hoạt động này có mối liên hệ mật thiết với nhau như là những thành tố của một xã hội phát triển, một xu hướng phát triển tất yếu, khách quan trong không gian, môi trường, điều kiện và hoàn cảnh mới. Người dân đi dự lễ hội không chỉ với mục đích cầu xin, nhờ cậy, nương tựa thánh thần mà còn mang trong mình tâm thế tham gia sinh hoạt văn hóa ở một trình độ, điều kiện cao hơn… Đi dự hội cũng chính là du lịch với mục đích vui chơi, hưởng thụ và thưởng ngoạn.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, người Đồng Nai cũng tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc như: Lễ Kỳ Yên, Lễ hội Yang Bơ Nơm là lễ đâm trâu của người Mạ, Lễ cúng chay Bà Thiên Hậu, Lễ hội Sa Yang Va của dân tộc Chơ Ro; Lễ Chuôn Chnam Thmây, Sen đôn tal của người Khơ me; Lễ Ramadan, Maji của người Chăm; Tả tài phán của người Hoa…các lễ hội đều mang đậm sắc thái riêng của từng dân tộc, tạo được không khí vui tươi, đoàn kết và thân ái.

Lễ Kỳ Yên (cầu an) – tên người dân thường gọi là lễ cúng tế chính của đình. Đây là một lễ quan trọng, lễ lớn mỗi năm của đình làng ở Biên Hòa. Thông thường ở các nghi tế thần phải đầy đủ các lễ: Túc yết, Đàn cả và tế Tiền hiền, Hậu hiền,… Đặc biệt, trong Đại lễ Kỳ Yên có sự phối hợp giữa các nghi thức cúng tế và hình thức diễn xướng do các đoàn hát bội được mời đảm trách.

Trong lễ hội, thường ở các ngôi đình lớn tổ chức các sinh hoạt văn hóa rất phong phú: hát bội, múa lân, đua thuyền, đấu võ, xô giàn… được nhiều người hưởng ứng và tạo nên không khí náo nhiệt.

Lễ hội Kỳ Yên qua nhiều thế hệ đã trở thành tập quán tín ngưỡng, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt.

 

Lễ hội Yang Bơ nơm (Cúng thần núi hay còn gọi là Lễ hội Đâm trâu của người Mạ)

Lễ cúng thần núi là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc đâm trâu. Lễ hội này còn gọi là lễ đâm trâu, vì có tục đâm trâu để thực hiện nghi thức đầu tiên của buổi cúng và chia thịt trâu cho cộng đồng cùng ăn.

Người Mạ dựng khoảng ba cây nêu trước sân theo hình tam giác. Theo quan niệm của người dân tộc nơi đây thì cây nêu phần trên hướng thẳng lên trời tượng trưng cho thần linh, phía giữa là tổ tiên và dưới gốc là con người.

 

          Lễ hội Sa yang-va (Lễ cúng thần Lúa của người Chơro)

Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơro

Trong lễ hội Sayangva thì cây nêu được xem là cây thông thiên và nó mang nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất trong lễ hội. Nó thể hiện mối giao hòa giữa con người với thần linh, sự giao cảm giữa con người với con người và những ước vọng chính đáng về sự tồn tại, sự phát triển của con người trong vũ trụ. Đối với con người thì cây nêu là mối giao hòa giữa cộng đồng, hễ ai thấy cây nêu thì biết rằng làng đang chuẩn bị vào lễ hội.

Trước bàn thờ Yang, trước cây nêu, người Chơro khấn trình lòng thành của mình và cầu xin thần linh ban cho vụ mùa với những bông lúa nặng trĩu, chắc hạt và đây cũng chính là ước vọng chung của những cư dân làm nông nghiệp.

Lễ hội Tả Tài Phán (của đồng bào người Hoa ở Định Quán)

Đây là một lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa. Lễ hội này có quy mô lớn, diễn ra trong nhiều ngày với các nghi thức mang tính dung hợp từ nhiều tín ngưỡng.

Mục đích của lễ hội là cầu an, cầu siêu thể hiện qua các câu kinh do thầy cúng đảm nhiệm và thực hiện các nghi thức bắt buộc. Trong lễ hội, có các tiết mục ca kịch diễn tuồng, hát bội, lễ trảm tế vật sống, hội đấu thánh đăng. Đặc biệt nhất là nghi thức đi qua dãy than hồng diễn ra trong đêm cuối cùng của lễ hội. Đây là nghi lễ thu hút đông người tham gia với tâm niệm hướng cầu điều phúc, sở nguyện.

Tham gia trong lễ hội, người dân như quên hết những âu lo, cực nhọc thường nhật, hội nhập vào không khí thiêng liêng của lễ, náo nhiệt của hội. Qua đó, họ thể hiện lòng biết ơn của mình với thần linh, tổ tiên và thể hiện tinh thần gắn bó cộng đồng, hướng đến những ước vọng tốt đẹp.

Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 20 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 4 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 16 đơn vị kinh doanh nội địa. Toàn tỉnh Đồng Nai cũng có 19 điểm du lịch đang hoạt động với nhiều loại hình khác nhau như du lịch sinh thái, du lịch thể thao, vui chơi giải trí, văn hóa như: Vườn Quốc Gia Cát Tiên, Thác Giang Điền, Đảo Ó, Vườn Xoài, Núi Chứa Chan, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Thác Mai, Làng cổ Phú Hội,… Theo Công ty Du lịch tỉnh Đồng Nai, trong những ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến tham quan các lễ hội, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó chứng tỏ, sự phát triển loại hình du lịch lễ hội đã mang đến cho địa phương nguồn lợi kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân từ các hoạt động như: dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống, bán hàng hóa, đồ lưu niệm,…

Đến với các khu du lịch ở Đồng Nai, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa đặc sắc, được thỏa chí khám phá và chiêm ngưỡng những phong cảnh tuyệt đẹp, hùng vĩ của núi rừng và được thưởng thức những món ngon được chế biến theo đặc sản riêng của từng địa phương.

Vườn Quốc Gia Cát Tiên huyện Tân Phú: Không chỉ là kiệt tác thiên nhiên vĩ đại của Việt Nam mà còn được vinh danh công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Du khách đến đây không chỉ thỏa chí khám phá mà còn tận hưởng cảm giác yên bình, không khí trong lành của rừng cây xanh và những động – thực vật phong phú.

Núi Chứa chan huyện Xuân Lộc là ngọn núi cao thứ hai khu vực Nam Bộ (sau núi Bà Đen – Tây Ninh) với độ cao 837m so với mặt nước biển. Đặc biệt ở độ cao 600m, núi Chứa Chan có một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng khắp vùng Nam Bộ, đó là chùa Gia Lào.

 

Làng cổ Phú Hội huyện Nhơn Trạch: Ngôi làng có lịch sử trên 200 năm với rất nhiều mái nhà, những công trình có kiến trúc cổ, có khoảng 16 ngôi nhà có niên đại trên dưới trăm năm. Có nhiều ngôi nhà được Cục Di sản văn hóa phối hợp với Cục Tài sản Văn hóa Nhật Bản tiến hành kiểm kê, đo vẽ kiến trúc như: nhà cổ từ đường họ Đào, nhà cổ bà Mã Thị Tám,…

Để phát triển du lịch một cách hiệu quả, ngoài tiềm năng sẵn có về thiên nhiên và văn hóa, Đồng Nai đang hướng tới xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch. Thông qua những chương trình du lịch – lễ hội nhằm giới thiệu với du khách một cách sinh động về đất nước con người Đồng Nai, về những nét đặc trưng, những giá trị văn hóa tín ngưỡng được thể hiện trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến với lễ hội – du lịch, du khách vừa được cộng hưởng niềm vui với không khí thiêng liêng của lễ hội vừa được hòa mình với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc được xây dựng có giá trị.

Sự kết hợp giữa lễ hội – du lịch sẽ thu hút được đông đảo du khách trong nước và ngoài nước, nhằm tôn vinh những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của Đồng Nai đến với mọi người.

Như vậy, sự phát triển của du lịch cũng mang đến cho lễ hội một sắc thái mới, một sức sống mới và tạo ra sức mạnh tổng hợp, mở ra những chân trời mới, thế và lực mới cho tỉnh nhà.

 

 

._Quỳnh Giang_

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1773 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày