Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Tư, 28/10/2015, 10:30

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

Nói tới văn hóa dân tộc là nói tới một lĩnh vực thật phong phú và đa dạng, từ miếng ăn, quần áo mặc, nếp nhà ở, cách thức làm ăn, đi lại, vui chơi, ca hát, hội hè, thờ cúng, tang ma, cưới xin... trong đó, trang phục đặc biệt là trang phục phụ nữ, là cái mà ở đó bản sắc dân tộc biu hiện rõ rệt, thường xuyên và lâu bền nhất.

 

 
Trang phục người Sán Dìu

 

          Tùy theo từng điều kiện môi trường tự nhiên nhất định, con người dùng vỏ cây, gai, đay, tơ... dệt thành quần áo mặc, không chỉ để bảo vệ cơ thể, chống lại những điều kiện bất lợi của môi trường, mà ngay từ nguyên thủy, trang phục còn là vật trang trí, làm đẹp cho cơ thể. Do vậy, ở loại vật dụng thường xuyên như áo quần ấy, mỗi dân tộc thường có những cách thức may, trang trí riêng, thể hiện tâm lý, truyền thống thẩm mỹ của mình, có ý thức rõ rệt là thông qua quần áo phân biệt mình với các dân tộc khác. Do vậy, ở mỗi dân tộc sớm có quy cách riêng về ăn mặc, phù hợp với giới tính, lứa tuổi, địa vị xã hội..., có khi rất nghiêm ngặt khiến mọi người phải nhất nhất tuân theo. Rất xác đáng khi một nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng, trong xã hội tiền công nghiệp, quần áo mặc trên người là cách làm cho mọi người biết rõ tôi là người dân tộc nào, vùng nào, theo tôn giáo gì, địa vị xã hội ra sao.

          Hơn thế nữa, ở hầu hết các dân tộc trên hành tinh này, trang phục vốn là sáng tạo văn hóa của phụ nữ. Từ việc tìm kiếm, trồng trọt để tạo ra nguyên liệu, đến chế biến, làm sợi, dệt vải, may cắt, thêu thùa... hầu như là công việc của phụ nữ. Những người chị, người vợ, người mẹ có thể hoàn toàn tự hào trong kho tàng vô cùng phong phú của văn hóa nhân loại, trong đó trang phục có sự cống hiến to lớn từ bàn tay, trí tuệ của phụ nữ.

          Với ý nghĩa rộng nhất của khái niệm "cái đẹp", thì phụ nữ chính là những người biểu hiện trọn vẹn của khái niệm này. Trong ăn mặc của bất cứ dân tộc nào, dù có ở trình độ lạc hậu hay đã đạt tới văn minh, phụ nữ bao giờ cũng đẹp nhất. Họ là người tạo ra đồng thời cũng là người có ý thức và biết làm đẹp cho chính mình. Trong việc tạo ra và sử dụng trang phục, người phụ nữ có ý thức về cái đẹp của riêng mình, hơn thế nữa, trong xã hội truyền thống, phụ nữ ít giao tiếp với bên ngoài, ít đi lại các vùng xa như nam giới, nên họ giữ lại lâu bền nhất sắc thái dân tộc thông qua quần áo cũng như các sinh hoạt văn hóa khác.

          Bởi vì, trang phục chính là một trong những sắc thái nổi bật nhất của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên bản sắc văn hóa dân tộc không phải là cái gì “nhất thành bất biến”, mà là "nhất thành vạn biến". Biến đổi không ngừng tùy theo từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng vẫn giữ cái cốt cách, cái nền tảng ban đầu, đó chính là quy luật kết hợp truyền thống và đổi mới của văn hóa, của trang phục.

          Ở nước ta, có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Kinh chiếm số đông hơn cả, ở đồng bằng và đô thị, còn 53 dân tộc ít người khác còn lại, phần lớn sinh sống ở miền núi. Các dân tộc ở nước ta, đông người cũng như ít người, hiếm khi mỗi dân tộc sống tách biệt ở một vùng riêng, mà thường hòa trộn, đan cài nhau. Đến chợ phiên của một huyện vùng núi, ta thường gặp những người thuộc hàng chục dân tộc với cách thức ăn mặc khác nhau. Thậm chí, ngày nay, ngày càng có nhiều gia đình mẹ chồng và con dâu có kiểu trang phục riêng của dân tộc mình. Nếu ví đất nước ta như một vườn hoa nhiều dân tộc, thì 54 bộ trang phục giống như 54 bông hoa với dáng vẻ, màu sắc khác nhau, góp phần làm cho vườn hoa tỏa trăm hương, khoe ngàn sắc.

          Nói 54 dân tộc, 54 bộ y phục là cốt cho ta một ý niệm về sự giàu có màu sắc trang phục đó thôi, chứ thực ra có khi một bông hoa lạ chứa đựng, dung hòa nhiều hương sắc, một bộ trang phục mà biến hóa nhiều vẻ tùy theo mỗi địa phương. Ví như, chiếc áo dài của cô gái Kinh, mà ít nhất đã có ba kiểu dạng Bắc, Trung, Nam; có bộ nữ phục của người Dao, người Mông, thì mỗi nhóm, mỗi địa phương mỗi khác, giữa chúng có cốt cách chung, nhưng vẫn mang dáng vẻ riêng của mỗi nhóm người, địa phương. Trong khá nhiều trường hợp, tên gọi của dân tộc, nhất là các nhóm địa phương, thường phân biệt theo kiểu cách hay màu sắc của y phục, trang phục, như Thái Trắng, Thái Đen, Tày Slửa khao (Tày áo trắng), Dao Tiền (dùng tiền bạc trắng gắn lên áo)...

 

 

Ngày nay chiếc áo dài vẫn là trang phục đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam

 

          Tính đa dạng và phong phú của trang phục các dân tộc còn do những ảnh hưởng, giao tiếp với các nước, các dân tộc láng giềng. Ví như, nhiều dân tộc cư trú suốt dải biên giới Việt - Lào, như Thái, Khơmú, Bru... tiếp thu nhiều ảnh hưởng trang phục Lào, còn dân tộc ở dọc biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, thì tiếp thu ảnh hưởng trang phục của dân tộc có nguồn gốc Đông Á và Trung Á. Người Chăm, Khơme ở phía Nam tiếp thu kiểu quần áo của các dân tộc ở Mã Lai, Inđônêxia... Trang phục Kinh ở phía Nam chịu ảnh hưởng của trang phục Khơme... Tuy nhiên, thông qua sự đa dạng, muôn vẻ dân tộc, địa phương ta vẫn thấy ở chúng những nét chung, gần gũi, thể hiện qua từng nhóm dân tộc, từng vùng.

          Các dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường, như Việt, Mường, Thổ, Chút, sinh sống trong các đồng bằng châu thổ lớn, duyên hải và thung lũng vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Đây là những di duệ trực tiếp của người Việt thời cổ Hùng Vương, do vậy, giữa họ có nhiều nét tương đồng về ăn mặc. Nam giới mặc quần với áo ngắn, phụ nữ mặc váy, mãi sau này, trước nhất ở thành thị, sau nữa là nông thôn mới chuyển sang mặc quần. Phụ nữ mặc áo cánh xẻ ngực, ít khi cài cúc, để hở yếm ở trong. Áo choàng mặc ngoài là kiểu áo tứ thân, không cài cúc mà thường để buông hay thắt vạt... Trong các dân tộc thuộc nhóm này, người Mường giữ lại nhiều cốt cách ăn mặc truyền thống, còn ở người Kinh, trang phục đã biến đổi khá nhiều.

          Các dân tộc thuộc nhóm Tày - Thái, như Tày, Thái, Nùng, Sán Chay,... trong đó có hai dân tộc tiêu biểu là người Tày ở Việt Bắc và người Thái ở Tây Bắc. Trong nhóm này dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Giáy cư trú ở Việt Bắc, trang phục ngoài những đặc trưng truyền thống, còn thấy nhiều ảnh hưởng của các dân tộc phía Bắc, như kiểu CIO xẻ cài khuy nách, quần, xà cạp, tạp dề... còn người Thái và các dân tộc ở Tây Bắc thì bảo lưu khá bền chắc những đặc trưng truyền thống trang phục dân tộc mình.

          Trang phục các dân tộc nhóm Mông - Dao (gồm Mông, Dao, Pà Thèn) rất đa dạng về sắc thái, mang nhiều đặc trưng độc đáo, như kiểu váy xếp nếp trang trí nhiều hoa văn, áo xẻ và cài khuy nách, áo dài mặc ngoài thêu, vẽ sáp ong, chắp vải màu, các loại mũ, khăn, tóc tết dài, xà cạp quấn chân, tạp dề... Trong các dân tộc này, trang phục người Mông giữ lại những nét đặc trưng lâu bền nhất…

          Về bản chất, trang phục của dân tộc ở Việt Nam, thể hiện những đặc trưng của trang phục cư dân vùng nhiệt đới nóng ẩm phương Nam. Đó là vùng mà vải mặc dệt từ các loại sợi, vỏ cây và sau này là bông, áo quần không phong phú về kiểu loại, ít có sự khác biệt giữa trang phục nam và nữ, màu sắc và trang trí giản dị. Kiểu loại thường là váy, khố, áo ngắn xẻ ngực, yếm, không có áo da, lông, dùng áo tơi, nón tránh mưa, nắng, đi chân đất, sang mới dùng guốc dép. Trang sức thường là nhuộm răng, ăn trầu, xăm mình, cưa răng, bịt răng... Với cư dân vùng phía Bắc, nơi ảnh hưởng trực tiếp gió mùa, có mùa lạnh, sớm giao tiếp, ảnh hưởng cư dân vùng Đông và Trung Á, nên tiếp thu những ảnh hưởng trang phục cư dân phía Bắc, nhất là quần áo mùa đông, do vậy, vùng này mang tính chuyển tiếp rõ rệt giữa trang phục phương Nam và phương Bắc. Ngày nay, cùng với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, bảo tồn và gìn giữ truyền thống trang phục các dân tộc Việt Nam nói riêng sẽ góp phần tô đậm nền văn hóa Việt Nam thêm tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 9236 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày