Bỏ qua nội dung chính

Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ
Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ
Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ Thứ Năm, 21/08/2014, 15:05

Thế giới đánh giá ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Báo Pháp Le Figaro ngày 6/5 đã đăng bài viết cho rằng vào cuối năm 1953, trong lúc dư luận Pháp muốn tiến hành thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam thì các chỉ huy quân sự Pháp lại muốn giành thắng lợi quân sự để thương lượng trên thế mạnh, do đó quân Pháp ở Đông Dương đã chịu một thất bại "cay đắng" và "đau đớn" ở Điện Biên Phủ.

 

 

Tờ báo dẫn nguyên nhân thất bại chủ yếu là do Tướng Nava "không hiểu biết nhiều về thực tế ở Việt Nam", từ đó quyết định thiết lập cứ điểm tại Điện Biên Phủ. Một sai lầm quan trọng khác là Tướng Nava đã đánh giá thấp tính cơ động và hoả lực của Việt Minh. Quân Pháp đã nhanh chóng phải hứng chịu hậu quả. Ngay từ ngày 13/3/1954, chiếc bẫy đã bắt đầu khép lại trên đầu quân Pháp sau khi các cứ điểm xung quanh Điện Biên Phủ vốn được coi là bất khả xâm phạm, đã lần lượt rơi vào tay quân Việt Minh dưới sự chỉ huy của một "chiến lược gia vĩ đại" là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài báo khẳng định trận Điện Biên Phủ là hồi chuông báo hiệu cáo chung sức mạnh thực dân của Pháp. 
Tờ Matichon (Thái Lan) ngày 6/5 đăng bài "Ký ức 50 năm Điện Biên Phủ" của tác giả Xúcpriđa Panômiông, được thực hiện trong dịp cuối tháng 4 vừa qua khi tác giả đến Việt Nam. 
Bài báo điểm lại một số nét về điều kiện địa lý, dân tộc ở Điện Biên, về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi tài trí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo Việt Nam khi tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang với phương châm "quân với dân như cá với nước" và sự sáng suốt khi lựa chọn phương án "trường kỳ kháng chiến" để chống kẻ thù mạnh hơn. 
Bài báo mô tả chi tiết về cuộc đọ sức bằng mưu lược và vũ khí giữa người Việt Nam và thực dân Pháp tại chiến dịch Điện Biên và rút ra 5 yếu tố quyết định Chiến thắng Điện Biên Phủ: Thứ nhất, người Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chính nghĩa; suốt lịch sử đấu tranh giành độc lập của mình không kẻ xâm lược nào khuất phục được ý chí Việt Nam. Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam có tổ chức vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được toàn dân tin yêu. Thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự tìm ra binh pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam, trong đó, sức mạnh của lực lượng nhân dân được đặt lên hàng đầu. Thứ tư, Việt Nam biết tranh thủ hiệu quả sự giúp đỡ của các quốc gia hữu nghị. Thứ năm, Việt Nam nhận được thái độ đồng tình của nhân dân trên toàn thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp. 
Bài viết kết luận tiếng súng trên chiến trường Điện Biên Phủ đã ngưng 50 năm và người dân Việt Nam đang vững bước tiến tới tương lai.
Anh Rémi Pénion, sinh viên đến từ Canada, là người đã đến Việt Nam từ hơn 1 tháng nay và đi tham quan nhiều nơi ở Việt Nam, với nhiều cảm nhận khó tả. Anh rất vui khi được ở Việt Nam vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh Pénion cho biết: “Trước đây tôi có hiểu đôi chút về chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa không chỉ đối với người Việt Nam. Trong chiến dịch này Việt Nam đã chiến thắng một cách vang dội, được cả thế giới biết đến. Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu mốc quan trọng chuyển sang một giai đoạn mới - thời kỳ độc lập của đất nước Việt Nam, chấm dứt thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp". 
Đối với chị Maghim Haizman, một giảng viên đại học ở Đức, sang Việt Nam lần này, được tham quan Điện Biên Phủ và chứng kiến nhiều điều, chị càng hiểu rõ hơn những điều mình đã biết. Chị Haizman cho rằng: "Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của Việt Nam là sự kiện quan trọng, mở ra một trang mới trong lịch sử của Việt Nam. Qua việc đọc và xem tư liệu, báo chí, về lịch sử Việt nam, trong đó có Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi càng khâm phục tinh thần, ý chí quật cường, hết lòng vì dân tộc của người Việt Nam. Họ luôn thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng chống lại kẻ thù chung. Trong lịch sử của Việt Nam, tôi còn biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đi tiên phong trong phong trào cách mạng, lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Việt Nam và Hồ Chí Minh là những cái tên mà nhiều người trên thế giới đều biết tới ". 
Trong dịp này, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo "Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại”. Hội thảo do hai trường Đại học danh tiếng của Việt Nam và Pháp là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHKHXH& NV) và Đại học Panthéon-Sorbonne Paris tổ chức, là hoạt động có ý nghĩa lớn hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 
Với gần 60 bản báo cáo tham luận, trong đó có 15 báo cáo của các nhà nghiên cứu lịch sử và tướng lĩnh, cựu chiến binh Pháp đã từng tham chiến tại Việt Nam, các ý kiến được nêu ra trong 6 phiên làm việc của hội thảo tập trung vào 2 chủ đề lớn: “Về trận Điện Biên Phủ" và " Điện Biên Phủ với các quan hệ quốc tế". Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Pháp có điều kiện gặp gỡ trực tiếp vả trao đổi những kết quả nghiên cứu về trận chiến Điện Biên Phủ (ĐBP). 
Giáo sư Gô-mê thuộc trường Đại học Panthéon-Sorbonne I bày tỏ hài lòng về kết quả tốt đẹp của hội thảo. Ông nói: "Đây là một hội thảo lớn đã cho phép các nhà khoa học của Việt Nam có một cuộc đối thoại thực sự với nội dung phong phú và có ích cho cả hai phía". 
Ý kiến của các đại biểu, nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp về ý nghĩa và tầm vóc của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 
Giáo sư Robert Fransu: Trường Đại học Panthéon-Sorbone Paris 1: 
Trận Điện Biên Phủ là chiến thắng quan trọng của nhân dân Việt Nam trong cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc. Về phía Pháp, trận Điện Biên là một thất bại khó tránh khỏi nằm trong một chuỗi những thất bại trên các chiến trường của Pháp. Tôi cho rằng, ký ức về một chiến thắng và ký ức của một thất bại trong một trận chiến có thể gặp gỡ và chia sẻ với nhau. Từ 50 năm nay, các nhà khoa học của hai nước đều không ngừng nghiên cứu về sự kiện Điện Biên Phủ. Và nay là lúc chúng ta cùng ngồi lại chia sẻ với nhau về ký ức của mình. Phái đoàn các nhà khoa học Pháp tham dự hội thảo lần này có nhiều thế hệ. Bên cạnh những nhà khoc học lớn tuổi, còn có các nhà khoa học trẻ, thậm chí rất trẻ rất trẻ. Đó chính là khoảng lặng để nhìn nhận lại lịch sử liên quan đến hai dân tộc đã xảy ra cách đây 50 năm. 
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Antoine Pouilleute: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp luôn tốt đẹp, trong quá khứ có đôi khi khốc liệt, nhưng chưa bao giờ và không bao giờ tầm thường. Chính vì vậy nên mối quan hệ Việt Nam-Pháp luôn luôn đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc tại Paris với Hiệp định hoà bình ký kết năm 1973. Không phải ngẫu nhiên mà quan hệ hợp tác giữa hai nước được duy trì tốt đẹp từ những năm tháng ấy đến nay. Pháp luôn ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc CNH, HĐH và hoà nhập với quốc tế. Và ngày nay Pháp tự hào là đối tác hâu Âu hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, hợp tác văn hoá. Chuyến thăm Chính thức Việt Nam của Tổng thống Pháp Jacques Chirac vào tháng 10 tới sẽ càng chứng tỏ quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Benjamin Stora, Giáo sư sử học tại Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và các nền văn minh phương Đông: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tác động đến lịch sử thế giới 
Theo tôi, quả thật quân đội Pháp đã không đánh giá đúng mức về khả năng của quân đội Việt Nam ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều nhà chiến lược của Pháp đã không tính đến việc quân đội Việt Nam có thể kéo pháo lên Điện Biên Phủ. Quân đội Pháp cũng đánh giá thấp về khả năng hậu cần của Việt Nam. Và Pháp đã đánh giá thấp việc quân đội Việt Nam lại có thể tiến gần đến các tuyến phòng thủ của quân đội Pháp. Chúng tôi cũng không nghĩ rằng, không quân của Pháp ở thời điểm này đã không đủ mạnh, do vậy, thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là một thất bại vô cùng to lớn. Thất bại này có ảnh hưởng lớn đến các nền thuộc địa trên thế giới như: cuộc cách mạng Algeria. 
Chúng ta đã chứng kiến sự kiện là ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ nhiều cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra ở châu Phi và rất nhiều nơi khác trên thế giới. 
Tại Algeria, chiến thắng Điện Biên Phủ có một tiếng vang rất lớn. Đó là lúc một nhóm thanh niên tiến bộ của nước này đã quyết định cần phải đấu tranh có vũ trang sau khi sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ xảy ra. Ngày 1/1/1954, cuộc chiến tranh chống lại thực dân Pháp tại Algeria -cuộc chiến tranh vũ trang đã bắt đầu. Chính vì thế, năm 2004, Pháp cũng sẽ kỷ niệm 50 năm bắt đầu chiến tranh vũ trang tại Algeria. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh hưởng rất lớn tới Marocco bởi vì đã làm cho cuộc đàm phán giữa nước Pháp với người yêu nước Marocco đã tiến triển nhanh lên và ảnh hưởng tới Tuynidi trong việc giải phóng Bukiba. Bên cạnh đó, Điện Biên Phủ cũng ảnh hưởng đến châu Phi, đặc biệt phong trào EDA (những người dân chủ). Vì vậy, người ta cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là một cuộc chiến thắng cách mạng trên toàn thế giới. 
Tiến sĩ, nhà sử học Pháp Charles Fourniau, Giáo sư- tiến sĩ, Nhà nghiên cứu Việt Nam học, Chủ tịch Hội danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt: Tôi thật ngưỡng mộ các chiến sĩ Việt Nam 
Là người chuyên nghiên cứu về lịch sử, tôi chỉ có một câu nói thật ngắn gọn về Điện Biên Phủ: Thật vĩ đại! Tôi thật ngưỡng mộ các chiến sĩ Việt Nam đặc biệt là Ngài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh của quân đội Việt Nam. Trong giờ dạy lịch sử, chúng tôi thường nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. 50 năm nhìn lại chiến dịch Điện Biên Phủ, cho tới thời điểm này, mối quan hệ giữa khối Pháp hiện nay rất tốt đẹp và Việt Nam đã tham gia tích cực nhiều hoạt động của Khối Pháp ngữ: Việt Nam tổ chức thành công hội nghị các nước nói tiếng Pháp. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trong thời điểm hiện nay khi kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng với lịch sử của hai nước. Tôi cho rằng, chúng ta có thể cùng nhau kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với tư cách hai nước không còn là thù địch nữa và theo hướng tích cực. Những cơ hội hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trước đây đã từng bị bỏ lỡ. Cụ thể là, năm 1946, Pháp và Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội hoà bình. Đó là lúc chúng ta có thể tránh được cuộc chiến tranh Đông Dương. Sau đó, năm 1954, Việt Nam và Pháp lại bỏ lỡ một cơ hội khác trong Hiệp định Geneva. Do việc bỏ lỡ này nên dẫn đến chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Năm 1977, một cơ hội khác cũng bị bỏ lỡ là việc cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Paris, lúc đó Pháp chịu sức ép cấm vận của Mỹ. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, tất cả các cơ hội bị bỏ lỡ đó, người Pháp nhận thấy rằng ngay bây giờ, thật sự phải hợp tác với Việt Nam. 
Sự hợp tác này không chỉ là cần thiết đối với Việt Nam và đặc biệt cần thiết đối với nước Pháp. Với sự có mặt của Pháp tại Việt Nam, thì sự có mặt của Pháp ở Đông Nam Á sẽ càng vững chắc hơn và sự hợp tác này nằm trong toàn bộ khối Pháp ngữ. 
Là Chủ tịch Danh dự của Hội Pháp Việt, tôi sẽ tìm mọi cách, hoạt động để thúc đẩy mối quan hệ hơn nữa giữa Pháp và Việt Nam. Và tôi cũng hy vọng làm được điều gì đó để giúp đỡ các bạn Việt Nam. 
Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, một số nhà văn, nhà báo, nhà sử học quốc tế đã viết: Nhà sử học Mỹ Berna Phôn: "Điện Biên Phủ vừa là một thất bại chính trị hết sức nặng nề, vừa là một thất bại quân sự vô cùng thảm hại. Vì đó là lần đầu tiên một cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa nhỏ bé đánh lại”. 
Nhà văn Chile Quan Desta: “Tinh thần Điện Biên Phủ là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới, là điều bảo đảm duy nhất cho hàng triệu người cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Ngày nay sự thức tỉnh rực rỡ của các dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đang đi theo đường băng sáng ngời của Điện Biên Phủ". 
Nhà văn Pháp Jules Roi (tháng 5/1954): “Thất bại Điện Biên Phủ đã chấn động dữ dội trên khắp địa cầu mà ngay trận Waterloo thời Napoléon cũng không gây nhiều chấn động dữ dội đến thế. Vì thất bại đó báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân”. 
Ngày 4/5/2004, hãng AFP đã phát một số bức ảnh tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ với lời bình: 50 năm trước, ngày 7/5/1954, Pháp đã buộc phải từ bỏ mọi hy vọng lập lại chế độ thuộc địa của mình ở Đông Dương sau thất bại cay đắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Việt Nam), một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất của thế kỷ 20. Điện Biên Phủ là một sự kiện đau đớn của Pháp tại Việt Nam, một quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc mới giành được độc lập. Sự kiện này có một tác động mạnh mẽ và có tính quyết định đến phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở tất cả mọi nơi trên thế giới.
Alain Ruscio là nhà nghiên cứu sử học, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam tại Pháp, nguyên phóng viên thường trú Báo Humanité tại Việt Nam cuối những năm 1970. Ông Alain Ruscio tìm hiểu về Điện Biên Phủ từ rất sớm, bởi đã lớn lên cùng với việc tham gia hoạt động chính trị. Năm 16, ông gia nhập phong trào thanh niên cộng sản Pháp. Năm 1963, cuộc chiến tranh của Mỹ và Việt Nam bắt đầu ác liệt. Ông nói: “Chiến tranh Việt Nam đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi. Chúng tôi đã đấu tranh bằng các cuộc biểu tình, kiến nghị đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vài năm sau đó, khi theo học Đại học Sorbonne, khoa Lịch sử, tôi bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam và Điện Biên Phủ. Cuốn sách đầu tiên của tôi về Điện Biên Phủ: Kết thúc một ảo tưởng. Cuốn mới nhất, tôi viết cùng với tác giả Serge Tignìeres là Điện Biên Phủ: Huyền thoại và thực tế. Cuốn này đang được in tại Pháp và sẽ ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 50 năm trận đánh Điện Biên Phủ. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm nhiều đến chiến tranh của Pháp ở Đông Dương giai đoạn 1945-1954. Tôi viết tổng cộng khoảng 15-17 cuốn sách, trong đó một nửa là về Việt Nam". 
Ông Alain Ruscio đặt chân đến Điện Biên Phủ lần đầu vào năm 2004, mặc dù trước đó ông đã đến Việt Nam khoảng 15 lần. Ông đã viết: "Tôi nghĩ các tướng lĩnh Pháp đã đánh giá quá thấp sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân. Và tướng Giáp là người cầm quân rất thông minh và đã hiểu rõ tương quan lực lượng của hai bên và đi đến quyết định tấn công chỉ khi nào đã tin tưởng mình chắc thắng". Theo ông Alain Ruscio, Điện Biên Phủ đã là tiếng Sấm báo hiệu sự tan rã của hệ thống thuộc địa Pháp. 
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phấn đấu của chính nhân dân Việt Nam, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc là sự nghiệp của nhân dân. Có thể nói, thắng lợi của Việt Nam chính là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nhiều nhà quân sự của các nước đế quốc coi trọng vũ khí, nhưng các nhà quân sự cách mạng của giai cấp vô sản phương Đông chúng ta lại coi trọng con người. Con người ấy có dũng cảm, có sẵn sàng phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp mà mình đã chọn hay không đó là điều hết sức quan trọng. Đây là một sự nghiệp quân sự hết sức vĩ đại. Có thể nói, nhân dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích. 
 

Số lượt người xem: 148 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày