Bỏ qua nội dung chính

gtsachchuyende

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > gtsachchuyende
gtsachchuyende Thứ Bảy, 06/08/2022, 09:40

Giới thiệu tác phẩm Một thời Rừng Sác

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, nhằm tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn với thế hệ cha ông đặc biệt là những người mẹ, người vợ có chồng có con đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường và các bậc anh hùng liệt sỹ hy sinh thân mình để đổi lấy bình yên cho đất nước, bên cạnh đó còn muốn nêu cao truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Thư viện tỉnh Đồng Nai xin được giới thiệu tới quý bạn đọc tác phẩm Một thời Rừng Sác.

Một thời Rừng Sác là những dòng hồi ức sống động của tác giả Lê Bá Ước - nguyên Trung đoàn trưởng Lê Bảy, kể lại một cách chân thực, đậm nét về cuộc sống khắc nghiệt và sự chiến đấu ngoan cường trong 10 năm của Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác, những kỷ niệm về một thời gian khổ nhưng gắn bó tình quân dân, tình đồng đội.

Cuốn sách được Nxb Đồng Nai phát hành lần đầu năm 1998. Gồm 21 mẩu chuyện, 25 hình ảnh tư liệu quý giá, cùng với đó là danh sách liệt sỹ Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng. Tất cả được gói gọn trong 305 trang sách. Với lối kể tự nhiên, ngôn từ chân thật không hoa mỹ, tác giả làm cho người đọc có cảm giác gần gũi, lắng nghe câu chuyện với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái không khiên cưỡng. Điều đó giúp cho tác phẩm tiếp cận với nhiều đối tượng bạn đọc hơn, mang lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác là đơn vị đã phá hủy kho bom thành Tuy Hạ, đánh cháy kho xăng Nhà Bè, nhận chìm nhiều tàu giặc trên sông Lòng Tàu, bến cảng, đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương là Trung đoàn anh hùng trong lúc đánh Mỹ.

Xuyên suốt 21 mẩu chuyện độc giả sẽ thấy hình ảnh một Rừng Sác đầy sình lầy, ngập mặn quanh năm, sông rạch chằng chịt, đàn cá sấu dữ thì luôn rình rập để ăn thịt con người không phân biệt đâu là địch đâu là ta, nơi đây hầu như không có sự sống của con người. Lớp trẻ sau này được đến thăm Rừng Sác trong hòa bình đã phải thốt lên: “thật không hiểu nổi hồi đó các anh, các cô chú Đoàn 10 sống như thế nào mà đánh thắng địch. Thật là anh hùng”.

Vâng để mang lại những chiến thắng vẻ vang góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, anh hùng đặc công Đoàn 10 Rừng Sác đã dựa vào sự mưu trí, can trường gan dạ của mình, bên cạnh đó là nhờ vào sự đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ che giấu của đồng bào ta.

Đọc cuốn sách ta bị hút vào từng lớp hồi ức của tác giả về những kỷ niệm: êm đềm có, dữ dội có, bi thương có, hứng khởi có. Quý độc giả phải rùng mình trước hình ảnh chiến sỹ Nguyễn Đức Chương móc mắt, vật lộn với con cá sấu để thoát ra khỏi hai hàm răng nhọn hoắt quặp vào vai của mình dưới dòng nước lạnh. Hay hình ảnh anh Nghĩa ung dung xuống nước thi hành nhiệm vụ, bỗng một con sấu lao thẳng vào gắp ngang người, chỉ nghe tiếng quậy nước và rồi im lặng, anh đã mất hút trong đêm thanh vắng. Một sự mất mát khiến người đọc hụt hẫng, đau lòng vô cùng.

Khi đồng chí Lê Bảy nhớ lại đêm các chiến sỹ cùng nhau vượt qua những vòng rào thép gai, bom mìn, với sự phòng ngự tối tân của Mỹ, để đốt cháy kho xăng Nhà Bè mà tim tôi như ngừng đập, hồi hộp theo dõi từng động tác để rồi lo lắng cho sự an nguy của các chiến sỹ, nhưng cũng vô cùng tự hào bởi sự kiên gan, bền chí, dũng cảm, mưu trí của các bậc anh hùng.

Trong hồi ức của mình, vị Trung đoàn trưởng năm nào vẫn không hề quên tình quân dân cá nước mặn nồng. Nhờ bà con cơ sở yêu thương, dũng cảm chấp nhận tù đày khi bị lộ, dùng ghe vận chuyển đưa về mỗi lần hàng chục tấn gạo, thuốc men, khí tài, trăm mưu ngàn kế để qua mắt quân thù, chăm lo cho bộ đội bất chấp hiểm nguy. “Cứ mỗi năm mùa Tết đến, tuy chiến trường có nhiều lúc vô cùng căng thẳng ác liệt nhưng sống với dân hầu như năm nào anh em cũng được hưởng cái Tết đầy ý nghĩa”. Bà con còn nặng nghĩa tình khi lập bàn thờ và tổ chức cúng giỗ hàng năm cho các chiến sỹ mà mình không biết tên đã hy sinh ngay trước thềm nhà. Chiến sỹ cách mạng vì dân, vì độc lập hòa bình mà sẵn sàng hy sinh tất cả, dân vì thương quý bộ đội mà cũng liều cả tự do, tính mạng bao bọc, giúp sức anh em.

Chiến tranh ác liệt đã cướp đi biết bao sinh mạng, làm đứt gãy bao mối lương duyên, nhưng cũng chính tại những nơi khói bom ấy đã bồi đắp nên tình đồng đội, đồng chí một cách bền chặt, keo sơn: ngay lúc đối diện với cửa tử những hơi thở nồng ấm thỉnh thoảng lại thì thào bên tai nhau: “ Ráng lên. Ráng lên.. sắp tới đích rồi”. Trước khi ném mìn, nổ súng vào quân thù họ không quên dặn dò nhau: “Đồng chí nào về được, nhắn lời thăm anh em ở nhà và bà con Rừng Sác”. Sống chiến đấu và sinh hoạt, gắn kết với nhau như anh em một nhà nên không phân biệt ai là pháo thủ, ai là chỉ huy, tất cả đều vác đạn, tất cả đều biết lắp đầu nổ, đều biết dựng pháo…Sự lo lắng, đùm bọc ấy họ vẫn giành cho nhau cả khi hòa bình đã lập lại, giúp đỡ nhau gây dựng kinh tế, nuôi dạy con cái lúc khó khăn của những ngày đầu chông chênh.

Đến với Một thời Rừng Sác chúng ta thấy một Trung đoàn trưởng Lê Bảy, hình ảnh đại diện cho những vị chỉ huy thời chiến. Cũng có gia đình, cũng mất đi người vợ hiền thương yêu, phải xa cách đàn con thơ nhỏ dại, nhưng vượt qua tất thảy anh luôn toàn tâm toàn toàn ý lo cho đồng đội, lo cho những kế hoạch tác chiến sắp tới. “Trong lòng người chỉ huy chỉ lo làm sao đừng mất 50 quả đạn pháo vô cùng quý giá đã trên vai người dân công vượt qua hàng ngàn cây số mới đến tận vùng ven này. Và làm sao đánh được mà sinh mạng anh em bảo đảm an toàn về đến căn cứ”. Đến bây giờ anh vẫn đau đáu một nỗi niềm khi chưa thể mang hài cốt của đồng đội về với gia đình, anh lập bàn thờ vong cho gần 800 liệt sỹ trong ngay ngôi nhà mình đang ở. Công cuộc tìm kiếm ấy vẫn ngày ngày diễn ra trên dòng sông Lòng Tàu, bạn đọc sẽ thấy được sự chua xót trong từng câu chữ của đồng chí Trung đoàn trưởng đoàn 10 qua những dòng thơ:

Lặn sâu xuống sông Lòng Tàu

Đồng đội ngày xưa có thấy đâu

Hỏi ốc, nằm im tôi chẳng thấy!

Hỏi cua, cua bảo sấu ăn rồi!

Tôi không khỏi bùi ngùi xúc động khi lật giở danh sách các anh hùng liệt sỹ đã cảm tử ngã xuống nơi Rừng Sác ở những trang cuối của cuốn sách. Họ đến từ khắp mọi miền của tổ quốc, tập hợp về đây sát cánh bên nhau cùng sống cùng chết để giành lại tự do cho đồng bào. Biết đâu khi đọc Một thời Rừng Sác bạn sẽ vô tình bắt gặp tên anh hùng liệt sỹ của quê hương mình ở đó, những vị anh hùng chúng ta chưa hề biết mặt nhưng luôn có một sự thành kính, và biết ơn vô hạn với những gì các đồng chí đã làm cho tổ quốc Việt Nam.

Người ta vẫn nói nên sống cho hiện tại và tương lại, nhưng bên cạnh đó chúng ta phải soi mình vào quá khứ, nhất là một quá khứ quá đỗi hào hùng với những cuộc đấu tranh can trường, để từ đó chúng ta biết sống đẹp hơn, tốt hơn, xứng đáng hơn với lịch sử với cha anh. Đứng trước vong linh của các anh hùng Liệt sỹ chúng con nguyện nhớ mãi lời dặn: “Cha ông đã làm tròn đạo hiếu trung, giờ đây con cháu phải trọn nghĩa trung hiếu”.

 

Dung Nguyễn T.T

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1714 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày