Bỏ qua nội dung chính

Hiến Pháp năm 1992

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Hiến Pháp năm 1992
Hiến Pháp năm 1992

Lạc Việt - Tin Tức - Xem chi tiết

Hiến Pháp năm 1992 Thứ Tư, 13/03/2013, 14:55

Chúng tôi gặp khó trong việc quy định quyền hạn

“Ban biên tập chúng tôi gặp khó khăn trong việc quy định quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ. Thiết chế này càng linh hoạt, đất nước càng giàu mạnh. Vấn đề là làm sao kiểm soát để tránh việc lộng quyền”, thành viên ban soạn thảo Hiến pháp sửa đổi cho hay.

 

GS.TS Trần Ngọc Đường là ủy viên thường trực Ban biên tập Sửa đổi Hiến pháp 1992. Cùng với Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý – Trưởng Ban biên tập, GS Đường tham gia hội nghị triển khai tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ngày 16/1.

 

Trình bày về những hướng sửa đổi mới nhất cũng như gợi ý những điểm bản dự thảo Hiến pháp còn “vướng”, đang chờ đợi được hiến kế để hoàn thiện, GS Đường cho biết, điểm sâu sắc nhất trong lần sửa đổi này là nội dung phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ tập thể của người dân.

 

Bản chất của nội dung này là phát huy quyền lực của người dân trong bộ máy nhà nước (nói cách khác là chủ quyền của người dân) cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân. Đây là nội dung xuyên suốt bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

 

Cụ thể, Điều 2 trong bản dự thảo Hiến pháp giữ nguyên quy định “tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân” nhưng thay đổi Điều 6, bổ sung quy định nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua không chỉ Quốc hội, HĐND mà còn qua cả các cơ quan nhà nước khác.

 

“Điều 6 hiện hành đang tạo ra mâu thuẫn với chính quy định tại Điều 2 khi giới hạn khả năng thực hiện quyền lực của người dân. Với việc bổ sung mới, chủ quyền của người dân đối với quyền lực nhà nước được thể hiện đầy đủ hơn” – GS. Đường phân tích.

 

Ngoài ra, quy định bổ sung tại Điều 4 – Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nhưng ràng buộc ở điều khoản “chịu sự giám sát của nhân dân” cũng thể hiện nội dung đề cao quyền lực của nhân dân.

 

Việc chuyển chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ vị trí thứ 4 lên thứ 2, ngay sau chương về thể chế chính trị cũng là một điểm thay đổi theo hướng này.

 

Tư tưởng đề cao chủ quyền của nhân dân còn điểm mới nữa, theo ông Đường, là đưa ra nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước.

GS.TS Trần Ngọc Đường chia sẻ băn khoăn, còn điểm “vướng” nếu thay đổi được thì tư tưởng chủ quyền của nhân dân sẽ thể hiện sâu sắc, trọn vẹn hơn. Điểm vướng đầu tiên vẫn nằm ở Điều 2 “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Việc thể hiện bản chất giai cấp trong điều luật này, theo ông Đường có phần chồng lấn với Điều 4.

 

Ông Đường kiến nghị, khẳng định nền tảng quyền lực này dựa trên sức mạnh đoàn kết dân tộc, việc thể hiện chủ quyền của nhân dân sẽ ý nghĩa hơn nhiều.

 

Nội dung sửa đổi thứ 2 được tập trung thể hiện trong dự thảo Hiến pháp là hoàn thiện bộ máy nhà nước. Tuy những thay đổi chưa được trọn vẹn nhưng dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng đã giúp phân định rõ ràng, minh bạch hơn các nhánh quyền lực lập pháp – hành pháp – tư pháp.

 

“Hiện chúng ta đang đồng nhất khái niệm hành pháp và hành chính. Hành chính đồng nghĩa với vấn đề quyền uy, mệnh lệnh… và dễ đưa Chính phủ vào các hoạt động mang tính vi mô, vụn vặt, từ khánh thành công trình này tới khởi công dự án khác. Trong khi, nhiệm vụ trước tiên và chủ yếu của cơ quan hành pháp phải là đề ra được các chính sách quốc gia bằng việc soạn thảo các đạo luật. Việc này lâu nay có cảm giác như Chính phủ phải “miễn cưỡng” làm thay phần Quốc hội” – ông Đường nhấn mạnh, hướng xác định đúng đắn, Quốc hội là cơ quan thẩm định chứ không phải soạn thảo chính sách.

 

Ủy viên thường trực Ban biên tập Sửa đổi Hiến pháp thừa nhận, ban soạn thảo gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ. Cái khó là phải giải quyết 2 yêu cầu đối lập khi Chính phủ là một thể chế cần sự linh hoạt lớn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy đất nước nào xây dựng được một Chính phủ năng động sẽ nhanh chóng giàu mạnh. Nhưng vấn đề là tạo được cơ chế kiểm soát sao để không dẫn tới việc lộng quyền vì quyền lực của cơ quan này rất lớn, trực tiếp.

 

GS Đường đề nghị các nhà khoa học tập trung góp ý, hiến kế xây dựng nội dung này.

Công bố kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp trong hệ thống VUSTA, GS Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, đơn vị sẽ tổ chức 6 cuộc tọa đàm lấy ý kiến theo các nhóm chủ đề: Cấu trúc, quan điểm xây dựng Hiến pháp và chế độ chính trị; Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chế độ Kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Các thể chế Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát; Chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.

 

VUSTA cũng sẽ tổ chức 2 hội thảo tại Hà Nội và TPHCM; mở diễn đàn, đăng tải các ý kiến, bài viết của giới trí thức khoa học và công nghệ góp ý sửa Hiến pháp; xây dựng báo cáo tổng hợp, phân tích kết quả lấy ý kiến gửi đến Quốc hội, Ban Biên tập Sửa đổi Hiến pháp…

 

Trưởng Ban biên tập – Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý khẳng định, ban soạn thảo đặt nhiều kỳ vọng vào những góp ý của khối cơ quan trong Liên hiệp Hội vì đây là nơi tập hợp những tinh hoa, trí tuệ của giới trí thức, khoa học trong xã hội. Ông Lý bày tỏ hy vọng các thành viên trong VUSTA sẽ đóng góp được nhiều ý kiến có ý nghĩa, hiến kế gỡ những điểm “vướng” cho bản Hiến pháp lần này.

 

P. Thảo

Nguồn: http://www.dantri.com.vn, ngày 17 tháng 1 năm 2013.


Số lượt người xem: 329 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày