Bỏ qua nội dung chính

Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam > Bài đăng > ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN: TỪ CẦU THỦ TRỞ THÀNH NHÀ QUÂN SỰ KIỆT XUẤT
ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN: TỪ CẦU THỦ TRỞ THÀNH NHÀ QUÂN SỰ KIỆT XUẤT

 

ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN

Cầu thủ bóng đá Lê Trọng Tấn

Vào giữa những năm 1930, ở Hà Nội rộ lên phong trào thanh niên tập luyện TDTT để có cơ thể cường tráng. Người thích bơi thì lên tận hồ Quảng Bá hoặc hồ bơi Trương Đắc Du. Số đông khác thì chọn đá bóng trên các bãi đất trống hoặc ngoài bãi bồi sông Hồng. Chàng thanh niên Lê Trọng Tấn (tên khai sinh là Lê Trọng Tố) ngoài giờ học cũng dành nhiều thời gian cho tập luyện thể thao: chơi bóng đá, điền kinh và võ thuật. Một hôm, thủ quân Hội (đội) Tia chớp Trần Văn Quý tiếp anh Tố tại “bản doanh” Eclair (27 Rondony – phố Hàng Thùng ngày nay) với lý do rất mộc mạc: “Tôi thích bóng tròn!”. “Anh đá vị trí nào?” - thủ quân Trần Văn Quý hỏi. “Tôi đá được cả hai chân. Vị trí hộ công nào tôi cũng đảm đương được, nhưng cho tôi lên đá hàng tấn công thích hợp hơn!”. Và thế là cầu thủ Lê Trọng Tố được đội Tia chớp nhận vào đội hình chính thức đá vị trí tiền vệ phải.

Nhận xét về cầu thủ bóng đá Lê Trọng Tố, ông Trần Văn Quý đã viết trên tờ tuần báo Tin mới thể thao như sau: “Cầu thủ Tố rất giỏi tổ chức tấn công. Nhiều khi tình huống trên sân diễn biến rất bất lợi, nhưng với lối đá xông xáo, sắc sảo và thông minh, tiền vệ Tố lấy bóng từ chân đối phương rất tài tình. Anh vừa nhìn bao quát đội hình vừa dắt bóng lên, rồi bất thần ra cú mớm bóng ngon lành cho các tiền đạo, thật nhanh tạo thế chủ động, tấn công ghi bàn thắng!”.

Từ năm 1934, hội Tia chớp tham gia rất nhiều trận thi đấu. Khi thì đá tranh giải của Thống sứ Hà Nội, lúc đá giải Cúp nhà buôn Hà Thành yêu thích thể thao. Người ta ghi nhận trong những trận đấu bóng đá đó, dàn cầu thủ hội Tia chớp luôn giành được nhiều cảm tình của người hâm mộ Hà Nội và các tỉnh. Nhiều trận cầu nảy lửa giữa Tia chớp gặp đội bóng Lê dương số 9 Đáp Cầu, (Olympique Haiphonnais, Haiduong Sport, Tonkinne Namdinh Sport)... Nhất là các trận đấu của hội bóng tròn tại Hà Thành gặp nhau, khi thì ở sân SEPTO (sân vận động Hàng Đẫy), khi trên sân Eclair (Nhà Dầu khu vực nhà máy gỗ 42 Chương Dương, quận Hoàn Kiếm ngày nay). Các danh thủ gạo cội của hội Hanoien đều tỏ ra mến mộ tài nghệ tranh cướp bóng và cách tổ chức tấn công tài tình của cầu thủ Lê Trọng Tố. Đáng nhớ nhất là trận hội Tia chớp đoạt chức vô địch Bắc kỳ (mùa bóng năm 1934 - 1935) vinh dự được tiếp đón hội bóng tròn tuyển Nam kỳ ra thăm Hà Nội. Trận đấu đã mang lại niềm tự hào, hãnh diện cho làng bóng đá miền Bắc khi Tia chớp hòa 1 trận (1-1), thắng một trận (2-1). Trong đó, tiền vệ Lê Trọng Tố trực tiếp ghi 1 bàn, một bàn khác thì nối bóng rất khéo để đồng đội sút bóng vào lưới đội bóng phương Nam.

Theo sổ tay “Bóng đá” của thủ quân Trần Văn Quý thì vào khoảng năm 1938, sau khi Hội Thể thao Bắc kỳ (SEPTO) được xây dựng xong, đội Tia chớp được mời đá trận khai sân với đội bóng chủ nhà. Mặc dù trận đấu kết thúc với kết quả hòa 2-2, nhưng đó là một trận đấu đẹp và hấp dẫn.

Sau trận đấu ấy, tiền vệ Lê Trọng Tố không còn đá ở Eclair nữa vì bị “gọi đi lính”. Hai tháng sau, người ta thấy cầu thủ tiền vệ Tố trong hàng ngũ lính khố đỏ đóng ở Sơn Tây. Sau thời gian tập luyện quân sự, giới bóng tròn Hà Thành lại thấy Lê Trọng Tố trong đội hình đội bóng Không quân Pháp ở sân bay Tông - Sơn Tây. Tháng nào đội bóng đá này cũng từ Tông, xuống sân Manzin. (sân Cột cờ thuộc Trung tâm TDTT Quân đội cũ, ở 18 Hoàng Diệu) hoặc sân SEPTO để đá bóng, cầu thủ mang sắc lính khổ đỏ Lê Trọng Tố là trụ cột vững của đội bóng Không quân Pháp một thời gian dài.

Khi đó, Lê Trọng Tố mới 24 tuổi, tuy không to khỏe như các cầu thủ khác nhưng nắm rất vững kỹ thuật đá bóng, cộng với tố chất lanh lợi, thông minh... nên mỗi khi vào sân, ông luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ các đồng đội. Trong các năm 1941 - 1942, đội bóng đá này (còn gọi là Hội bóng Tông) luôn giành thứ hạng cao trong các giải thể thao của quân đội Pháp ở Đông Dương. Có lần, viên Tổng ủy thể thao - thanh niên Ducoroy (Pháp) đã xuống tận sân ngợi khen đội bóng Không quân và bắt tay cầu thủ Lê Trọng Tố, đặc cách cử ông đi học Trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương Phan Thiết (ESEPIC). Ý định của Ducoroy không thành vì phong trào cách mạng ở Bắc kỳ hồi đó đang phát triển mạnh mẽ. Và không phải ai cũng biết chàng cầu thủ số 8 Lê Trọng Tố lúc này đã là một cán bộ Việt Minh.

  Nhà quân sự kiệt xuất Lê Trọng Tấn

Thân phụ cầu thủ Lê Trọng Tố, cụ đồ Lê là người làng An Định, xã Nghĩa Lộ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Là một nhà nho yêu nước, cụ từng tham gia tích cực trong hội Đông Kinh Nghĩa thục năm 1908 ở Hà Nội. Bị thực dân Pháp đàn áp, cụ đồ Lê về làng Thanh Nhàn (nay là hai phường Thanh Nhàn, Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dạy học. Ngày 1/10/1914, cậu bé Lê Trọng Tố chào đời tại đây. Những năm theo học tiểu học, trung học, cậu Tố đều học rất giỏi và luôn đứng đầu lớp. Cuối thập niên 20, Lê Trọng Tố được đặc cách vào trường Bưởi và trở thành cầu thủ bóng đá trong đội tuyển của trường, một VĐV điền kinh toàn diện hồi bấy giờ.

Khi trở thành lính khố đỏ, do đá bóng giỏi nên cậu Tố thường hay được thưởng phép về thăm bố mẹ ở Thanh Nhàn và xây dựng gia đình. Hồi ấy, nhà cụ Đồ có một nếp nhà dựng ở ngoài đê sông Cái (sông Hồng) cho vợ chồng Lê Trọng Tố ở. Một hôm, chú em ruột Lê Quý Giả (sau cách mạng tháng Tám 1945 đổi tên là Trịnh Quý Đông, một cán bộ Việt Minh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Đảng Dân chủ Hưng Yên, đại biểu Quốc hội khóa 1) vận động anh trai Lê Trọng Tố cho đặt cơ sở in bí mật tại nhà anh chị. Không hề do dự, Lê Trọng Tố rất hoan hỉ trước công việc đầy nguy hiểm nhưng rất hữu ích này. Và thế là, những tài liệu của Việt Minh được in tại nhà Lê Trọng Tố đã được chuyển đến phân phát ở các cơ sở cách mạng. Nhờ tham gia hoạt động này, ông đã được Ban Cán sự Đảng Hà Nội quyết định kết nạp vào tổ chức Việt Minh.

Rồi khởi nghĩa Tháng Tám ỏ Hà Nội, cũng như lớp thanh niên Hà Thành yêu nước, những cầu thủ đá bóng trong các hội đã có mặt và hăng hái tham gia đi cướp chính quyền, treo cờ ở Bắc bộ phủ, Tháp Rùa, cầu Long Biên, ga Hàng Cỏ... cầu thủ tiền vệ Lê Trong Tố rời bỏ lực lượng lính khố đỏ, trở thành chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu.

Sau toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, anh Vệ Quốc quân Lê Trọng Tấn (tên mới của tiền vệ Tố) được cử lên Tây Bắc với trọng trách xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ cách mạng, tiền thân của trung đoàn Sơn La (E148 sau này) bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Bắc. Sau đó, ông trở thành Đại đoàn trưỏng Đại đoàn 312, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các cứ điểm quan trọng trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ-cát-tơ-ri cùng toàn bộ cơ quan tham mưu của Pháp. Hòa bình trên miền Bắc (21-7-1954) được mấy tháng, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn được bổ nhiệm giữ chức hiệu trưỏng Trường Sĩ quan Lục quân. Ngay từ những ngày đầu xây dựng trường, ông đã rất quan tâm cho tiến hành xây dựng phong trào TDTT trong cán bộ và học viên. Mở đầu là Đoàn Công tác TDTT quân đội (Thể Công) được thành lập ngày 23-9-1954 thuộc biên chế của trường. Ngoài 3 đội: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ ban đầu, trường dần bổ sung thêm các đội: Điền kinh, bơi lội (1955), bắn súng thể thao (1958), xe đạp (1960)... Các đội tuyển này đã tích cực tham gia các giải thể thao trong khuôn khổ giải thể thao các Quân đội hữu nghị (SKDA) ở Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên, Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan...

Trong thời gian này, tướng Lê Trọng Tấn được đề bạt giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối năm 1960, ông được cử vào chiến trường miền Nam phụ trách xây dựng và tác chiến của bộ đội chủ lực Miền.

Năm 1975, với chức danh Tư lệnh cánh quân Duyên hải, từ Trị Thiên, mũi tiến công do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy đã tiến vào giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, Xuân Lộc. Cánh quân phía Đông do ông chỉ huy tiến thẳng về đánh chiếm dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn.

Đất nước thống nhất, non sông quy về một mối, Đại tướng Lê Trọng Tấn trở thành Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm Viện trưởng Học viện Quân sự. Sau đó, ông kinh qua các chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V (từ 1976 đến 1986), đại biểu Quốc hội khóa VII.

Hơn 40 năm tham gia Quân đội, ông đã sống và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xứng đáng là vị tướng tài ba xuất chúng. Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Phidel Castro từng nói về ông “Tướng đánh trận hay nhất Việt Nam”. Song trong cuộc sống đời thường, ông lại rất mực giản dị, gần gũi.

Ngày 4-1-1986 trong một lần đến thăm cán bộ, chiến sĩ đội bóng đá Thể Công, Đại tướng Lệ Trọng Tấn đã trao tặng tấm ảnh “đời cầu thủ” của mình với mấy dòng lưu bút: “Thân tặng đội câu lạc bộ Quân đội khi tôi còn là một cầu thủ bóng đá, một vận động viên điền kinh của những năm 1936 - 1937”.

Vậy mà chỉ 11 tháng sau, trong một ngày Đông lạnh giá, tháng 12 năm 1986, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã ra đi mãi mãi ở tuổi 72, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và giới TDTT cả nước. Nhưng lịch sử bóng đá Việt Nam mãi ghi danh một cầu thủ - chiến sĩ - tiền vệ Lê Trọng Tố; một vị Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất với tên gọi thân thương trìu mến - Lê Trọng Tấn.

       Trương Diệu Linh

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.