Người chiến sĩ quay phim chiến dịch Điện Biên Phủ / Ngọc Quỳnh kể ; Đ.T.T. Phúc ghi // Cựu chiến binh Việt Nam. – 2004. – Ngày 7 tháng 5. – Tr.5.
NSND Ngọc Quỳnh sinh năm 1932 tại Thanh Hóa. Là người đã tham gia quay những thước phim đầu tiên chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, ông kể về những ngày chung lưng đấu cật cùng bộ đội ghi lại những hình ảnh quý giá ấy.
Trước chiến dịch, Ngọc Quỳnh và các phóng viên nhiếp ảnh quân đội được điều động về đội làm phim chiến trường gồm 4 người do đồng chí Tiến Lợi làm đội trưởng và quay phim chính. Ngọc Quỳnh và Tiến Lục phó quay phim. Nguyễn Sinh (người dân tộc) quản lý máy móc, đạo cụ. Đội làm phim đi theo Đại đoàn Quân Tiên phong (F.308), lúc này đang luyện tập công đồn diệt viện, với những địa hình, địa vật rất phức tạp, có nhiều giả định tình huống được đặt ra, đòi hỏi trình độ tác chiến, chỉ huy xử lý tình huống và hợp đồng bộ đội phải thật điêu luyện. Cảnh quay phim đoán già đoán non: “sắp có đánh lớn đây”. Tháng 1-1954 đội làm phim được lệnh hành quân lên Tây Bắc, hơn tháng trời đêm đi ngày nghỉ, vượt suối băng rừng, vượt đèo leo dốc vô cùng gian khổ thiếu thốn, trên đường hành quân máy bay địch đánh phá rất ác liệt, nhất là 9 km đèo Lũng Lô và 32 km đường đèo Pha Đin.
Vào chiến dịch, đội làm phim được cấp tờ công lệnh đặc biệt, được phép đi đến tất cả các đơn vị, càng nhiều càng tốt. Đến đơn vị nào cũng được đón tiếp nồng nhiệt bởi đông đảo cán bộ chiến sĩ. Hồi ấy đã mấy ai nhìn thấy chiếc máy quay phim ra sao! Đội chỉ có duy nhất chiếc máy quay Pay-a-pô-lếch 16 ly của Thụy Sĩ, không phải là mấy nhà nghề. Gay go nhất là phim, nguồn phim được mua ở vùng tạm chiếm Hà Nội, Hải Phòng rồi bí mật chuyển ra vùng kháng chiến. Đưa được những thước phim ra ngoài cũng là một kỳ tích. Đội được cấp 30 hộp phim khoảng 900 mét (sau này Ngọc Quỳnh còn được cử ra ATK 2 lần để xin thêm phim, tổng cộng 2000 mét). Với số lượng phim ít ỏi như vậy nên Đội quý phim như máu thịt của chính mình. Thử hình dung: cả một chiến dịch lớn như vậy chỉ có 2 đội làm phim. Đội ở trung tuyến cho Hồng Nghi, Nguyễn Thụ, Phụ Cấn, Đăng Bẩy, Như Ai quay những cảnh trung tuyến, đội của Ngọc Quỳnh ở tiền tuyến nếu chẳng may hy sinh hết hoặc máy móc, phim ảnh trục trặc thì một phần chiến dịch sẽ không được ghi lại bằng hình ảnh thật. Thông thường muốn được 1 thước phim phải quay 3 thước, nay họ chỉ cho phép được quay một ăn một.
Ngày 13/3/1954 chiến dịch mở màn thì đội làm phim cũng bắt đầu bấm máy. Để có một cảnh quay họ thay nhau nhảy lên chiến hào lia ống kính về nơi bộ đội ta chuẩn bị xung phong, bom đạn giặc bắn như vãi chấu về phía quân ta, ống kính chĩa về trận địa giặc quay cảnh binh lính địch theo sau xe tăng phán xung phong.
Trên miệng hào, Tiến Lợi vẫn vững vàng tay máy, số còn lại, người giữ chân người làm điểm tựa để tay máy anh thêm chắc. Tiến Lợi rất bình tĩnh, lúc lia sang trái quay cảnh giặc tháo chạy lúc lia sang phải, chĩa ống kính nên trời quay cảnh máy bay giặc thả pháo sáng, người cầm máy cứ dán mắt vào ống kính không quan sát xung quanh được, nói dại: Giá lúc ấy có 1 băng đạn bắn vào chắc chắn sẽ hy sinh hết. Trong quá trình diễn biến của chiến dịch, ngoài nhiệm vụ quay phim Ngọc Quỳnh còn đảm nhiệm phần việc “trinh sát, tiền trạm” sau mỗi trận đánh. Đó là tìm nơi đặt máy, có phương án tác chiến rõ ràng như khi đang quay ở các chốt tiền tiêu, nếu địch đánh ra thì xử lý ra sao, đường nào tiến, đường nào thoái, máy móc bảo vệ ra sao? Chiến dịch kéo dài và ác liệt, địch giằng co nhiều ngày liên tục, đồ đạc, máy móc của đội làm phim lỉnh kỉnh rất nguy hiểm,… Song với lòng căm thù giặc, hàng ngày chứng kiến gương chiến đấu hy sinh vô cùng dũng cảm của bộ đội ta đã giúp họ tăng thêm nghị lực vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Suốt 56 ngày đêm không rời máy quay, những thước phim vô cùng quý giá, nhưng ai cũng thấp thỏm lo lắng bởi không ai dám chắc là những thước phim kia “trọn vẹn – đầy đủ”. Sau ngày chiến thắng, hai đội làm phim đã gặp nhau, cùng ở lại lòng chảo Mường Thanh 2 tháng nữa để hoàn thành phần kết của bộ phim như trao trả tù binh. Cảnh bộ đội và nhân dân các dân tộc Điện Biên dọn chiến trường liên hoan mừng chiến thắng… Và đến khi giải phóng thủ đô Hà Nội, bộ phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ” chính thức ra mắt đã được đón nhận nồng nhiệt.
05/04/2024
Nhớ trận đánh mở màn năm ấy / Nguyễn Thế Tính // Nhân dân. – 2014. – Ngày 7 tháng 5. – Tr. 3.
Những ngày cuối tháng tư, quân và dân ta đang sôi động tổ chức các ngày hoạt các hoạt động Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có dịp gặp ông Đinh Văn Nam, nguyên là chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa quê ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Bên ấm chè xanh, ôn lại kỷ niệm thời trai trẻ tham gia chiến đấu, ông Nam bồi hồi nhớ lại: Đầu năm 1951, tôi tròn 19 tuổi, nhập ngũ cùng với hơn 10 anh em trong xã Thường Thắng. Sau đó, tôi chỉ được bổ sung tôi được bổ sung vào Đại đội 241, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312.
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tôi vinh dự được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn, tiêu diệt cứ điểm Him Lam vào đêm 13 tháng 03 năm 1954. Từ 12 giờ trưa hôm ấy, các đơn vị nhận lệnh xuất phát. Từ vị trí đứng chân, theo giao thông hào, bộ đội bí mật tiến vào vị trí xuất phát tiến công. Tiểu đoàn 11 chúng tôi đảm nhiệm đánh mũi chính diện, xung kích đi đầu mở màn trận đánh. Trong đó, mỗi trung đội có một tiểu đội đánh bộc phá, với 12 chiến sĩ. Mỗi chiến sĩ mang một quả bộc phá ống dài 2m, đường kính khoảng 10 đến 15cm để phá hàng rào mở cửa, kèm theo một khẩu súng tiểu liên Tuyn, 3 băng đạn, 4 quả lựu đạn.
Theo thứ tự, tiểu đội đánh bộc phá cắt hàng rào xong thì 2 tiểu đội xung kích tiến lên chiếm giữ cửa mở. Trung đội thứ hai tiếp tục tiến lên phá hàng rào phía trong. Khi phát xong các lớp hàng rào dây thép gai, các chiến sĩ xung kích bảo vệ cửa mở, đánh diệt lô cốt đầu cầu để toàn đơn vị tiến lên, phát triển đánh vào trung tâm trận địa địch. Tôi làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội bộc phá, Trung đội 2, Đại đội 241. Vận động qua đoạn giao thông hào trong rừng, bộ đội ta phải vượt qua con suối cạn rộng hàng chục mét, mới tiếp sang đoạn hào vượt qua bãi đất trống dưới chân đồi để tiến sát vào hàng rào ngoài cùng của cứ điểm địch. Càng vào gần đồn địch, thì giao thông hào càng nông và hẹp, chỉ sâu đến trên đầu gối, mọi người đều phải đi khom.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 13 tháng 3, bộ đội ta bí mật chiếm lĩnh xong trận địa. Đúng 5 giờ chiều, pháo binh ra đồng loạt nổ súng bắn dồn dập vào cứ điểm địch, bộ đội ta dồn lên, đại đội đi đầu tiến đến đoạn giao thông hào cuối cùng. Pháo của địch từ Mường Thanh bắn đến, súng cối ở trong căn cứ địch bắn ra; súng máy; súng trường từ lô cốt đầu cầu và chiến hào địch bắn như vãi đạn để chặn đường tiến quân của ta, cho nên một số chiến sĩ của ta hy sinh, bị thương ngay tại chiến hào từ khi chưa nổ súng…
Sẩm tối, bộ binh được lệnh công kích. 3 tiểu đội bộc phá của đại đội tôi đi đầu, một tiểu đội của đại đội tôi xông lên, chỉ phá được 3 lớp hàng rào. Tiểu đội tôi nhận lệnh, 8 chiến sĩ của tiểu đội đã bị thương ngay tại chiến hào. Tôi phân công 2 chiến sĩ xông lên, còn một chiến sĩ lại bị thương. Một mình tôi mang hai quả bộc phá ống tiến lên, đường hào hẹp, các chiến sĩ xung kích nằm xuống, bảo tôi cứ bước lên người họ mà đi. Tôi vừa đi khom, vừa bò trên người các chiến sĩ xung kích để tiến lên. Trong màn đêm mờ mờ, tôi quan sát nhanh thấy chiến sĩ ta hy sinh, bị thương trước cửa mở khá nhiều. Bộ đội ta ở phía sau tập trung bắn yểm trợ quyết liệt. Lúc đó chẳng còn biết sợ là gì, tôi để bớt lại một quả bộc phá ở bờ chiến hào, nhảy phắt lên khỏi giao thông hào, lúc chạy, lúc bò tránh đạn địch. Từ giao thông nào của ta, đến hàng rào tôi phá có đến 50-70 m. Đặt xong quả bộc phá, giật nụ xòe, tôi chạy lui chừng 20 mét rồi nằm xuống. Quả bộc phá nổ hất tung cái hàng rào “cũi lợn” một khoảng chừng 5-7 m. Mấy chiến sĩ xung kích tiến lên sát tôi, một đồng chí bị mảng pháo địch cắt mất hẳn bàn tay phải, tôi bảo đồng chí cứ bóp chặt cổ tay không để máu ra lui ngay về chiến hào. Tôi nằm lại cái hố bộc phá đã đánh trước ngay lúc đó, tôi thấy nhói đau ở mông, sờ tay xuống thấy máu chảy, biết mình bị thương nhẹ. Tôi nằm tại chỗ chờ lệnh. Các chiến sĩ bộc phá của đơn vị sau tiếp tục lên phá những hàng rào cuối cùng. Nhiều chiến sĩ tiếp tục ngã xuống trên đường vận động tiến công.
Đến khoảng 10 giờ đêm, bỗng pháo hiệu bay vụt lên cao, tiếng hô xung phong của bộ đội ta vang dậy át cả tiếng súng địch. Thê đội hai của Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 xung trận. Tôi vùng dậy cùng đồng đội xông thẳng vào căn cứ địch. Trước khí thế áp đảo của quân ta, hàng trăm tên địch còn sống sót lũ lụt kéo nhau ra hàng. Bộ đội ta làm chủ trận địa, chiếm giữ luôn căn cứ Him Lam, trận mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.
“Về địa phương, trên mặt trận mới, các cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên quê hương Thường Thắng nói riêng, ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nói chung vẫn luôn xứng đáng với truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ anh hùng”, ông Đinh Văn Nam kết thúc câu chuyện bằng một câu có tính tổng quát như một cán bộ tuyên giáo xã là mọi người cùng cười vui vẻ. Qua chuyện kể, chúng tôi thêm cảm phục về những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.
04/04/2024
Những ngày theo chiến dịch Điện Biên Phủ: Ký ức đặc biệt của phóng viên báo Cứu Quốc / Cẩm Thúy // Đại đoàn kết. – 2024. - Số Xuân Giáp Thìn. – Tr. 14-15
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo đã có mặt ở chiến trường. Báo Cứu Quốc khi đó đã cử 2 phóng trực tiếp đi theo bộ đội chủ lực. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), xin ghi lại những ký ức đặc biệt từ nhà báo lão thành Thái Duy.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, do tình hình chiến sự, tòa soạn Báo Cứu Quốc phải thường xuyên di chuyển qua nhiều địa điểm thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang...
Nhưng trải qua nhiều khó khăn gian khổ, có cả tổn thất hy sinh, song Cứu Quốc là tờ báo hằng ngày duy nhất vẫn xuất bản và phát hành đều đặn. Chỉ riêng việc báo ra đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, có thể nói đó là một kỳ tích.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà báo, văn nghệ sĩ đã tập trung đông đảo ở chiến trường. Báo Quân đội Nhân dân có tới 5 phóng viên dạn dày kinh nghiệm là Hoàng Xuân Tùy, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và họa sĩ Nguyễn Bích. Thông tấn xã Việt Nam có Hoàng Tuấn, Đài Tiếng nói Việt Nam có phóng viên Nguyễn Nhất, Báo Nhân Dân có Thép Mới và Trần Đĩnh...
Báo Cứu Quốc cử 2 phóng viên là Thái Duy và Chính Yên trực tiếp đi theo bộ đội chủ lực suốt những năm kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Là phóng viên của Báo Cứu Quốc (Báo Đại Đoàn Kết ngày nay) trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, vài năm trước, trong những lần trò chuyện với chúng tôi, nhà báo Thái Duy vẫn còn nhớ như in từng thời khắc ở chiến trường.
Trong câu chuyện, ông vẫn thường nhắc đến sự gan góc, dũng cảm, hy sinh vô bờ bến của nhân dân, của những người lính ngoài mặt trận và trí tuệ quân sự của các vị tướng lĩnh chỉ huy mặt trận để có một Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Theo ký ức của nhà báo Thái Duy, suốt những năm kháng chiến chống Pháp, ông và nhà báo Chính Yên không phải làm công việc gì ở tòa soạn, mà được cử hẳn chuyên đi với bộ đội, quanh năm suốt tháng đi ra chiến trường cùng bộ đội. Từ chiến dịch Trung du, Chiến dịch đường 18, Chiến dịch Biên Giới… đến sau này Chiến dịch Điện Biên Phủ, 2 phóng viên của Báo Cứu Quốc là phóng viên mặt trận. “Có những thời điểm như Chiến dịch Biên giới tôi đi theo bộ đội cả năm may chăng mới về tòa soạn một lần” - nhà báo Thái Duy kể.
Nhưng đến Chiến dịch Điện Biên Phủ thì tòa soạn cử thêm các phóng viên Thái Cương, Hữu Tuấn theo các đoàn dân công. Còn Thái Duy và Chính Yên vẫn đi theo bộ đội chủ lực lên Chiến trường Điện Biên Phủ. Phóng viên Chính Yên đi theo Đại đoàn 312, còn Thái Duy theo Đại đoàn 316.
Ông Thái Duy kể: Tôi bắt đầu đi theo bộ đội từ trước Tết, tức là lên chiến trường Điện Biên Phủ rất sớm. Đi bộ từ tòa soạn lên đến mặt trận là 7-8 ngày trời. Điều kiện chiến trường hạn chế, không có điện đài (tuyên huấn ở Mặt trận cũng không đủ thời gian để giúp phóng viên gửi bài về) nên bài vở gửi về tòa soạn rất chậm, muốn chuyển bài về phải đi bộ cả tuần trời. Nhưng đó cũng là những ngày làm báo rất đẹp…
Theo lời kể của nhà báo Thái Duy, quanh năm suốt tháng đi theo bộ đội, tòa soạn cử đi nhưng không cần cấp tiền, cứ đi thôi. Không công tác phí, không tiền văn phòng phẩm, cứ đi theo bộ đội cho ăn. Suốt những năm tháng đi chiến trường không mang theo tiền, kể cả hôm nào lỡ đường chưa tới được đơn vị bộ đội thì cứ vào nhà dân là được ăn, bất kỳ nhà dân nào cũng nuôi, cũng cho ăn mà không bao giờ hỏi tên anh là gì. Nhớ lại hồi ấy vẫn còn thấy đẹp lắm. Người dân quá tốt.
“Nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ điều nhớ nhất là công của dân lớn lắm. Lương thực thực phẩm chuyển ra chiến trường bằng ô tô ít thôi, chủ yếu là bằng sức gánh, sức thồ của dân công, từ Lạng Sơn, gánh qua Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, lên Điện Biên Phủ, thật sự kinh khủng, công lao của nhân dân lớn lao lắm” - ông Thái Duy nói.
Cũng theo nhà báo Thái Duy, trên đường ra chiến trường, lúc nào cũng gặp hàng nghìn dân công gánh gạo, thồ gạo ra mặt trận, dũng cảm, gan góc. Lúc cao điểm chiến dịch, tập trung ở chiến trường Điện Biên Phủ khoảng 5 sư đoàn, vận chuyển lương thực nuôi ngần ấy bộ đội, toàn là sức dân. Mà lúc ấy đang mùa đông, rét lắm.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi về trí tuệ quân sự - nhà báo Thái Duy kể: Lúc kéo pháo ra ai cũng hoang mang không hiểu ra làm sao, tôi với anh Chính Yên cũng thắc mắc với nhau. Nhưng sau này mới hiểu, nếu không kéo pháo ra để đào hầm thì chỉ trong vài ngày là pháo bị tiêu diệt hết.
Khi Tướng De Castries đầu hàng thì tất cả các phóng viên có mặt ở chiến trường lúc ấy đều kéo nhau vào hầm. “Tôi với anh Khắc Tiếp của Báo Quân đội Nhân dân cùng vào, còn định rủ nhau tối nay sẽ ngủ ở đây một giấc, nhưng sau vì không còn chỗ ngủ nên chúng tôi lại ra” - ông Thái Duy nhớ lại.
Sau này nhà báo Thái Duy còn làm phóng viên ở nhiều chiến trường khác như chiến trường Lào, chiến trường miền Nam, nhưng ông bảo Điện Biên Phủ là trận đánh trực tiếp lớn nhất mà ông được trực tiếp chứng kiến. Theo ông, bất kỳ ai có mặt ở đó vào thời điểm ấy đều thấy tự hào.
Ông Thái Duy cho biết: “Điều kiện gửi bài về khó, nên tôi cũng không viết được nhiều. Tiếc nhất là không có máy ảnh. Hồi ấy phóng viên chiến trường của phương Tây viết được nhiều hơn chúng tôi vì họ được bên địch đưa đến bằng máy bay rồi lại chở bằng máy bay về. Sau này khi viết báo ở chiến trường Lào, bài vở của tôi gửi về Hà Nội bằng đường hàng không, đã khác hẳn, rất đều đặn”.
Sau Chiến thắng, nhà báo Thái Duy không trở về tòa soạn ngay mà còn ở lại Điện Biên Phủ thêm một thời gian nữa. Ông chính là phóng viên được cử viết bài tường thuật về Lễ duyệt binh Điện Biên Phủ sau chiến thắng đăng trên số báo xuất bản ngay tại chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân. “Trong ngày duyệt binh, thật ngậm ngùi khi nhìn những đoàn quân đã không còn đủ quân số như trước khi vào chiến dịch. Sự hy sinh là vô bờ bến” - ông kể.
Đầu chiến dịch, nhà báo Thái Duy lên Điện Biên Phủ bằng cách đi bộ, và vài tháng sau, khi từ Điện Biên Phủ trở về tòa soạn Báo Cứu Quốc, ông cũng đi bộ.
“Nhưng nói gì thì nói so với dân công, so với bộ đội, làm cái anh nhà báo ở chiến trường vẫn còn sướng lắm. Mình đi bộ chỉ đeo cái ba lô cá nhân còn dân công thì phải gánh gạo, thồ gạo, gian khổ và chịu đựng lớn lắm” - nhà báo Thái Duy đã nói về những ngày gian khổ, làm phóng viên chiến trường của Báo Cứu Quốc, trực tiếp chứng kiến Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một cách nhẹ nhõm như thế.
03/04/2024
Phẫu thuật viên “mát tay” / Lê Công Thuần // Chuyện những người làm nên lịch sử: Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 - 2009. - H. : Chính trị Quốc gia, 2009. - Tr. 23
Một đại đoàn có một đại đội quân y gồm một trung đội tải thương, cứu thương và một trung đội quân y sĩ. Chúng tôi tự vác bông băng với dụng cụ phẫu thuật, bao gạo 5kg, đồ dùng cá nhân… tất cả khoảng 30kg. Khi mở màn chiến dịch, thương binh đầu tiên chúng tôi cứu chữa là một tiểu đội phó tiểu đội bộc phá rất trẻ. Anh bị trúng đạn xuyên qua hông phải, tuy không chạm ruột nhưng phá cũng ghê, đứt nhiều mạch máu…
Sang đợt hai của chiến dịch khoảng tháng 4-1954, có ngày chiến đấu liên tục, thương binh về đông, chúng tôi phải phẫu thuật hết ca này đến ca khác. Đứng cả ngày, sưng cả chân, có khi hộ lý phải mở khẩu trang cho uống sữa. Bọn tôi không có tiêu chuẩn sữa nhưng thấy chúng tôi mổ suốt 24 tiếng không nghỉ, anh nuôi thương quá mang sữa cho.
Hồi ấy tôi 25 tuổi, đã tham gia nhiều chiến dịch rồi, chẳng biết ai đồn tôi mát tay nên anh em bị thương cứ chờ “đồng chí Thuần” băng bó hay cưa cắt. Căng nhất là lúc gần chiến thắng. Mọi thao tác phải rất nhanh, cơ động, thuần thục. Hồi ấy thuốc trụ sinh có nhưng không đến mức dư dả, phải bàn xem vết thương nào cần tiêm trụ sinh chứ không tiêm tràn lan, nhỡ khi nhiều bộ đội bị nặng quá không đủ thuốc. Thương binh nhiều người dũng cảm lắm, có khi phải cưa chân tay mà anh em bảo “để thuốc mê cho người khác nặng hơn”.
Tôi nhớ mãi một đồng chí trung đội phó bị thương vào tim. Khi hấp hối, anh nhờ tôi nhắn tin về cho vợ và hai con nhỏ ở quê. Tôi khóc, ôm chặt anh cho đến khi tim anh ngừng đập. Chúng tôi liên lạc ngay bên hậu cần để chuyển tin về gia đình anh. Sau đó mấy tuần, chúng tôi cấp cứu cho một chị dân công bị thương vào đùi do máy bay Hen cát bỏ bom.Trước khi mổ nối mạch máu, hỏi thăm thông tin thì chị ấy bảo anh chồng từ tháng nay không có tin. Khi chị nói tên và đơn vị của anh thì than ôi, lại đúng là anh trung đội phó đã hy sinh. Thương không tả nổi, chúng tôi không dám cho chị biết sợ bị sốc. Ca mổ thành công và chúng tôi cứu được chị ấy.
02/04/2024
Vì chiến sĩ, vì chiến thắng / Vũ Văn Cần // Nhân dân. – 2004. – Ngày 7 tháng 4. – Tr. 1, 7
Một bước tiến về tính cơ động
Cuối tháng 1 năm 1954, các đơn vị tập trung đông đủ chung quanh Điện Biên Phủ, chuẩn bị tiến công… Đội điều trị cuối cùng của chúng tôi đã tới mặt trận.
Đội này đã hành quân từ trung tâm Việt Bắc về với một tốc độ khá nhanh. Anh chị em đi hai mươi ngày chỉ nghỉ một ngày, vượt một chặng đường hơn 600 km, mang trên vai đầy đủ bàn mổ, dụng cụ, thuốc men. Qua Cò Nòi, họ đã phải đạp lên bom nổ chậm mà đi. Đến mặt trận, không kịp nghỉ, tất cả bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và chỉ một đêm đã xây dựng xong một bệnh viện dã chiến đủ sức đón tiếp được 200 thương binh. Đó là một bước tiến lớn so với các chiến dịch trước. Ở hậu phương anh chị em đã được tập dượt nhằm nâng cao tính cơ động của đội. Trong nhiều ngày ròng rã, họ đã tập mang nặng, đi xa, tập dựng trạm và rút trạm nhanh. Công phu rèn luyện quả không phải là vô ích. Nhưng đạt được bước tiến đó trước nhất là nhờ cuộc chỉnh quân chính trị. Chính vì giác ngộ giai cấp được nâng cao, anh chị em trong đội đều một lòng một dạ phục vụ chiến sĩ nên đã quyết tâm tiến nhanh ra mặt trận trước ngày nổ súng…
Nhỏ một giọt máu để giữ lấy 10 giọt máu
Chúng tôi phác ra kế hoạch xây dựng phòng mổ trong lòng đất. Anh chị em bắt tay vào thực tập đào một lần không được thì đào thêm lần nữa. Đào moi vào ruột núi, đất sụt xuống thì dùng gỗ chống. Rồi lại xoay ra đào hầm lộ thiên, đoạn lát cây, đắp đất lên làm nắp. Làm xong phòng mổ, lại đào những đường hào tỏa khắp chung quanh, làm thêm các hầm kho thuốc, hầm thay băng và hàng trăm hầm nhỏ cho thương binh ở. Một bệnh viện trong lòng đất đã hình thành.
Các đội điều trị trên toàn mặt trận được mời về xem, rút kinh nghiệm. Sang đầu tháng 3, tất cả các đội điều trị trên tuyến 1 đã xây dựng xong các bệnh viện ngầm. Mỗi nơi có ít nhất một phòng mổ với hai bàn. Có nơi còn phải xây dựng thêm một phòng mổ thứ hai, đề phòng khi bị bom đạn địch phá hủy.
Các đội điều trị trực thuộc ban quân y mặt trận được sắp xếp thành nhiều tuyến; có nhiều đội bố trí trong tầm đại bác địch. Các đội điều trị đại đoàn càng tiến gần bộ đội hơn. Từ đó có những đường hào trục dẫn đến các trung đoàn các đội quân y trung đoàn cũng trở thành những “bệnh viện trong lòng đất” với quy mô nhỏ hơn.
Thật không thể tính hết bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ và dân công đã đổ vào các công trình to lớn ấy!
Ngày 13-3, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam.
Bộ máy phức tạp của quân y mặt trận bắt đầu vận hành. Nhưng không phải chỉ có sự tinh vi của bộ máy đó đã phát huy tác dụng. Điều chủ yếu là bộ máy ấy đã chạy bằng nhịp đập của hàng nghìn trái tim. Chính tinh thần anh dũng tận tụy của các đồng chí quân y đã cứu sống nhiều chiến sĩ.
Ngay trong trận Him Lam, y tá Lương Văn Vọng đã nêu một tấm gương sáng ngời. Vọng đã thực hiện lý tưởng cao quý “quên mình vì đồng đội”, đã quyết “nhỏ máu mình để giữ lấy máu đồng đội”.
Ba “không” hay là lòng thương yêu
Bước sang đợt 2, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt. Số thương binh về các đội điều trị tăng lên dần. Giặc lại cho máy bay và đại bác bắn phá điên cuồng các tuyến sau. Các cơ sở điều trị và các đường tải thương bị đe dọa. Việc tiếp tế ở hậu phương lên gặp nhiều khó khăn. Trong tình hình đó, chúng ta vẫn phải cố gắng phục vụ thương binh ở mức tốt nhất.
Đồng chí chủ nhiệm ban cung cấp mặt trận giống như một bà mẹ vừa hiền hậu vừa nghiêm khắc. Đồng chí căn dặn cán bộ quân y chúng tôi:
- Khó khăn đến đâu cũng mặc, quân ta nhất định tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí cũng phải có quyết tâm đó. Bất kỳ khó khăn đến thế nào, các đồng chí cũng phải bảo đảm ba yêu cầu tối thiểu: Không để thương binh đau, không để thương binh đói, không để thương binh rét.
Trải qua những năm kháng chiến chúng ta đã đào tạo được những người thầy thuốc thật đáng quý. Anh chị em là những y tá bộ đội trưởng thành lên những học viên của trường quân y, những sinh viên chưa hoặc mới tốt nghiệp trường đại học Y khoa ở chiến khu Việt Bắc. Họ học ở trường chẳng được bao ngày. Họ mang theo mỗi người vài tập sách chuyên môn đi cùng bộ đội, vừa làm vừa học. Trong tác chiến có khi họ vừa cứu chữa thương binh, vừa phải tra cứu sách vở. Lúc nghỉ ngơi, họ mượn con lợn sắp làm thịt của anh nuôi để tập cắt xương, mổ bụng, cặp mạch, nối ruột… cho thành thạo. Có thể họ còn thiếu vốn kỹ thuật nhưng họ rất giàu tinh thần cách mạng và lòng yêu thương bộ đội. Họ đã được tôi luyện trong khói lửa kháng chiến. Họ sẵn sàng làm tất cả để giảm bớt đau đớn của thương binh. Tôi đã thấy họ làm việc nhiều đêm trắng, làm việc hàng chục giờ liền không nghỉ. Bom đạn nổ ầm ầm chung quanh phòng mổ, họ không run tay, vẫn cầm chắc lưỡi dao hay mũi kim khâu.
Bên cạnh những thầy thuốc đó là một đội ngũ y tá giàu lòng hi sinh. Họ từ bộ đội chiến đấu về hoặc từ các làng mạc tới. Họ được học chuyên môn trong những lớp ngắn ngày hoặc chỉ học trong công việc. Họ chăm sóc thương binh không phải chỉ trong những việc thay băng, tiêm thuốc, cho ăn uống… Chính họ làm lán cho thương binh ở, tìm cỏ khô lót cho thương binh nằm được ấm. Khi cần thiết họ có thể nhường cho thương binh chăn áo của mình và những luôn cả hầm tránh bom, rồi lấy thân mình thay thế nắp hầm không thể không nói đến những người không phải là thầy thuốc nhưng đã đóng góp một phần quan trọng vào việc điều trị thương binh. Đó là những cán bộ chiến sĩ và dân công lo việc ăn uống cho thương binh.
Ở ban quân y mặt trận có năm cán bộ tiếp phẩm rất giỏi, được anh em tặng cái tên “ngũ hổ”. Năm đồng chí đó chia nhau xông xáo khắp nơi, người thì leo lên các đỉnh núi, người thầy gò lưng đạp xe xuống tận Sơn La, Phú Thọ hay Thanh Hóa. Họ thồ về các đội điều trị đủ thứ từ sữa hộp, đường kính, tôm khô… cho đến lợn, gà, trứng, rau xanh, nấm hương, mộc nhĩ…
Họ vác cả những bộ cối đá lên để xay đỗ làm đậu phụ. Rồi họ lĩnh ở ban quân nhu mặt trận về một số hạt rau giống. Nhân viên các đội điều trị đã gieo các hạt rau đó trên những mảnh đất đã bị đạn đại bác cày lên hoặc bị bom na-pan đốt cháy. Trong mưa xuân, những mầm rau xanh nhú lên và lớn nhanh như thổi.
Trên mảnh đất xa xôi, đã bị bom đạn làm cho xơ xác, có những thứ thực phẩm đó thật là một sự kỳ diệu!
Bàn tay của các anh nuôi, chị nuôi lại biến các thứ đó thành những món ăn thích hợp. Các đồng chí thương binh của chúng ta không những không bị đói mà còn được ăn bổ và ngon nữa.
Tôi còn nhớ ngày hai bác sĩ Tôn Thất Tùng và Vũ Đình Tụng ở hậu phương lên săn sóc những thương binh nặng. Chúng tôi đã thích hay bị một bữa ăn tươm tất.
Hai bác sĩ đã ngạc nhiên thốt lên:
- Giỏi quá! Ở mặt trận mà các anh cho ăn ngon hơn ở hậu phương. Thế anh em thương binh có được ăn như thế này không?
Đồng chí chính trị viên đội điều trị đã vui vẻ đáp:
- Các đồng chí thương binh nặng còn ăn tốt hơn thế nữa. Anh em có cả rượu “room” chiến lợi phẩm nữa kia…
Không gì êm ái bằng tấm lòng của nhân dân
Các chiến dịch trước, thương binh được điều trị bước đầu xong đều chuyển cả về các bệnh viện hậu phương. Ở Điện Biên Phủ không thể làm như thế được.
Những thương binh nhẹ, có thể chữa lành trong một thời gian ngắn, rồi lại ra mặt trận. Còn thương binh nặng cần đưa về hậu phương để có được những điều kiện thuận lợi hơn.
Đưa hàng trăm và hàng trăm thương binh nặng vượt qua 500 km đường núi, dưới sự đe dọa của máy bay địch, quả là một khó khăn tưởng như không thể khắc phục nổi.
Về phương tiện chuyên chở, chúng ta không có lấy một chiếc xe hồng thập tự.
Chúng tôi lợi dụng những xe vận tải chạy về hậu phương lĩnh lương thực, đạn dược để vận chuyển thương binh. Các chiến sĩ lái xe lấy rơm rạ trải lên sàn xe thay đệm, để thương binh nằm được êm. Họ cho xe chạy chậm và thận trọng tránh từng cái ổ gà, để xe đỡ xóc, giảm bớt đau đớn cho thương binh. Những anh em phụ lái xe thì làm thay công việc của những người y tá, tận tình chăm nom, nâng giấc thương binh.
Trong những đoàn tải thương đó, cán bộ chính trị và cán bộ quân y đi hộ tống đã có sáng kiến nêu ra khẩu hiệu: “Mỗi cáng thương là một gia đình”. Đó không phải là một khẩu hiệu suông! Nó đã trở thành một sự thật một hình ảnh đẹp đẽ và xúc động lòng người!
Mỗi cáng thương phải có từ bốn đến sáu người dân công thay nhau khiêng vác. Những anh chị em đó quây quần lại chung quanh thương binh và dành cho anh tất cả những sự chăm sóc dịu dàng nhất. Họ được cán bộ quân y căn dặn tỉ mỉ về tình trạng sức khỏe của thương binh, chỗ đau, cách ăn uống và tất cả những chăm sóc cần thiết cho anh. Họ nhận cả phần gạo, thức ăn, đường, sữa… của thương binh.
Dọc đường dài, anh cán bộ quân y dù trăm tay trăm mắt cũng không đủ sức chăm sóc hàng trăm thương binh một lúc. Chính những người dân công đã thay thế anh ta một cách khéo léo. Họ làm cho thương binh món ăn ưa thích, rồi lựa lời động viên anh ăn từng miếng. Gặp bom đạn, họ lo tránh cho anh trước khi nghĩ đến mình. Họ bước đều chân và gượng nhẹ mỗi lần đổi vai hay đặt cáng để thương binh khỏi đau. Những lời an ủi thương binh của họ đều chân thành và dạt dào tình cảm.
Tôi nhớ mãi một đêm mưa lâm râm trên đèo Vả. Đoàn tải thương vượt đèo. Những người dân công bấm ngón chân xuống mặt đường trơn nhẫy. Họ bước chập chững. Hình như mỗi cơn gió thổi họ lại run lên vì rét. Những tấm vải nhựa của họ, họ đã đem lợp lên đòn cáng để che mưa, che gió cho thương binh.
Dọc đường thường vang lên câu hò:
Thương anh, em ủ áo bông
Áo em nhuộm thắm máu hồng thương binh.
Tôi được nghe kể lại câu chuyện cảm động về câu hò này. Một chị dân công người vùng tạm chiếm Vĩnh Phúc, khi đi tải thương đã cởi áo bông của mình để ủ cho thương binh khỏi rét. Máu từ vết thương rỉ ra thấm đầy áo bông. Về đến hậu phương, anh cán bộ hộ tống đưa chị một số tiền để may chiếc áo bông mới. Nói sao chị cũng không chịu nhận. Chị nói:
- Máu các anh bộ đội chảy ra vì dân, vì nước, có thấm vào áo em thì em mang về em giữ mãi để luôn luôn nhớ tới các anh.
Có lẽ câu ca dao trên chưa nói hết cái đẹp của chị dân công nhưng nó đã được truyền đi khắp các đoàn tải thương mặt trận.
Công việc tải thương của ta với những phương tiện thật thô sơ mà êm ái biết bao! Có phương tiện hiện đại nào so sánh được với nó về mặt ấy?
Trả mau về mặt trận những chiến sĩ đáng quý
Cùng với việc đưa thương binh nặng về hậu phương, chúng tôi phấn đấu để trả mau những người bị thương nhẹ về mặt trận.
Chúng tôi luôn nhắc nhở, làm sao cán bộ các đội điều trị nhận rõ rằng anh em thương binh là những chiến sĩ dũng cảm và dày dặn chiến đấu, rất cần cho mặt trận. Số thương binh nhẹ lại chiếm một nửa hoặc trên một nửa tổng số thương binh. Cho nên không thể vì lo chạy chữa cho thương binh nặng mà ít chú ý đến anh em đau nhẹ. Ra sức chữa cho thương binh nhẹ mau lành thì sẽ bổ sung cho mặt trận một nguồn sinh lực khá quan trọng. Chính đó là một biểu hiện của lòng quyết tâm tiêu diệt địch.
Anh em thương binh nhẹ mang trong lòng niềm tin và tinh thần lạc quan của những người chiến thắng. Ai nấy đều mong mỏi mau được trở về mặt trận. Chúng tôi đã cố gắng đáp lại lòng mong mỏi ấy. Một số bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm được điều đến giúp các tổ quân y chuyên điều trị thương binh nhẹ. Nhờ vậy công tác ở đây tiến triển rất tốt.
Những thương binh mạnh khỏe trở về mặt trận mỗi ngày một đông. Đặc biệt ở đội bổ sung, vào thời kỳ trước tổng công kích, mỗi ngày có hàng trăm anh em trở về mặt trận. Họ ra đi vui vẻ phấn khởi, đội ngũ chỉnh tề như những đơn vị hoàn chỉnh.
Bình thường hóa đời sống dưới chiến hào
Ngoài mặt trận quân ta không ngừng khép chặt vòng vây. Từ giữa đợt hai, hầu hết các đơn vị chiến đấu của ta ngày đêm sống dưới chiến hào. Mỗi ngày họ phải chịu đựng bao nhiêu trận mưa thép lửa. Hầu như lúc nào không khí cũng vẩn đục vì khói súng. Lại thêm mùi hôi thối từ các xác giặc nằm phơi giữa hai trận tuyến xông lên. Nhiều chiến sĩ ở lâu ngoài trận địa không được tắm rửa, không được uống nước cho đã khát, mặc dù trời đang oi bức. Ngay cả lúc nằm ngủ họ cũng không được duỗi chân cho thoải mái vì hầm không đủ rộng…
Từ đầu chiến dịch anh Văn rất quan tâm đến sức khỏe bộ đội. Nhiều lần anh dành thời giờ nghe tôi báo cáo tình hình và cho những chỉ thị cần thiết. Có lần, nghe nói thương binh rét, anh đã ra lệnh cấp cho các đội điều trị một số dù chiến lợi phẩm. Khi được biết có một số thương binh sọ não, ngoài khả năng giải quyết của cán bộ quân y mặt trận, anh đã điện về Trung ương yêu cầu đưa những thầy thuốc giỏi nhất lên. Điện của anh về hậu phương đúng lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một phái đoàn thay mặt Chính phủ lên thăm cán bộ chiến sĩ trên mặt trận; trong đoàn có hai bác sĩ Vũ Đình Tụng và Tôn Thất Tùng. Các bác sĩ Triệu, Huấn là những thầy thuốc giỏi của quân y cũng đưa một số học sinh trường quân y lên. Thật là một sự chi viện vô cùng quý báu cho chúng tôi…
Khu hầm của đội quân y được sửa sang nhiều. Bước xuống phòng mổ tôi có cảm giác như được vào một bệnh viện hiện đại nào. Đây không phải là một cái hầm mà đúng là một căn phòng xinh xắn, tường rất phẳng, góc rất vuông. Trên trần và bốn chung quanh đều căng vải trắng tinh. Mặt đất lát bằng thân cây sậy và phủ một lớp vải dù. Giữa phòng đặt một chiếc bàn mổ kiểu cơ động, nhẹ và đẹp. Ở các góc phòng có kê mấy chiếc bàn nhỏ, trên đó xếp đặt ngăn nắp những chai thuốc, những khay đồ mổ, những chồng vải và áo choàng trắng toát. Trong không khí dịu mát phảng phất mùi ê-te thơm thơm…
Buổi trưa, tôi ghé qua trận địa của một tiểu đội bố trí ở phía bắc sân bay. Anh em chiến sĩ chia nhau, người theo dõi quân địch, người nghỉ ngơi, tắm rửa. Họ có hẳn một cái giếng nhỏ trong chiến hào.
Gặp bữa cơm, anh em mời tôi và đồng chí cán bộ đi với tôi cùng ăn. Họ chỉ có cơm nắm, cá khô và nước gạo rang. Nhưng cái hay ở đây là mọi thứ đều rất sạch sẽ. Anh em chiến sĩ múc nước giếng rửa tay thật sạch trước khi ăn, y như ở hậu phương.
Buổi tối, chúng tôi sang đến phía đông, tìm vào một đội điều trị. Mấy đồng chí thầy thuốc đang làm việc trong phòng mổ, dưới ánh sáng của một ngọn đèn pha xe đạp. “Máy phát điện” của họ là một cái bình điện xe đạp và một cái guồng quay tay làm bằng đùi, đĩa, bánh và xích xe đạp.
Hôm ấy mãi chín, mười giờ khuya họ mới ăn bữa chiều. Họ thết tôi món củ mài hầm xương và món nộm hoa chuối rừng. Đó cũng là những món ăn của phong trào “bình thường hóa đời sống”.
Chuyến ấy, tôi ở mặt trận về, trong lòng rất vui. Không ngờ về đến cơ quan lại nhận được thư hậu phương. Nhà tôi sinh cháu trai khỏe mạnh. Cháu ra đời ngày 13-3, đúng cái ngày quân ta mở màn chiến dịch, nổ súng giòn giã tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Anh em đều mừng cho tôi. Chúng tôi bàn chuyện đặt tên cho cháu. Người nói nên gọi luôn là Him Lam, người lại bảo nên đặt là Chiến Thắng. Cuối cùng, tôi chọn cho cháu hai chữ Điện Biên. Ngay đêm ấy tôi ngồi cặm cụi viết thư về…
Giọt nước mắt của người tù binh da đen
…Những thương binh địch đã được moi lên khỏi cái địa ngục mà bọn thực dân hiếu chiến đã đẩy họ vào những chị dân công hiền hậu của chúng ta, lòng sôi sục căm thù quân địch đã cướp bóc, đốt phá làng mạc họ, giết chóc người thân của họ, nhưng đã nghe theo lời Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình nhân đạo mà bắt tay vào khiêng chúng lên, rửa ráy cho chúng, đặt chúng vào trong những chiếc dù mới căng lên.
Đi qua dãy dù đó, tôi tìm đến đội điều trị được giao nhiệm vụ săn sóc thương binh địch. Một đồng chí nữ y sĩ đưa tôi vào phòng mổ. Đó là một tấm dù phía trong giăng vải trắng tinh, cũng đẹp như các phòng mổ trong lòng đất mà tôi đã nói ở trên. Các đồng chí quân y của ta, khi săn sóc thương binh địch vẫn tỏ ra tận tụy và làm việc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm.
Tôi tỏ lời khen ngợi. Nữ y sĩ vui vẻ kể lại:
- Hôm nọ một viên sĩ quan địch đến phòng mổ này. Y nhìn chúng tôi săn sóc thương binh của mình rồi hỏi một đồng chí cán bộ: “Thương binh của các ông có được chăm sóc như thế này không?”
- Các đồng chí trả lời sao? Tôi hỏi.
- Đồng chí của ta trả lời: “Tất nhiên là phải tốt hơn…”. Viên sĩ quan địch đã thốt lên: “Thật không ngờ chỉ cách có vài bước chân mà chúng tôi chui rúc dưới địa ngục, còn các ông thì ngự trên thiên đường…”.
Chúng tôi đang trò chuyện thì trên đầu có tiếng máy bay. Một chiếc đa-cô-ta lượn vòng rồi hạ cánh.
Đối phương được Bộ Tổng tư lệnh quân đội ta cho phép tiếp tục dùng máy bay chuyển thương binh của chúng đi. Lần này đại diện hội đồng thập tự của đối phương vẫn là Huya. Đây là lần thứ ba kể từ chiến dịch Biên Giới, Huya - bác sĩ, Đại tá trong quân đội viễn chinh Pháp - được lĩnh cái vinh dự đi nhận những tên thương binh thảm hại. Có điều khác hai lần trước là lần này ông ta được “vinh dự” to lớn hơn nhiều, vì được nhận về hàng nghìn tên một lúc.
Chào đồng chí nữ y sĩ, tôi bước sang phòng thay băng.
Một y tá của ta đang mở vết thương của một tù binh da đen. Anh ta bị thương ở gần mang tai. Những “ân nhân” người Pháp đã dán vào đó một miếng băng dính. Miếng băng dính cắn chặt vào da. Đồng chí y tá phải thấm nước ê te cho nó bở ra, rồi bóc dần từng tí. Có chỗ băng dính vào những sợi tóc mai. Đồng chí đó phải lách mũi kéo cắt từng sợi tóc để gỡ miếng băng ra một cách nhẹ nhàng.
Đồng chí y tá của chúng ta làm rất khéo. Thế nhưng anh lính da đen lại rưng rưng nước mắt.
Tôi lấy làm lạ, hỏi anh ta:
- Tại sao anh lại khóc?
Người lính da đen ngồi im, để mặc những giọt nước mắt ứa ra, từ từ lăn trên má. Một lúc lâu anh ta mới nói được bằng giọng nghẹn ngào:
- Thưa ông đại úy, từ khi tôi có trí khôn, ngoài mẹ tôi ra bây giờ tôi mới biết đến sự dịu dàng và lòng yêu thương.
Tôi vẫn chưa hiểu tại sao một việc nhỏ bé như vậy lại có thể làm anh ta xúc động đến thế. Tôi hỏi:
- Ở trong quân đội Pháp anh có được săn sóc như vậy không?
Anh ta lắc đầu:
Anh ta lắc đầu chẳng bao giờ chẳng đời nào thưa ông chúng nó cứ dùng cặp kẹp chặt một góc những miếng băng rồi giằng ra thật mạnh anh ta làm cử chỉ đưa tay vào gần vết thương rồi giật mạnh ra.
Thưa ông đại úy, mỗi lần chúng làm như thế là vết thương của tôi ứa máu, đau như xé thịt. Ôi mỗi lần thay băng là cả một sự ghê sợ, một sự khủng khiếp đối với tôi. Anh ta rùng mình. Mặt anh ta nhăn nhó như còn đang đau đớn và sợ hãi.
Nhân đạo! Cái tiếng rất đẹp ấy mỗi ngày tôi lại hiểu sâu sắc thêm về nó. Chính vì thế, khi trưởng thành lên tôi biết rằng muốn thực hiện được lý tưởng nhân đạo thì phải đi một con đường khác, con đường mà bây giờ chúng ta đang theo đuổi.
Câu chuyện của anh thương binh da đen hôm nay càng chứng minh thêm điều đó. Ở phía bọn kẻ cướp chẳng bao giờ có nhân đạo cả. Ở phía chúng nó, ngay cả cái nghề nhân đạo cũng không còn nhân đạo nữa.
Đứng trong quân đội cách mạng, những người quân y chúng tôi đang thực hiện một lý tưởng nhân đạo cao quý nhất.
Được Đảng giáo dục, các đồng chí quân y chúng ta đã tỏ rõ lòng nhân đạo với hàng nghìn thương binh và hàng vạn tù binh.
Đối với anh em bộ đội chúng ta thì lòng nhân đạo của những người quân y biểu hiện thành tình thương yêu đồng chí thiêng liêng và thắm thiết.
Chính tình thương yêu đó đã thôi thúc anh chị em cán bộ quân y vượt qua mọi khó khăn, làm tốt việc chạy chữa cho thương binh, tận tình săn sóc sức khỏe và đời sống của bộ đội ngoài trận địa.
Chính tình thương yêu đó đã đem lại cho các cán bộ quân y sức mạnh để lao mình vào những chỗ chết chóc và sẵn sàng nhỏ máu của mình để dành lấy sức sống cho thương binh.
------------------------
Trích Hồi ký của cố Đại tá Vũ Văn Cần - Nguyên cục trưởng Quân y phụ trách Quân y tiền phương chiến dịch Điện Biên Phủ
29/03/2024
Vận tải trong chiến dịch Điện Biên Phủ / Xương Giang, Hoàng Anh: tổng hợp // Cựu chiến binh Việt Nam. – 2014. – Ngày 10 tháng 4. – Tr. 1, 3.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chính là biểu tượng sinh động của chiến tranh nhân dâ,n sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đặc trưng nổi bật là sự động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Đây là chiến dịch tập trung cao nhất lực lượng các đơn vị chủ lực, các đơn vị binh chủng như pháo binh, cao xạ phòng không, công binh, thông tin… cũng là chiến dịch huy động cao nhất các lực lượng thanh niên xung phong dân công để vận tải tiếp tế cho chiến dịch.
“Dũng sĩ xe thồ”
Ông Phạm Nga Ty, sinh năm 1929, vốn là thợ sửa chữa xe đạp ở vùng quê Phổ Yên, Thái Nguyên. Đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ông mang theo chiếc xe đạp Xtéc-linh của Pháp và được cử làm đội trưởng đội xe thồ trên cung đường từ Bờ Đậu đến Bình Ca. Mỗi chiếc xe đạp được gia cố một đoạn tre buộc vào khung dọc, khung ngang để mang được từ 200 đến 250 kg. Tay lái và cọc yên thì nối dài điều khiển thuận tiện và giữ thăng bằng. Nan hoa xe đạp được nẹp thêm tre tăng độ cứng và sức chịu đựng. Để xe không bị nổ lốp các ông đã có sáng kiến lấy vải màn hoặc xé ống quần thành từng dải rồi quấn vào xăm xe trước khi bơm. Sau đó lại dùng những đoạn xăm cũ quấn vào lốp một lần nữa. Chiếc xe của ông Ty thường chở được trên dưới 300kg. Một lần vượt đèo Khế, ông còn chở thêm 20kg cho một chị dân công bị sốt và đạt kỷ lục 340kg. Ông Phạm Nga Ty được suy tôn là “Dũng sĩ xe thồ”. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động 2 vạn xe đạp thồ trên khắp ngả đường.
Đôi bồ gánh gạo
Đi dân công Điện Biên Phủ, bà Nguyễn Thị Xuân, mới 22 tuổi ở thôn Ngô Xá, xã Toàn Thắng, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ chỉ mang 1 đôi bồ để gánh gạo. Trong 1 chuyến gạo nuôi quân ấy, bà bị bom nổ chậm hết xuống vực sâu. May mắn bà vướng vào 1 gốc cây và kịp thời túm được những chiếc rễ để không bị rơi tiếp. Tuy người đau ê ẩm nhưng bà cố bám vào các mỏm đá, gốc cây trèo ngược lên. Tới mặt đường bà nghe thấy nhiều tiếng kêu cứu ở xung quanh. Biết là chị em mình bà quên cả đau đớn, mệt mỏi, cố sức đào bới đất đá, cây que và cứu được 7 người. Thoát chết nhưng bà tiếc ngẩn ngơ vì đôi bồ đã bay xuống vực, không còn cùng bà gánh gạo ra chiến trường. Bà động viên anh chị em trong đội dân công giữ gìn hạt gạo cho bộ đội ăn no đánh thắng. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chỉ riêng công tác hậu cần tại chỗ đã đưa vào tới bếp ăn tại chiến hào được 55 tấn lương thực, thực phẩm bằng đôi vai và bàn chân trần.
Ngựa thồ lên Điện Biên
Ông Đỗ Xuân Lộc sinh năm 1930, tại thành phố Yên Bái, nhập ngũ năm 1948, vào đảng năm 1949, tổ trưởng liên lạc của tỉnh đội Yên Bái. Sau khi đi học trường chính trị Phùng Chí Kiên, ông làm chính trị viên đại đội của tiểu đoàn 42, trung đoàn 249 chiến đấu trên khắp địa bàn Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Từ năm 1953, ông được giữ cương vị Chính trị viên đại đội, vận tải ngựa của Cục hậu cần, Khu Tây Bắc. Khi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ thì đại đội ông có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực phẩm, hàng hóa từ Thượng Bằng La (ngã ba Yên Bái; Nghĩa Lộ) vượt đèo Lũng Lô qua Phù Yên đến chân đèo Chẹn (Sơn La) thì bàn giao cho đơn vị khác chuyển lên Còi Nòi, Tuần Giáo, Điện Biên. Ông kể:
Thời gian cứ đi 3 ngày thì nghỉ 1 ngày. Đại đội toàn anh em lính trẻ, xuất thân nông dân, nhiều người không biết chữ, vào đơn vị được học chính trị, văn hóa, biết đọc, biết viết, lại có thư nhà báo tin cải cách ruộng đất được chia ruộng vườn, trâu bò thì phấn khởi lắm. Nhiều anh không ngủ trưa để ra rừng đan mũ nan, vót đũa, vót tăm, nhiều nhất là chăm sóc ngựa như đuổi mòng, chải lông, chải bờm,cho ăn cỏ, tắm rửa như 1 anh nông dân có con trâu riêng vậy. Ban đầu chúng tôi không biết là vận chuyển cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đường 13 mở xong, đại đội đi lẫn với bộ đội, xe pháo nghễu nghện, dân công nườm nượp như chẩy hội thì hóng chuyện mới biết. Thấy vinh dự quá nhưng cũng rất tủi thân. Nhất là chị em thanh niên xung phong, dân công, cứ thấy chúng tôi đi cùng đoàn ngựa thồ lúc cúc đi theo là hò lơ:
Chồng người ra trận lập công/
Chồng em lóc cóc làm ông ngựa thồ;
hay là:
Nghe chức giám mã tưởng oai/
Hóa ra cắt cỏ ở ngoài bãi sông…
Thế là cả đoạn đường rộ lên tiếng cười, tiếng trêu chọc không ngớt… Ngày ấy, cán bộ chúng tôi có hai điểm phải tránh là không dao động tư tưởng và không tham ô, hủ hóa. Mọi lời nói, việc phải gương mẫu. Chính vì vậy mà chúng tôi động viên được anh em; có đồng chí bị sốt rét bắt ở lại thế mà hai hôm sau đã đuổi kịp đơn vị, vì ngựa của mình giao cho người khác không quen dễ sinh hư. Có anh thức suốt đêm đốt quả bồ kết xong cho ngựa bị đầy hơi, chướng bụng… Còn hàng hóa khi ấy hiếm lắm, có người phải đổi 1 chiếc đồng hồ đeo tay để lấy gói thuốc lào. Vậy mà đơn vị chúng tôi không ai tơ hào, hàng không hao hụt. Gạo để người ăn, thóc cho ngựa ăn mang riêng tính theo cung đường. Mỗi tháng đại đội vận chuyển được khoảng 30 tấn hàng, luôn luôn bảo đảm kế hoạch cho đến khi hết chiến dịch.
28/03/2024
Ngày 26 tháng 1 năm 1954: “Hôm đó, thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình” // Cựu chiến binh Việt Nam. – 2004. – Ngày 6 tháng 5. – Tr.3
Thời gian, nổ súng đã được quyết định là 17 giờ ngày 25-1-1954. Bị lộ, địch thông báo cho nhau ngày, giờ tiến công của ta, lại có chiến sĩ của ta bị địch bắt. Trận địa phòng ngự của địch được xây dựng kiên cố hơn, hỏa lực đề kháng tăng cường, không còn trạng thái phòng ngự lâm thời ban đầu. Lời Bác căn dặn: “Chỉ được đánh thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn” luôn luôn vẳng bên tai Đại tướng. Đêm đó, Người Tư lệnh chỉ huy chiến dịch không sao ngủ được, chỉ mong chóng sáng để họp Đảng ủy Mặt trận… Ngày 26-1-1954, sau khi nghe Đảng ủy thảo luận và trao đổi ý kiến với cố vấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận:
…Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.
Sau đó, tôi phân công cho anh Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh, tôi ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho 308.
Tôi gọi điện thoại cho pháo binh:
- Tình hình địch đã thay đổi, Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về điểm tập kết chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích.
Đầu dây đằng kia, tiếng đồng chí Phan Ngọc Mậu, Chính ủy pháo binh đáp:
- Rõ! Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh.
14 giờ 30 phút mới có liên lạc điện thoại với anh Vương Thừa Vũ, Tư lệnh đại đoàn 308.
- Chú ý nhận lệnh: Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Phra-băng tiến quân. Dọc đường gặp địch thì tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi mới trả lời.
- Rõ! - Anh Vũ đáp.
- Triệt để chấp hành mệnh lệnh!
- Xin chỉ thị về sử dụng binh lực như thế nào?
- Toàn quyền quyết định, từ một tiểu đoàn đến toàn đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết. Đúng 4 giờ chiều nay, xuất phát.
- Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh!
Đồng thời, tôi chỉ thị cho một bộ phận nhỏ, mang theo một đài vô tuyến điện, đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày ba lần đánh điện báo cáo: “Đại đoàn 308 đã về tới…” Điện mật, xen đôi tiếng không dùng mật mã. Vì có những bức điện này, lúc đầu, địch nghe biết tưởng 308 đang quay về đồng bằng.
Tình hình lúc này không cho phép dùng điện đài báo với Trung ương, ngay tối hôm đó tôi viết bức thư và tốc đề nghị Bộ Chính trị và Bác cho chuyển sang phương châm “đánh chắc, thắng chắc” quyết giành thắng lợi nhưng chiến dịch sẽ phải kéo dài, cần khắc phục những khó khăn lớn về hậu cần. Đồng chí Nguyễn Văn Dinh, một cán bộ tác chiến, được lệnh dùng xe Jeep duy nhất của cơ quan tham mưu, mang thư đi gấp suốt ngày đêm về căn cứ.
Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình.
-----------------------------
(Theo hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”)
27/03/2024
Hành quân lên Điện Biên kéo pháo / Hoàng Việt // Cựu chiến binh Việt Nam. – 2004. – Ngày 19 tháng 2. – Tr. 5.
Ngày 20 tháng 11 năm 1953, đúng ngày hành quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, đại đoàn 304 chúng tôi được lệnh rời hậu phương Thanh Hóa, hành quân đi chiến dịch. Thế là từ đây đại đoàn đã chia đôi, nhận nhiệm vụ chiến đấu ở hai chiến trường khác nhau. Vì trước đó trung đoàn 66 cùng một bộ phận chỉ huy, lãnh đạo đại đoàn đã vượt Trường Sơn đi tham gia chiến dịch Trung Hạ Lào. Theo sự điều động của Bộ. Giờ đây chỉ còn Trung đoàn 57, Trung đoàn 9 và một phần đại đoàn Bộ. Chúng tôi qua Thọ Xuân, Ngọc Lập của Thanh Hóa; qua Mai Châu của Hòa Bình, vượt suối Rút rồi theo đường số 41 lên Mộc Châu, Sơn La. Ai cũng đinh ninh lần này sẽ lên Tây Bắc, nhưng đội hình hành quân vừa đến ngã ba Xồm Lồm, cách Mộc Châu 15 km bỗng được lệnh rẽ theo đường Quang Hưng, sang Thu Cúc, Lai Đồng, rồi vượt sông Hồng về dấu quân tại một khu rừng thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Cán bộ, chiến sĩ đều thắc mắc, suốt ngày chỉ bàn với nhau quanh câu hỏi: “Bao giờ mới được đi chiến đấu và sẽ đánh địch ở đâu?”.
Suốt tháng 12 ém quân ở Phú Thọ, rồi ngày lên đường đối với chúng tôi cũng đã đến. Thì ra trên để chúng tôi nằm im lặng tại đây vừa để nghi binh địch, vừa đề phòng tình huống địch cho quân đánh ra vùng tự do của ta như thời kỳ đầu chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Nay thấy khả năng đó không còn nữa nên ngày 5-1-1954, Bộ Tổng tư lệnh quyết định đưa lực lượng dự bị còn lại lên chiến trường chính Điện Biên Phủ, trong đó có trung đoàn 57 của tôi. Trước lúc lên đường chúng tôi có vinh dự lớn được đón đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi chiến dịch. Đại tướng ghé vào thăm và giao nhiệm vụ trực tiếp cho cán bộ, chiến sĩ.
Chúng tôi náo nức lên đường, hành quân bộ lên Yên Bái lại vượt sông Hồng ở bến Âu Lâu. Từ đây, tiểu đoàn 418 của trung đoàn 57 được lên xe ô tô hành quân gấp để kịp nhận nhiệm vụ đặc biệt. Anh em vô cùng phấn khởi, nhất là những đồng chí lần đầu tiên được ngồi trên xe ô tô. Đường hành quân qua nhiều đèo núi, sông suối, bom đạn địch thường bắn phá, xe nóc nẩy người, dọc đường chúng tôi gặp hàng ngàn, hàng vạn dân công, người gánh kẻ gồng hoặc đẩy xe đạp thồ. Tiếng Bắc, tiếng Trung, tiếng dân tộc hòa lẫn vui như trẩy hội.
Đến km 62 trên chặng đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, đoàn xe gặp đồng chí Nguyễn Cận, Trung đoàn trưởng đón anh em và giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn tham gia dùng sức người kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Lần đầu được nhìn thấy những khẩu pháo lớn còn bóng nước thép, bao nỗi nhọc nhằn của chúng tôi đều tan biến hết. Mỗi đại đội được phân công kéo một khẩu lựu pháo 105 ly từ cửa rừng Nà Nhạn vượt dãy núi Khu-pha-xông cao trên 1.000 m, xa hơn 10 km. Càng gần đến đỉnh núi, độ dốc càng cao, việc đưa pháo lên càng vất vả. Cán bộ chỉ huy hô khản cả giọng, phải lấy tiếng mõ tre hay cho tiếng hô: “ Hai… ba” kéo lên dốc. Theo tiếng mõ cả trăm con người choãi chân, nắm chắc dây thừng, rạp mình xuống kéo. Ở trên đỉnh dốc là các chiến sĩ quay tời. Bao quanh khẩu pháo là các chiến sĩ cầm đèn, đẩy pháo. Phía trước là hai pháo thủ khỏe, lái càng. Nhiều đoạn, cả hai đại đội phải cùng hợp lực kéo từng khẩu pháo. Có đoạn hàng mấy giờ đồng hồ mới kéo được mươi mét. Có đoạn một bên dốc cao, một bên vực sâu, mưa trơn chênh vênh, sơ sểnh một chút là pháo và người có thể lao ngay xuống vực. Những ngày đầu do hết gạo, cả tiểu đoàn phải ăn liền hai bữa cháo. Nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi, chịu vắng mặt. Liền 9 ngày đêm không nghỉ, tiểu đoàn đã kéo được 4 khẩu pháo vượt qua 7 dốc cao, tổng độ dài hơn 10 km vào vị trí an toàn, đúng thời gian quy định.
Cả 4 khẩu pháo vừa nằm gọn trong công sự, chúng tôi chưa kịp nghỉ bỗng lại nhận được lệnh mới: “kéo pháo ra! phải thật khẩn trương, ngay trong đêm kéo pháo ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho pháo như lúc kéo vào!”. Chính trị viên tiểu đoàn Trần Lan đến từng đại đội phổ biến mệnh lệnh, kéo pháo ra, chủ trương thay đổi, phương châm tác chiến của bộ chỉ huy chiến dịch và động viên bộ đội kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm để bảo đảm đánh chắc thắng.
Kéo pháo vào đã khó khăn, vất vả, kéo pháo ra còn khó khăn vất vả hơn vì chặng đường chủ yếu xuống dốc. Địch đã phát hiện ra con đường kéo pháo qua những màu vàng úa của lá ngụy trang. Máy bay trinh sát thay nhau quan sát, chỉ điểm. Máy bay khu trục từng tốp kéo đến bắn phá, ném bom. Đêm đến đại bác địch từ Mường Thanh bắn ra, khi cầm canh, khi dồn dập vào những nơi chúng nghi ngờ. Nhưng khẩu hiệu: “Thà chết cũng không rời pháo”; “Dù bom rơi đạn nổ vẫn bảo vệ pháo đến cùng” đã trở thành quyết tâm sắt đá của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Pháo xuống dốc, nếu chỉ một chút rơi tay ghìm hoặc chèn không cân, không ăn nhịp là hàng tấn thép sẽ lôi theo cả dòng người lao xuống vực.
Khẩu pháo do đại đội 54 phụ trách đang được thả xuống lưng chừng dốc, bỗng bị một mảnh đạn pháo địch làm đứt dây tời. Cả khối thép quay ngoắt ầm ầm lao nhanh xuống dốc. Đồng chí Giá cùng đồng đội đang cố ghìm khẩu pháo lại đã bị chiếc càng pháo văng mạnh vào người, bị thương nặng nhưng anh vẫn không buông tay, cố chịu đựng và động viên anh em: “Cố ghìm! Cố ghìm! Đừng để pháo lăn xuống vực!”. Tinh thần và hành động của anh như cổ vũ mọi người thêm sức mạnh để ghìm khẩu pháo lại.
Thế là qua hơn 10 ngày đêm ròng rã, bằng ý chí quyết tâm và tinh thần lao động, chiến đấu quên mình, tiểu đoàn 418 đã góp phần dùng sức người kéo 4 khẩu lựu pháo 105 mm vào trận địa rồi lại kéo ra an toàn đúng địa điểm và thời gian quy định.
----------------------
(Theo lời kể của Thiếu tướng Hoàng Đang nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 trong chiến dịch Điện Biên Phủ)
26/03/2024
Đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ / Hoàng Hà ghi // Điện Biên Phủ nhân chứng sự kiện. – 2003. – H. : Quân đội nhân dân. – Tr. 110–122.
Quãng đường Tạ Khoa - Cò Nòi, trước cứ tưởng thế là xấu nhất rồi, nay so với quãng đường Tuần Giáo - Điện Biên thì thật chưa thấm vào đâu. Đường quãng này rất hẹp, hoàn toàn là đá “sít” bỏ lâu ngày nên đã bị vỡ lở gần hết, có nơi mặt đường ngang với mặt ruộng. Vùng này nhiều sương mù, nên mặt đường luôn luôn ẩm ướt, lầy lội, chỉ rình sụt lở. Đúng là một trận mưa to còn phá hoại đường nhiều gấp mấy lần một trận bom. Ở đây, tuy không có những đèo dài như ngoài kia, nhưng lại có những đoạn gấp khúc bên dốc núi, bên vực thẳm rất nguy hiểm mà chắc chắn thế nào rồi thằng địch cũng phá hoại như ở ki-lô-mét 5, ki-lô-mét 20, ki-lô-mét 34… Đã vậy, vùng này khe suối lại chằng chịt như mạng nhện, nhiều chỗ không thể làm bến lội. Mới tính phát cũng đã phải bắc ngót 50 cái cầu, làm gần chục cái cống. Riêng số đất đá phải bới đi cũng đã lên gần 6000 mét khối mà lại không được dùng thuốc nổ, để giữ bí mật.
Còn về thời gian thì cấp trên quy định chậm nhất rằm tháng Chạp phải mở thông đến ki-lô-mét 60. Đảng ủy trung đoàn sau khi phân tích hết khó khăn, thuận lợi, đã hạ quyết tâm lãnh đạo thực hiện bằng được kế hoạch. Chúng tôi lại nhất trí điều tiểu đoàn đồng chí Ung Răng lên làm, giao nhiệm vụ củng cố quãng Tạ Khoa - Cò Nòi cho một tiểu đoàn khác. Ung Răng được tăng cường thêm hai đại đội công binh nữa. Sau đó, cấp trên trực tiếp nghe công binh báo cáo, đã quyết định điều một số đơn vị pháo và bộ binh đến cùng tham gia mở đường với chúng tôi.
Mấy hôm sau, đồng chí Ung Răng nhận được điện, cấp tốc dẫn đơn vị lên.
…Sương mù ở vùng này có cái hại nhưng cũng có cái lợi. Nhiều hôm, mãi đến mười giờ sáng mới tan hết sương. Chúng tôi lại tranh thủ làm thêm được bốn năm giờ nữa, chẳng lo máy bay, máy bò gì. Ở mặt đường về, rửa ráy, tắm táp, cơm nước xong, ngủ được một lúc, bộ đội lại vùng dậy đi chặt gỗ để đêm còn có cái mà làm cầu. Thoạt đầu, đi gần còn lấy được gỗ, sau thì phải bắc nhiều cầu quá, lại còn phải lấy gốc về để rải “rộng đanh” “chống lầy”, chặt mãi rồi cũng hết, bây giờ, muốn có gỗ, phải đi rất xa. Đào đất, chặt gốc ngày nào cũng quần quật mười mấy giờ, nên bộ đội rất mệt. Một hôm, tôi đi kiểm tra, bắt gặp một đồng chí đứng bên gốc cây hàng giờ. Đến gần, hóa ra đồng chí ấy đã ngủ, đi cũng ngủ, đứng cũng ngủ, bộ đội đói ngủ ghê gớm!
Đảng ủy đoàn thể để hẳn ra 1 buổi họp chỉ để bàn cải thiện sinh hoạt, chăm chút cái ăn, cái uống cho bộ đội. Sau đó, dưới đơn vị có phong trào tự túc củ mài, vào rừng lấy rau dớp, cải xoong, bẫy chim, bẫy chồn. Trên đoàn bộ, phong trào cũng rất sôi nổi. Đồng chí trung đội trưởng Thứ xung phong về xuôi mua bò đánh lên.
Đàn bò đồng chí Thứ lên đến nơi chẳng thiếu con nào, mà lại đều béo múp. Sau này, có đơn vị còn giong được một chuyến 500 con lợn từ Thanh Hóa lên, không mất, không chết, không sút cân kia! Giỏi thật! Đoàn bộ chúng tôi bây giờ còn có đồng chí Ngừ. Đồng chí này ngày xưa ở nhà là hương sử, chữ nghĩa cũng không nhiều lắm, nhưng sáng dạ ít ai bằng. Ngữ được cử lên Nậm Míu đánh cá. Chỉ trong nửa tháng, đồng chí ấy đã cung cấp các đơn vị trong đoàn hơn 5 tấn cá.
Cái ăn, cái uống đã kha khá, trông anh em đã thấy có “máu mặt”. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa hết áy náy. Bộ đội còn phải bỏ sức ra nhiều quá. Chúng tôi gọi đồng chí Ung Răng lên, giao cho thực hiện 2 việc: Một là, mỗi đại đội phải tự túc ngay 1 lò rèn, trước là rèn bu-loong, sau là sửa chữa cuốc xẻng. Bấy giờ cuốc xẻng quý lắm, gãy cuốc, mẻ xẻng, khác gì cụt tay, cụt chân. Cuốc xẻng dùng từ đầu chiến dịch, đến lúc đó có cái đã mòn vẹt quá nửa. Đồ dùng như thế, làm vừa tốn sức, vừa mất việc. Hai là, phải phát động ngay trong anh em một phong trào cải tiến đồ dùng. Bất luận sáng kiến to hay nhỏ thế nào, có lợi cho công việc lại đỡ vất vả hơn trước, đều được hoan nghênh.
Chúng tôi bảo Ung Răng:
- Đây cũng là một dịp tốt để đồng chí rèn luyện thêm công tác vận động quần chúng đấy.
Về đến nhà Ung Răng hăm hở bắt tay thực hiện ngay. Quả nhiên, chỉ mấy hôm sau đã có chuyển biến. Nhiều xe cút-kít “dã chiến” đã tiến ra mặt đường thay cho quang gánh. Trước nay, việc chuyển đá từ dưới vực lên rất vất vả. Chúng tôi quyết định, trước hết phải hướng trí tuệ của anh em vào giải quyết bằng được cái khâu ấy. Anh em liền nghĩ ra kiểu “cần trục” dây chuyền. Cứ cách10 mét lại dựng lên một cái cần kéo như kiểu cần múc nước giếng. Cứ thế đá được chuyển dần từ dưới vực sâu lên.
Với cái đà ấy, công việc chạy băng băng, anh em đã được ngủ nhiều hơn trước.
Còn địch thì tất nhiên đâu có chịu để ta yên. Ngày mùng 4, chúng tôi bắt tay mở đường Tuần Giáo - Điện Biên thì ngày mùng 7 chúng phá. Qua đợt công tác dưới Tạ Khoa, kinh nghiệm của ta càng già dặn trong việc chống địch phá hoại. Việc chống bom nổ chậm bây giờ đã trở thành quá quen thuộc, quá bình thường. Có những chỗ, ngày nào địch cũng phá. Trước muốn phá đường cứ phải đi lấy gỗ. Như thế vừa tốn, vừa lâu, mà hôm sau nó phá hỏng cũng uổng. Anh em liền nảy ra sáng kiến chặt chuối rừng thay gỗ cạp đường. Chuối thì chỗ nào chẳng có. Nó phá xong ta vá được ngay, vá kiểu cấp tốc này, chẳng mất bao nhiêu thời gian. Tính chung cả chiến dịch, nó phá hoại gần chín chục lần, ta bảo đảm 65 lần, nói chung cứ 12 giờ đêm trở đi là đường vừa bị oanh tạc xong lại liền như cũ.
Anh chị em dân công làm đường với bộ đội 1 thời gian ngắn, đã dạn dần bom đạn. Anh em công chính cũng đã “quân sự hóa” không kém bộ đội, nhiều chặng đã có thể giao lại cho anh em hoàn toàn đảm nhiệm, kể cả nhiệm vụ chống phá hoại ở đó. Đội trưởng Xuyên Khung rất phấn khởi trước việc này. Bây giờ đây, không phải chỉ có 1 mình đội của đồng chí ấy thông thạo việc chống, phá bom nổ chậm nữa! Nhờ đó Xuyên Khung được rảnh tay hơn trước, nhận những việc khó khăn hơn. Sau này, khi quân ta chuyển sang tổng công kích, Xuyên Khung được trực tiếp leo lên nên gặp đồng chí đại tướng nhận lệnh dẫn 1 phân đội tiến vào trung tâm đội A1, giật nổ tung khối bộc phá 1000 kg, góp phần công lao trong việc tiêu diệt hoàn toàn định đóng ở đó, chấm dứt những cuộc chiến đấu giằng co tranh chấp từng thước đất 1 giữa ta và địch đã diễn ra trong 1 thời gian dài.
Cuối tháng giêng, đầu tháng 2 trừ ngã 3 Cò Nòi và 1 vài nơi khác còn lại đều do anh em công chính phụ trách suốt đến tận Tuần Giáo để lực lượng bộ đội ta có thể bứt ra, tiến sát hỏa tuyến. Ngay từ cuối tháng Chạp. Chúng tôi đã có thể tính chuyện rút 1 số đơn vị đang củng cố đường và vừa mở rộng đường cho pháo đi phía dưới lên tăng cường cho tiểu đoàn Ung Răng. Đúng đêm hôm rằm tháng Chạp, ô tô của ta đã tiến sát vào ki-lô-mét 60, nghĩa là nếu chiếu thẳng thì chỉ cách khu trung tâm Mường Thanh hơn chục ki-lô-mét. Và đến thượng tuần tháng giêng thì ngay lựu pháo, cao pháo kềnh càng là thế cũng đã đi suốt đến tận Nà Tấu, Nà Nham.
Cách mấy hôm trước khi đường hoàn thành, 1 đồng chí trong ban chỉ huy được triệu tập lên dự hội nghị thảo luận chủ trương, kế hoạch, phương châm chiến dịch. Một vấn đề rất lớn được nêu lên, bàn bạc sôi nổi là tác chiến theo phương châm nào. Căn cứ nào vào tình hình địch ta lúc đó, số đông cán bộ đều tán thành “đánh nhanh giải quyết nhanh”.
Họp xong, anh Thành gọi chúng tôi đến, nói:
- Muốn đánh nhanh, giải quyết nhanh thì phải giữ được yếu tố bất ngờ. Tiếp tục đưa pháo vào bằng con đường Tuần Giáo - Điện Biên mà các đồng chí mới mở, sớm muộn thế nào địch cũng phát hiện được. Cần phải chuyển ngay pháo sang phía tây. Bộ giao cho công binh nghiên cứu, mở cấp tốc con đường đó, chậm lắm là trong vòng 4 hay 5 ngày nữa phải xong.
Tôi nói:
- Gấp như vậy, ta chỉ có thể làm được đường kéo pháo bộ…
Anh Thành gật đầu:
- Đúng! Phải kéo bộ. Trước mắt đó là 1 yêu cầu rất cao đối với pháo binh, nhưng tôi tin rằng rồi anh em sẽ làm được và làm tốt. Công binh phải nghiên cứu thật chu đáo để có thể hạn chế khó khăn trong công việc mới mẻ này đến mức thấp nhất…
Ngay sau đó, 1 ban chỉ huy kéo pháo được thành lập. Đoàn chúng tôi cấp tốc cử đồng chí đoàn phó và 1 số cán bộ kỹ thuật đi nghiên cứu đường. Thấy công việc rất khẩn trương, ngoài lực lượng công binh của chúng tôi và của các đại đoàn, cấp trên quyết định điều thêm 1 số đơn vị bộ binh đến cùng tham gia mở đường.
Công việc nghiên cứu rất phức tạp, nhưng phương tiện không có gì đáng kể, ngoài mấy cái địa bàn chiến lược chiến lợi phẩm. Anh em nghĩ cách chế lấy đồ dùng làm việc, tất nhiên là không mỹ thuật lắm, nhưng cũng được việc. Với một tấm bìa lấy ở các hòm đạn ra, lúc gấp quá thì một quyển sách cũng được, cộng với một đoạn dây treo quả dọi, thế là đã có thước đo độ dốc. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà các đồng chí làm việc kém hăng say. Không! Công việc vẫn rất chạy. Kế hoạch mở đường sau khi thông qua, được các đơn vị bắt tay vào làm ngay. Đường kéo dài khoảng 9 ki-lô-mét, vòng vèo theo triền núi bắt đầu từ Nà Nham xuyên rừng, vắt qua đỉnh Pha Sông, sang gặp con đường Lai Châu - Điện Biên bên kia ở quãng phía Bắc, cách đồi Độc Lập 4 hoặc 5 ki-lô-mét. Cũng có một thuận lợi là chỗ đường xuyên trong rừng sâu, nên bộ đội có thể làm cả ban ngày. Những quãng đường thông mở đến đâu lại dựng lên giàn ngụy trang kín mít đến đấy, như kiểu giàn mướp. Hàng ngày, có một bộ phận chuyên trách kiểm tra xem chỗ nào lá cây hơi héo là thay ngay.
Đường cứ tiếp tục mở, pháo cứ tranh thủ nhích lên từng bước. Rồi không phải chỉ có pháo binh mà dân công tải đạn cũng tranh thủ vượt, đường đâm ùn. Phao binh “kỳ kèo” dân công. Dân công cũng mau miệng để đáp lại:
- Thì chính chúng tôi đang chuyển đạn cho các anh đây, chứ chuyển cho ai! Pháo vào được đến nơi, nhưng lại không có đạn, thử hỏi pháo có bắn được không?
Cũng có lý! thế là ban chỉ huy lại phải đứng ra giải quyết. Dân công được phép bám sau pháo, pháo nhích lên đến đâu dân công theo sát đến đấy.
Chúng tôi đi kiểm tra đường về, thấy anh em kéo pháo vất vả lắm. Trong khi nghiên cứu, đồng chí đoàn phó và anh em kỹ thuật đã cố tìm đường khác khi gặp phải dốc cao hoặc vách đá, nhưng cũng không thể nào tránh hết được. Có chỗ bàn với nhau phải tìm cách đặt thêm tời. Guồng quay thì không thành vấn đề. Gỗ tốt sẵn, muốn đóng mấy cũng có. Nhưng gay nhất là dây cáp. Trước đây phải mãi đến chiến dịch Hòa Bình, chúng tôi mới xoay xở được. Mấy trăm thước để dùng vào việc bắc cầu phao. Chúng tôi quý nói như vàng, cứ giữ như “thần giữ của”, cần lắm mới dám thò ra. Lần này, có bao nhiêu đã bỏ ra hết nhưng vẫn không đủ. Bí quá, đành phải dùng cả dây chão. Trong số những nơi phải đặt tời, có cái dốc Pha Xông cao nhất, phải đặt 5 đến 6 tời.
Bây giờ, bên công binh đã có đồng chí đoàn phó được chỉ định sang làm tham mưu trưởng cho ban chỉ huy kéo pháo. Còn tôi, vẫn nắm tình hình chung các tuyến đường, lúc bấy giờ đang tiếp tục củng cố, bắc lại cầu những chỗ trước kia tạm đắp đất cho xe đi.
Lựu pháo, cao pháo vừa mới được đưa vào trận địa buổi sáng, buổi chiều chợt có lệnh đại tướng xuống: “Để tăng cường công tác chuẩn bị bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, ngay từ tối hôm nay bắt đầu chuyển pháo ra khỏi trận địa tạm thời, đến những vị trí an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để, nhiệm vụ chuyển pháo coi như nhiệm vụ chiến đấu”.
Cũng như nhiều đồng chí khác, bấy giờ, tôi chưa hiểu đầu đuôi ra sao. Nhưng rồi cũng chẳng còn thì giờ đâu mà nghĩ ngợi. Mối lo công việc phải làm để đảm bảo cho pháo rút ra an toàn đã chi phối hết.
Mọi việc lại diễn ra như cũ, nhưng ngược lại. Nếu trước đây quay tời cho pháo lên thì nay ghìm tời cho pháo xuống dốc. Tuy nhiên, lần này rút được kinh nghiệm, công việc chạy hơn trước. Còn địch thì phá hoại ác liệt hơn nhiều, ở một đôi quãng, chúng đã phát hiện được đường ta kéo pháo.
Ra được đến Nà Nham thì vừa Tết đến. Cơ quan đoàn bộ chúng tôi chuyển về ki-lô-mét 62 để tiện nắm tình hình đơn vị. Các tiểu đoàn đã lần lượt bàn giao những chặng phía dưới lục tục kéo lên đây, gần đủ mặt. Bấy giờ việc huy động nhân tài, vật lực tại chỗ, trước hết là nhờ có gạo của Khu ủy Tây Bắc chuyển đến, nên tình hình tiếp tế cho bộ đội đã bớt căng hơn trước. Chúng tôi đã có thể tính chuyện tổ chức cho anh em ăn Tết tươi vui một chút. Ngoài những món cổ truyền như bánh chưng, thịt đông, anh em còn chế biến được khá nhiều món độc đáo. Tiểu đoàn bộ có ké Tiu cấp dưỡng, nấu nướng rất giỏi. Hành quân dù phải gánh nặng đến mấy, ké vẫn không chịu bỏ cái bị gia vị thập cẩm. Tết nhất đến, ké được dịp tha hồ trổ tài. Tuy thịt thà chưa có nhiều lắm, nhưng nhờ tài khéo léo gia giảm của ké, món gì là miệng anh em cũng được thưởng thức. Lại còn một đồng chí nữa tên là Cán. Dạo mở đường kéo pháo, thấy anh em thiếu chất ngọt quá, Cán cứ băn khoăn mãi. Chả biết đồng chí ấy học ai hay mày mò ra mà chế được kẹo mạch nha. Cán đúc kết thành công thức hẳn hoi, phổ biến cho các đơn vị biết làm để ăn Tết thêm vui vẻ. Mẻ mạch nha nào hỏng, anh em lại bỏ vào nấu chè chả phí đâu cả.
Tết nhất xong, sau khi đã được quán triệt tình hình, nhiệm vụ, phương châm tác chiến mới. “Đánh chắc tiến chắc”, chúng tôi lại lao vào những đợt chiến đấu thầm lặng, nhưng cũng rất căng thẳng. Anh Thành lại trực tiếp giao nhiệm vụ cho công binh. Anh nói:
- Địch vẫn chiếm ưu thế hơn ta về không quân và ngay cả pháo binh. Cho nên cần bố trí làm sao để hỏa lực thì tập trung mà hỏa khí thì phải phân tán. Có như thế mới tránh được thiệt hại và giữ được yếu tố bất ngờ. Cần chuẩn bị kỹ càng hơn thế nữa về mọi mặt.
Một trong những việc phải chuẩn bị là mở đường cho pháo cơ động. những con đường đó phải đảm bảo bí mật. Chúng tôi nghiên cứu được năm đường: từ Bản Tấu đi Tà Lẻng, từ Mường Thanh đi Nà Nham, từ Bản Xiêu đi Bản Tấu,… còn một đoạn nữa từ Mường Phan đi Phú Hồng Mèo, tìm mãi vẫn không ra đường, chưa biết nên mở thế nào. Mà đây lại là con đường quan trọng nhất. Nếu mở được, pháo ta sẽ đi sâu vào phía Đông tập đoàn cứ điểm, giữ được cái thể đứng trên đầu thằng giặc mà nã vào khu trung tâm.
Anh Thành trực tiếp nghe báo cáo, lo lắm. Anh bảo tôi:
- Đồng chí về chuẩn bị đi. Mai tôi thu xếp công việc trên này xong, sẽ xuống đi với các đồng chí. Có đến hơn 1 tuần, anh Thành cùng đi tìm đường với công binh.
Ngõ ngách nào chúng tôi cũng sục vào nhưng vẫn chưa tìm được chỗ mở, hoặc vì lộ quá, hoặc vì vướng núi cao quá. Thú thật, có lúc tôi thấy hơi nản, nhưng anh Thành đã kịp thời tiếp thêm nghị lực cho tôi.
Một hôm cấp trên lại cử anh Thành xuống, trông dáng điệu rất vui vẻ. Tôi đoán là có tin mừng gì về con đường mà chúng tôi đang mất ăn mất ngủ đây. Quả nhiên, vừa bước vào nhà anh nói ngay:
- Các đồng chí đã biết chuyện 1 đồng chí quân báo mình đạt được cái xà cột đầy tài liệu mật trong tay thằng quan tư chưa?
Anh Thành lại suýt xoa.
- Tiếc quá. Suýt thị nữa thì đồng chí ấy bắt sống được cả “cái lưỡi” đó…
Rồi anh vừa mở xà cột vừa nói:
Nhưng dầu sao thì đồng chí quân báo cũng đã lấy được cho các đồng chí 1 thứ rất quý…
Tôi hồi hộp quá.
Bản đồ chi tiết vùng Pú Hồng Mèo hả anh.
Anh Thành vui vẻ gật đầu:
- Đúng. Đấy, nó đấy!
Tôi mừng quá, đỡ lấy tấm bản đồ chiến lợi phẩm mà 2 bàn tay cứ run lên, chỉ kịp liếc qua rồi vội xin phép anh Thành cho họp cán bộ tham mưu để nghiên cứu ngay.
Lần theo dọc con suối có ghi trên bản đồ và kiểm tra lại qua những tài liệu mà chúng tôi đã thu thập được trong hơn một tuần đi nghiên cứu vừa qua, chúng tôi sơ bộ phác ra một con đường mới.
Bây giờ là lúc cần phải kiểm nghiệm lại trên thực địa. Anh em sửa soạn qua loa rồi chống gậy theo anh Thành ra đi.
Và thế là con đường chỉ dài có 8 ki-lô-mét, nhưng rất bí mật chiều hôm đó đã nằm dưới chân chúng tôi.
Tôi về, ké Tíu lại được phép trổ tài nấu nướng. Anh Thành cho phép được tạm “phá nội quy” đánh tú-lơ-khơ đến khuya. Cũng như mọi bận, tôi và anh lại ôm hàng đống bài như cái quạt.
Anh Thành giao hẹn:
- Chỉ được hôm nay thôi đấy. Từ mai trở đi, lại phải vào nề nếp như cũ.
Chỉ trong 1 thời gian ngắn sau đó, cả 6 con đường đều đã mở xong. Pháo ta đã có thể vận động dễ dàng suốt 60 ki-lô-mét xung quanh Mường Thanh để đến ngày 13-3, bất thần gầm thét trút bão lửa xuống đầu giặc.
|
|
|
|
|