Bỏ qua nội dung chính

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng sân bay Biên Hòa (1964 - 2014)

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng sân bay Biên Hòa (1964 - 2014)
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng sân bay Biên Hòa (1964 - 2014) Thứ Bảy, 15/11/2014, 10:25

Thắng lợi lẫy lừng trong nhiệm vụ bất khả thi

Sáng 29-9-1964 vừa về đến Chiến khu Đ, Hai Nhã (bí danh của cố Thiếu tướng Lương Văn Nho, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 7) Đoàn phó đoàn pháo binh Miền (có phiên hiệu U80) nhận được một lá thư viết tay của Ba Đình (Đại tá Trần Đình Xu - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Miền).

 

Thư có nội dung khá ngắn gọn: “Bộ cần sử dụng gấp sơn pháo trong công tác đột xuất và cần một số cán bộ pháo đi nghiên cứu”. Hai Nhã rất băn khoăn vì đơn vị sơn pháo mới thành lập, chưa chiến đấu lần nào và cũng chưa được bắn đạn thật để kiểm tra, nếu sử dụng gấp chắc là không bảo đảm nên vội viết thư trả lời: “Nếu trên sử dụng sơn pháo thì phải một tháng nữa mới bảo đảm, bây giờ cần gấp có thể dùng đạn cối và ĐKZ. Hẹn ngày 1-10-1964, tôi sẽ đến chỗ anh để trao đổi thêm”.

 

 

 

Cảnh đổ nát của Sân bay Biên Hòa sau trận đánh 31-10-1964.

 

Đến hẹn, vừa gặp mặt, Tham mưu trưởng Ba Đình nói ngay: “Anh Tư Chi (Trần Văn Trà - Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam) định giao cho đơn vị anh nhiệm vụ đột xuất: Tập kích sân bay Biên Hòa bằng hỏa lực. Theo báo cáo của đơn vị biệt động, ta có khả năng đột nhập, tuy có khó khăn. Ngày mai đến chỗ anh Tư Chi, chúng mình sẽ bàn kỹ và đi đến quyết định”. Rồi Ba Đình đưa Hai Nhã đến phòng 2 gặp trưởng phòng Tư Bình. Hình như đã chuẩn bị sẵn, Tư Bình chìa ra một xấp giấy tờ trước mặt Hai Nhã: “Tất cả hồ sơ về nó đây, anh nghiên cứu đi!”.

Một căn cứ quân sự bất khả xâm phạm

Hai Nhã chăm chú đọc xấp tài liệu do các cơ sở nội tuyến của Thị ủy Biên Hòa cung cấp khá đầy đủ về tình hình lực lượng, sơ đồ hệ thống phòng thủ của địch ở sân bay Biên Hòa. Đây là sân bay quân sự tối tân nhất vùng Đông Nam Á vào thời bấy giờ với diện tích 40km2, có 2 đường băng dài 1.000m và 3.600m được trang bị hệ thống không lưu, chỉ huy liên lạc vô cùng hiện đại, bảo đảm cho các loại máy bay chiến đấu cất hạ cánh trong bất cứ điều kiện thời tiết nào. Trong sân bay thường xuyên có khoảng 500 sĩ quan, phi công, nhân viên kỹ thuật, tiếp liệu và lực lượng binh lính cơ hữu hoạt động tại 5 khu vực quan trọng dùng làm nơi sửa chữa, huấn luyện, chứa từng loại máy bay riêng, như: máy bay ném bom chiến lược B57, máy bay khu trục AD6, máy bay vận tải C113, máy bay do thám U2, trực thăng vũ trang... Đặc biệt việc bố phòng cực kỳ nghiêm ngặt với 15 hàng rào thép gai, chướng ngại vật, bãi mìn, hệ thống báo động, đèn pha chiếu sáng… có chiều rộng gần 1km. Bên trong còn có con đường trải nhựa rộng để xe cơ giới tuần tra, cứ cách 100m lại có một lô cốt cho 1 tiểu đội lính đóng giữ. Hỗ trợ cho hệ thống tuần tra, canh gác vành đai sân bay là 1 tiểu đoàn quân khuyển với 100 con chó bẹc-giê được huấn luyện tinh nhuệ. Bên cạnh đó là lực lượng yểm trợ gồm: 1 đại đội pháo binh, 1 đại đội thiết giáp, 2 tiểu đoàn bộ binh. Chỉ riêng ở cổng 1 và 2 của phi trường Biên Hòa đã có 1 đại đội quân cảnh kết hợp cùng đại đội an ninh quân đội thường xuyên kiểm soát toàn bộ mọi hoạt động ra vào sân bay. Một góc sân bay Biên Hòa lại là Sở chỉ huy quân đoàn III ngụy binh. Do đó giới chức quân sự Mỹ ngụy đều cho rằng cái phi trường nằm cách thị xã Biên Hòa chỉ 1km và cách “thủ đô Sài Gòn” 30km này là một căn cứ quân sự “bất khả xâm phạm”.

Nhiệm vụ bất khả thi!

Đêm đó, Hai Nhã cứ nằm trăn trở mãi với chi tiết: “Hệ thống đèn chiếu sáng cực mạnh luôn rà đi quét lại xung quanh sân bay, kết hợp với “radar mắt thần” có khả năng phát hiện từ xa”. Vốn trưởng thành từ chiến tranh du kích và từng là tỉnh đội trưởng đầu tiên của Biên Hòa, Hai Nhã quyết phải tìm ra cách đánh. Sau cùng ông đoàn phó U80 bật cười tự nhủ: “Bọn địch chủ quan, ngu ngốc không thể ngờ đến cái điều là nếu ta bí mật vượt qua hàng rào ấp chiến lược đến sát sân bay thì có thể dùng hỏa lực vòng cầu tấn công tiêu diệt chúng. Đây là một sơ hở của địch mà ta có thể khai thác triệt để”.

Do vậy, sáng 2-10, nghe Tư lệnh Miền Tư Chi hỏi: “Anh Hai thấy thế nào, đã nghiên cứu nó kỹ chưa?”. Hai Nhã trả lời ngay: “Báo cáo anh, tôi đã nghiên cứu kỹ, làm được!” và trình bày ý kiến của mình. Sau một hồi bàn bạc, Tư Chi chính thức giao nhiệm vụ: “Để bẻ gãy từng bước âm mưu tấn công khiêu khích hậu phương lớn miền Bắc, bảo vệ vùng giải phóng miền Nam, trả thù cho đồng bào ta ở Giồng Sắn (ngày 29-7-1964, giặc Mỹ đã ném bom giết hại hơn 500 đồng bào tại Giồng Sắn, ngã ba sông Ông Kèo thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch), đồng thời xây dựng truyền thống của pháo binh... nay căn cứ địa hình và sơ hở của địch, căn cứ vào trình độ tác chiến và lực lượng pháo binh của ta, Bộ chỉ huy quyết định dùng hỏa lực tập kích phá hủy phần lớn sân bay Biên Hòa. Trong đó, các khu vực cần tập trung là B57, AD6, kho tàng và cư xá Mỹ. Đây là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng. Hoàn thành nhiệm vụ này, ta còn phá được âm mưu tấn công Lào, Campuchia mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương của đế quốc Mỹ. Bộ chỉ huy giao nhiệm vụ này cho pháo binh, dù tốn hao bao nhiêu, dù khó khăn cách nào cũng phải làm cho kỳ được và phải hoàn thành thắng lợi!”.

Và Hai Nhã được giao chỉ huy trận đánh kèm theo lời dặn dò của Tư Chi: “Các anh cần cho người điều nghiên kỹ, bảo đảm đường rút lui an toàn cho bộ phận hỏa lực. Trong khi tiến hành, nhớ tìm sơ hở của địch, nhất là những ngày thứ bảy, ngày nghỉ, chúng thường chè chén, ta dễ “làm ăn!”.

Ngày 3-10-1964, Hai Nhã tổ chức họp bàn kế hoạch nghiên cứu thực địa. Đoàn pháo binh chỉ có trong tay một máy đo đạc cũ kỹ của Nhật cứ phải sửa tới sửa lui trầy trật mới tạm sử dụng được, nên quyết định phải tìm mượn một ống nhòm. Tổ điều nghiên do Huỳnh Thành Đồng phụ trách lên kế hoạch đi thực địa 12 ngày cả đi và về. Nhưng đến ngày thứ 13 mới về đến căn cứ, báo cáo là đã mò vào được đến hàng rào cuối cùng để quan sát sân bay, nhìn thấy tận mắt mọi cách bố phòng, các khu vực để máy bay, nhà ở, kho tàng… đếm được trong sân bay có 36 chiếc B57 tối tân nhất mà Mỹ vừa mang từ Philippines sang, còn AD6, trực thăng thì… nằm như cá trong rổ!

Kết quả điều nghiên còn cho thấy, qua nghiên cứu 2 trận địa pháo đã đo được cự ly tương đối chính xác. Ở trận địa chính, anh em còn dùng một cây độc mộc làm hướng chuẩn cho pháo và lợi dụng nó làm đài quan sát hiệu chỉnh đạn trong khi tập kích. Hai Nhã kiểm tra lại các phân tử đo đạc và thấy trong lòng tràn ngập niềm phấn khởi: “Như vậy là ta hoàn toàn có khả năng bí mật vào tận nơi tập kích và bắn chính xác”; bỗng ông chợt nghĩ: “Nhưng còn vấn đề rút lui của phân đội hỏa lực - một vấn đề khá phức tạp cần phải giải quyết. Vì phải vượt sông Đồng Nai, qua ruộng lầy, rừng chồi, tháp canh và ấp chiến lược mới lọt vào được khu rừng nhỏ cạnh sân bay. Cụm rừng này bị chia xẻ nhiều đường và đồng bào trong ấp chiến lược thường vào lấy củi nên dễ lộ bí mật…”.

Kế hoạch táo bạo, bất ngờ

Hai Nhã vội nghiên cứu lại con đường mà tổ điều nghiên vừa đi thì thấy không ổn. “Vì từ sân bay Biên Hòa đến sân bay Tân Sơn Nhất chỉ cách nhau có khoảng 30km đường chim bay, nếu ta nổ súng ở Biên Hòa, nhất định máy bay ở Tân Sơn Nhất sẽ nhanh chóng truy kích, bộ phận hỏa lực của ta với trang bị cồng kềnh cùng lực lượng hỗ trợ, bảo vệ quá đông không thể nào kịp rút qua sông được!”. Hai Nhã thấy cần phải chọn con đường khác và ông quyết định giao cho nhóm trinh sát gồm Ngân, Tô Bon, Vân, Tiên đi nghiên cứu con đường rút thực sự đảm bảo an toàn. Nhóm công tác này về trễ hơn so với kế hoạch đến 2 ngày và báo toàn tin xấu: Không có con đường nào khác, mà cây độc mộc chọn làm hướng chuẩn cho pháo ở trận địa chính còn bị đồng bào cưa sắp ngã.

Phát biểu trong lễ kỷ niệm truyền thống của Đoàn pháo binh Biên Hòa, Thượng tướng Trần Văn Trà (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam) cho rằng: “Trận đánh vào sân bay Biên Hòa ngày 31-10-1964, trận ra quân đầu tiên giành được thắng lợi rất lớn đã thể hiện rõ truyền thống, tài năng và sáng tạo của pháo binh Việt Nam. Và cũng qua trận thắng vang dội đó mà pháo binh của Miền được mang tên “Đoàn pháo binh Biên Hòa” để ghi nhớ chiến tích vẻ vang làm nức lòng quân dân cả nước và cũng đã làm cho “Nhà trắng” ngạc nhiên và đau đầu”.

Một cuộc họp bất thường được diễn ra vào ngay chiều 16-10-1964 có sự tham dự của cả tham mưu trưởng Ba Đình với nhà chỉ huy quân sự Hai Hồng Lâm (Nguyễn Văn Bứa). Trọng tâm vấn đề vẫn là rút đường nào bảo đảm an toàn theo như lời căn dặn của Tư lệnh Miền Tư Chi: “Nếu tập kích thắng lợi nhưng để nhiều đồng chí hy sinh thì thắng lợi cũng chẳng bao nhiêu mà là thiếu sót của người chỉ huy. Trước kia trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta cũng đã phá hủy các sân bay, như: Gia Lâm, Cát Bi, kho bom Tân Sơn Nhất… những trận đánh đó, ta đều bảo toàn được sinh lực của mình. Ngày nay, chẳng lẽ lại chịu thua cái sân bay này sao?” nên cuộc họp kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ vẫn bế tắc, đành tạm nghỉ để ăn cơm, sau đó lại họp tiếp đến 21 giờ đêm. Sau cùng dựa vào ý kiến của Huỳnh Thành Đồng, Hai Nhã đề xuất: “Theo tôi, ta có thể bớt phân đội ĐKZ, chỉ dùng cối 81, giảm số người mang đạn, tăng trọng lượng mang đến mức tối đa có thể được, bảo đảm đủ tập kích 2 khu vực chính B57 và AD6, các khu vực khác bỏ. Vượt sông, pháo kích và trở về đường cũ. Dùng cao xạ yểm trợ đoạn vượt sông…”. Không còn chọn lựa nào khác, mọi người đồng ý và giao cho Hai Nhã cấp tốc huấn luyện cho đơn vị 2 khâu: Tập hành quân cả ngày lẫn đêm qua các địa hình tương tự với cự ly xa, có giả định tình huống chiến đấu. Đặc biệt, mỗi sáng phải tập vác pháo, mang đạn chạy vài tiếng đồng hồ để rèn luyện sức dẻo dai. Về kỹ thuật, cho tập luyện các góc bắn thật ngoài trận địa, thay đổi tầm hướng bằng ứng dụng rồi kiểm tra lại bằng máy ngắm; tập thao tác ban đêm với tốc độ nhanh.

 Cùng với việc cử trinh sát đi xem lại vật chuẩn, Hai Nhã trực tiếp kiểm tra lại đạn pháo. Theo kế hoạch, số đạn rút xuống còn 166 trái, thế nhưng khi vơ vét tất cả các kho chỉ được 136 trái. Thế là Hai Nhã lại sinh hoạt với bộ phận hỏa lực là phải phát huy tối đa uy lực của số đạn ít ỏi này bằng cách bắn cho thật trúng vào các mục tiêu chủ yếu.

18 giờ ngày 28-10-1964, Hai Nhã chỉ huy đơn vị hành quân đến điểm tập kết và bắt đầu phân công, triển khai lực lượng. Theo đó, đại đội của Tô Thái đảm nhiệm hướng chủ yếu, bắn vào khu vực B57 và AD6; phân đội của Trương phụ trách hướng thứ yếu, bắn vào khu đậu trực thăng và nhà cố vấn Mỹ. Cả hai hướng này đều bắn theo lối bậc thang, dồn dập trong 10 phút. Đơn vị bộ đội của đồng chí Ngân qua sông làm nhiệm vụ yểm trợ cho bộ phận hỏa lực rút lui; cùng lúc đơn vị pháo 70 thiết bị làm nhiệm vụ áp chế trận địa pháo 105 của chi khu Tân Uyên để bảo vệ đường rút lui. Đơn vị ĐKZ chiếm lĩnh khu rừng chặn tàu địch từ Tân Uyên lên để bảo vệ bến vượt sông. Bộ phận cao xạ 12 ly 8 thiết bị trận địa phòng không tại bờ sông yểm trợ các đơn vị vượt sông trở về. Một bộ phận khác đào công sự dọc đường rút và làm bè chuối giấu sẵn hai bên bờ sông để khi cần thiết, bộ đội có thể chiến đấu và vượt sông bằng khí tài thô sơ.

Sáng sớm 29-10-1964, Sở chỉ huy chiến dịch được báo cáo là: “Đã huy động được 6 chiếc ghe, mỗi chiếc chở được 8 người và 2 chiếc lớn hơn, mỗi chiếc chở được 15 người”.

17 giờ 30 chiều ngày 31-10-1964, tất cả các đơn vị đều ra đến bờ sông và phân tán nấp kín trong các bụi cây. 19 giờ, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch đều qua sông an toàn.

Trận bão lửa kèm… dư chấn

Đúng 24 giờ kém 3 phút của đêm 31-10-1964, một loạt tiếng nổ lớn bất thần vang lên ở Biên Hòa. Tiếp đến là những cột lửa bốc cao. Loạt đạn đầu tiên đã làm chiếc U2 và 5 chiếc B57 bốc cháy. 3 chiếc AD6 trực chiến định cất cánh, nhưng không kịp. Một chiếc vừa bay lên bị trúng đạn quỵ ngay tại chỗ. Đám phi công trực hoảng sợ bỏ chạy tháo thân, mặc cho những chiếc khu trục nằm hứng đạn.

Loạt pháo đầu nổ ầm ầm liên tục đến 15 phút. Tô Thái và Tiêu Ngọc Tiên đích thân leo lên cây để quan sát, hiệu chỉnh từng phát đạn vào mục tiêu. Sau đó một loạt pháo nữa lại tiếp tục vang lên. Đại liên địch bắn vun vút gãy cành cây nhưng Thái và Tiên vẫn bình tĩnh chỉ huy bắn đến viên đạn cuối cùng mới rút khỏi trận địa. Sau đó mấy phút, kiểm tra thấy còn sót lại 3 quả đạn, Tiêu Ngọc Tiên lệnh cho một khẩu pháo quay lại bắn tiếp 3 phát nữa rồi mới thu pháo chạy theo đơn vị. Trước 3 phát pháo bất ngờ này, bọn địch ngỡ rằng “Việt Cộng” vẫn còn ở quanh trận địa nên trực thăng cứ đảo vòng quanh sân bay bắn đại liên xuống như mưa, giúp cho đại bộ phận quân ta rút ra khỏi vòng lưới lửa dày đặc một cách nhanh chóng.

5 giờ sáng ngày 1-11-1964, toàn bộ lực lượng đánh sân bay Biên Hòa đã qua sông an toàn.

Ngày 2-11-1964, hãng tin Reuters cho biết: “Thiệt hại của Mỹ là 59 máy bay bị trúng đạn, trong số đó 36 chiếc hoàn toàn bị phá hủy hoặc không thể nào sửa chữa được. Một kho đạn 105, một kho đạn đại liên, một bồn xăng, một đài quan sát và 18 dãy nhà cháy ra tro, 200 lính Mỹ chết, 93 lính bị thương (chưa tính binh lính Nam Việt Nam)”.

Báo Thế Giới của Cộng hòa liên bang Đức đưa ra nhận xét: “Trận đòn của Việt Cộng đánh vào sân bay của Mỹ ở Biên Hòa làm cho các nhà quân sự Washington rất đau đầu. Người ta cho rằng không cần có gì thêm nữa “Việt Cộng” cũng có khả năng lập lại cuộc tấn công như vậy vào các vị trí chiến lược quan trọng khác trong khi không bị thương vong một người nào. Việt Cộng ở Biên Hòa đã thực hiện một điều lý tưởng về chiến thuật quân sự là dùng phương tiện tối thiểu để thu được kết quả tối đa và gây tác hại hàng chục triệu đô la cho không quân Mỹ”.

Trên báo Nhân Dân số 3878 ra ngày 12-11-1964, với bút danh CS (Chiến sĩ) Bác Hồ đã có lời ca ngợi chiến thắng sân bay Biên Hòa như sau:

 “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng

Điện Biên Mỹ chẳng phải chờ lâu”.

 

BÙI YÊN LÃNG

Nguồn http://baodongnai.com.vn. Ngày 26/01/2014.

 

 


Số lượt người xem: 2610 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày