Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Đại đội Đặng Văn Ngữ ngày ấy
Đại đội Đặng Văn Ngữ ngày ấy
LÊ VĂN THỨC. Đại đội Đặng Văn Ngữ ngày ấy / Lê Văn Thức // Quân đội nhân dân. - 2005. - Ngày 12 tháng 4. - Tr.5

Những ngày ấy là những ngày cuốl thu của Năm 1971. Nắng mùa thu chan hòa, gió thu mát rười rượi nhưng trong mỗi sinh viên chúng tôi như đang sôi lên vì hàng ngày đài Tiếng nói Việt Nam thông báo dồn dập tin chiến thắng từ miền Nam vọng ra. Sau đó có đợt tuyển quân ở tất cả các trường đại học ở miền Bắc. trong đó có Trường đại học Y Hà Nội. Đợt tuyển quân này, hình như tiêu chuẩn sức khỏe có hạ xuống, vì có những sinh viên gầy gò, bị thấp khớp bị di tật nhẹ cũng trúng tuyển. Không nói ra, nhưng chúng tôi đều đoán rằng ở chiến trường đang rất ác liệt đang có tổn thất lớn và nhập ngũ đợt này chưa có hy vọng được trở về. Thế nhưng, thật là kỳ lạ, tất cả các sinh viên trúng tuyển đều chững chạc tạm biệt người thân, bạn bè có mặt 100% tại thời điểm nhập ngũ. Buổi chia tay cuối cùng diễn ra trong sự trìu mến của thầy, trong ánh mắt cương trực của người đi và trong sự bịn rịn của bạn bè ở lại. Xe chạy xa rồi, ngoảnh lại, tôi còn thấy những khuôn mặt ướt đẫm nước mắt của các bạn nữ sinh dõi theo trong làn sương mỏng cuối thu... Trong đợt đó, có hơn 100 thầy, trò Trường Đại học Y Hà Nội cùng nhập ngũ. Ban đầu, chúng tôi được biên chế thành một đại đội, được vinh dự mang tên giáo sư Đặng Văn Ngữ, một người thầy, một nhà khoa học lớn của ngành y đã hy sinh mấy năm trước tại chiến trường. Sau đó là 3 tháng huấn luyện ở hậu phương. Đại đội tôi được huấn luyện trong cái rét tê tái của núi rừng Yên Thế. Sau đợt luyện tập bộ binh, chúng tôi còn được học qua một lớp cấp cứu chấn thương chiến tranh và cuối cùng được trên phân tán về các đơn vi chiến đấu của Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 D. Đa số sinh viên Y1, Y2 được cử làm y tá cho các đại đội, sinh viên Y3 làm y sĩ cho tuyến tiểu đoàn. Một số bổ sung cho đại đội quân y trung đoàn. Cuối tháng 12-1971 cả trung đoàn vừa luyện tập vừa hành quân vào Nam. Cho đến thời điểm đó, có lẽ nỗi vất vả nhất chúng tôi gặp phải là những chặng đường hành quân. Trên lưng là chiếc ba lô con cóc nặng lặc lè, một vai mang túi thuốc cứu thương, một vai, mang súng, thắt lưng đeo bao đạn, bi đông đựng nước. Những con đường quanh co, những dốc núi dựng đứng, những khúc đường lầy lội, những vết thương sưng đau do trượt ngã theo suốt chúng tôi trên chặng đường mòn từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Những lúc mỏi mệt nhất, chúng tôi lại cùng nhau hát vang những ca khúc quân hành để động viên nhau bước tiếp. Đơn vị chúng tôi thuộc thê đội 2, khi vào đến Cam Lộ thì được lệnh tập trung vào một căn hầm. Cuộc họp đột xuất là một cuộc mặc niệm. Đồng chí chính trị viên đơn vi run run, mắt ngấn lệ thông báo thư đội 1, trong đó có đội phẫu thuật trung đoàn đi trước chúng tôi một ngày đã hy sinh do B52 tại Triệu Phong. Như vậy mới vào chiến trường một ngày, sinh viên các trường khác chưa thống kê được, riêng thầy trò Trường Đại học Y Hà Nội đã hy sinh một bác sĩ, 3 sinh viên, một kỹ thuật viên. Trong lúc đồng chi chỉ huy đọc danh sách những người bổ sung cho đội phẫu đã hy sinh, tôi nhìn thấy trên khuôn mặt gầy sút, rám nắng do hành quân của các bạn có những dòng lệ lặng lẽ tuôn rơi, lóng lánh phản chiếu dưới ánh đèn dầu. Ngay sau cuộc mặc niệm, đội phẫu thuật bổ sung lại hối hả hành quân trong đêm, dưới ánh sáng le lói của pháo sáng máy bay, dưới bầu trời đêm liên hồi chớp giật bởi đủ các loại đạn pháo của ta, của địch. Những năm 1971, 1972 là những năm chiến trường Quảng Tri khốc liệt nhất. Ta và địch giành nhau từng ngôi nhà, từng góc vườn. Ban ngày chúng tôi trú ngụ dưới hầm. Nhưng căn hầm suốt ngày đêm rung rền như động đất vì bom B52, pháo chùm, pháo khoan của địch giã không lúc nào ngớt. Ban đêm, khi màn đêm vừa buông xuống, các sinh viên y tá vừa mang súng, vừa khoác túi cứu thương cùng các mũi bộ binh tấn công vào phòng tuyến quân địch, để rồi mới sáng hôm sau, những người ở lại đón tiếp họ trở ra với bộ quần áo còn khét lẹt mùi thuốc súng, với những vết thương đầy mình, với đôi mắt đỏ hoe ân hận vì không mang được một số thi thể đồng đội ra theo. Còn ở trạm phẫu thuật trung đoàn, đêm đêm chúng tôi thường thức trắng để cấp cứu cho thương binh. Và từng ngày trôi qua, những sinh viên còn sống sót tìm gặp các liên lạc viên đại đội, tiểu đoàn để hỏi thăm tin tức bạn bè ai còn ai mất ở các đại đội khác trên toàn mặt trận. Hơn một năm ở chiến trường, mặc dù là lực lượng cứu thương, nhưng điểm lại đại đội Đặng Văn Ngữ chúng tôi ngày nào, một số đã hy sinh - số còn lại hầu hết đều bị thương. Sự mất mát đó, so với sinh viên các Trường Đại học như Bách khoa, Thủy lợi, Nông nghiệp, Sư phạm v.v.. thì còn đỡ hơn nhiều. Từ năm 1971 đến tháng 5-1975 các đội viên của đại đội Đặng Văn Ngữ đã tham gia phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu một cách kiên cường, đã trụ vững ở thành cổ Quảng Trị, nơi được xem là túi bom, là chiến trường đẫm máu nhất trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Tuy nhiên có một điều rất đỗi tự hào là chiến trường ác liệt là thế, nhưng đại đội Đặng Văn Ngữ, cả thầy và trò, không một ai đào ngũ, không một ai thoái thác nhiệm vụ trong từng đêm xuất kích, không một ai quay lui trong mối chốt trụ ở chiến hào. Cuối tháng 4 năm 1975, chúng tôi theo các đoàn xe cơ giới của Sư đoàn 325D oai hùng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đi trên đường phố giải phóng tràn ngập cờ hoa chúng tôi nghẹn ngào nhớ đến các bạn đã nằm lại trên chiến trường Quảng Trị. không có quan tài, chỉ được bọc một bao ni lòng lạnh lẽo, được chôn vội vàng dưới làn bom đạn, nhớ đến các bạn đã ngã xuống dưới những trận mưa bom B52 không được toàn thây… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những sinh viên còn sống sót một số thì phục vụ trong quân đội còn đa số lại trở về mái trường thân yêu xưa, học nốt những năm còn lại. Nhiều người trong số họ nay đã trở thành các tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2, thành các nhà quản lý, lãnh đạo. Bất cứ ở cương vị nào, họ đều cống hiến hết mình vì một lý tưởng cao đẹp mà họ đã từng đổ máu hy sinh trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.