Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Gặp những phi công trong phi đội Quyết Thắng
Gặp những phi công trong phi đội Quyết Thắng
NGUYỄN HỮU DIỆP. Gặp những phi công trong phi đội Quyết Thắng / Nguyễn Hữu Diệp // Nhân dân. - 2000 . - Ngày 30 tháng 4. - Tr.3.

Trong mốc son chói lọi của bản anh hùng ca chống giặc ngoại xâm của dân tộc và quân đội ta – Đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn và toàn miền nam, thống nhất đất nước, Bộ đội phòng không - Không quân tự hào đã đóng góp một chiến công đặc biệt. Chiến công của Phi đội Quyết Thắng dội bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975 tiêu diệt 26 máy bay địch.
Hai trong số những phi công trẻ tuổi và dũng cảm của Phi đội Quyết Thắng ngày ấy hiện đang công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân là Đại tá Hán Văn Quảng, Phó Tham mưu trưởng và Đại tá Nguyễn Văn Lục, Trưởng phòng quân huấn Nhà trường Quân chủng. Các anh cho biết, những ngày tháng 4 của năm 1975, cùng các đơn vị khác của bộ đội không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân), Đoàn không quân Yên Thế của các anh, đơn vị đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu với không quân Mỹ, Trung đoàn đã vinh dự đuợc nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, đặc biệt là Đại đội 4 của Trung đoàn đã ba lần anh hùng, ai cũng mong được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp sức cùng những cánh quân của ta đang “thần tốc” tiến về Sài Gòn. Thế rồi, vinh dự to lớn đó đã đến với Đoàn Không quân Yên Thế khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định cho Không quân ta tổ chức một trận tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất. 
Ngày 22-4-1975, 12 cán bộ phi công của Đoàn Không quân Yên Thế và một số của Đoàn Không quân Lam Sơn được lựa chọn phấn khởi lên đường. Từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) các anh lên chiếc máy bay vận tải In 18 của Đoàn Không quân 919 bay thẳng vào sân bay Đà Nãng vừa mới giải phóng với nhiệm vụ học chuyển loại gấp để dùng ngay loại máy bay A 37 vừa thu được của địch để đánh địch.
Là những phi công lái máy bay phản lực chiến đấu được đào tạo cơ bản tại nước bạn, rồi bao năm qua, lớp phi công ở lứa tuổi chưa đầy ba mươi như anh Quảng, anh Lục, Đễ, Vượng ở Đoàn Không quân Yên Thế đã tham gia hàng chục trận chiến đấu, nhiều người đã lập công xuất sắc. Như Nguyễn Văn Lục, trong cả ba trận chiến đấu đều lập công, bắn rơi ba máy bay Mỹ, đại đội truởng của đại đội 4, đơn vị bốn lần Anh hùng. Nhưng đó là những trận đánh mà các anh bay bằng những con én bạc rất quen thuộc, chiến đấu trên bầu trời miền bắc. Giờ đây phải học chuyển sang sử dụng loại máy A37 do Mỹ chế tạo quả là một việc đầy khó khăn, nhất là trong khoảng thời gian cho phép chỉ có sáu ngày trong điều kiện phải giữ bí mật nghiêm ngặt.
Sau thời gian luyện tập gấp rút tại sân bay Đà Nẵng, phi đội thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ấy được Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân chủng Phòng không – Không quân đặt tên là “Phi đội Quyết Thắng”. Gồm năm máy bay và các phi công: Nguyễn Thành Trung (bay số 1 dẫn đường), Từ Đễ (số 2), Nguyễn Văn Lục (chỉ huy trên không - bay số 3), Hòang Mai Vượng cùng Trần Văn Ơn - một phi công A37 của địch vừa được đứng vào đội ngũ không quân ta (bay số 4) và Hán Văn Quảng (bay số 5).
Ngày 27-4-1975, từ sân bay Đà Nẵng, Phi đội Quyết Thắng lại lên máy bay vận tải bí mật bay vào sân bay Phù Cát, nơi kỹ sư Hồ Thanh Minh và lực lượng tới trước của quân chủng đã chuẩn bị tốt năm chiếc máy bay A37 cho phi đội sử dụng trong trận đánh tới. Với tinh thần còn thời gian còn tranh thủ luỵên tập, sau khi được cấp trên phê duyệt kế hoạch, toàn phi đội đã tiến hành thắng lợi cuộc bay thử vào sáng 28-4-1975. Đến gần trưa 28-4-1975, Phi đội Quyết Thắng đuợc lệnh lái máy bay chuyển trường tiến vào sân bay Phan Rang. Cuộc chuyển trường thành công, bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối.
  Đúng 16 giờ 15 phút ngày 28-4-1975, theo các hiệu lẹnh trước đài chỉ huy, toàn phi đội phấn khởi tên máy bay nổ máy và cất cánh trong niềm tin yêu và chờ mong chiến thắng của toàn đơn vị. Tập hợp đội hình theo phương án, rồi dọc theo quốc lộ 1, năm chiếc A 37 của phi đội lao thẳng về phía Sài Gòn.
- A 37 của Phi đoàn nào đấy! Cho biết tên. Câu hỏi bằng Tiếng Anh, sau chuyển sang tiếng Việt của tên sĩ quan địch từ đài chỉ hủy sân bay Tân Sơn Nhất dồn dập. Từ độ cao gần 1.100 m bắt đầu là Nguyễn Thành Trung rồi Từ Đễ tới toàn phi đội lần lượt lao xuống trút bom đúng mục tiêu như đã định. Cả khu tập kết máy bay mà kẻ thù vừa đi gây tội ác về đã trùm kín lửa khói, kéo theo là những tiếng nổ lớn của loại bom 250 và 500 bảng Anh do chính giặc Mỹ chế tạo đã làm chấn động cả Sài Gòn. Khi máy bay tao xuống cắt bom, Từ Đễ không nín được cười vừa ấn nút phóng bom vừa trả lời câu hỏi?: “A37 của Phi đoàn nào...” ngày một gào lên hoảng hốt, anh đáp rành rọt: “Máy bay của Mỹ chế tạo đấy”. Đồng thời. Nguyễn Thành Trung cũng nhắc lại câu trả lời như thế bằng tiếng Anh.
Câu trả lời thông minh, hóm hỉnh, pha chút hài lúc ấy làm cho các phi đội thêm phấn chấn. Sau đó trong tai họ chỉ còn vang lên những tiếng la hét:
- Chết cha rồi! Viêt cộng tiến công.
Trận đánh diễn ra thuận lợi, mọi nguời đang say sưa tiến công, có máy bay lao xuống tới ba bốn lần bom mới chịu ra hết, quyết tâm đánh đến quả bom cuối cùng thì từ trên cao, ở vị trí cảnh giới và yểm hộ (sau khi đã đánh hết bom) Hán Văn Quảng sực nhớ đến công tác bảo đảm an toàn trên đường về căn cứ, vì lượng dầu không cho phép kéo dài thêm nhiều thời gian hoạt động của máy bay. Quảng hô lớn:
Hướng 150 độ thoát ly!
Lúc đó, cả phi đội như bừng tỉnh nhận ra điều mà Hán Văn Quảng vừa nhắc, lao theo đội hình tập trung nhanh chóng bay về căn cứ, dẫn đầu (bay số 1) là Hán Văn Quảng. Nguyễn Thành Trung xin phép được tiến công lần thứ năm và về sau, mọi người yên tâm, vì Trung là người bay giỏi lại thông thạo địa hình.
Trên đường trở lại căn cứ nơi xuất phát là sân bay Phan Rang, bay qua nhiều khu vực, phi đội đã bị lực lượng phòng  không mặt đất bắn chặn rất mãnh liệt, nhất là ở Phan Thiết, Hán Văn Quảng phải hô to: Cơ động tản ra! Từ độ cao 400 m anh em đã phải cho máy bay bay thấp gần sát ngọn cây để tránh đạn. Càng cơ động, bay thấp, lượng dầu máy bay tiêu thụ càng lớn, các máy bay đèn báo dầu đều báo ở mức nguy hiểm, có chiếc đã phải tắt bớt một máy để bảo đảm đủ dầu về tới căn cứ. Khi chuẩn bị hạ cánh cả Từ Đễ và Hoàng Mai Vượng đều báo cáo: “Dầu tôi đã hết”, các anh được ưu tiên hạ cánh trước, nào ngờ khi tiếp đất, cả máy bay của Hán Văn Quảng và Nuyễn Văn Lục cũng như máy bay của Từ Đễ và Hoàng Mai Vượng đều đốt hết những giọt dầu cuối.
Các anh hạ cánh an toàn, mang theo chiến thắng trở về trong niềm vui sướng đến trào nước mắt của đồng đội.
Thay cho lời kết:
Hỏi: - Là những phi công thuộc thế hệ cha anh được đào tạo cơ bản tại nước ngoài và tôi luyện trong chiến đấu, giờ đây trên cương vị là những cán bộ chủ chốt chịu trách nhiệm công tác huấn luyện, đào tạo tại các học viện, nhà trường và các đơn vị trong quân chủng, các anh nghĩ như thế nào về các phi công trẻ, lớp phi công thế kỷ 21 của chúng ta.
Các anh Hán Văn Quảng và Nguyễn Văn Lục trả lời: Chúng tôi rất tin tưởng và tự hào về lớp phi công trẻ đang làm nhiệm vụ tại các đơn vị hiện nay cũng như các phi công đang được đào tạo tại các học viện, nhà trường trong nước. Xét về nhiều mặt, nhất là trình độ văn hóa và học vấn, họ có lợi thế hơn lớp chúng tôi. Đặc biệt là kinh nghiệm chiến đấu phong phú của các thế hệ trước trong quân chủng luôn được coi trọng và truyền đạt lại cho họ, hay việc đổi mới trang bị kỹ thuật... cũng là những lợi thế. Tuy nhiên, với những người lính Cụ Hồ, đặc biệt là với những phi công trẻ thì việc giáo dục và rèn luyện về bản tính chính trị, quyết tâm chiến đấu luôn luôn phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi tin tưởng họ sẽ là lớp người kế tục xứng đáng truyền thống anh hùng của bộ đội không quân và toàn quân chủng.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.