Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Mùa xuân 25 năm trước báo chí cùng ra trận
Mùa xuân 25 năm trước báo chí cùng ra trận
KHÁNH TOÀN. Mùa xuân 25 năm trước báo chí cùng ra trận: Trích nhật ký phóng viên mặt trận / Khánh Toàn // Nhân dân. - 2000. - Ngày 23 tháng 4. - Tr. 3.

    Hơn hai mươi lăm năm nhớ lại, có lẽ không mấy ai quên cuộc ra quân đông vui và nhộn nhịp của giới báo chí ở tiền tuyến và hậu phương mùa xuân 1975.
Quả thật, trước Tết, miền Nam đã có chiến thắng Phước Long. Sau Tết, đầu tháng 3, đã có chiến thắng Buôn Ma Thuật rồi Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng... Cùng những binh đoàn ra trận, các cơ quan báo chí ở miền bắc như: TTXVN, báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân, đài Tiếng nói Việt Nam, đài Phát thanh Giải phóng (CP-90),… đều có những đoàn phóng viên mặc áo lính gồm đủ các binh chủng đi cùng các binh đoàn ra trận. Cái Tết Trường Sơn, Tết sống với bộ đội và thanh niên xung phong đã giúp các tay bút và tay cầm máy ảnh, máy quay phim, kịp chớp thời cơ khi súng nổ để có những tin, bài, ảnh nhanh nhất gửi về hậu phương.
Khi tiếng súng tiến công Buôn Ma Thuật bắt đầu nổ, cùng với tin của phân xã TTXGP Tây Nguyên, anh Kim Đồng, phóng viên báo Quân đội Nhân dân có bài tường thuật trận đánh mở màn chiến dịch. Buổi phát thanh Quân giải phóng miền Nam (đài Phát thanh Giải phóng) và buổi phát thanh Quân đội nhân dân (đài TNVN), có tin ban đầu và bài bình luận cổ vũ Báo Nhân Dân đưa trên trang nhất tin “Quân giải phóng Tây Nguyên nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuật”. Cả trận địa tuyên truyền sôi động hào khí mùa xuân phơi phới niềm tin. Ngày 13-3-1975, nhà báo Nguyễn Trần Thiết từ mặt trận Tây Nguyên điện về bài tường thuật quang cảnh quân ta đánh chết hoàn toàn Tổng kho Mai Hắc Đế rồi tiến vào Trung tâm thị xã Buôn Ma Thuật, cắm cờ chiến thắng trên Dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền. Bài viết tả rất kỹ gương mặt đại tá I-blốc E-Ban, người con của buôn làng Đắc Lắc, từ Tây Nguyên tập kết ra bắc rồi về lại chiến trường quê hương. Ông mừng rơi nước mắt. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã cử ông làm Chủ tịch Ủy ban quân quản khi quê hương sạch bóng quân thù.
Đêm đó, ở Hà Nội, đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, triệu tập lãnh đạo Cục Tuyên huấn và các cơ quan tuyên truyền của quân đội, chỉ đạo: Ngay trong đêm phải hoàn thành chương trình phát thanh đặc biệt chào mừng Đắc Lắc giải phóng để phát vào sáng sớm mai. Thông tấn quân sự có bình luận để cung cấp cho TTXVN phát trong đêm.
Đêm về khuya. Trong khu thành của cơ quan Tổng cục Chính trị, đèn điện thắp sáng tất cả các phòng làm việc. Các đồng chí Lê Minh, Hồng Lân, Tất Đắc... xoay trần viết bình luận. Đài bá âm của Đài TNVN và đài Phát thanh Giải phóng vẫn trực chờ bài, tin. Ô-tô và các biên tập viên chờ sẵn trước phòng làm việc, duyệt xong bài là lao đi…
Sáng hôm sau, từ các loa truyền thanh công cộng sôi nổi truyền vang bài bình luận về Đắc Lắc giải phóng. Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội mớirút tít đỏ, bảng tin Đắc Lắc giải phóng và các bài tuờng thuật chiến sự từ chiến trường điện về. Báo chí, đài phát thanh làm cho cả Thủ đô, cả hậu phương náo nức...
Huế vừa sạch bóng quân thù (26-3) thì 29-3, Đà Nẵng - thành phố bên sông Hàn - cũng hoàn toàn giải phóng. Mấy ngày sau, cả một dải đất rộng lớn từ Nha Trang trở về Tuy Hòa, Quy Nhơn lần lượt được giải phóng. Dải đất trung Trung Bộ khổ đau và quật khởi tươi vui trở lại trong ngày hội lớn. Đà Nẵng trở thành nơi hội tụ của các nhà báo từ miền Bắc đi theo các mũi tiến công, nổi dậy vào và các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí ở căn cứ khu 5 trở về. Nhà báo Thắng Lộc, Trưởng đoàn phóng viên thường trú Đài Phát thanh Giải phóng tại trung Trung Bộ, cùng các phóng viên Lệ Thu, Phạm Thị Sửu, Kim Anh, Đoàn Minh Tuấn... kịp thời tiếp quản Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng để truyền đi những chương trình phát thanh của chính quyền cách mạng, nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân. Phân xã TTXGP khu 5 và Quảng - Đà đã liên tục dùng tê-lê-típ điện khẩn tin, bài về tổng xã và các cơ quan báo chí ở hậu phương. Suốt ngày, đêm, các nhà báo cứ thay nhau xếp hàng để điện tin, bài về các tòa soạn. Ít ai nghĩ đến việc nghỉ ngơi khi thấy cuộc đời làm báo được sống và viết về những vùng đất vừa giải phóng mà họ đã mong chờ suốt hai mươi năm.
Cũng tại Đà Nẵng, số tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng miền trung Trung Bộ do các nhà văn: Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Phan Tứ, Nguyễn Trí Huân, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế... tập trung làm gấp, cho ra mắt nhân dân vùng giải phóng. Các báo: Quảng Nam - Đà Nẵng, Quân giải phóng trung Trung Bộ và các tỉnh miền trung Trung Bộ cũng liên tiếp ấn hành, chào mừng quê hương giải phóng. Lần đầu tiên, người dân nơi đây tràn ngập niềm vui đón nhận những tác phẩm báo chí cách mạng và được công khai đọc dưới bầu trời tự do của quê hương giải phóng.
Nếu tại mặt trận Buôn Ma Thuật và chiến dịch Tây Nguyên; chiến dịch Huế - Đà Nẵng và việc giải phóng giải đồng bằng miền trung Trung Bộ, là một sự kiện hiếm hoi mà chỉ một số nhà báo may mắn được chứng kiến những phút ban đầu, thì bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đội ngũ báo chí được chuẩn bị tương đối đầy đủ và rất chủ động về mọi mặt.
Trước sự phát triển mau lẹ của tình hình, theo ýkiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tuyên huấn T.Ư Đảng đã làm việc với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam để bố trí các phóng viên đi cùng các đoàn công tác và các cánh quân, đáp ứng yêu cầu “tác chiến” nhanh khi chiến dịch bắt đầu. Đây là điều kiện rất thuận lợi, bảo đảm cho các nhà báo bám sát bộ đội, chủ động lấy tài liệu viết bài và điện nhanh về Hà Nội. Vì vậy mà mỗi chặng đường quân ta đi, các nhà báo đều có cơ hội nắm bắt tình hình, viết bài về những vùng quê mới giải phóng để điện về hậu phương mà không để lộ kế hoạch tác chiến của chiến dịch lịch sử.
Dọc đường đi, xe chúng tôi thường gặp các anh, các chị là đồng nghiệp quen biết. Cười với nhau, tay vẫy rồi hẹn gặp nhau ở Sài Gòn.
Phía trước là Sài Gòn gồm 6 sư đoàn ngụy, 20 nghìn cảnh sát, bảo an, dân vệ và đầy ắp lính thất trận từ quân đoàn 1 - quân khu 1, quân đoàn 2 - quân khu 2 ngụy tràn về, phòng thủ trên ba tuyến: vòng ngoài, ven đô và nội đô.
Với quân ta, trừ sư đoàn 308 (quân đoàn 1) được điều Động vào Quảng Bình để bảo vệ miền Bắc XHCN, sẵn sàng có mặt khi cần thiết, còn tất cả lực lượng của bốn quân đoàn, hai quân khu (5 và 7) và lực lượng tinh nhuệ của các quân chủng, binh chủng đều có mặt và sẵn sàng nổ súng tấn công Sài Gòn. 1.700 cán bộ cơ sở, 1.000 đảng viên và hàng nghìn cơ sở nội thành được Thành ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo, sẵn sàng phát động 3,5 triệu dân thành phố nổi dậy giành chính quyền.
11 giờ 30 phút 30-4, Quân đoàn 3 (tức Binh đoàn Tây Nguyên) của ta điện về Bộ chỉ huy báo cáo: “Đã cắm cờ chiến thắng trên Bộ Tổng tham mưu ngụy và làm chủ toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất”. Cũng giờ phút ấy, Bộ Tư lệnh quân đoàn 2 điện về: “Đã bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập”.
Mười lăm phút sau, trên Đài phát thanh Sài Gòn truyền đi lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của Tổng thống ngụy quân Dương Văn Minh và lời tuyên bố của đại diện Quân giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền. Trên làn sóng có tiếng nói của thủ tướng ngụy quyền Vũ Văn Mẫu “chào mừng đất nước vãn hồi hòa bình” và sau đó là những bài hát nối nhau của một số sinh viên Sài Gòn (không có nhạc đệm) truyền đi trên sóng.
Khi chúng tôi vào dinh Độc Lập, cái giờ phút lịch sử ấy đã qua rồi. Anh Phạm Xuân Thệ, phó trung đoàn trưởng trung đoàn 66, sư đoàn 304: anh Bùi Văn Tùng, chính ủy lữ đoàn thiết giáp 203; anh Bùi Quang Thận, trung úy, đại đội trưởng đại đội thiết giáp và anh Bùi Ngọc Vân, lái xe của anh Thận, cùng các chiến sĩ ta đang ở phòng khánh tiết. Các anh kể lại cho chúng tôi về giờ phút lịch sử ấy.
Khi từ Đài phát thanh Sài Gòn trở lại dinh Độc Lập, cuốn băng cát-xét ghi lại giờ phút lịch sử đó bị một phóng viên nước ngoài mượn nghe tại chỗ và định ''thủ" luôn bằng cách chuồn nhanh. Anh Thệ, anh Tùng phải cho quân bủa vây đi tìm và lấy lại cuốn băng vào lúc gần 13 giờ chiều 30-4.
Trong giờ phút có một không hai ấy của lịch sử, chỉ có mặt hai nhà báo Ngọc Đản và Hoàng Thiểm, phóng viên nhiếp ảnh quân sự TTXVN, bám theo quân đoàn 2, chứng kiến toàn bộ quang cảnh đó. Các anh đã chụp tất cả sự kiện đầu tiên ở dinh Độc Lập, ở Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu, biệt khu Thủ đô và nét mặt người thành phố lúc chào đón quân ta. Ngay chiều 30-4, nhờ quân đoàn 2, các anh đã nhờ người tái xe chở ra Đà Nẵng để sáng hôm sau đi máy bay quân sự ra Hà Nội. Các anh đã độc quyền về những bức ảnh chụp được trong giờ phút thiêng liêng đó và được các đồng chí lãnh đạo Đảng mời lên báo cáo tình hình.
Những bức ảnh đầu tiên và bài tường thuật “Tiến vào phủ tổng thống ngụy quyền” của nhà báo Trần Mai Hạnh trong giờ phút lịch sử ngày 30-4-1975, đã được in trên các mặt báo và phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng... Những chứng nhân lịch sử và dấu ấn của báo chí về giờ phút lịch sử trọng đại ấy vẫn còn đó.
Từ Sài Gòn giải phóng, những ngày sau, mỗi đoàn một ngả, các nhà báo đã đi về chót mũi Cà Mau, rừng U Minh, Côn Đảo, Phú Quốc để viết về đồng bằng Sông Cửu Long, về miền đông và miền tây Nam Bộ tiến công và nổi dậy.
Dư âm của một mùa xuân đại thắng cứ vang mãi trong các bài viết hào hùng.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.