Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Người anh hùng năm 1975 ở cửa ngõ Sài Gòn
Người anh hùng năm 1975 ở cửa ngõ Sài Gòn

LÊ MINH HUỆ. Người anh hùng năm 1975 ở cửa ngõ Sài Gòn / Cựu chiến binh Việt Nam. - 2003. - Số 144. - Tr. 5.



Giữa năm 1972, người con của xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi. Tháng 12 năm ấy, anh được vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và lập công xuất sắc ngay từ trận đầu. Tháng 4-1975, anh tham gia mặt trận Đồng Dù phía Tây Bắc Sài Gòn. Tại đây, anh đã cùng đồng đội tiêu diệt sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" nổi tiếng gian ác, bắt sống tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá, sư đoàn trưởng ngụy, mở toang cánh cửa đánh vào Cầu Bông và tiến thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Vũ Thanh Sơn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND ở tuổi 23. Sau đây là vài mẩu chuyện về anh.

Sắp đến ngày 30-4, kỷ niệm ngày toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thế mà Ban giám hiệu nhà trường ở đây chưa biết mời ai đến nói chuyện truyền thống cách mạng cho học sinh trường mình. Giữa lúc ấy, một cô giáo hiến kế:

- Thầy hiệu trưởng còn phải băn khoăn gì nữa! "Người đương thời" đang ở ngay ngoài cổng. Mời được anh ấy vào nói chuyện là "nhất" rồi, không ai bằng!

- Sao? Cô có đùa không đấy?

- Dạ, em đâu dám. Em tưởng thầy biết anh ấy từ lâu rồi.

- Quả thực tôi chưa biết! Ai vậy?

Cô giáo nhìn thầy hiệu trưởng cười và chậm rãi thưa:

- Là anh hùng quân đội "xịn", người đang coi giữ xe đạp ở cổng trường mình đấy. Mà anh ấy trực tiếp chiến đấu lập công xuất sắc ở cửa ngõ Sài Gòn, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Người như thế thầy đã ưng chưa?

Nghe nói thế, thầy hiệu trưởng chỉ còn biết gật đầu, nói: Tuyệt, tuyệt!

Vào một buổi sáng tháng 4 đẹp trời, hội trường chật ních thầy trò. Có cả học sinh mấy trường lân cận cũng đến "nghe nhờ". Sau lời giới thiệu ngắn gọn của thầy hiệu trưởng, người Anh hùng bước lên bục trong tiếng vỗ tay rào rào như song.

Nhiều em học sinh đập tay vào vai bạn thì thào khoái chí:

- Ôi! Bác Sơn! Bác Sơn coi xe đạp mày ạ!

- Ừ nhỉ! Thế mà mấy năm gửi xe, mình không biết bác Sơn là Anh hùng!

Hôm nay bác Sơn đẹp quá.

Nhìn kìa, ngực bác ấy đầy huân chương.

Rồi tiếng xuýt xoa, thì thào im bặt. Mọi gương mặt đều chăm chú hướng về Anh hùng Vũ Thanh Sơn, lắng nghe từng lời anh nói. Bằng giọng ấm áp và chậm rãi, anh thân tình kể về những năm học trò của mình.

"…Ngày ấy, trường phổ thông cấp 3 Phú Thọ cách nhà tôi chừng bảy ki-lô-mét. Hàng ngày tôi phải cuốc bộ tới trường. Bụng đói vì những năm chiến tranh cái gì cũng thiếu. Thiếu gạo phải ăn độn sắn khoai. Thiếu sách giáo khoa, thiếu giấy mực và thiếu cả trường lớp, phải sơ tán học ở đình chùa, học nhờ nhà dân. Phần đông học sinh nghèo không có xe đạp. Học hết bậc phổ thông, lớp 10/10, tôi vào bộ đội khi tròn 19 tuổi. Nhờ nhiều năm cuốc bộ đi học mà đôi chân dẻo dai, săn chắc đã giúp tôi vượt Trường Sơn tới đích".

Anh kể về sự hồi hộp trước giờ nổ súng trận đầu ra sao. Đó là trận diệt đồn Chư Nghé thuộc tỉnh Gia Lai. Lúc ấy là 5 giờ sáng, sương còn giăng mờ khắp núi đồi. Ta lựa thời điểm mờ sáng để tấn công là lúc bọn địch lỏng lẻo, mệt mỏi sau một đêm canh gác. Tâm trạng cậu học sinh như anh khi vào trận đầu tiên sao mà hồi hộp pha lẫn sự sợ hãi, lo âu đến thế. Lệnh nổ súng! Anh bắn tiểu liên, tung tựu đạn thoăn thoắt vượt rào kẽm gai trong tiếng bộc phá, tiếng đạn rít, trong khói bụi mịt mù. Thế là hết sợ. Trận ấy, ta tiêu diệt và bắt gọn một tiểu đoàn địch. Tiếp đến là trận Làng Siêu cũng ở tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên, một trận chống địch càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng. Hai đại đội bộ binh của ta phải chọi với địch có xe tăng, thiết giáp yểm trợ. Sau nhiều giờ giao tranh quyết liệt, nhiều đồng chí của ta đã anh dũng hy sinh. Khi anh Sơn quay sang bên cạnh, thấy Bế Văn Thành xạ thủ súng B40, người dân tộc Dao tỉnh Cao Bằng hy sinh, Sơn chộp ngay khẩu B40 từ tay bạn bắn cháy liền hai xe tăng và một chiếc M.113 của giặc, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang tháng 8-1973 không thể nào quên. Sau này, đồng chí Bế Văn Thành cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng.

Dừng lại giây lát, nhấp một ngụm nước, anh Vũ Thanh Sơn tâm sự: Đi chiến đấu hết trận này đến trận khác, tôi thấy những bài học lịch sử, địa lý hôm nào cứ ngân nga, ngấm vào máu thịt, thấy ý nghĩa lớn lao trong từng tấc đất, từng dòng sông, con suối. Điều ấy thôi thúc lớp lớp thanh niên phải sống và chiến đấu, phải làm gì có ý nghĩa đẹp cho quê hương, đất nước. Và tôi không ngờ mình được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tháng 3-1975 cùng với Huế, Đà Nẵng, mặt trận Tây Nguyên và toàn miền Nam ta thắng lợi trong thế chẻ tre. Bọn giặc hoảng loạn tháo chạy. Trong thời cơ vô cùng thuận lợi ấy, Bộ chỉ thị phải thần tốc, thần tốc nữa, quyết giành toàn thắng. Trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320 của tôi được giao nhiệm vụ cùng trung đoàn 64, trung đoàn 9 đánh thẳng vào tập đoàn cứ điểm Đồng Dù, phía Tây bắc Sài Gòn. Với diện tích gần 4 ki-lô-mét vuông, có sân bay dã chiến, sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" khét tiếng gian ác đóng giữ. Cấp trên giao cho trung đội 7 của tôi mũi nhọn đánh chiếm lô cốt đầu cầu, chiếm và cắm cờ lên nóc sở chỉ huy của địch. Giặc chống trả quyết liệt, 75 tay súng của ta chỉ còn lại 8 người. Trong tình thế ấy trung đội trưởng Vũ Thanh Sơn dùng súng B40 của đồng đội bắn cháy liền hai xe tăng M48. Cùng lúc ấy đồng đội anh cũng diệt 10 chiếc M48 nữa, đè bẹp sự phản kháng của địch, tạo điều kiện cho bộ đôi ào ạt xông lên bắt sống tên chuẩn tướng, sư đoàn trưởng Lý Tòng Bá, diệt gọn sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới", tiến đánh Cầu Bông và xộc thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Hôm ấy là ngày 29-4-1975, Vũ Thanh Sơn bị trọng thương phải đưa đi quân y viện dã chiến cấp cứu. Ngay trên giương bệnh, anh đã được tin vui: đơn vị đề nghị cấp trên phong tặng anh danh hiệu Anh hùng.

Kể đến đây, anh Vũ Thanh Sơn im lặng giây lát, giọng đầu xúc động:

- Điều tôi xúc động nhất không phải là mình được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Tôi xúc động, nhớ thương bao đồng chí đã ngã xuống trước này toàn thắng có mấy tiếng đồng hồ, để Tổ quốc sạch bóng quân thù, để lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu sau 30 năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi.

Là một thanh niên học sinh nơi Đất tổ Hùng Vướng, tôi rất vinh dự được góp một chút nhỏ sức trẻ vào thắng lợi chung của cách mạng nước nhà. Nhưng rồi sức khỏe yếu, là thương binh hạng 4/4, mất sức 75%, tôi được về nghỉ năm 1988 tại Việt Trì. Nhà nước đã ưu đãi cấp cho tôi căn nhà cấp bốn, rộng 78 mét vuông. Tôi làm thêm một gác xép để ở, còn tầng trệt dùng làm nơi trông giữ xe đạp cho các em học sinh. Nhà tôi thường xuyên có gần 100 xe đạp gửi. Tôi lấy lệ phí 200 đồng một xe, số tiền nhỏ nhoi không đủ mua nửa mớ rau muống. Có em nhà nghèo không có tiền, tôi trông giúp. Biết đâu, trong số các em sau này học tập thành tài, thành tiến sĩ, kỹ sư, thành các nhà khoa học giúp ích cho đời, sẽ có lúc nhớ về một anh bộ đội nghỉ hưu trông coi xe đạp. Tôi xin hứa trông giữ xe đạp cho các thầy cô và các em thật cẩn thận, xứng với niềm tin yêu của mọi người…

Tiếng vỗ tay lại vang rền cả hội trường. Nhiều thầy cô và các em mang hoa lên tặng anh. Có nhiều em chạy lên vây quanh cốt chỉ để xem những tấm huân chương chiến công trên ngực áo người anh hùng. Chiều ý các em, anh giảng giải từng chiếc trong tổng số 13 chiếc huân chương, cái nào là hạng nhất, cái nào hạng nhì, cái nào hạng ba. Rồi anh còn phải trả lời tại sao cuống huân chương, có cái màu đỏ, có cái màu nửa xanh nửa đỏ. Nhiều em yêu cầu anh phân biệt cái nào là huy hiệu chiến sĩ thi đua, cái nào là dũng sĩ diệt Mỹ, cái nào là huy hiệu Anh hùng.

Chuyện của anh đã đi vào nhiều bài văn hay, được điểm mười. Các em khai thác nhiều chi tiết lạ khi anh Vũ Thanh Sơn về địa phương tham gia BCH CCB làm trưởng khu hành chính, làm ủy viên HĐND phường Gia Cẩm, TP. Việt Trì. Anh đã góp phần tích cực cùng nhân dân phấn đấu phát triển kinh tế, xóa hết hộ nghèo. Năm 2000, phường Gia Cẩm được tặng thưởng huân chương Lao động hạng ba và 5 năm liền phường được tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an.

Bằng uy tín và sự chân thành, anh còn giáo dục được nhiều tay "anh chị" trong giới cờ bạc, tiêm chích, trộm cắp, về sống và làm ăn lương thiện.

Vợ anh, cô giáo Nguyễn Thị Bình, dạy môn kỹ thuật gò hàn ở trung tâm hướng nghiệp dạy nghề Phú Thọ thường xuyên nhắc nhở hai con thi đua "ngầm" với bố! Cháu Vũ Quốc Duy năm nào cũng học giỏi và đã thi đỗ vào Đại học. Cháu Vũ Duy Tân đang là học sinh giỏi lớp 11. Anh Vũ Thanh Sơn và chị Nguyễn Thị Bình đều là đảng viên hơn 20 năm tuổi Đảng. Họ được xóm giềng, khối phố, bạn bè khen ngợi là gia đình sống đẹp, giữ trọn phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", không khó khăn nào ngăn cản được bước đi vững chắc và tự tin của mình.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.