Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Người treo cờ Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây
Người treo cờ Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây
LÊ XUÂN PHÁT. Người treo cờ Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây / Lê Xuân Phát, Trương Vân Tiên ghi // Quân đội nhân dân. - 2005. - Ngày 6 tháng 4. - Tr.5

Phải mất nhiều ngày tìm đến nhà tôi mới gặp được anh. Dù đang rất bận công việc nhưng anh cũng dành thời gian ít ỏi kể cho tôi nghe trận chiến đấu mà anh tham gia và được chỉ huy giao nhiệm vụ treo lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ ở đảo trước khi quân ta tiến vào giải phóng đảo cách đây 30 năm.
Lúc đó là 3 giờ 40 phút ngày 11-4-1975 tàu 673 (Đoàn M25 Hải quân) được lệnh xuất phát từ cảng Đà Nẵng. Sau 4 ngày đêm hành quân thần tốc, bí mật bất ngờ, tàu 673 đưa lực lượng Đội 1, Đoàn Đặc công Hải quân M26, do đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy đã tới vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa. Xa xa đảo Song Tử Tây hiện lên trong màn đêm một màu xanh thẫm. Thỉnh thoảng có vài ánh đèn le lói lúc tắt, lúc sáng đó là đèn tuần tra của bọn lính tuần trên đảo. Mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây theo mệnh lệnh trên giao đã được chỉ huy quán triệt, triển khai đến từng tổ, từng chiến sĩ. Trước khi vào trận đánh, tôi được chỉ huy gọi lên giao nhiệm vụ treo lá cờ Tổ quốc lên cột cờ ở đảo. Nhận nhiệm vu chỉ huy giao, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ quan trọng này. Lo là làm sao hoàn thành nhiệm vụ, treo được cờ trước khi quân ta tiến vào làm chủ toàn đảo. Sau khi nhận nhiệm vụ từ người chỉ huy, tôi cẩn thận quấn lá cờ Tổ quốc vào cổ, xin chỉ huy một chiếc loa pin mang theo và số trang bị vũ khí cần thiết rồi nhanh chóng xuống xuồng bơi vào đảo. Xuồng nhỏ, sóng lớn có lúc tưởng mình sẽ bị sóng đánh bật ra cuốn trôi mất. Người tôi mệt lả vì phải vật lộn, chống chọi với sóng gió và mấy đêm liền thao thức không ngủ được. Vừa tiếp cận lên đảo, tôi nhanh chóng lợi dụng địa hình vận động tiến lên theo hướng khu trung tâm chỉ huy đảo. Thấy động, bầy chim bay lên ràn rạt và kêu chí chóe. Bọn địch thấy thế bắn lên mấy loạt đạn canh phòng. Bị lộ chăng? Tôi nằm im nghe ngóng rồi tiếp tục bò ên theo hướng về nơi có cột cờ ở trung tâm chỉ huy đảo. Lợi dụng các lùm cây, tôi nhanh chóng bí mật bò lên trinh sát nắm các chốt canh phòng của địch báo cáo cho chỉ huy. Đến chân cột cờ, nhìn lên thấy có hai dây kéo và lá cờ ba sọc đang bay, tôi liền nhanh chóng cầm dây kéo lá cờ ba sọc xuống. Nhưng vừa kéo được một đoạn thì gió mạnh làm lá cờ và dây quấn lại với nhau. Cố kéo được khoảng 2 mét thì dây bị đứt. Làm thế nào bây giờ, cột cờ lại bằng ống tuýp không có gì để bám, víu. Bằng mọi giá phải trèo lên bằng được. Loay hoay mãi tôi mới trèo được lên giật phăng lá cờ ba sọc vứt xuống đất và treo lá cờ Tổ quốc vào. Đúng 3 giờ 30 phút, các mũi tiến công của ta cũng đã áp sát các vị trí và nhất loạt nổ súng. Tôi nghe rõ tiếng la hét, tiếng kêu cứu hoảng loạn của bọn lính và tiếng súng bắn trả điên cuồng của chúng ở các lô cốt. Trong tình thế bị bao vây bọn địch co cụm lại ngoan cố chống cự. Khi đã chiếm lĩnh được vị trí cần thiết tôi lấy chiếc loa pin đứng lên gọi to: “Hỡi anh em binh sĩ Sài Gòn toàn đảo đã bị Quân giải phóng bao vây anh em hãy bỏ súng ra hàng để hưởng lượng khoan hồng của cách mạng trở về đoàn tụ với gia đình”. Súng vẫn nổ dữ dội từ bốn phía dồn bọn địch co cụm vào giữa trung tâm chỉ huy đảo. Trận đánh giằng co, quyết liệt kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Các mũi tiến công của ta ào lên như cơn lốc, bao vây chiếm lĩnh hết vị trí này đến vị trí khác. Sức chống cự của địch yếu dần rồi câm lặng. Trời gần sáng, quân ta đã tiến vào làm chủ hoàn toàn đảo Lúc đó trên đỉnh cột cờ ở giữa trung tâm đảo lá cờ Tổ quốc đã tung bay phần phật trong gió. Đảo Song Tử Tây chính thức được giải phóng từ lúc ấy. Người treo cờ Tổ quốc trên đảo trong trận đánh mở màn giải phóng đảo Song Tử Tây đêm 14-4-1975 ấy chính là Hạ sĩ Lê Xuân Phát thuộc Đội 1 Đoàn Đặc công Hải quân M26 Anh hùng.
 Tháng 12 năm 1972, tạm biệt quê hương Hoằng Hóa, Thanh Hóa, anh lên đường nhập ngũ về huấn luyện tại Đoàn Đặc công M26. Sau trận chiến đấu giải phóng đảo Trường Sa. Tháng 4 -1978, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Đội 1. Năm 1983, anh về Đoàn Quân nhạc và năm 1987 anh chuyển công tác về Cục huấn luyện nhà trường. Năm 1988, anh rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở phường. Từ năm 1995 đến nay được chính quyền nhân dân tín nhiệm bầu anh là Trưởng khu dân cư và phó bí thư Chi bộ khu dân cư số 6 - phường Quán Toan quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng; là đại biểu HĐND phường khóa 1999 - 2004 và khóa 2004 – 2009. Điều mong ước của anh Phát hiện nay là được gặp lại đồng đội cũ và thăm lại đơn vị Đội 1 đơn vị ba lần Anh hùng, nơi mà anh đã sống chiến đấu và trưởng thành nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng đảo Trường Sa giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc và 50 năm thành lập Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.