Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Chiến công của Đội biệt động Long Khánh anh hùng: Mãi mãi là niềm tự hào
Chiến công của Đội biệt động Long Khánh anh hùng: Mãi mãi là niềm tự hào
ĐỒNG DAO. Chiến công của Đội biệt động Long Khánh anh hùng: Mãi mãi là niềm tự hào / Đồng Dao // Đồng Nai. - 2000. - Ngày 15 tháng 4. - Tr.4.

Cánh cửa thép đông bắc Sài Gòn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn bị phá vỡ làm quân giặc kinh hồn bạt vía và là “nốt nhấn” cuối cùng để làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975. Trong chiến thắng vĩ đại này, trên mặt trận đông bắc Sài Gòn (thị xã Long Khánh cũ), phải kể đến đóng góp to lớn của đội biệt động Long Khánh - một đội vũ trang cách mạng đặc biệt với lối đánh táo bạo, bất ngờ, diệt địch ngay trong lòng địch. Chỉ trong vòng 9 năm thành lập (1966-1975), đội đã đánh 292 trận lớn nhỏ khác nhau trên địa bàn Long Khánh (chưa kể các trận hợp đồng với bộ đội chủ lực), tiêu diệt và làm bị thương 4.401 tên giặc trong đó diệt gọn một đại đội pháo, 4 trung đội bộ binh, 2 trung đội dân vệ, 1 trung đội bảo an, 1 trung đội thám sát tiểu khu, bắn rơi 3 máy bay trực thăng, làm cháy 3 máy bay L.19 và một đầu máy xe lửa... Để có được những chiến công oanh liệt trên, những chiến sĩ biệt động Long Khánh đã trải qua nhiều ngày đêm máu lửa. Đội được thành lập tháng 7-1966, với quân số chỉ 13 đồng chí nhưng ra quân những trận đầu thật “ngon!”. Đó là trận đánh Tòa hành chính tỉnh Long Khánh. Ba trái mìn tự chế nặng tổng cộng 24 kg đã san bằng tòa hành chính trong chốc lát. Trận tập kích vào khu pháo ngụy ngày 11-11-1970, đánh thí điểm bằng hỏa lực mạnh B40, đã xóa sổ hai đại đội pháo ngụy. Trận đánh vào bộ chỉ huy hành quân Việt - Mỹ đã chứng tỏ “đặc công Việt cộng Long Khánh” có thể đánh ở bất cứ nơi nào các anh để mắt đến. Trận đánh vào khu tình báo 33 ngụy ngày 16-5-1971 diệt toàn bộ bọn đầu não “chống cộng” ở Long Khánh... Bao nhiêu trận đánh hào hùng đã diễn ra, tạo nên những huyền thoại về đơn vị “anh hùng lực lượng vũ trang” này. Đó là chuyện các anh thoắt ẩn thoắt hiện giữa các căn cứ giặc đầy sắc lính; là chuyện vượt qua 6 lớp rào kẽm gai dày đặc mìn, lựu đạn.... Tuy nhiên, những chiến công oanh liệt của Đội đã phải đánh đổi bằng sinh mạng của nhiều anh em. Đã có 23/48 cán bộ, chiến sĩ quả cảm của đội biệt động Long Khánh anh hùng ra đi mãi mãi. Đó là đội trưởng Năm Được kiên trì, gan dạ; là chính trị viên Trần Văn Tích mưu lược, sắc sảo; là chính trị viên Phạm Xuân Hồng có cái nhìn chiến lược chính xác... Hầu hết đều ở tuổi mười tám, đôi mươi.
Trong số những cán bộ, chiến sĩ của đội còn trụ lại trên mảnh đất Long Khánh anh hùng hôm nay, nhiều anh đã có cuộc sống ổn định và mãn nguyện với tuổi trẻ cống hiến một thời. Đó là đội trưởng Phạm Thanh Mừng (hiện là Trưởng ban thi đua của UBND huyện Long Khánh) nổi tiếng gan góc với tài chỉ huy trong trận san bằng khu tình báo 33 ngụy. Anh là người con của vùng quê lúa Thái Bình đã quyết định chọn Đồng Nai làm quê hương thứ hai sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Chính trị viên Nguyễn Hồng Nở (hiện là cán bộ thi đua của UBND huyện), người con của đất anh hùng Mộ Đức (Quảng Ngãi) cũng đã chọn Long Khánh anh hùng làm quê mới từ năm 1960. Anh Hai Nở nhớ mãi trận “đại náo” sân bay Long Khánh ngày 17-11-1967. Chỉ diễn ra trong vòng 15 phút, đội 17 người của anh đã thiêu hủy một máy bay và 20 tên địch. Chiến sĩ Nguyễn Quang Vũ (hiện là Chủ tịch UBND xã Bảo Quang) lại không thể nào quên trận dẫn đường quân chủ lực tiến đánh căn cứ sư đoàn 18 ngụy trong chiến dịch “12 ngày đêm đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc” năm 1975. Anh Vũ đã cùng đội xe tăng 4 chiếc của quân chủ lực “dùng xe làm công sự” chiến đấu suốt 7 ngày 7 đêm. Cũng có nhiều người trong số họ, trong cuộc sống đời thường hiện nay còn gặp những khó khăn do hoàn cảnh nghèo hoặc bệnh tật, thương tích cũ... như anh Võ Văn Lời ở Quảng Ngãi, anh Nguyễn Văn Sơn ở Đồng Xoài (Bình Phước), anh Trương Văn Bảy ở Núi Le (Xuân Lộc)... Nhưng khi nhắc về cuộc sống và chiến đấu của đơn vị mình trong những năm tháng gian khổ, hào hùng của dân tộc, trong họ đều dấy lên mạnh mẽ một niềm tự hào.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.