Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Người chỉ huy mở “Cánh cửa thép” Xuân Lộc
Người chỉ huy mở “Cánh cửa thép” Xuân Lộc
BÙI THUẬN. Người chỉ huy mở “Cánh cửa thép” Xuân Lộc / Bùi Thuận // Đồng Nai. - 2002. - Ngày 23 tháng 4. - Tr. 8-9.

   Có một sự trùng hợp khá lý thú. Ngày 30-4-1920 ở vùng quê nghèo khổ của xã Cao Sơn, huyện Ứng Hoà (tỉnh Hà Tây) có cậu bé Đỗ Văn Cầm cất tiếng khóc chào đời. Khi cậu bé Cầm vừa được 4 tuổi thì người mẹ thiếu đói kiệt  sức qua đời. Năm Cầm đựợc 12 tuổi thì người cha gục chết. Gia đình chỉ còn 4 anh em nay phải sống cảnh ly tán. Thế nhưng đúng 55 năm sau, vào ngày 30-4-1975, cậu bé Cầm nghèo đói ngày xưa giờ được biết đến là tướng Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn 4 đĩnh đạc đưa đại quân vào tiếp quản dinh Độc Lập. Đối với vị tướng lúc đó mới 55 tuổi mà đã có trên 30 năm xông pha trận mạc thì đoạn đời ông vừa trải qua quả là một giấc mơ - giấc mơ lớn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng...
Sau khi cả 4 anh em đều phiêu bạt, Cầm phải đi ở đợ và làm thuê, làm mướn kiếm cơm tự nuôi thân. Đến năm 20 tuổi, Cầm quyết định bỏ làng ra đi. Lưu lạc từ Hà Đông ra đến Hà Nội với nhiều nghề lặt vặt nhưng anh nhà quê vô gia cư vẫn không kiếm được một đồng dính túi. Túng cùng quá, Cầm xin đi lính khố xanh cho Pháp. Được Việt Minh tuyên truyền, anh lính khố xanh này chuyên sang tham gia hoạt động cách mạng.
Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Đỗ Văn Cầm trở thành Cứu quốc quân và sau đó là Vệ quốc đoàn rồi trở thành Giải phóng quân. Dù ở bất cứ danh xưng nào, những thanh niên tham gia vào lực lượng vũ trang vào thời kỳ này đều đánh giặc bằng cách cướp vũ khí của giặc. Suốt những năm từ 1946 đến 1949, chiến sĩ giải phóng quân Đỗ Văn Cầm tham gia mặt trận Sơn La, đánh nhau với Quốc dân Đảng. Cuối năm 1949, Hoàng Cầm (lúc này Đỗ Văn Cầm đã lấy tên là Hoàng Cầm) được điều sang làm tiểu đoàn phó của trung đoàn Sông Lô nổi tiếng đang đánh quân Pháp ở Đông Khê. Chiến công nối tiếp những chiến công, Hoàng Cầm từng bước trở thành trung đoàn trưởng Trung đoàn Sông Lô. Năm 1954, chính  trung đoàn Sông Lô do Hoàng Cầm chỉ huy đã bắt Sống tướng De Castrie ở Điện Biên Phủ. Cuộc đời binh nghiệp của Hoàng Cầm trở nên rực sáng. Sau đó, ông làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 312 rồi trở thành Sư đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy của đơn vị lừng danh này.
Cuối năm l964, Hoàng Cầm được lệnh vào Nam chiến đấu. Và ở chiến trường miền Đông bắt đầu biết đến một vị chỉ huy quân sự đầy tài năng thao lược có bí danh là Năm Thạch. Năm Thạch được giao xây dựng đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam là Sư đoàn 9. (Đây là sư đoàn đàn anh trong cuộc đối đầu với quân Mỹ - về sau được tuyên dương anh hùng). Sau khi tướng Trần Văn Trà thay tướng Hoàng Văn Thái làm Tư lệnh Miền, Năm Thạch được cử làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Miền. Ngày 20-7-1974, tướng Năm Thạch được cử làm Tư lệnh Quân đoàn 4. Quân đoàn này hợp thành bởi Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 cùng một số tiểu đoàn độc lập để tạo thành cú đấm thép chuẩn bị cho kế hoạch “làm ăn lớn”. Tư lệnh phó là Đại tá Bùi Cát Vũ. Vừa ra đời, Quân đoàn 4 dưới sự chỉ huy của Tướng Hoàng Cầm đã làm nên những chiến dịch vang dội: Đồng Xoài, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, đường 13, Lộc Ninh... Đặc biệt là giải phóng toàn bộ Phước Long - tỉnh đầu tiên ở miền Nam để Bộ chính trị và Quân ủy trung ương thấy rõ được thời cơ đề ra sách lược mới. Nhưng với trận Xuân Lộc, tên tuổi của Quân đoàn 4 và tướng Hoàng Cầm đã chính thức đi vào quân sử thế giới.
Thượng tướng Hoàng Cầm nhớ lại: “… Địch quyết giữ Xuân lộc, vì nó được ví như chiếc xoáy ốc cuối cùng quyết định số phận ngụy quân, ngụy quyền. Tướng Wayan, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ đã lệnh cho quân đội ngụy “phải giữ cho được Xuân Lộc mất Xuân lộc là mất Sài Gòn”. Cả Mỹ và ngụy còn tính toán xa hơn, phải bảo vệ Xuân Lộc bằng mọi giá, hy vọng chận đứng được bước tiến của đối phương ở đây, kéo dài thời gian đến mùa mưa, tìm kiếm một giải pháp chính trị nào đó, có cơ may cứu vãn được tình thế, tránh khỏi thất bại hoàn toàn. Do đó, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn đã tăng cường việc phòng thủ cho Xuân Lộc bằng một lực lượng quân sự tương đương với 2 sư đoàn. Ngoài Sư đoàn 18 bộ binh lúc ấy còn nguyên vẹn còn có 1 tiểu đoàn biệt động quân, trung đoàn 5 thiết giáp, 8 tiểu đoàn bảo an, 202 đại đội địa phương, 42 khẩu pháo... Trước một thế trận phòng thủ vững chắc như vậy nên xông vào mặt trận Xuân Lộc bằng đòn vỗ mặt trực diện, Quân đoàn 4 bị phản công quyết liệt. Chỉ trong 3 ngày đầu chiến đấu đã có 1.500 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 341 và Sư đoàn 7 thuộc quân đoàn 4 bị thương vong. Ngoài ra còn có 3 xe tăng bị bắn cháy, 3 xe bị bắn hỏng. Nghiêm trọng hơn là toàn bộ pháo 85 và 57 ly đều hỏng. Đã thế địch còn điều lên Xuân lộc lữ đoàn 1 nhảy dù, liên đoàn 33 biệt động quân, trung đoàn 8 của Sư đoàn 5 bộ binh, hai lữ đoàn thủy quân lục chiến “trâu điên” và rầm rộ nhất là các thiết đoàn 315, 318, 322... cùng lời hứa của chuẩn tướng Lê Minh Đảo Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh ngụy với Nguyễn Văn Thiệu là “quyết tử thủ Xuân Lộc”. Thượng tướng Hoàng Cầm cho rằng đây là “một trận đánh gay go quyết liệt chưa từng có từ trước đến nay” và ông hết sức băn khoăn, lo lắng. Đang ngồi vắt óc suy tính bỗng ký ức về chiến dịch biên giới Việt – Trung năm 1950 là giải phóng thị xã Cao Bằng mà đánh Đông Khê buộc quân lực mạnh của Pháp đang đồn trú thị xã này phải co cụm lại đã lóe ra một giải pháp quân sự. Cùng lúc chỉ thị của Đại tướng Văn Tiến Dũng là “khi địch đã dồn quân vào để cố thủ cứu nguy thị xã Xuân Lộc, thì ta không cần tập trung lực lượng trực tiếp đánh thẳng vào đây nữa, mà chuyển lực lượng đánh vào các đơn vị đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài đang thiếu cộng sự và thiếu sự hợp đồng chặt chẽ với nhau, đồng thời dùng pháo tầm xa bắn phá và khống chế liên tục ngày đêm vào sân bay Biên Hoà, không cho máy bay chiến đấu cất cánh đã giúp cho Tư lệnh Hoàng Cầm nhanh chóng hoạch địch phương án chuyển hướng tiến công. Tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền từ lộc Ninh đã hối hả đến Xuân Lộc để nghe tướng Hoàng Cầm trình bầy kế hoạch chuyển hướng tiến công. Nghe xong, tướng Trà hết sức phấn khởi và nhấn mạnh thêm: “Đánh vỗ mặt vào Xuân Lộc lúc này là không có lợi. Việc chuyển hướng đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, bao vây cô lập Xuân lộc để mục đích cuối cùng là tiêu diệt địch, giải phóng Xuân Lộc là hoàn toàn đúng và có điều kiện thực hiện. Vì địch ở khu vực Dầu Giây yếu và bị bất ngờ. Nếu Dầu Giây bị ta đánh chiếm thì Xuân Lộc tự nhiên mất hết tác dụng của một cứ điểm then chốt vì nó nằm ngoài tuyến phòng thủ rồi… Miền sẽ lệnh cho lực lượng pháo binh và đoàn đặc công 113 thuộc quyền khống chế có hiệu lực sân bay Biên Hoà trước và trong quá trình Quân đoàn thực hiện kế hoạch tác chiến mới…”
Rạng sáng ngày 15-4-1975, khi hành loạt đạn pháp 130 ly bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hoà thì cũng là lúc các đơn vị tăng viện cho Quân đoàn 4 hợp đồng tiến công tiêu diệt chiến đoàn 52 của Sư đoàn 18 và một chi đoàn thiết giáp địch, giải phóng ngã ba Dầu Giây và đoạn cuối đường 20 từ Túc Trưng đến Kiệm Tân. Lúc này, Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 của Quân khu 4 cũng đồng loạt nổ súng hướng Dầu Giây - Núi Thị tiêu diệt hai chiến đoàn 43, 48 và gây thiệt hại cho Lữ đoàn 1 nhảy dù của địch.
Sáng 21-4-1975, “cánh cửa thép” Xuân Lộc - tuyến phòng thủ cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hoà sụp đổ tan tành, chuẩn tướng Lê Minh Đảo – Tư lệnh Sư đoàn 18 leo lên chiếc trực thăng rời khỏi đống đổ nát. Tướng Wayen – tác giả của công trình lập tuyến phòng thủ Xuân lộc nghe tin kêu lên: “Thế là hết! Tình hình quân sự là tuyệt vọng”. Tối đó, Thiệu lên truyền hình từ chức…

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.