Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Nơi các anh ngã xuống trước ngày toàn thắng
Nơi các anh ngã xuống trước ngày toàn thắng
NGUYỄN TRƯỜNG GIANG. Nơi các anh ngã xuống trước ngày toàn thắng / Nguyễn Trường Giang // Cựu chiến binh Đồng Nai. - 2001. - Số tháng 7. - Tr.27-29.

Ngày 25-4-1975, 2 tiểu đoàn 174 và 23 thuộc trung đoàn 113 đặc công từ hậu cứ gần trảng Nhà Nai, Bắc thị trấn Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa nay là tỉnh Đồng Nai hành quân tiếp cận trận địa. Mục tiêu chủ yếu là 2 cầu được bảo vệ vững chắc để đón đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn - thủ phủ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đó là cầu Mới và cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai. Thời điểm này, mặt trận Xuân Lộc đang thực sự trở nên nóng bỏng, quyết liệt. Đối phương lập thành phòng tuyến để bảo vệ Sài Gòn nên càng nóng bỏng và quyết liệt hơn. Nhận nhiệm vụ trên giao, cán bộ, chiến sĩ cả hai đơn vị rất phấn khởi vì được tham gia vào chiến dịch lịch sử mang tên Bác kính yêu. Nhưng cũng rất lo lắng vì mục tiêu nằm sâu giữa sào huyệt quân thù. Hơn nữa, đặc công mà tác chiến theo phương thức bộ binh, đánh chiếm mục tiêu, làm chủ trận địa, bám trụ và gíữ vững kéo dài thời gian. Trong lúc đó trang bị vũ khí lại hạn chế. Liệu có thể trụ vững…? Niềm tin vào chiến thắng là điều ai cũng kỳ vọng, nhưng ngày toàn thắng chỉ còn tính từng ngày, từng giờ, lúc ấy liệu mình có còn nhìn thấy ánh cờ sao phấp phới tung bay trước gió trong nắng mới huy hoàng! Thâm tâm là vậy, nhưng chỉ lưới qua rất nhanh để dồn sức lực cho một cuộc chiến đấu mới mà chưa thể lường hết được những tình huống cực kỳ quyết liệt, một mất một còn với kẻ thù. Nói lực lượng của hai đơn vị cấp tiểu đoàn, nhưng quân số chỉ bằng vài ba đại đội tăng cường vì quá trình chiến đấu hao hụt chưa kịp bổ sung. Hơn nữa, sở trường cũng khác biệt. Tiểu đoàn 23 đặc công thủy chuyên đánh các mục tiêu dưới nước, nay lên khô. Còn tiểu đoàn 174 là pháo tầm gần chuyên khống chế sân bay  Biên Hòa, nay lại đánh gần như xung lực tuy được huấn luyện cấp tốc thời gian ngắn nhưng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lúng túng.
Đêm 26–4 tất cả lặng lẽ vượt lộ 16 tiếp tục tiến về hướng mục tiêu, thị xã Biên Hòa hiện dần lên phía trước. Đến điểm quy định trời đã gần nửa đêm, gió từ sông Đồng Nai nhè nhẹ thổi mát rượi, như vơi đi những giọt mồ hôi thấm đẫm lên cơ thể. Bên kia ba căn cứ quân sự lớn là phi trường Biên Hòa, chỉ huy sở Quân đoàn 3 ngụy và Quân khu 3, ánh điện sáng rực, tiếng động cơ máy bay, các loại xe chuyển động ầm ào náo nhiệt. Lúc này, toàn bộ đội hình dừng lại khu vực phía đông ấp Tân Bản, thuộc xã Bửu Hòa, thị xã Biên Hòa. Chỉ huy sở trận đánh đặt ở đây, cách giữa hai cầu chưa đầy một cây số. Một bộ phận được bố trí gần ngã ba cầu Hang. Nhiệm vụ cụ thể được hoạch định như sau:
Đại đội 1 tiểu đoàn 23 và đại đội 14 tiểu đoàn 174 đánh chiếm cầu Ghềnh.
Đại đội 3 Tiểu đoàn 23 và đại đội 13 tiểu đoàn 174 đánh chiếm cầu Mới (còn có tên gọi là cầu Hóa An). Số đơn vị còn lại bố trí gần sở chỉ huy làm lực lượng dự bị. Đồng thời có nhiệm vụ ngăn chặn địch từ hướng Thủ Đức Sài Gòn và huyện Dĩ An, tỉnh Sông Bé đánh lên. Hỏa lực, chi viện trực tiếp cho các đơn vị đánh chiếm hai cầu bố trí gần Cầu Hang. Đại đội 8 hỏa lực sử dụng 4 khẩu ĐKB chi viện cho các lực lượng phía trước.Ý nghĩa đánh chiếm, chốt giữ và bảo vệ vững chắc hai cầu có tâm quan trọng đặc biệt Thứ nhất không cho địch từ đông bắc và thị xã Biên Hòa rút về co cụm ở Sài Gòn. Thứ hai bảo đảm đường cơ động cho các binh đoàn chủ lực ta tiến về giải phóng thủ phủ Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của bè lũ bán nước.
Sau khi chiếm lĩnh trận địa, ai nấy hối hả đào công sự chiến đấu. Sau khi đã hoàn thành, không ít bạn trẻ gối đầu lên thành công sự tranh thủ kéo một giấc thật ngon lành, trông đến là thương. Đêm đã khuya lắm rồi mà bà con cô bác nơi đây vẫn còn thức, họ bàn luận vế chiến cuộc, vừa thắc thỏm hồi hộp, vừa tin tưởng đợi chờ. Giữa lúc ấy, một thanh niên đến gặp chỉ huy đơn vị, anh tự giới thiệu tên là Tấn hớt hải thông báo:
Xã đã thành lập ủy ban khởi nghĩa, do cô Hai (tức chị Hai Não) và chị Tám (tự Tám Huệ) lãnh đạo. Các chị phái em tới đây để liên lạc với đằng mình, cần gì các anh cứ cho hay. Hồi hôm cô bác cứ chờ hoài, giờ thực sự có mặt các anh, tụi em và bà con mừng hết biết. Anh đến thật đúng lúc- một cán bộ chỉ huy nói. Đề nghị anh cho biết thêm tình hình khu vực này?
Sau khi trao đổi những nét mà anh nắm được, rồi anh chỉ tay về phía trước nói: Hồi hôm ở xóm Chùa cách đây khoảng cây số có lính và xe tăng địch kéo về nhưng số lượng bao nhiêu chưa rõ Anh cung cấp vậy là quý lắm rồi - một đồng chí đáp lại. Anh còn trao đổi thêm một số nét nữa rồi xin phép trở về vị trí công tác của mình. Tin này được nhanh chóng truyền đi các bộ phận nhằm củng cố tinh thần sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ.
 
Qua một ngày chiến đấu thật căng thẳng và quyết liệt, lực lượng ta có phần bị thương vong. Cơ số đạn cũng bị tiêu hao đáng kể. Nhưng từ phía sau hậu cứ tiếp viện kịp thời. Quân số cũng được tăng cường từ thê đội dự bị.
Ngày 28-4 mới từ mờ sáng, các cỗ pháo của địch lại tới tấp dội về các chốt của ta. Tiếp đó, 5 chiếc trực thăng võ trang của địch từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quần lượn rồi bắn hỏa tiễn, đạn trọng liên 12 ly 8 xuống  đợt tấn công của bộ binh, kết hợp với xe tăng, liều lĩnh hòng chiếm lại cầu. Tới 10 giờ sáng, chúng tăng cường thêm một tiểu đoàn bộ binh đánh vào chỉ huy sở của ta tại ấp Tân Bản Được sự phối hợp của các chiến sĩ du kích. Lợi dụng các hệ thống công sự và địa hình địa vật. Ta đã đẩy lùi các đợt phản kích của chúng. Diệt nhiều tên, thu 20 súng, buộc đối phương phải tháo chạy ở khu vực cầu Mới. Còn phía cầu Ghềnh, chiều hôm đó do lực lượng không cân sức, địch đã tạm thời chiếm được cầu. Nhưng ngay đêm đó 28-4, ta tổ chức tập kích chiếm lại cầu Suốt đêm hôm đó, tất cả lực lượng ta củng cố công sự, tăng cường trang bị vũ khí, đạn dược chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến đấu mới.
Qua hai ngày phản kích quyết liệt địch đã gây cho ta những tổn thất nặng nề, nhưng chúng chưa thực hiện được ý định đẩy toàn bộ lực lượng đối phương ra khỏi hai mục tiêu trọng yếu. Nên bọn quan thầy của chúng hết sức cay cú, căm tức Bước sang ngày 29-4, sau nhiều giờ dùng máy bay trinh sát L19 nhằm thăm dò lực lượng ta tiếp đó chúng dùng pháo binh tới tấp dội xuống các chốt của ta. Đó là ngón đòn mà mấy ngày trước chúng đã làm. Tuy nhiên hôm ấy, chúng còn tăng cường thêm 2 tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng đồng loạt đánh chiếm 2 cầu và điểm chốt của ta ở cầu Hang. Còn hướng cầu Ghềnh, đại đội 1 tiểu đoàn 23 và đại đội pháo 174 chiếm lĩnh địa hình có lợi đánh lùi mấy đợt tấn công của địch, diệt nhiều tên. Bắn cháy 5 xe tăng. Ba đồng chí trong ban chỉ huy đại đội 1, trong lần tấn công của địch bị rơi vào vòng vây của chúng. Cả 4 người chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi anh dũng hy sinh. Tương tự, tại cầu Mới, anh em ta kiên quyết giành giật với địch từng tấc đất để giữ cầu. Chúng còn dồn lực lượng mạnh đánh vào điểm chốt cầu Hang do đại đội pháo ta chiếm giữ. Đây là vị trí quan trọng, không chỉ trực tiếp chi viện bằng hỏa lực cho 2 cầu mà còn chặn địch từ Thủ Đức và Dĩ An tiến công sang.
Mờ sáng ngày 29 - 4, tổ trinh sát báo cáo: Bộ binh địch từ cầu Mới theo trục lộ tiến về phía ta. Khi tốp đi đầu chỉ cách 50m, lập tức các cỡ súng ta dồn dập nhả đạn. Xác địch đổ gục trên mặt lộ và rải rác các bờ ruộng ven đường. Số còn lại chạy tán loạn. Bị đòn choáng váng, chúng không dám mò lên nữa. Lợi dụng bờ nương ẩn nấp, gọi pháo chi viện. Khi loạt pháo vừa dứt, 6 xe tăng xuất hiện nối đuôi nhau chạy rung chuyển trên mặt lộ. Chúng vừa chạy vừa bắn như vãi đạn về trận địa chốt của ta. Lợi dụng địa hình các thửa ruộng khô, chúng dàn hàng ngang cách đội hình ta 300 m nhả đạn như mưa. Chúng tưởng đó là ngón đòn áp đảo đối phương. Nhưng nào ngờ khẩu ĐKZ82 do Nghị chỉ huy và Lã Đình Điều pháo thủ số 1. Khi chiếc xe tăng M41 chỉ cách 100 m, Điều hướng nòng pháo chính xác vào mục tiêu và 2 quả đạn vút bay đi. Cả 2 khối thép khựng lại và bốc cháy. Ngay lúc đó cả 4 chiếc còn lại đều hướng vế khẩu ĐKZ của ta nhả đạn, càng súng bị đạn địch tiện gãy. Khẩu đội trưởng Nghị hy sinh, các pháo thủ khác thương bị thương. Riêng bản thân Điều cũng bị thương vào trán, máu chảy tràn xuống sống mũi và một bên mắt. Tình hình thật nghiêm trọng, hỏa lực chính diệt xe tăng ngưng hoạt động là cơ hội cho đối phương tràn lên chọc thủng trận địa ta. Hơn nữa, đồng đội lại tiếp tục hy sinh. Trước tình hình nguy ngập ấy, nhanh như sóc Lã Văn Điều bật khỏi công sự, đứng thẳng tư thế hiên ngang với nòng pháo còn nóng khủng khiếp trên vai. Bằng động tác chính xác và giật cò chiếc xe tăng thứ 3 của địch bốc cháy. Những chiếc còn lại đứng tại chỗ không dám bò lên nữa mà chỉ dùng hỏa lực bắn kiềm chế. Điều nạp tiếp quả đạn thứ, nhưng chưa kịp giật cò thì đạn của địch trúng nòng pháo của Điều, quả đạn trong nòng cùng phát nổ. Điều anh dũng hy sinh trong tư thế hiên ngang, mang tầm vóc như một anh hùng. Noi gương hình ảnh sáng chói của Điều, các khẩu đội khác bắn chính xác vào đội hình địch. Những xe tăng còn lại quay đầu tháo chạy, bọn bộ binh cũng hoảng sợ bám theo xe tăng về hướng xóm Chùa.
Tại một hướng khác có Nguyễn Tiến Huân, trinh sát viên của tiểu đoàn tăng cường cho đơn vị. Khi xạ thủ B40 bị thương, Huân xin thay thế và trực tiếp bắn cháy xe tăng địch. Khi bị thương nặng vẫn không rời trận địa, cùng đồng đội đánh lui nhiều đợt tấn công của địch và tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng. Những thất bại qua các phản kích trên vẫn chưa làm cho địch chùn bước. Khoảng 2 giờ trưa ngày 29-4, chúng lại giở thêm thủ đoạn bỏ tiến công chính diện sang phản kích cạnh sườn. Lần này được tăng cường những 9 xe tăng, kết hợp bộ binh đột từ phía trái của ta. Những khối thép di động băng qua các thửa ruộng tiến lên chiếm lĩnh dãy đồi đá Hóa An cách trận địa ta 800 m, dùng pháo bắn dữ dội về phía ta. Hướng chính diện, chúng dung xe kéo 2 khẩu pháo 105 ly, đặt trên lộ bắn trực tiếp vào điểm chốt của ta. Trận địa cối 106,7 ly đặt trên núi Châu Thới cũng kiềm chế ráo riết trận địa cối 82 mm của đơn vị. Đợt tập kích hỏa lực tổng hợp vào các điểm chốt lần này làm cho sự tổn thất càng tăng lên. Có thể nói, sức chịu đựng của cán bộ, chiến sĩ suốt ba ngày chiến đấu thật khủng khiếp giữa sào huyệt quân thù.
Trước tình hình căng thẳng đến cực độ ấy phẩm chất người lính đặc công được chứng minh rõ nét hơn bao giờ hết. Lúc này, trên cơ sở thực lực của mình, động viên bộ đội quyết tâm bám trụ: “Còn người còn trận địa”. Hỏa tiễn ĐKB của Đại đội 8 bắn cấp tập vào cụm bộ binh và xe tăng địch cùng với trận địa cối của chúng trên núi Châu Thới. Rồi cối cùng ĐKB nã chính xác vào 2 khẩu pháo 105 ly của địch nghênh ngang trên mặt lộ, phá hủy 1 khẩu. Trận địa cối trên núi Châu Thới cũng câm lặng. Khi loạt đạn cuối cùng của đơn vị vừa dứt, lực lượng địch tháo chạy nhốn nháo, nhiều tên vứt luôn cả súng để thoát thân. Lúc này, về phía Tân Uyên -tỉnh Sông Bé, tiếng súng nổ dồn dập mỗi lúc một gần. Mới hay quân đoàn 1 của ta đang tiến công địch hướng đó.
Qua ba ngày chiến đấu anh dũng kiên cường, đơn vị đã đánh lui hàng chục đợt phản công điên cuồng của địch. Diệt và làm bị thương hàng trăm tên, phá hủy 7 xe tăng, 1 khẩu pháo 105 mm, giữ vững 2 cầu đón đại quân vào giải phóng Sài Gòn, dinh lũy cuối cùng của bè lũ bán nước.
Song, trong trận đánh cuối cùng ấy 60 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trước giờ thắng lợi. Và tương đương như thế đồng chí khác bị thương.
Hy sinh thân mình cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân bao giờ cũng là cao quý. Nhưng hy sinh trước giờ toàn thắng, cả đất trời rợp ánh cờ sao thì càng thiêng liêng, cao quý bội phần.
Hôm nay, đi trên mảnh đất máu các anh đã đổ, cây trái sum sê, đàn em thơ gương mặt tươi rói cặp sách đến trường. Bao đôi trai gái sánh bên nhau trong ngày lễ tân hôn… Và cụm công nghiệp Hóa An trên mặt trận năm nào mời chào bạn bè quốc tế vào đầu tư, thu hút hàng chục ngàn lao động trẻ. Mà đội ngũ công nhân trẻ hôm nay, trạc tuổi con cái chúng mình. Máu các anh đã đổ đang ngày một tô hồng thêm đất nước mến yêu.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.