Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Trò chuyện với người cầm quân mở “Cánh cửa thép” Xuân Lộc
Trò chuyện với người cầm quân mở “Cánh cửa thép” Xuân Lộc
PHAN HOÀNG. Trò chuyện với người cầm quân mở “Cánh cửa thép” Xuân Lộc / Phan Hoàng // Đồng Nai. - 2000. - Ngày 18 tháng 4. - Tr.4

Thưa Thượng tướng Hoàng Cầm, là người trực tiếp thành lập và chỉ huy cao nhất của Quân đoàn 4, quân đoàn chủ lực đầu tiên của quân giải phóng miền Nam, xin Thượng tướng cho biết vài nét về quân đoàn này?
- Sau một thời gian vào B2, tôi được lệnh xây dựng Sư đoàn 9 chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam. Đây là sư đoàn đàn anh trong cuộc đối đầu với quân Mỹ, về sau được tuyên dương đơn vị anh hùng. Tôi là sư đoàn trưởng, còn anh Lê Văn Tưởng là chính ủy đầu tiên. Sau đó, tôi được cử làm phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Miền. Bấy giờ anh Trần Văn Trà là tư lệnh thay anh Hoàng Văn Thái. Tôi nhận lệnh thành lập Quân đoàn 4 vào ngày 20 tháng 7 năm 1974, từ hai sư đoàn chủ lực là sư đoàn và Sư đoàn 9 cùng một số tiểu đoàn binh chủng độc lập. Tôi được phân công làm tư lệnh, anh Bùi Cát Vũ - phó tư lệnh, anh Hoàng Nghĩa Khánh - tham mưu trưởng, anh Ba Vinh phụ trách hậu cần. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Hoàng Thế Thiện về làm chính ủy. Khi sang Campuchia thì tôi là tư lệnh kiêm chính ủy.
* Vai trò Quân đoàn 4 được xác lập ra sao?
- Ngay từ khi thành lập, Quân đoàn 4 đã được giao hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất, quân đoàn là đơn vị chủ lực của B2 (từ khu 6 trở vào), có nhiệm vụ giải phóng các đô thị lớn, nhất là Sài Gòn, hỗ trợ du kích chiến tranh, xây dựng cơ sở. Thứ hai, đây là đơn vị cơ động của vùng nam Đông Dương; chính vì vậy mà năm 1979 Quân đoàn 4 mới đi tiên phong tiến vào giải phóng Phnôm Pênh.
Sau khi thành lập, vào ngày 12 tháng 12 năm 1974, Quân đoàn 4 tiến hành đánh chiếm và giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long. Đây là trận đánh rất có ý nghĩa chiến lược,vì qua đó, ta biết được tình hình mạnh yếu của địch, cũng như thấy được thời cơ đã đến mà trung ương đề ra sách lược mới. Tiếp theo đó, Quân đoàn 4 tiến đánh Bình Long qua phía bắc Tây Ninh, Dàu Tiếng, Chơn Thành; đánh từ Mỏ Vẹt đến La Ngà qua Hoài Đức Tánh Linh, Bà Rịa để hình thành bàn đạp bao vây Sài Gòn từ nhiều hướng. Sau chiến thắng Dầu Tiếng tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 9 được lệnh tách khỏi Quân đoàn 4 chuyển về làm lực lượng nòng cốt cho đoàn 232 chiến đấu phía tây nam Sài Gòn. Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, phiên chế Quân đoàn 4 có ba sư chủ lực là Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 và Sư đoàn 6 được thành lập từ hai trung đoàn chủ lực của quân khu 7.
* Trận đánh Xuân Lộc nổi tiếng của Quân đoàn 41 theo Thượng tướng, có vai trò như thế nào trong toàn bộ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử?
- Trận Xuân Lộc kéo dài mười hai ngày, từ 9 tháng 4 đến 21 tháng 4 năm 1975 là trận đánh mở đầu cho chiến dịch và là trận lớn nhất, quyết liệt nhất, quan trọng nhất trong toàn bộ chiến dịch. Thứ nhất, địch mất quân khu 1 và quân khu 2 nên dồn quân về đây. Thứ hai, Đại tướng Weyand, tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và là cựu tổng tư lệnh quân Mỹ ở Đông Dương; được lệnh Nhà Trắng bay sang lập phòng tuyến cố thủ Sài Gòn, xem Xuân Lộc là “cánh cửa thép”, lá chắn cuối cùng để tìm một giải pháp chính trị. Mất Xuân Lộc là mất tất cả. Do đó, sau khi Xuân Lộc bị quân ta chiếm thì tướng Weyand liền lên máy bay chuồn về Mỹ, kéo theo tướng tá chế độ Sài Gòn bỏ chạy, tổng tham mưu trưởng chạy, tổng thống chạy,... Sau Xuân Lộc, Quân đoàn 4 tiếp tục đánh chiếm Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Sở chỉ huy Quân đoàn 3 của ngụy, sân bay Biên Hòa; rồi tiến thẳng vào Sài Gòn đánh chiếm bộ quốc phòng, dinh Gia Long, bộ tư lệnh hải quân, kho xăng Nhà Bè...
* Thượng tướng mặt tại dinh Độc Lập vào lúc nào?
- 13 giờ 30 ngày 30-4-1975. Trước đó, 12 giờ 30, Đại đội anh hùng của Sư đoàn 7 do Chính trị viên Hoàng Cao Đại chỉ huy với bốn xe tăng dẫn đầu đã tiến vào dinh Độc Lập. Khi tôi vào, được biết Dương Văn Minh cùng nội các của ông ta từ sáng sớm đến lúc ấy vẫn chưa ăn uống gì. Tất nhiên, họ sợ hãi không dám ngỏ lời. Tôi liền bảo họ: Các ông có thể nhờ người nhà đưa cơm nước và đồ cá nhân cần dùng tới, chứ đói sao chịu nổi... Và đêm ấy, tôi cùng anh em binh lính nằm ngay trên hiên dinh Độc Lập nghỉ ngơi. Dù đang đói ngủ nhưng tôi không tài nào chợp mắt được. Đã nằm trong dinh Độc Lập rồi mà tôi cứ ngỡ mình đang mơ!
* Thưa Thượng tướng, có ý kiến cho rằng việc đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh là hành động có lợi cho đất nước, cho cách mạng. Thượng tướng nghĩ sao?
Việc Dương Văn Minh lên làm tổng thống chế độ Sài Gòn là con bài cuối cùng của Mỹ nhằm cản bước tiến quân ta, tìm một giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Theo tôi, hành động đầu hàng của Dương Văn Minh là việc phải làm, không thể khác được khi quân ta đã tiến đến nơi.
* Theo Thượng tướng, đều gi tạo nên sức mạnh quyết định để quân đội ta chiến thắng?
- Đó là đường lối chính trị đúng đắn. Ngoài ra, ta còn hơn đối phương về nghệ thuật chiến tranh.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.