Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Nhớ một thời "Xẻ dọc Trường Sơn"
Nhớ một thời "Xẻ dọc Trường Sơn"
MAI THẮNG. Nhớ một thời “Xẻ dọc Trường Sơn” / Mai Thắng, Hà Thuý // Quân đội Nhân dân. - 2005. - Ngày 7 tháng 4. - Tr.3.

Những mái đầu đã bạc, những tướng lĩnh, sĩ quan dạn dày trận mạc năm nào, nay gặp lại nhau tay bắt, nước mắt rưng tròng… Các ý kiến phát biểu trong cuộc gặp nhân chứng lịch sử Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh với Đại thắng mùa xuân vào ngày hôm qua (6-4) như được dồn nén từ cuộc chiến tranh khốc liệt, qua ba chục năm hòa bình tựa như lời tâm sự với đồng đội đang sống hôm nay và cả với người đã khuất… Không khí của buổi gặp mặt đã làm tái hiện khí thế hào hùng của một Trường Sơn huyền thoại, tuyến đường huyết mạch góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Chính phủ, Tư lệnh Bộ đội đường Hồ Chí Minh vì công việc bận, không đến dự buổi gặp mặt, đã gửi bài phát biểu nhờ Thiếu tướng Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Bá Tòng, Phó tư lệnh bí Thư Đảng uỷ Binh đoàn Trường Sơn đọc giúp. Bài phát biểu khẳng định: Đường Hồ Chí Minh là “mạch máu chủ” nối liền mạng lưới giao thông vận tải hậu phương miền Bắc, mạng lưới giao thông vận tải chiến trường miền Nam và hai nước bạn trên bán đảo Đông Dương hợp thành một tuyến vận tải chi viện chiến lược. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng thế trận cầu đường đa dạng, kỳ hình. Ta đã xây dựng và bảo đảm giao thông hơn 20 nghìn ki lo mét đường giao thông bao gồm cả đường vòng, đường tránh, đường kín, đường nghi binh, đường tiêu chuẩn Đông Trường Sơn, tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển vận tải cơ giới.
Đại tá Trần Hữu Đạo, nguyên Trưởng phòng thông tin Binh đoàn Trường Sơn cán bộ thông tin Đoàn 559 nhớ lại thời điểm tết Nguyên đán Ất Mão năm 1975 khi đồng chí cùng đồng đội khẩn trương mắc đường dây trần “Thống nhất từ Quảng Bình vào chỉ huy sở tiền phương của Bộ đội Đường Hồ Chí Minh. Để giữ được bí mật mà vẫn liên lạc tốt phục vụ cho trung đoàn công binh 575 có nhiệm vụ sửa chữa khôi phục các đường 48, 50, mở trục dọc và hai nhánh 50C, 50D bí mật cho xe tăng tiếp cận Buôn Ma Thuột, thông tin Trường Sơn đã dùng loại dây bọc cực nhỏ (chuyên dùng cho đặc công, 1km nặng 2kg) để mắc từ cơ vụ B31 (Đắc Đam) đến sở chỉ huy trung đoàn. Khi trung đoàn di chuyển, thông tin kéo dây theo. Do vậy, ngày 4-3-1975, đường mở đến bản Kơ Lia-Chư Mơ Nga, cách Buôn Ma Thuột 20km mà địch không hề biết.
Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn, nguyên Cục phó Cục cầu đường Bộ đội đường Hồ Chí Minh kể lại thời khắc lịch sử, khi chúng ta đã kết thúc thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, thời cơ mới đã đến Bộ tư lệnh Bộ đội đường Hồ Chí Minh huy động lực lượng công binh thần tốc khôi phục cầu đường trên quốc lộ 1. Nhờ nhân dân giúp đỡ, bộ phận công binh Trường Sơn đã tận dụng ngay những thiết bị mà địch bỏ lại để khôi phục cầu, tạo điều kiện cho bộ đội ta hành quân như vũ bão tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.
Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội đường Hồ Chí Minh nhớ lại thời điểm sau khi nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”, cơ quan chính trị Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng phổ biến tới các đơn vị và đến từng cán bộ, chiến sĩ. Nhiều chiến sĩ đã viết ngay mệnh lệnh đó trên kính xe, trên mũ nan và tại nơi làm việc, coi đó là mệnh lệnh phải thi hành. Cả Trường Sơn được huy động vào trận đánh sục sôi như ngày hội lớn.
Đại tá Phan Hữu Đại nguyên Chính ủy sư đoàn ô tô cơ động kể lại hai cuộc hành quân cơ động thần tốc hai binh đoàn bộ binh từ xa tiến vào Sài Gòn trên hướng Đông Trường Sơn và Duyên hải do sư đoàn 571 thực hiện. Đây có thể coi là cuộc cơ động thần tốc đại quy mô chưa từng có trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta cũng như trong lich sử chiến tranh thế giới. Cuộc cơ động thứ nhất ở hướng Đông Trường Sơn là sử dụng 1000 xe chuyển 3 sư đoàn bộ binh và Binh  đoàn bộ của Binh đoàn Quyết Thắng tiến từ Vĩnh Linh (Quảng Trị) đến Đồng Xoài cách sài Gòn 50km với quãng đường dài 1200 km xuyên rừng chỉ mất có 10 ngày, sớm hơn 6 ngày so với mệnh lệnh trên giao. Cuộc hành quân này nhanh chóng và bí mật đến mức ta đến sát nách mà địch không hay biết. Cuộc cơ động thứ hai là sử dụng gần 700 xe, chở hai sư đoàn bộ binh cùng cơ quan Binh đoàn bộ Binh đoàn Hương Giang xuất phát từ Đà Nẵng vào Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn trên quãng đường dài 900km. Vừa hành quân, vừa tác chiến tiêu diệt toàn bộ tuyến phòng thủ từ xa của địch từ hướng Duyên Hải. Hai cuộc hành quân thần tốc nói trên đã làm cho kẻ địch hoàn toàn bất ngờ, tạo điều kiện cho các cánh quân của ta nhanh chóng giải phóng Sài Gòn.
Chị Nguyễn Thị Thịnh, nguyên trung đội trưởng Trung đội thông tin thuộc tiểu đoàn 226, Sư đoàn 472 trên đường Trường Sơn giờ đây đã là Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Thế nhưng, khi nghe chúng tôi gợi chuyện chiến đấu thời chống Mỹ, chị vẫn không ghìm nổi những giọt nước mắt khi kể về sự hy sinh của đồng đội. Chị Thịnh nói rằng. Phần lớn các cựu chiến binh Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn đều đã sống những năm tháng còn lại của đời mình xứng đáng với những người ngã xuống trên chiến trường.
Đại tá Lương Sĩ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - Tổng giám đốc tổng công ty xây dựng Trường Sơn thông báo với các nhân chứng lịch sử tại cuộc gặp mặt hai tin vui: Một là, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã đồng ý giao cho Binh đoàn Trường Sơn làm tổng thầu xây dựng lại đường Trường Sơn Đông huyền thoại với số vốn đầu tư khoảng 3500 tỷ đồng. Hai là, trong ngày 7-4-2005, Binh đoàn Trường Sơn sẽ bàn giao ki-lô-mét cuối cùng của đường Hồ Chí Minh, nhánh phía Tây (đoạn từ Khe Gát đi Tăng Ký), trong đó có nhiều đoạn trùng với đường Tây Trường Sơn lịch sử.
Cuộc gặp mặt kết thúc, nhưng trong ánh mắt của các nhân chứng lịch sử và những người chứng kiến vẫn như có một Trường Sơn hôm nay, với khí thế thi đua mới vẫn luôn có một con đường Trường Sơn huyền thoại là động lực để mỗi người vươn lên trong cuộc sống.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.