Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Thư viện số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Tài Liệu Số
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 12/05/2023, 19:50

Hoàng Kim Chung – Nhà văn tiêu biểu quê hương Biên Hòa – Đồng Nai

Nhắc đến những nhà văn tiêu biểu của quê hương Biên Hòa – Đồng Nai, chúng ta nhớ ngay đến nhà văn Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn,… Và còn rất nhiều nhà văn thầm lặng và tâm huyết với phong trào sáng tác văn học nghệ thuật ở Đồng Nai như nhà văn, nhà báo Hoàng Kim Chung, bút danh Anh Hoàng - Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Nhớ về nhà văn, nhà báo Anh Hoàng, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng và những tác phẩm tiêu biểu của ông hiện có tại thư viện tỉnh Đồng Nai.

Hoàng Kim Chung sinh ngày 9/10/1929 tại thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là chiến sĩ cộng sản Hoàng Bá Bích, hoạt động cách mạng rất sôi nổi ở Biên Hòa - Đồng Nai. Đồng chí Bích từng là Đoàn trưởng Thanh niên Cứu quốc tỉnh Biên Hòa, sau được cử làm Quyền Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa. Ông hi sinh năm 1946, khi Hoàng Kim Chung mới 17 tuổi.

Từ khi sinh ra, Hoàng Kim Chung sống cùng cha mẹ tại Lạng Sơn. Năm 1941, ông tốt nghiệp sơ học, tiểu học trường Tiểu học Đông Dương. Năm 1942, đang học Thành chung (tương đương THPT bây giờ), ông theo cha vào Nam bộ làm nghề tự do. Sau đó, ông học và làm việc tại nhà máy cưa BIF (sau giải phóng là nhà máy cưa Tân Mai) đến cách mạng tháng Tám năm 1945. Được giác ngộ cách mạng từ nhỏ, khi còn là học sinh tại nhà máy cưa, ông đã tham gia vào đội Thiếu niên tiền phong số 13, rồi Thanh niên cứu quốc Tự vệ. Tháng 11/1945, ông được cử đi học tại trường Quân chính Tân Uyên, thuộc Vệ quốc đoàn Biên Hòa. Sau đó, ông được phân công làm thư ký riêng của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Huỳnh Văn Nghệ.

Giữa năm 1947, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí càng hăng say hoạt động cách mạng, sống và chiến đấu mạnh mẽ hơn. Sau đó, đồng chí được cử làm thư ký Ban chính trị Chi đội 10 và thư ký báo Sứ mạng Chi đội 10. Từ tháng 3/1949, đồng chí về kho quân giới khu 7 làm chính trị viên rồi làm Bí thư chi bộ, Phó ban chính trị Trung đoàn 397. Tháng 7/1954, đồng chí xung phong xuống đơn vị chiến đấu và được phân công làm chính trị viên quân sự huyện Long Đất.

Tháng 10/1954, đồng chí tập kết ra Bắc, làm cán bộ Ban chính trị Trung đoàn 556, phân khu miền Đông Nam Bộ, chỉ đạo chỉnh huấn quân đội nhân dân. Sau đó, làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Trung đoàn 656, trợ lý văn nghệ chính trị Sư đoàn 338. Lúc này, đồng chí đã là sỹ quan với quân hàm Thượng úy.

Năm 1960, đồng chí về công tác tại phòng Phát thanh binh vận cục nghiên cứu Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1961, đồng chí kết duyên cùng cô gái xinh đẹp làm tại Bưu điện truyền thanh Hà Nội. Từ đây, bên hạnh phúc gia đình, đồng chí càng hăng say công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 

 

Tháng 12/1964, đồng chí được phong hàm Đại úy. Tháng 4/1974, đồng chí được phong hàm Thiếu tá, đến tháng 8/1977, đồng chí về Ban ký sự lịch sử quân đội - Cục tuyên huấn – Tổng cục chính trị - Biên tập viên. Xuất thân từ nhà báo quân đội, ở nơi công tác này, đồng chí được tiếp cận với các nhà văn, nhà thơ lớn như: Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi,… Từ môi trường văn thơ ấy, đồng chí đã học hỏi rất nhiều và trở thành một nhà văn cách mạng tài hoa, để lại cho kho tàng văn học Việt Nam rất nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa như: Tập truyện chiến sĩ thành đồng “Người con gái Rạch Giá” (In chung), được nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1963; Tập truyện “Giữa đường độc đạo” (Bút danh Anh Kim, in chung), do nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 1964. Đặc biệt là tập truyện thiếu nhi “Vụ nổ trong tiệm rượu” in năm 1965 bởi Nhà xuất bản Kim Đồng, được dịch sang tiếng Nga, do Nhà xuất bản Văn học Thiếu nhi Mátxcơva, ấn hành năm 1970.

Năm 1981, đang là Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam công tác ở Tổng cục Chính trị, đồng chí được nhà văn Lý Văn Sâm và nhà văn Hoàng Văn Bổn mời về làm Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, phụ trách phong trào. Đồng thời, làm Phó tổng biên tập báo Văn nghệ Đồng Nai - Ủy viên thường trực, ủy viên Hội hữu nghị Việt – Xô tỉnh Đồng Nai. Cởi áo lính, chuyển vùng và chuyển ngành sang viết văn, viết báo, được trở lại nơi in dấu tuổi thanh niên sôi nổi của mình, nơi thấm máu người cha liệt sĩ, thấm máu bao đồng đội đã từng sinh tử trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí bồi hồi, xúc động và dồn hết tâm sức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ở nơi đây, ngoài công tác chuyên môn và viết báo ra, đồng chí dành thời gian để chiêm nghiệm và viết văn. Nhiều tác phẩm nổi tiếng được xuất bản trong thời gian này, như: “Người đi tìm hạnh phúc”, được in năm 1989; “Năm tôi học lớp 7”, được nhà xuất bản Đồng Nai phát hành năm 1992; “Dưới chân núi Minh Đạm”, xuất bản năm 1993; Tập truyện ký “Mái ấm”, xuất bản năm 2004,… và nhiều tác phẩm in chung cùng các nhà văn nổi tiếng khác.

Lấy chất liệu từ cuộc sống cùng với giọng văn chặt chẽ, khúc chiết, giàu cảm xúc, những tác phẩm của đồng chí Hoàng Kim Chung được đông đảo bạn đọc đón nhận. Đặc biệt là tiểu thuyết đầu tay với bút danh là Anh Hoàng - “Thuở ban đầu”, được Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1983. Tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân Biên Hòa - Đồng Nai trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu mà người lính Vệ Quốc đoàn là tác giả Hoàng Kim Chung trực tiếp tham gia từ những ngày đầu kháng chiến. Cuộc chiến đấu gian khổ của một nước nhỏ  muốn giành lại độc lập và tự do cho dân tộc. Cuộc chiến đấu với nhiều đau thương, mất mát nhưng vô cùng oanh liệt và vẻ vang được tác giả khắc họa cụ thể, sinh động, làm người đọc tự hào khôn xiết về ý chí kiên cường bất khuất của từng đội viên và nhói lòng xót xa mỗi khi có đội viên anh dũng hi sinh.

Không chỉ vậy, từ 1984 – 1986, tác giả là thành viên trong ban biên soạn cuốn sách Đồng Nai 30 năm chiến tranh giải phóng, do nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1986. Qua những trang viết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lượccủa tác giả, bạn đọc hiểu sâu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ, lực lượng vũ trang - nhân dân tỉnh Đồng Nai. Đó là một khối đại đoàn kết, vượt mọi gian khổ, hy sinh làm nên những chiến công chói lọi, góp phần xây dựng và bảo vệ chiến khu Đ oai hùng; là nơi sản sinh ra chiến thuật đặc công đánh giặc, tô thắm trang sử vàng của vùng đất Đồng Nai oai hùng. Sách góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, nhất là bạn đọc trẻ tuổi. Là nguồn động viên toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà văn Hoàng Kim Chung còn được biết đến như người thầy nghiêm khắc, người anh ân cần, khiêm tốn dìu dắt bao thế hệ nhà văn trẻ vững vàng hơn trong nghề sáng tác đặc biệt ở Đồng Nai. Nhà văn Đàm Chu Văn rất ấn tượng về phong cách làm việc của đồng chí đó là: “Người nghiêm khắc và ân cần, rất tôn trọng nguyên tắc, không chấp nhận những hiện tượng “lèm nhèm”, tiêu cực trong đời sống cũng như trong hoạt động sáng tác”. Đặc biệt, nhà văn Anh Hoàng rất chú ý đến những nhà văn trẻ và vui mừng khi nhận được các sáng tác tiến bộ của họ. Ông đã tận tình chỉ dạy, hướng dẫn tỉ mỉ cho lớp lớp thế hệ nhà văn trẻ tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai nói riêng. Không chỉ thế, ông còn luôn động viên, tạo điều kiện để những nhà văn trẻ tham gia các lớp bồi dưỡng viết văn, các buổi về nguồn, trải nghiệm thực tế,… Đây là dịp tuyệt vời để họ học hỏi và hăng say sáng tác.

Khi đã nghỉ hưu ở tuổi 61, tác giả vẫn thường xuyên cộng tác với tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, viết ký, tuỳ bút, tản văn, bình luận văn học,... v.v.

  

 

Qua 45 năm hoạt động cách mạng, đảm nhiệm nhiều công việc ở những đơn vị công tác khác nhau, đồng chí đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu Thành đồng Tổ Quốc, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam và nhiều giấy khen, bằng khen, huân huy chương khác. Đặc biệt, đồng chí được đón nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 1996. Năm 2010, do tuổi cao, sức yếu, căn bệnh hiểm nghèo, đồng chí Hoàng Kim Chung mất ngày 29/12, hưởng thọ 82 tuổi, trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng đội, đồng nghiệp và những người thân yêu.

Nhớ về người chiến sĩ cộng sản yêu nước, nhà văn tiêu biểu của quê hương Đồng Nai – Hoàng Kim Chung, Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp và những sáng tác tiêu biểu của đồng chí đến đông đảo bạn đọc. Đây như một lời tri ân sâu sắc nhất đến lớp lớp thế hệ cha anh đi trước, đã cống hiến, hi sinh cho độc lập và tự do của dân tộc. Qua đó, hun đúc tình yêu quê hương đất nước, phát huy tính tự lực, tự cường trong học tập, lao động để xây dựng nước Việt Nam văn minh và giàu đẹp./.

 

Đào Thanh

 

(Nguồn tư liệu từ gia đình và bài viết trên báo Đồng Nai, số ra ngày 1-10-2019: “Nhớ một nhà văn thầm lặng, tâm huyết” của nhà văn Đàm Chu Văn)

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3817 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày