Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Thư viện số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Tài Liệu Số
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
gtsachchuyende Thứ Hai, 06/03/2023, 20:45

Giới thiệu sách: Tôi đã sống bằng trái tim người khác

“Tôi tỉnh dậy sau ca ghép tim sinh tử và ngơ ngác trước một sự thật không thể nào tin nổi: đang tha thiết đập trong lồng ngực của tôi là trái tim của người khác…”

Đó là cảm nhận, là suy nghĩ của anh Bùi Văn Nam, bệnh nhân đầu tiên được ghép tim ở Việt Nam được cho bởi một người chết não sau hành trình dài mòn mỏi trông đợi, hồi hộp, lo lắng và hy vọng… để rồi vỡ òa khi biết mình đã được sống, được hồi sinh từ trái tim của một người xa lạ.

Như chúng ta đều biết, ghép tạng là một trong mười thành tựu lớn nhất của y học thế giới trong thế kỷ XX, là niềm mơ ước của ngành ngoại khoa và nền y học Việt Nam. Ghép tạng cho phép thay thế một cơ quan hoặc một bộ phận của cơ thể bị bệnh bằng một tạng khác khỏe mạnh. Với sự thành công của trường hợp ghép thận đầu tiên (tháng 6 năm 1992), sau đó là ghép gan (tháng 1 năm 2004) và ghép tim (tháng 6 năm 2010), tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y đã khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở nước ta: Chuyên ngành Ghép tạng. Sự thành công của các ca ghép tạng đã mở ra triển vọng điều trị cho những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác ra đời.

Lịch sử y học Việt Nam, đặc biệt là lịch sử ghép tạng Việt Nam đã coi ngày 17/6/2010 là một ngày trọng đại, ngày không thể nào quên. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một người được ghép tim thành công. Người bệnh nhân may mắn đó chính là anh Bùi Văn Nam, 48 tuổi, người xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Với trái tim bị suy đến độ không thể sử dụng được nữa. Và giữa lúc cận kề cái chết, may mắn đã mỉm cười với anh, đem đến cho anh cuộc sống mới. Hơn ai hết, bản thân anh thấu hiểu sâu sắc giá trị của cuộc sống, đặc biệt là khi được hồi sinh bằng trái tim của một người xa lạ. Anh trân trọng sự hy sinh cao cả của người cho tạng và gia đình họ khi phải vượt qua nhiều định kiến của xã hội, nhiều nỗi đau về tinh thần để đem tới sự sống cho một người khác. Lòng nhân từ, sự tử tế đó bản thân anh và những bệnh nhân may mắn được cho tạng mãi mãi không thể nào quên.

Để hiểu hơn về hành trình tìm lại sự sống của anh Bùi Văn Nam và nhiều bệnh nhân không may mắc bệnh tim bẩm sinh, suy tim giai đoạn cuối. Chúng ta cùng tìm hiểu cuốn sách: Tôi đã sống bằng trái tim người khác của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người chuyên viết phóng sự điều tra giàu kinh nghiệm của làng báo Việt Nam. Anh có nhiều năm công tác tại các tờ báo lớn và được công chúng biết đến qua rất nhiều những thiên phóng sự độc đáo, mang tính thời sự, tính chiến đấu và giàu tính nhân văn. Trong sự nghiệp 27 năm làm nghề, Đỗ Doãn Hoàng đã đạt rất nhiều giải thưởng lớn về báo chí.

Cuốn sách “Tôi đã sống bằng trái tim người khác”độ dài 274 trang, khổ 23.5 cm, Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2021. Nội dung gồm 10 phóng sự - ghi chép, không chỉ viết về cuộc sống của bệnh nhân sau khi được ghép tim, mà còn có những phóng sự, bài viết, viết về số phận éo le của vợ con những người lính lê dương từng tham chiến ở Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp; Chuyện về Nhà sư Thích Thanh Thìn cả đời ẩn tu nơi Thung Phật. Coi núi rừng là nhà. Suốt ngày tựa núi non ngồi thiền – tu tập, có khi ăn quả xanh, uống nước suối, nhưng lại xây được những ngôi chùa tuyệt mĩ trên đỉnh núi, phục dựng và xây mới hơn 50 ngôi chùa; Chuyện chưa kể quanh những nấm mồ tập thể ở Việt Nam; Bí mật về quãng đời oan trái trong nhà tù Hỏa Lò của nhà sử học Lê Văn Lan; Ông tiến sĩ và những phép toán hoang đường; Người có bộ móng tay dài nhất Việt Nam; Người rừng Ma Seo Chứ; Người có “đuôi” ở Lử Thẩn.

Ấn tượng nhất trong tập sách này, đó chính là phóng sự về những bệnh nhân được ghép tim. Với ngòi bút sắc bén của mình, Đỗ Doãn Hoàng đã đem đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc khó quên. Đó là cảm giác mừng vui, hạnh phúc khi anh Bùi Văn Nam, ông Dương Văn Nhiệm, anh Lê Quốc Việt, ông Nguyễn Văn Giáp được hồi sinh từ trái tim của một người khác. Cảm nhận được nỗi đau của những gia đình có người thân không may qua đời vì nhiều lý do khác nhau. Cảm nhận sự tử tế và trân trọng sự hy sinh của gia đình, người thân những người hiến tạng. Biết ơn những cống hiến, sự hy sinh thầm lặng của những nhà nghiên cứu, tập thể các y, bác sĩ hàng đầu Việt Nam luôn tận tâm, tận lực vì sự sống của bệnh nhân. Xót xa khi biết trong cuộc chiến sinh tử ấy có biết bao trái tim ngừng đập. Họ không có may mắn như anh Nam, bác Nhiệm và nhiều người khác vì nhiều lý do khác nhau như: không đủ sức khỏe để ghép tạng; không phù hợp với nguồn tạng được hiến; chết trước khi được hiến tạng…

Mặc dù số phận đã mỉm cười với anh Nam, bác Nhiệm và các bệnh nhân  may mắn được ghép tim. Nhưng khi trở lại cuộc sống thường ngày họ lại gặp không ít khó khăn, trở ngại. Bởi, không giống như những người được ghép tạng khác, người ghép tim lại có sự thay đổi rõ rệt về sức khỏe, tâm sinh lý, tình cảm… giống như họ đang sống với hai tâm hồn trong một cơ thể vậy. Họ trở nên khỏe mạnh, tự tin, yêu đời. Nhưng lại cũng thường mơ những giấc mơ rất lạ và thường lặp đi lặp lại. Như, anh Nam thường mơ về trò trai gái, tán tỉnh tuổi đôi mươi. Bác Nhiệm lại mơ về ngôi nhà tranh và cô vợ trẻ cùng hai đứa con thơ… Những giấc mơ lạ lẫm, khó hiểu đó cứ theo họ trong nhiều tháng sau khi ghép tim. Làm ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý, cuộc sống của bệnh nhân.

Lý giải điều đó, giáo sư Lê Thế Trung, nguyên giám đốc Viện Quân y 103, một trong những chuyên gia nổi tiếng về ghép tạng tại Việt Nam cho rằng: Hiện tượng thay đổi bản tính sau phẫu thuật là do sức ép của tâm lý. Những người được nhận tạng là những người chịp áp lực tâm lý lớn, thường bị tổn thương ở hệ thần kinh. Hơn nữa, từ một cơ thể ốm yếu, nhờ người hiến tạng mà họ khỏe mạnh, nên họ luôn nghĩ đến người đó, làm theo người đó… Vì vậy, ngoài nỗ lực của bản thân người bệnh, sự quan tâm của gia đình, người thân chính là chỗ dựa vững chắc, giúp người bệnh nhanh chóng thích nghi với cuộc sống sau khi được hồi sinh từ trái tim người khác.

Hy vọng sau khi đọc cuốn sách này bạn sẽ quý trọng hơn sức khỏe của mình. Trân trọng những gì đang có và học cách cho đi thật nhiều để đem đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Đồng Nai, rất mong được phục vụ quý bạn đọc.

 

Trần Thủy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 5951 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày