Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phần II: Bác Hồ ở nước ngoài Thứ Ba, 07/06/2011, 10:40

Từ Quảng Châu, báo Thanh niên ươm mầm cách mạng

Trong chuyến hành trình từ Liên Xô tới Quảng Châu thực hiện mục đích hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ chỉ được Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản cấp tài chính đủ để đi từ ga xe lửa I-a-rôt-xláp-xki (Mát-xcơ-va) tới Quảng Châu. Nguồn tài chính dành cho thời gian hoạt động ở Quảng Châu chủ yếu trông vào tháng lương của hãng Thông tấn xã Rốt-ta (của Nhà nước Liên Xô) trả cho Bác với danh nghĩa phóng viên thường trú, mỗi kỳ 150 đô-la. Ở Quảng Châu, ngoài thời gian làm phiên dịch cho đồng chí Bô-rô-đin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên và của chính phủ Quảng Châu, Bác Hồ còn đi bán Quảng Châu nhật báo, thậm chí bán thuốc lá để sống và hoạt động.

Đầu tháng 5-1925, cùng với các đồng chí đảng Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác Hồ tham gia tổ chức Hội nghị đại biểu đầu tiên của 20 vạn nông dân tại tỉnh Quảng Đông và Hội nghị thứ hai của công nhân Trung Quốc nhằm thành lập một mặt trận thống nhất giữa những người bị bóc lột ở thành thị và nông thôn. Bác Hồ đã đề xuất ra tờ báo Nông dân Trung Quốc tuyên truyền đường lối tập hợp lực lượng quần chúng công nông. Biểu lộ quan điểm và tình cảm của mình đối với cách mạng Trung Quốc, Bác đã viết nhiều bài báo về tình cảnh của công nhân Trung Quốc dưới chế độ thực dân Anh, nêu cao vai trò cách mạng của họ trên tờ báo Công nhân chi lộ đặc hiệu.

Với việc thành lập tổ chức chính trị, nêu nội dung, chương trình, mục đích để tập hợp quần chúng, tại Quảng Châu, Bác Hồ đã lựa chọn, bồi dưỡng lý luận cho thành viên của nhóm yêu nước Tâm Tâm xã, đưa họ vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 6 - 1925, tổ chức chính trị đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập thì tờ báo Thanh Niên cũng ra đời vào ngày 21 - 6 - 1925. Tờ báo là cơ quan lý luận, tuyên truyền đường lối đấu tranh cách mạng của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đặt trụ sở tại Quảng Châu. Tôn chỉ, mục đích của báo Thanh Niên là giải thích đường lối cách mạng, hường dẫn phương pháp cách mạng, nêu rõ mục tiêu, đối tượng cách mạng, xác định quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương. Bạn đọc của báo là những thanh niên yêu nước tiến bộ, trí thức có ý thức dân tộc, dân chủ, học sinh, sinh viên, Việt kiều tại Quảng Châu, Hương Cảng và trong nước. Báo xuất bản bằng tiếng Việt, in khuôn thạch trên nền giấy sáp, mỗi kỳ xuất bản từ 200 đến 300 số khổ nhỏ, phát hành bí mật.

Báo Thanh Niên ra số đầu đăng chương trình hoạt động, điều lệ hoạt động, quy định kết nạp hội viên, tổ chức các đoàn thể như Công hội, Nông hội, Hội học sinh, Hội phụ nữ, đề cương sách lược thành lập Chính phủ nhân dân, đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, thành lập xã hội cộng sản. Mục đích hoạt động của hội là hy sinh tính mạng, quyền lợi, tư tưởng làm cách mạng dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản). Nội dung chương trình huấn luyện các lớp học dành cho cán bộ nòng cốt trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và những thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang Quảng Châu được tóm tắt hoặc trích đăng nhiều kỳ trên báo Thanh Niên.

Tờ báo Thanh Niên là tài liệu gối đầu giường, trở thành cẩm nang tuyên truyền vận động cách mạng trong tầng lớp lao khổ bị áp bức ở Việt Nam, tại các tô giới Pháp của thành viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nhận thấy ở Quảng Châu có số lượng người làm thuê quốc tịch Ấn Độ, Triều Tiên, Thái Lan, Lào, In-đô nê-xi-a, Mi-an-ma, Việt Nam khá đông, Bác Hồ đã đề nghị với cơ quan đại diện Quốc tế cộng sản tại đây vận động thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, liên minh lực lượng đấu tranh đòi quyền lao động bình đẳng, được trả công thỏa đáng, chống bị chủ tư bản cúp phạt, sa thải vô cớ, tiến tới làm cách mạng đánh đổ đế quốc.

Tờ báo Thanh Niên còn in bài quy định cụ thể điều kiện vào Hội, lề lối tổ chức, cơ cấu các cấp trung ương, xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy, chi bộ, quy định tiến hành hội nghị thường kỳ các cấp, hội nghị toàn quốc, các quy định hình thức kỷ luật, nhiệm vụ hội viên.

Do điều kiện in ấn bí mật, phương tiện thô sơ nên một số báo chỉ gồm 4 trang khổ nhỏ, có giai đoạn 2 trang, số lượng phát hành không nhiều. Cách phát hành là nhân bản chép tay rồi chuyển cho nhau đọc phổ biến rộng rãi bằng miệng tới quần chúng tiến bộ trong nước, ở khu đông dân Việt kiều tại tô giới Hương Cảng, Vân Nam, Thượng Hải, Quảng Đông (Trung Quốc), Xiêm (Thái Lan). Các đồng chí ủy viên Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tích cực tham gia biên tập, viết bài đăng báo Thanh Niên như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm. Một số cán bộ liên lạc giữa Quảng Châu với Việt Nam và Thái Lan, Lào như Trịnh Đình Cửu, Vương Thúc Oánh, Đông Tùng, Trương Văn Lĩnh đã bí mật chuyển báo Thanh Niên về nước, tìm mọi cách phát hành tại trường Bưởi (Hà Nội), trường Quốc Học (Huế), xưởng đóng tàu Ba Son (Sài Gòn), Thái Bình.

Tờ báo Thanh Niên tuy chỉ xuất bản được 208 kỳ, nhưng vai trò và tác dụng của nó như ngọn đuốc sáng soi rọi con đường giải phóng dân tộc, góp phần đưa chương trình, mục tiêu hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lan rộng vào trong nước. Tháng 4 - 1927, Tưởng Giới Thạch phản bội Đảng Cộng sản Trung Quốc, quay mũi súng đàn áp những người cách mạng. Bác Hồ và tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phải chuyển vào hoạt động bất hợp pháp. Bác Hồ trở lại Liên Xô nhưng vẫn tìm cách chỉ đạo ra báo Thanh Niên cho tới tháng 5 - 1930 mới chính thức ngừng xuất bản. Đánh giá ảnh hưởng chính trị của báo Thanh Niên, tên trùm mật thám Đông Dương Lai-mác-ti kết luận: “Cần phải nói ngay rằng, tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả các đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc.  Những người đọc này chẳng những tự mình đọc báo Thanh Niên mà còn chép đi, chép lại nhiều lần để người khác đọc”.

Tại Quảng Châu, từ tháng 11-1924 đến đầu tháng 5-1927, ngoài tờ báo Thanh Niên, Bác Hồ còn sáng lập thêm tờ báo Lính cách mệnh, Tạp chí Đỏ dùng làm tài liệu vận động những binh lính người Việt Nam đang phục vụ trong đội quân đồn trú của thực dân Pháp đóng tại Tô giới thành phố Thượng Hải. Đồng chí Trương Văn Lĩnh nhận chỉ thị của Bác Hồ vào làm việc trong Sở công an của chính quyền Tưởng Giới Thạch và đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm công nhân trên một chiếc tàu biển của thực dân Pháp đã tìm cách chuyển báo Lính cách mệnh, Tạp chí Đỏ tới những người lính khố đỏ, khố xanh, cảnh sát Việt Nam đã giác ngộ, hướng dẫn họ phổ biến nội dung của báo Lính cách mệnh tới nhiều người khác.

Cùng với nhiều hoạt động phong phú về xây dựng tổ chức cách mạng Việt Nam và giúp đỡ nội dung, phương pháp cách mạng cho những người Cộng sản Trung Quốc, khai thông hệ thống liên lạc từ Trung Quốc về Việt Nam, củng cố cơ sở huấn luyện chính trị, phương pháp hoạt động cách mạng cho 75 thanh niên ưu tú Việt Nam, Bác Hồ đã sáng lập 3 tờ báo chính trị ở Quảng Châu. Riêng tờ báo Thanh Niên đã trở thành ngọn cờ dẫn đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, đặt nền móng về lý luận, tổ chức xây dựng hệ thống báo chí của Đảng từ năm 1930, góp phần quan trọng quyết định tính chất chính trị, vai trò, chức năng, tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc hoạt động của báo chí vô sản.

Nguồn Sự kiện & Nhân chứng. -2004. –Số 126. Tr.3, 6-7.


Số lượt người xem: 3838 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày