Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 24/01/2019, 09:15

ĐỒNG NAI – QUÊ HƯƠNG TÔI

Hò..ơi…ơ…ơ…

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...

Câu ca dao trên là lời ru ngọt ngào mà tôi đã được nghe mẹ hát khi còn thơ bé, tuy mộc mạc, giản dị nhưng những ca từ ấy đã thấm vào tâm hồn tôi, lưu lại trong tâm thức và trái tim tôi một tình yêu quê hương tha thiết.

Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đồng Nai, tuy nơi tôi ở không gần con sông thân yêu của quê hương, không được vui đùa tắm mát, đắm mình vào những buổi trưa hè trên dòng sông trong vắt như nhà thơ Tế Hanh, nhưng tôi luôn tự hào về dòng sông Đồng Nai quê mình, nơi xưa kia từng được coi là cái nôi của nền văn hoá Phù Nam, là thương cảng sầm uất nhất Nam Bộ vào thế kỷ XVII, XVIII.

Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh với chiều dài trên 437 km và lưu vực 38.600 km². Sông chẳng những chuyên chở đất bùn sa mầu mỡ đến vun đắp cho giải đất này mà còn để lại nhiều cù lao lớn hay nhỏ mà một phần đất thuộc Biên Hòa, sông Đồng Nai chảy đến một khúc quanh thì đã tự chia ra làm hai nhánh ôm trọn một dải đất phì nhiêu có hình quả chuông mà người ta gọi nó là Cù lao Phố,  hay còn gọi là Nông Nại Đại Phố (nay là xã Hiệp Hòa, thuộc thành phố Biên Hòa có diện tích gần 7 cây số vuông). 

Trong các công thần nhà Nguyễn có công khai khẩn, mở mang bờ cõi phương Nam, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người đầu tiên được nhắc đến. Vào năm 1698, được chúa Nguyễn sai kinh lược phương Nam, viên thống soái này đã chọn Cù Lao Phố làm nơi đặt tổng hành dinh. Tại đây, ông  thiết lập bản doanh, tổ chức cơ sở hành chính, ổn định đời sống dân chúng bằng cách thiết lập phủ, huyện, tổng, xã, thôn của các vùng Phước Long, Biên Trấn.

Người có công lớn trong công cuộc phát triển vùng Cù lao Phố là Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài, nguyên là tổng binh ba châu Cao - Lôi - Liêm dưới triều Minh, bởi không chịu làm tôi nhà Thanh nên đã dẫn thuộc hạ sang thần phục chúa Nguyễn vào năm1679 và được cho vào đây cư trú. Ban đầu nhóm Trần Thượng Xuyên đến Bàn Lân (ngày nay thuộc Biên Hòa) lập nghiệp. Khi đó, vùng đất này còn là rừng rú. Vốn là người ở vùng Đông Nam Trung Quốc, thạo nghề mua bán và công nghệ, họ đã phát hiện ra Cù lao Phố, một bãi sa bồi hoang sơ nằm giữa sông Hương Phước (một đoạn của sông Đồng  Nai), trải dài trên 7 dặm, bề ngang bằng 2/3 bề dài. Tuy nằm cách biển nhưng là nơi sông sâu, nước chảy, có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, và phía Nam có thể ra biển Cần Giờ hay sang tận Cao Miên.

Là người có tầm nhìn xa, Trần Thượng Xuyên thấy vùng đất này có nhiều tiềm năng về nông nghiệp và thương nghiệp vì thuận lợi giao thông thủy, bộ. Do đó, ông đã huy động sức người sức của để xây dựng thương cảng Nông Nại Đại Phố thành trung tâm thương mại danh tiếng bậc nhất phương Nam thời bấy giờ. Từ sự phát đạt của thương nghiệp đã lôi kéo những ngành nghề thủ công khác đến như: dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo v.v... chẳng bao lâu ông đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định, tức Nam Bộ ngày nay.

Tuy nhiên, sự thịnh vượng của vùng Cù lao Phố chỉ kéo dài được 97 năm (1679 - 1776), bởi đã xảy ra hai sự kiện lớn: Năm 1747, một nhóm khách thương người Phúc Kiến qua lại buôn bán, thấy Cù lao Phố rất giàu có nên dậy lòng tham muốn chiếm lấy để làm chỗ dung thân lâu dài. Cuộc bạo loạn do Lý Văn Quang (tự xưng là Giản Phố Đại vương) cầm đầu, đánh úp dinh Trấn Biên (tiền thân của Biên Hòa sau này), giết chết Nguyễn Cư Cẩn (tước Cẩn Thành hầu) là người cai quản dinh. Tin cấp báo về Thuận Hóa, chúa Vũ vương (Nguyễn Phúc Khoát) liền sai cai cơ Tống Phước Đại (tước Đại Thắng hầu) đang đóng ở Mô Xoài đem binh vào cứu viện. Tống Phước Đại phá tan đạo quân của Lý Văn Quang, bắt được chúa đảng cùng đồng bọn 57 người. Tuy dẹp được cuộc bạo loạn, nhưng Cù lao Phố cũng đã chịu nhiều thiệt hại.

Năm 1776 và 1777, quân Tây Sơn đã đến đàn áp những người Hoa ở Cù lao Phố vì họ đã ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh. Nhà cửa phố xá bị thiêu trụi, cư dân dần dần lưu tán, chấm dứt thời kỳ hưng thịnh của Cù Lao Phố sau gần 100 năm.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Cù Lao Phố, dải đất nằm giữa sông Đồng Nai (thành phố Biên Hoà, Đồng Nai), thương cảng sầm uất của Nam Bộ một thời, nay vẫn còn lưu được nhiều nét xưa về thời hưng thịnh với những công trình mang đậm tín ngưỡng như chùa Đại Giác, đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu Quan Đế, chùa Thủ Huồng... Được xem là nơi địa linh nhân kiệt, Cù Lao Phố đang là đối tượng của các nhà nghiên cứu khảo cổ học về những giá trị văn hoá, lịch sử.

Với một miền đất trù phú đã có 320 năm hình thành và phát triển do con sông Đồng Nai đem đất bùn sa màu mỡ vun bồi. Nhiều biến cố lịch sử đã ghi lại biết bao thăng trầm với không ít sự biến động trên nhiều lãnh vực của vùng đất Đồng Nai này. Năm 1976, khi thống nhất đất nước, Đồng Nai được đặt tên cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh: tỉnh Đồng Nai. Địa giới hành chính nhiều lần thay đổi nhưng đời sống xã hội vẫn luôn mang đặc điểm chung của xứ Đồng Nai.

Là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, là vùng đất cổ có nhiều di chỉ của nền văn hóa Phù Nam cách đây hơn 1.300 năm, lịch sử Nam tiến của ông cha ta đã để lại nhiều dấu ấn trên vùng đất này. Miền Gia Định - Đồng Nai hồi ấy còn rất nhiều điều bí ẩn, lạ lùng nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, gợi sự tò mò muốn khám phá của người đương thời. Miền đất Đồng Nai gắn liền với con sông cùng tên, đây là con sông lớn thứ nhì miền Nam (sau Cửu Long). Điều đặc biệt là đây là con sông lớn mà từ thượng nguồn đến hạ nguồn đều nằm trọn trong lãnh thổ Việt Nam. Chính từ mảnh đất có nhiều nhựa sống tràn trề Gia Định xưa đã nảy nở một Đồng Nai giàu mạnh như ngày nay.

Tỉnh Đồng Nai gồm 11 đơn vị hành chánh: Thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và 9 huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, dân số trung bình toàn tỉnh ước tính năm 2017 là 3.031,3 nghìn người (Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai).

Địa hình đồng bằng xen đồi núi thấp, đất đai phì nhiêu màu mỡ, mật độ điều kiện khí hậu ôn hòa ít chịu ảnh hưởng của bão lụt, lại nằm ở vị trí đắc địa, ngay sát Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước và Bình Dương - một thành phố tương lai, lại nằm trên các trục giao thông chính như: Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh miền Nam với các tỉnh miền Bắc và miền Trung, Quốc lộ 51 nối Thành phố Hồ Chí Minh với Tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu. Cùng với đó là việc đầu tư thêm các công trình trọng điểm và các tuyến đường mới như: Sân Bay quốc tế Long Thành 26.000 ha, dự kiến đây sẽ là cảng trung chuyển hàng không quy mô lớn mang tầm vóc quốc tế đầu tiên của Việt Nam, là thủ phủ hàng không của cả nước cũng như của cả khu vực, sánh ngang tầm với các sân bay lớn trên thế giới. Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn khoảng cách giữa HCM với Đồng Nai. Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cộng với việc mở rộng quốc lộ 51 vào tháng 08/2012 nối liền Đồng Nai với Bà Rịa và Vũng Tàu,…Đồng Nai đã và đang hình thành các khu công nghiệp lớn với quy mô vài ngàn đến vài trăm ngàn công nhân như: KCN Biên Hòa, KCN Nhơn Trạch, KCN Trảng Bom…v.v.

Nhà Bè nước chảy chia hai,

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

Câu ca dao như gợi mở về vùng đất giàu lịch sử, năng động về kinh tế và tiềm năng du lịch mời gọi du khách ghé thăm vùng đất này. Đặc biệt là đối với những địa điểm mang dấu ấn lịch sử văn hóa… Đó chính là hoạt động của văn hóa du lịch đưa du khách đến với những di sản văn hóa của vùng đất Đồng Nai.

Tuy là vùng đất không có những đỉnh núi cao chót vót mây phủ quanh năm, không có những cánh đồng bao la bát ngát cò bay thẳng cánh, cũng không có cồn cát trắng, biển xanh sóng vỗ rì rào, nhưng Đồng Nai lại vô cùng phong phú cảnh quan thiên nhiên đặc thù của vùng trung du tiếp giáp vùng trũng thấp phù sa ngập mặn với các sinh cảnh về rừng, núi non, sông hồ… Đến Đồng Nai du khách sẽ có dịp tham gia những chuyến du lịch sinh thái trong các khu rừng hoặc vườn cây ăn quả, câu cá, du thuyền trên sông Đồng Nai, dã ngoại tại các thắng cảnh: Khu danh thắng Bửu Long rộng hơn 84 ha với quần thể núi non, sông hồ, hang động, chùa chiền đẹp... Trong khu danh thắng này, trên núi Bình Điện có chùa Bửu Phong được khai sơn rất sớm với lối kiến trúc, chạm trổ hoa văn tinh tế, độc đáo. Từ dưới chân núi lên đến chùa phải qua 99 bậc tam cấp. Nơi đây còn có hồ Long Ẩn được xem như một Hạ Long thu nhỏ. Đây là hồ nước do nhân dân trong vùng khai thác đá tạo thành, rộng gần 20.000 m2. Bửu Long còn thu hút đông du khách nhờ khu Văn miếu Trấn Biên vừa được phục dựng lại. Đây là một công trình tôn vinh trí tuệ, giáo dục; là điểm hẹn của người Đồng Nai trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ …

Từ Cù Lao Phố ngược dòng Đồng Nai về hướng thượng nguồn, du khách có dịp đến với làng bưởi Tân Triều nổi tiếng, được thưởng thức những tép bưởi ngọt thơm mọng nước, những làng nghề làm gốm, điêu khắc đá và thác Trị An, con thác huyền thoại nằm vắt trên dòng Đồng Nai có bề rộng 300m với dòng chảy xiết, hay rừng Mã Đà, rừng Nam Cát Tiên... cùng các di tích lịch sử, văn hóa: chiến khu Đ, Văn miếu Trấn Biên, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ: mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa...

Trong suốt dòng chảy lịch sử, trải qua 320 năm, với lòng yêu quê hương, tính cần cù, chịu thương chịu khó cộng tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, từ hai bàn tay không, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Đồng Nai càng chiến đấu càng trưởng thành, vượt qua gian khổ, hy sinh, anh dũng cùng với cả nước vượt qua mọi cuộc đàn áp, xâm lấn của kẻ thù là Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nên những chiến công hiển hách, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng tỉnh nhà, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (chiến thắng La Ngà, trận đánh vào sân bay Biên Hoà, chiến thắng Xuân Lộc), giờ đây nhân dân Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, điển hình: Năm 2016, Thành phố Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và Thị xã Long Khánh đạt đô thị loại III. Năm 2018, ước tính xuất siêu của Đồng Nai đạt hơn 2,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và chiếm trên 30% trong tổng xuất siêu của Việt Nam. Hiện Đồng Nai đang là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất siêu. Đặc biệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: Tính đến nay, toàn tỉnh có 129/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 97% tổng số xã xây dựng nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 11,2% tổng số xã xây dựng nông thôn mới; Có 08/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,7% tổng số đơn vị cấp huyện (trong khi cả nước tính đến hết tháng 6/2018 có 3.370 xã, tỷ lệ 37,76% số xã đạt chuẩn NTM, có 52 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM) v.v… (Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai)

Có thể nói, để đạt được những thành tựu trên, quân và dân tỉnh Đồng Nai đã trải qua không ít khó khăn, thử thách, nhiều anh hùng đã ngã xuống cho sự nghiệp của quê hương, đất nước. Đến đây tôi lại nhớ những lời ca trong bài vọng cổ “Dòng sông kỷ niệm” của nhạc sĩ Phạm Lơ: Người Đồng Nai quê ta nguyện một dạ sắc son giữ tròn câu chung thuỷ. Luôn sát cánh bên nhau cùng chung tay xây dựng quê mình. Như sông Đồng Nai luôn vẹn chữ chung tình. Những năm qua dòng sông đêm ngày trăn trở, gạn lọc những gì làm khuấy đục dòng sông. Đồng Nai mình luôn khao khát chờ mong những khối óc trái tim nhịp nhàng cùng nhau xây dựng. Chung sức đẩy lùi những sa đoạ riêng tư cho môi trường sống hôm nay được thật sự trong ngần. Về Đồng Nai hôm nay nhiều thay đổi. Khu công nghiệp Biên Hoà kinh tế đang vươn lên. Ngôi trường mới em thơ đến lớp, bà mẹ anh hùng vui vẻ nhìn cháu con. Hãy cám ơn những người con của quê hương ngã xuống, hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp hôm nay.

Thật vậy, nếu không có những con người anh dũng, khí phách hiên ngang mở đường khai phá, bám đất, bám quê, đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc thì làm sao thế hệ chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

 

Nguyễn Sen

 


Số lượt người xem: 584 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày