Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 01/02/2020, 14:10

KỶ NIỆM 60 NĂM PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI (1960 - 2020) VÀ 60 NĂM NGÀY BẾN TRE ĐỒNG KHỞI (17/01/1960 - 17/01/2020)

Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, “Đồng khởi” đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như một niềm tự hào lớn về sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng ta, về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo của một dân tộc nhỏ bé đã liên tiếp đánh thắng nhiều đế quốc lớn.

Phong trào nổi dậy từ chỗ lẻ tẻ ở từng địa phương: Vĩnh Thạnh (Bình Định), Bác Ái (Ninh Thuận), Trà Bồng (Quảng Ngãi), rồi lan ra khắp miền Nam thành cao trào cách mạng, tiêu biểu là cuộc “Đồng khởi” ở Bến Tre. Từ năm 1954 đến năm 1960, đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến lược Aixenhao, chính sách mới của đế quốc Mỹ đã được thể hiện đầy đủ và tập trung nhất. Bằng chính sách “viện trợ” quân sự và kinh tế, bằng hệ thống “cố vấn” và cơ quan điều tra, Mỹ đã điều khiển chính quyền Ngô Đình Diệm về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…, biến chính quyền Diệm thành công cụ xâm lược và nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Tháng 5 - 1957, Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, ra Luật 10/59, công khai chém giết, làm cho hàng vạn cán bộ, đảng viên bị giết hại, hàng chục vạn đồng bào yêu nước bị tù đày. Với nhà tù máy chém, với tất cả những biện pháp trừng trị, đàn áp dùng trong chiến tranh, Mỹ - Diệm tưởng có thể trong một thời gian ngắn dìm phong trào cách mạng miền Nam trong máu, thực hiện giấc mơ “bình định miền Nam”, “lấp sông Bến Hải”, “ tiến quân ra Bắc”…

Cách mạng miền Nam đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất. Đứng trước tình hình ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta ở miền Nam đã tìm ra con đường tiến công. Ở Liên khu V, sau những cuộc nổi dậy của nhân dân nhiều địa phương miền núi, ngày 28/8/1959 cuộc khỏi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi) bùng nổ nhanh chóng lan sang các huyện miền Tây Quảng Ngãi, như: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long. Chỉ trong một thời gian ngắn ở những địa điểm này, chính quyền cách mạng đã được thành lập, các đội vũ trang lần lượt ra đời.

Ngày 17/01/1960, cuộc đồng khởi ở Bến Tre bùng nổ. Quần chúng, thanh niên vũ trang, với vũ khí thô sơ gậy gộc, giáo mác đã nổi dậy phá đồn bốt, phá thế kìm kẹp của địch. Chỉ qua một đêm đồng khởi nhân dân ba huyện Mỏ Cày, Thạch Phú, Minh Tân đã nhổ hàng chục đồn bốt, phá vỡ hàng chục khu trù mật, diệt nhiều tiểu đội dân vệ, thu nhiều súng đạn. Bộ máy kìm kẹp của địch ở một số xã bị tan rã, nhân dân giành quyền làm chủ ở một vùng rộng lớn. Phong trào đồng khởi lan rộng trong tỉnh Bến Tre; quần chúng tổ chức mít tinh, biểu tình, nhiều cuộc biểu tình thu hút hàng ngàn người, có cuộc lên đến 10.000 người. Với khí thế đồng khởi, đông đảo quần chúng rầm rộ tràn vào các trị trấn, thị xã đấu tranh làm cho quân địch vô cùng khiếp sợ. Ngày 19/01/1960, tức là hai ngày sau khi đồng khởi ở Bến Tre nổ ra, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh đã được thành lập. Ở các huyện, xã, lực lượng vũ trang nhân dân cũng nhanh chóng được xây dựng và phát triển. Quần chúng tiếp tục nổi dậy, kiên quyết đập tan các cuộc phản kích của địch, bảo vệ thành quả cách mạng.

Từ Bến tre, phong trào đồng khởi nhanh chóng lan khắp châu thổ sông Cửu Long. Đêm 24 rạng ngày 25/01/1960 số đông các xã trong tỉnh Mỹ Tho nổi dậy diệt ác phá kìm, giải tán tề ấp, tề xã, giành chính quyền làm chủ. Nhân dân ở các chợ bãi thị hưởng ứng cuộc đấu tranh ở các xã. Ngọn lửa đồng khởi lan mạnh ra Trung Bộ, Tây Nguyên. Đồng khởi nổ ra tới đâu, bộ máy kìm kẹp của địch tan rã tới đó.

Đồng khởi là một hình thức độc đáo, sáng tạo của cách mạng Việt Nam. Khởi nghĩa nổ ra từng phần ở thôn, xã, trong khi chính quyền bên trên của địch chưa bị đụng chạm, lực lượng địch ở thành phố còn khá mạnh; và cuộc khởi nghĩa không phải chỉ nổ ra một phía nơi ở rừng núi, mà như một đợt sóng lớn, lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ. Cuộc khởi nghĩa không những lật đổ kẻ địch, mà còn giữ được chính quyền lâu dài trên một địa bàn khá rộng.

Phong trào Đồng khởi tuy chưa đánh đổ toàn bộ, nhưng đã đánh đổ một mảng lớn bộ máy ngụy quyền ở cơ sở (các địa phương 2/3 chính quyền cơ sở của địch bị ta rã); đã giải quyết được những vấn đề rất cơ bản của cách mạng dân tộc, dân chủ (2/3 ruộng đất bị Mỹ - Diệm cướp đã trở về tay nhân dân)… Chế độ độc tài chuyên chế Ngô Đình Diệm, hình thức thống trị của chính quyền thực dân mới của địch tưởng rằng sẽ bền vững hàng trăm năm, đã sụp đổ trước ngọn cờ nổi dậy khởi nghĩa của hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của “ Đồng khởi” đã buộc đế quốc Mỹ chuyển hướng chiến lược một cách hết sức bị động, từ chuẩn bị tiến công miền Bắc, sang bình định miền Nam, tiến hành “chiến tranh đặc biệt”; từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, đến “việt nam hóa chiến tranh”…, đẩy Mỹ - ngụy từ thất bại này đến thất bại khác.

Theo nhận định của của Ban chấp hành Trung ương Đảng, thắng lợi đồng khởi thật vĩ đại, nó đã giáng một đòn bất ngờvào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đây là mốc quan trọng, đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng của cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đã phát triển cao trào cách mạng ở khắp miền Nam với sự kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Từ năm 1961, để bảo vệ thành quả cách mạng và chống lại cuộc  chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, những cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên đã phát triển thành chiến tranh cách mạng. Từ đó trở đi những cuộc khởi nghĩa của quần chúng vẫn luôn tiếp diễn, ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và gắn chặt với chiến tranh cách mạng.

 

Yên Yên

 

 

 


Số lượt người xem: 576 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày