Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 13/01/2021, 09:45

Khởi nghĩa Đô Lương năm 1941 và bài học kinh nghiệm

Khởi nghĩa Đô Lương còn được gọi với các tên Binh biến Rạng Lường, Binh biến Đô Lương, diễn ra dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của thủ lĩnh Đội Cung, một người có tinh thần yêu nước, ông đã cùng với hơn 50 anh em binh lính ở chợ Rạng, Đô Lương (Nghệ An) nổi dậy cướp các đồn vào ngày 13/1/1941.

Theo sử liệu, Đội Cung hay Nguyễn Văn Cung, tên thật là Trần Văn Cung chưa rõ năm sinh, ông sinh ra ở làng Hạc Oa, Đông Sơn, Thanh Hóa, nay là làng Hạc Oa, phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa (quê mẹ). Từ nhỏ, do được một người họ Nguyễn nhận làm con nuôi nên lấy tên là Nguyễn Văn Cung. Khi trưởng thành, ông tham gia lực lượng lính khố xanh tại Nghệ An và thăng dần lên chức Đội (tương đương Trung sĩ).

Từ đầu năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến tinh thần binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Tại Nghệ An, binh lính rất bất bình và hoang mang khi thực dân Pháp có ý định điều một số đội lính khố xanh tại Nghệ An sang chiến đấu tại Lào, làm bia đỡ đạn cho Pháp trong chiến tranh Pháp - Thái Lan.

Ngày 8 tháng 1 năm 1941, Đội Cung được điều động từ Vinh về đồn Chợ Rạng (Thanh Chương, Nghệ An) thay cho viên đồn trưởng người Pháp là Alônggiô.

Vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 13/1/1941, Nguyễn Văn Cung và binh sĩ đến phủ Anh Sơn (thị trấn huyện Đô Lương bây giờ). Sau khi cho anh em ăn tối xong, Đội Cung tập hợp binh sĩ tại sân Chùa. Nội dung và lý do cuộc khởi nghĩa được Đội Cung chuẩn bị từ trước, ghi vào một tờ giấy để trong túi áo ngực, khi tập hợp đông đủ anh em, ông mới rút tờ giấy ra đọc, tuyên bố khởi nghĩa và giao nhiệm vụ cho binh sĩ. Theo kế hoạch, nghĩa binh sẽ giết tên Bạch, đồn trưởng Đô Lương, sau đó lên ô tô kéo về thành Vinh giết bọn thực dân Pháp, gồm những tay khét tiếng tàn ác, nắm những cương vị chủ chốt như: Thanh tra, Công sứ, Phó sứ…

Kế hoạch không thành, nghĩa quân không chiếm được trại giám binh vì bị lộ, thực dân Pháp đã dùng quân đàn áp, nhanh chóng dập tắt cuộc binh biến. Đội Cung, sau khi vượt thành trốn thoát, ông ẩn náu ở hang núi được gần một tháng. Ngày 11/2/1941, ông quay lại khu vực ngoại thành để nắm tình hình. Do có kẻ phản bội nên ông và 9 đồng chí bị thực dân Pháp bắt khi vừa vào nhà Tống Gia Liêm, khu vực Cổng Chốt.

Ngày 20/2/1941, Tòa án binh của Pháp ở Hà Nội đã mở phiên toà xét xử 51 người tham gia cuộc khởi nghĩa, 11 người bị kết án tử hình, 12 án chung thân, 2 án 20 năm tù khổ sai, 7 án 15 năm tù, 1 án 12 năm tù… Ngày 25/4/1941, thực dân Pháp tiến hành cuộc hành quyết Đội Cung và 10 đồng chí của ông tại 3 nơi: Vinh, chợ Rạng và Đô Lương. Phần mộ Đội Cung hiện nay ở phía ngoài cửa Hữu thành Nghệ An cũ. Hiện nay, tên Đội Cung được đặt cho các con phố ở Hà Nội (quận Hai Bà Trưng), thành phố Vinh, thành phố Huế, thành phố Thanh Hóa và thành phố Hồ Chí Minh (quận 11).

Mặc dù thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc chống ách cai trị của các chiến sĩ cách mạng, yêu nước, không chịu làm nô lệ, khổ sai. Có thể nói, sự kiện Binh biến Đô Lương ngày 13/1/1941 đã nêu cao tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam chống lại chế độ thực dân.

Theo tư liệu, báo “Cởi ách” của Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Nghệ An ra ngày 20 tháng 2 năm 1941 viết: “Cuộc binh biến chợ Rạng - Đô Lương thất bại nhưng nó có tác dụng kích thích tinh thần ái quốc của đồng bào ta, làm cho đế quốc Pháp bối rối, làm cho ai nấy đều hiểu rằng anh em binh lính cùng đi với dân chúng trong Mặt trận Phản đế. Đồng thời nó cũng dạy cho chúng ta một bài học muốn đánh đuổi đế quốc ra khỏi xứ, cần phải có sự thống nhất hàng ngũ các giới”.

Thật vậy, cuộc khởi nghĩa Đô Lương đã để lại cho Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ những kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động vũ trang của cách mạng. Bài học lớn nhất được rút ra là sự hỗ trợ phối hợp lẫn nhau giữa lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị. Bài học này đã được Đảng ta vận dụng và nâng cao đạt hiệu quả rất lớn trong thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và các cuộc khởi nghĩa của toàn thể nhân dân ta sau đó.

Những cuộc khởi nghĩa, binh biến liên tiếp nổ ra giai đoạn trước năm 1945, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng và đấu tranh vũ trang. Những kinh nghiệm quý báu ấy đã được Đảng và Bác Hồ đúc rút phát huy để lãnh đạo quần chúng đứng lên giành chính quyền mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Bằng chứng là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thành công, ngày 2/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày nổ ra cuộc Binh biến Đô Lương (13/1/1941-13/1/2021), nhắc lại lịch sử nhằm khẳng định lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của một số binh sĩ “lính khố xanh”, đồng thời góp phần tuyên truyền về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, những bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng và đấu tranh vũ trang cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ ngày nay.

 

Đinh Nhài

 

 

 


Số lượt người xem: 437 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày