Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 26/01/2021, 20:25

Kỷ niệm 30 năm ngày Đền Đô được công nhận là di tích lịch sử văn hóa (25/1/1991 - 25/1/2021)

                  Trong hầu hết các làng Việt vùng châu thổ Bắc Bộ, di tích luôn là phần hồn vô cùng quan trọng, với làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũng như vậy. Di tích ở làng là không gian thiêng liêng, chứa đựng tâm hồn và đời sống tâm linh của dân làng. Đình Bảng là một làng lớn nhất của xã Đình Bảng, là đất của vua, của nhiều đời quý tộc nên là nơi có quần thể di tích bao gồm nhiều di tích. Trong đó, Đền Đô là di tích nổi bật nhất, còn có tên là Cổ Pháp điện hay đền Lý Bát Đế do thờ tám vị vua triều Lý.

                    Đền Đô được xây dựng từ thế kỷ XI (1030) trên khu đất phía Đông nam hương Cổ Pháp, châu Cổ pháp (làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), quê phát tích nhà Lý. Đền được dựng trên nền đất khi vua Lý Công Uẩn lên ngôi và trở lại thăm quê hương. Tại nơi đây, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Thái Tổ băng hà (1028), vua Lý Thái Tông lên ngôi đã cho sửa lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha; từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà. Sau này đền được tôn tạo nhiều lần. Vì đây là nơi thờ tám vị vua đời Lý nên còn được gọi là Lý Bát Đế. Đền có 21 hạng mục công trình với trung tâm là điện thờ - nơi đặt bài vị và tượng tám vị vua nhà Lý. Xung quanh có nhà chuyển bồng, nhà tiền đế, phương đình, đền vua bà, nhà bia, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ, Văn chỉ, Võ chỉ, năm cửa rồng, nhà thủy đình… Tất cả được xây dựng công phu, đắp vẽ và chạm khắc tinh xảo; xứng đáng là một công trình cấp quốc gia. Năm 1952, Đền Đô bị phá hủy vì chiến tranh.

                   Ngay từ năm 1989 khi phong trào dựng lại di tích hay đầu tư vào các hoạt động tâm linh còn chưa được quan tâm đến nhiều thì Đình Bảng cùng với sự kết hợp của Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc, hội các cụ ông cụ bà cùng toàn thể dân làng đã cùng quyết tâm dựng lại di tích. Do kinh tế lúc đó còn khó khăn nên ban đầu dân làng dựng lại đền bằng nguyên vật liệu tại chỗ của làng là các cây xoan, bạch đàn, phi lao dựng lên ba gian để lấy chỗ thờ cúng. Việc giữ gìn các di tích được dân làng đặc biệt chú ý. Từ nền móng ba gian này, dân địa phương mỗi người lên làm lễ tự nguyện công đức. Cứ dần dần như thế, đền được chỉnh trang tu bổ dần, do gỗ xoan, bạch đàn dễ nứt nên dân làng thay dần bẳng gỗ lim, đền ngày càng mở rộng và chắc chắn hơn. Đền Đô được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa theo quyết định số 154 của bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 25/01/1991. Ghi nhận những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô, tháng 3/2015, cùng với Khu Lăng mộ các Vua nhà Lý, Đền Đô đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

                   Đến với đền đô ngày nay, nhìn vào từng chi tiết trên đền còn thấy rõ dấu tích của từng đợt công đức, từng người công đức lớn, chỉ tính riêng từ ngoài nhà vuông cho đến khám thờ trong đền cũng phải qua đến bốn giai đoạn xây dựng. Xếp theo trình tự thời gian, các hạng mục công trình của đền lần lượt được dựng lại như sau: năm 1989, dân làng Đình Bảng đã đem tấm bia quý và cổ “Cổ Pháp điện tạo bi” về vị trí cũ rồi xây nhà bia để bảo vệ. Năm 1990, nhân dân nơi đây đã công đức xây nhà bia bên phải thể hiện sự nuối tiếc tấm bia quý “Đình Bảng điện bia” khắc năm 1606 với ý: Nhà Lý đã trị vì trong 216 năm, qua tám đời vua đều được lòng dân trong cả nước. Từ việc dời đô về Thăng Long đến các việc lớn nhỏ đều mẫu mực. Cho dù thời vận đã hết nhưng công đức ấy vẫn được tôn vinh. Người dân Việt Nam cần ghi nhớ công đức ấy, phải trùng tu đền thờ xuân thu tứ thời bát tiết, phải tôn kính báo đền cho nhà Lý…Nhà bia đã bị giặc Pháp phá hủy hoàn toàn năm 1952, đến năm 1994 được một gia đình người dân làng Đình Bảng đã công đức “Bia trùng tu đền Đô”. Năm 1992 nhà Chuyển bồng được trùng tu lại, đây là nơi cuối cùng để làm nghi thức tế lễ. Ở giữa là hương án, hai bên có câu đối, phía trên có bức hoành phi lớn, tất cả được chạm khắc tinh xảo và sơn son thếp vàng rất đẹp. Người dân đã tôn sùng nhiều vị thánh trong đời nhà Lý như: thánh Linh Lang ở Thăng Long, thánh Lãng ở Hà Tây, thánh Không Lộ ở Nam Định…Thế nhưng, tiêu biểu cho các tháng đời nhà Lý lại là tám vị vua Lý, được nhân dân gọi một cách tôn trọng là Lý Bát Đế. Hai voi thờ đắp nổi bằng xi măng do bộ đội Từ Sơn công đức cũng được đắp năm 1992. Nhà tiền tế được xây dựng lại năm 1998 với tám hàng cột, 48 cột. Nhà tiền đế ở ngay sau phương đình. Hai bên hương án là hai vị quan cận thần cầm cây gậy đứng hai bên. Ở hai hàng cột trước sau hương án có các câu đối. Đây là nơi bắt đầu làm lễ tế với nhiều nghi thức khác nhau. Lễ được diễn ra từ nhà tiền đế và tiến dần đến nhà chuyển bồng. Năm 1999 nhà Phương đình được xây lại. Phương Đình được dựng lên theo kiểu ba gian, hai lớp mái với tám đầu đao cong vút, mềm mại. Trên hai lớp mái có hai cặp tượng lưỡng long tranh châu. Với hình dáng con rồng thời Lý có thân hình dài và uốn khúc uyển chuyển, nhẹ nhàng. Là nơi chuẩn bị mũ áo và sắp xếp đồ lễ tế trước khi bước vào nhà tiền tế.

                   Năm 2000, một hạng mục lớn của Đền Đô được trùng tu mở rộng do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư với kinh phí 651 triệu đồng. Cùng năm đó, nhà Thủy đình và Thạch kiều quan họ cũng được làm mới do Bộ Tài chính đầu tư kinh phí 900 triệu đồng. Nhà Văn Chỉ được Bộ Quốc phòng đầu tư 220 triệu đồng để xây mới. Văn chỉ khánh thành ngày 22/12/2002. Trong Văn chỉ có tượng thờ Thái sư Lý Đạo Thành, là người có công trong việc giúp vua chống quân Tống xâm lược và Thái úy Tô Hiến Thành, ông có công chống quân Ngưu Hống và quân Chămpa. Nhà Võ Chỉ cũng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư kinh phí xây năm 2005. Võ chỉ là nơi đặt tượng thờ Lê Phụng Hiểu, Thái úy Lý Thường Kiệt và Đào Cam Mộc. Ngoài ra còn nhiều hạng mục khác như nhà khách, nhà để kiệu thờ, ngựa thờ, sân rồng… cũng dần được làm lại khang trang và rộng rãi hơn. Không chỉ quan tâm xây dựng lại các hạng mục thuộc khi di tích Đền Đô, mà dân làng còn công đức để mua sắm rất nhiều tượng thờ, đặc biệt là tượng các vị vua, kiệu thờ, hương án, ngựa thờ, đình đồng, hạc thờ,… cùng nhiều đồ thờ cúng khác trong đền.

                   Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô ngày nay là một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu. Bởi vì, tại đây gìn giữ một công trình kiến trúc đặc sắc, với nghệ thuật điêu khắc đá, điêu khắc gỗ, tạc tượng thờ, kỹ thuật xây dựng đều đạt ở mức tinh xảo được bảo lưu cùng với tín ngưỡng thờ cúng, lễ hội, phong tục, tập quán… và nhất là giá trị lịch sử mà ngôi đền để lại.

 

Yên Yên

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 372 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày