Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 23/07/2021, 19:15

Kỷ niệm 70 năm ngày mất của Hồ Tùng Mậu (23/7/1951-23/7/2021)

Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Khi xuất dương sang Thái Lan hoạt động, ông mới mang tên Hồ Tùng Mậu và trở thành tên gọi chính thức đến khi qua đời. Ông là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu thời dựng Đảng. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày ông mất, nhìn lại những đóng góp to lớn của đồng chí Hồ Tùng Mậu với Đảng và cách mạng Việt Nam, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho toàn Đảng, toàn dân và nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Hồ Bá Cự chào đời khi ông nội Hồ Bá Ôn oanh liệt hy sinh ở Thành Nam đã được 13 năm, khi ông ngoại Phan Duy Thanh, ông chú Hồ Bá Trị (em ruột Hồ Bá Ôn) tử trận đã được 11 năm và khi thân sinh là ông Hồ Bá Kiện và bà Trần Thị Trâm đã bị truy nã sau cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Từ nhỏ Hồ Bá Cự đã tỏ ra là người có phẩm chất nhanh nhẹn, hiền hậu, sáng dạ… Lên 6 tuổi, đã bắt đầu học chữ Hán, chữ nho. Năm 1907, ông được học tại trường sở của ông Hồ Phi Khoan, là chồng của người dì ruột Phan Thị Đạt. Trường được mở theo kiểu Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Trường này về sau bị thực dân Pháp cấm. Lúc đó gia đình Hồ Bá Cự xảy ra nhiều biến cố. Chú Hồ Xuân Lan ra đi bất ngờ và không thấy trở về. Cha ông bị bắt ở Sơn Tây rồi bị đưa đi đày ở nhà tù Lao Bảo. Gia đình ông lúc bấy giờ bị tay chân của thực dân Pháp ngày đêm theo dõi, ức hiếp rất gay gắt. Năm 1916, bố ông là Hồ Bá Kiện lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Lao Bảo bị quân Pháp phản công, phải rút sang đất Lào và đã hy sinh tại trận trong rừng.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị đô hộ bởi thực dân, thừa hưởng bởi truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm từ gia đình… tất cả đã nhen nhóm ở Hồ Bá Cự một sự giác ngộ yêu nước. Được sự giúp đỡ của các gia đình yêu nước ở quê, năm1920, ông lấy bí danh là Hồ Tùng Mậu, cùng với Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Tích, Ngô Chính Học và Đặng Quỳnh Anh đã bí mật sang Lào, sau đó đến Xiêm (Thái Lan). Sau 3 tháng ở Trại Cày ở Bản Đông, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn được cụ Đặng Thúc Hứa giúp đỡ vượt biên sang Quảng Châu - Trung Quốc. Tại đây, Hồ Tùng Mậu thuê nhà của chí sĩ Hồ Học Lãm để học tiếng Trung, tiếng Anh, rồi đi học tại Trường trung học An sinh (Hàng Châu), Trường Điện tín của Công ty xe lửa Hán - Việt (Quảng Châu). Năm 1923, Hồ Tùng Mậu cùng các Đồng chí Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn... thành lập nhóm “Tâm Tâm xã”, đây là tổ chức thanh niên có tư tưởng phục quốc, hoạt động cách mạng với mục đích giành lại độc lập cho Việt Nam.

Mùa xuân năm 1924, ông về nước, trở lại Quỳnh Lưu, Yên Thành hoạt động. Tháng 11/1924, nhóm Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ chuyển hướng hoạt động, xây dựng tổ chức cách mạng theo đường lối đúng đắn. Tháng 6/1925. Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lúc đó Cộng sản đoàn có 5 người trong đó có Hồ Tùng Mậu. Tháng 12/1927, ông cùng một số chiến sĩ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tham gia khởi nghĩa Quảng Châu nên bị bắt giam, đến cuối năm 1929 mới được tha. Trong thời gian đó, Hồ Tùng Mậu được bầu vắng mặt làm Ủy viên chấp hành Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Đại hội đại biểu lần thứ I của tổ chức này. Ngày 30/6/1931, khi thuyền vừa cập bến Thượng Hải, Hồ Tùng Mậu bị mật thám Pháp bắt và giải về Việt Nam xét xử. Ông bị kết án tù chung thân. Chúng giải ông về giam ở nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội). Từ tháng 12/1931 đến tháng 3/1945, ông bị chuyển qua các nhà tù Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột…Cuộc sống tù đày cơ cực đã tôi luyện thêm tinh thần lạc quan, tình đồng chí, nghĩa đồng bào ở người cộng sản chân chính. Trong thời gian ở tù, chính quyền thực dân Pháp bày mưu, thủ đoạn dụ dỗ ông hợp tác với chúng, thôi làm cách mạng. Nhưng ông cương quyết cự tuyệt.  Do vậy chúng lại đưa ông đi an trí ở căng Trà Khê (Phú Yên), không biết ngày được tự do. Ngày 9/3/1945, lợi dụng phát xít Nhật đảo chính Pháp, Hồ Tùng Mậu cùng các tù chính trị trốn khỏi căng an trí Trà Khê tỉnh Phú Yên và trở về quê nhà. Tháng 7/1945, Xứ ủy Trung Kỳ điều động ông tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đang đến gần. Người chiến sỹ cách mạng giàu kinh nghiệm lại lên đường tiếp tục cuộc chiến đấu.

Sau khởi nghĩa, Hồ Tùng Mậu được giao nhiều nhiệm vụ. Ở bất kỳ cương vị nào, ông đều hăng hái, nhiệt tình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, ông làm việc quên mình với tác phong bình dị, chan hòa, gần gũi. Những chủ trương đúng đắn được Hồ Tùng Mậu thực hiện trên địa bàn Liên khu IV trong những năm lãnh đạo kháng chiến ở đây hoàn toàn thống nhất với tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Ông đã vận dụng tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, giữ vững vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, bám sát chỉ đạo cuộc chiến đấu ở vùng Bình - Trị - Thiên gay go, gian khổ. Ông là người gần gần gũi với nhân dân. Với thanh niên, ông giao tiếp rất thân tình, giải thích mọi việc thấu tình đạt lý. Với phụ nữ, ông thể hiện sự trân trọng, quý mến, động viên. Ông luôn nhắc nhở cán bộ, thanh niên, phụ nữ xây dựng, củng cố niềm tin vào tiền đồ dân tộc. Ông thường nhắc nhở với các đồng chí của mình: Đảng phải sát quần chúng, tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, đảng viên phải gương mẫu, là đầu tàu trong mọi việc. Ông xứng đáng là vị Chủ tịch có uy tín cao trong lòng nhân dân.

Trên cương vị Tổng thanh tra Ban thanh tra Chính phủ, rất cần đến phẩm chất đạo đức, thanh liêm, trung thành, trung thực, sâu sát, cụ thể, Hồ Tùng Mậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thanh tra Nhà nước và kiểm tra Đảng. Cách đánh giá sự việc khoa học, chính xác, khách quan trên cơ sở coi trọng việc dựa vào quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng của Ban thanh tra Chính phủ đã góp phần đặt nền móng đầu tiên trong quá trình xây dựng hệ thống tư tưởng và lý luận của Thanh tra Việt Nam, trong đó có công lao to lớn của Hồ Tùng Mậu. Hoạt động thanh tra trong thời kỳ này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Tùng Mậu đã được triển khai liên tục, bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị góp phần to lớn vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Vai trò và những đóng góp của ông với cương vị Tổng Thanh tra thời kỳ này là hết sức to lớn. Ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác, ông hy sinh do bị máy bay Pháp ném bom tại thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa thi hài ông về quê làng Quỳnh Đôi, an táng.

55 năm tuổi đời, hơn 30 năm hoạt động cách mạng, Hồ Tùng Mậu từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản, một cán bộ dày dạn kinh nghiệm cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên tất cả mọi phương diện: Phẩm chất đạo đức, trí tuệ, cốt cách, phương pháp công tác và nhất là lẽ sống ở đời và là người yêu nước, thương dân, Hồ Tùng Mậu thật sự trở thành một nhân cách văn hóa. Ông là một tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng nhân, nghĩa, trí, dũng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như những tiêu chí đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Tên tuổi ông là nềm tự hào của Đảng, của đất nước, của quê hương.

 

Yên Yên

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 362 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày