Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 01/09/2021, 18:35

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (8/1891-8/2021)

Đồng chí Võ Văn Tần - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ

 

Đồng chí Võ Văn Tần được biết đến là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, là niềm tự hào và biểu tượng cho hào khí quật cường, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước (8/1891), tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Lúc nhỏ, đồng chí Võ Văn Tần được học chữ Hán, sau đó học chữ quốc ngữ. Vốn thông minh, hiếu thảo, có lòng thương người, nên ngoài học chữ, Võ Văn Tần còn được thầy dạy cho nghề bốc thuốc nam. Có chút ít chữ nghĩa, ông mở lớp dạy chữ Hán, rồi đi Sài Gòn - Chợ Lớn kiếm sống.

Sau một thời gian, đồng chí trở về quê, nhận làm biện làng - thư ký, với ý định dùng sự hiểu biết của mình bênh vực bà con dân làng chống lại sự áp bức, bóc lột của địa chủ cường hào. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi nhận việc, trong cuộc đấu tranh chống thu thuế sát sinh không hợp lệ, Võ Văn Tần đã bị bọn hương lý bắt giải lên huyện đánh đập và giam giữ mấy ngày. Sau khi được thả, ông lại ra Sài Gòn - Chợ Lớn tiếp tục làm nghề kéo xe và tìm đường tiếp tục hoạt động.

Năm 1926, đồng chí tham gia Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước, với mục đích chống Pháp, giành độc lập, do nhà yêu nước Nguyễn An Ninh sáng lập tại Sài Gòn - Chợ Lớn và một số tỉnh Nam Kỳ. Cuối năm đó, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời và phát triển nhanh chóng ở nhiều tỉnh Nam Kỳ, thu hút khá đông những người yêu nước là trí thức, nông dân, công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động tham gia. Nhận ra những hạn chế của Thanh niên Cao vọng Đảng, Võ Văn Tần đã chuyển sang gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở về làng tìm chọn những người hăng hái, tích cực trong nông dân lao động, nhất là thanh niên, giáo dục, nâng cao lòng yêu nước và ý thức giai cấp cho họ, gây dựng nhóm Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Đức Hòa.

Tháng 8/1929, Võ Văn Tần gia nhập An Nam Cộng sản Đảng. Cuối năm 1929, Võ Văn Tần lập ra chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên trên quê hương mình gồm 7 người do đồng chí làm Bí thư.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 6/3/1930, Võ Văn Tần triệu tập một cuộc họp bí mật tuyên bố chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ. Trên cơ sở đó, Võ Văn Tần đã cùng các đồng chí khác phát triển cơ sở, tổ chức rộng ra các xã trong quận. Tháng 5/1930, Đảng bộ quận Đức Hòa được thành lập, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ, làm Bí thư Quận ủy.

Thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định, ngày 4/6/1930, Võ Văn Tần cùng các đồng chí trong Quận ủy Đức Hòa huy động quần chúng nông dân tiến về quận lỵ biểu tình chống sưu cao, thuế nặng và chống địch đàn áp. Trước lực lượng to lớn, có tổ chức của quần chúng nông dân, bọn hương lý hốt hoảng chạy đi báo quận, tỉnh. Địch đem lính đến đàn áp đoàn biểu tình. Căm phẫn trước hành động khủng bố của địch, quần chúng đã kiên quyết chống lại. Một số đồng chí, đồng bào ta bị thương và bị bắt, nhưng ta cũng đã trừng trị được hai tên cường hào gian ác. Sau vụ này, chính quyền thực dân tăng cường khủng bố, bắt bớ. Chúng kết án tử hình vắng mặt và thông báo cho các địa phương truy nã đồng chí Võ Văn Tần.

Mặc dù bị kẻ thù truy lùng ráo riết, nhưng đồng chí vẫn dựa vào quần chúng tiếp tục bí mật hoạt động. Tháng 6/1931, sau khi đồng chí Lê Quang Sung (Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn) bị địch bắt, Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, sau đó được điều sang làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Sau Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng (3/1935), Võ Văn Ngân cùng Võ Văn Tần và một số đồng chí khác lập lại Xứ ủy Nam Kỳ. Theo đề nghị của Võ Văn Tần, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định chọn xã Tân Thới Nhất - một xã có truyền thông yêu nước lâu đòi, có cơ sở quần chúng tôt làm căn cứ cho Trung ương Đảng.

Cuối năm 1936, với sự chuẩn bị chu đáo của Xứ ủy Nam Kỳ, Thường vụ Trung ương Đảng đã về đóng tại ấp Trung Lân và Tây Bắc Lân, xã Tân Thới Nhất. Cơ quan Xứ ủy chuyển về đóng ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh). Chính tại vùng căn cứ Hóc Môn - Bà Điểm, từ những cơ sở do Võ Văn Tần đã dày công xây dựng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành nhiều hội nghị, đưa ra những quyết sách chiến lược quan trọng cho cách mạng Việt Nam.

Đầu năm 1937, đồng chí Võ Văn Ngân bị bệnh nặng, không thể tiếp tục hoạt động được, Trung ương đã chỉ định đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Xứ ủy và bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương. Tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 9-1937 và tháng 3-1938, đồng chí Võ Văn Tần được bầu làm Thường vụ Trung ương.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy cai trị, ra sức đàn áp phong trào cách mạng và vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để cung cấp cho chiến tranh ở chính quốc. Cuối năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu,... họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tại Hóc Môn - Bà Điểm, nhận định tình hình, nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương và đề ra chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Ngay sau hội nghị, trong hai ngày 3 và 4/12/1939, Võ Văn Tần triệu tập Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ để phổ biến nội dung của Nghị quyết Trung ương lần thứ sáu tới toàn thể cán bộ trong Xứ ủy, đồng thời đề ra những biện pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng...

Giữa lúc đang cùng Xứ ủy Nam Kỳ khẩn trương lãnh đạo các cấp bộ Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu thì ngày 21/4/1940, Võ Văn Tần bị địch bắt. Chúng đưa đồng chí về bót mật thám Catina, nhốt riêng và tra tấn đến tàn phế. Bất chấp sự tàn bạo của kẻ thù, đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản kiên trung.

Không khuất phục được người chiến sĩ cách mạng kiên trung, kẻ thù đã quyết định xử bắn đồng chí. Trước khi ra pháp trường, đồng chí đã để lại di bút bằng máu trên tường xà lim: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng”. Ngày 28/8/1941, đồng chí bị thực dân Pháp đưa ra xử bắn tại trường bắn ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn, Gia Định, cùng một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng.

Với những cống hiến lớn lao của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ngày nay tại khu di tích Ngã tư Đức Hòa, thuộc khu phố 3, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, tượng đài đồng chí Võ Văn Tần được đặt trang trọng trong công viên mang tên đồng chí. Đây là một trong những địa chỉ đỏ về nguồn ý nghĩa đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.

 

Có thể nói, cuộc đi và sự nghiệp của đng chí Võ Văn Tần là một tấm gương sáng về ý chí cách mạng, về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc. Gần 1 thế kỷ trôi qua, quê hương đất nước ta đã và đang thay đổi, phát triển từng ngày, trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhà nhà, người người đang có cuộc sống ấm no hạnh phúc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn luôn tưởng nhớ và tri ân những cống hiến lớn lao của đồng chí Võ Văn Tần nói riêng, các anh hùng chiến sĩ cách mạng nói chung đã hy sinh xương máu giành lại nền độc lập hôm nay. Để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các bậc cha anh đi trước, thế hệ trẻ hôm nay nguyện phấn đấu ra sức học tập, rèn luyện, bồi đắp lý tưởng cách mạng, sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 387 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày