Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 27/06/2022, 20:40

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm Nhà giáo cách mạng, nhà cộng sản kiên trung

Từ một nhà giáo yêu nước, nhà giáo cách mạng, một chiến sĩ cộng sản tham gia thành lập Đảng và trở thành một trong những đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên giữ nhiều trọng trách to lớn trong buổi đầu xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí Châu Văn Liêm đã thể hiện sự can đảm, không ngại gian khổ, hy sinh, hòa mình cùng phong trào đấu tranh của quần chúng để lãnh đạo nhân dân đấu tranh với kẻ thù, để lại tấm gương sáng cho muôn đời sau.

Châu Văn Liêm có bí danh là Việt, sinh ngày 29/6/1902 ở ấp Rạch Tra, xã Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, Tp. Cần Thơ) trong một gia đình nông dân. Cụ thân sinh là Châu Khắc Chấn làm nghề dạy học và bốc thuốc bắc, cụ bà là Trần Thị Tơ sống bằng nghề làm ruộng. Thuở nhỏ Châu Văn Liêm nổi tiếng là người học giỏi nhất làng. Tháng 7/1918, ông thi đậu bằng Sơ học, 4 năm sau lại đậu vào trường Sư phạm hậu bổ Sài Gòn. Trong thời gian đi học Châu Văn Liêm luôn là học sinh xuất sắc.

Khi ở Sài Gòn, đồng chí Châu Văn Liêm có điều kiện quen biết những người yêu nước và tiếp xúc với sách, báo tiến bộ như: sách của Đông Kinh Nghĩa Thục, thơ văn yêu nước của Trần Tuấn Khải, Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu và nhất là báo Tiếng Chuông Rè - tờ báo đầu tiên ở Đông Dương dám đăng công khai Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Ông rất hâm mộ tư tưởng dân tộc bài Pháp, yêu nước và tiến bộ và thường xuyên tìm đến trao đổi quốc sự với người sáng lập tờ báo này - nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh, tích cực tham gia đấu tranh cùng học sinh, giáo sinh thành phố chống luật lệ bất công của Nha học chính Pháp.

Cuối năm 1924, Châu Văn Liêm tốt nghiệp và được phân công dạy lớp nhất trường Nữ Long Xuyên, đến đầu năm 1926 chuyển về dạy trường sơ học Chợ Thủ tại quận Chợ Mới (nay thuộc tỉnh An Giang). Ngày 24/3/1926, cụ Phan Chu Trinh mất, Châu Văn Liêm đã đứng ra vận động đồng bào địa phương và học sinh trong trường tham gia lễ truy điệu cụ và đứng ra tổ chức Hội học sinh, giáo viên ái hữu ở Long Xuyên. Tổ chức này hoạt động với tính chất tương tế để bí mật lập một tổ chức yêu nước lấy tên là Việt Nam cách mạng phục quốc Đảng. Mùa hè năm ấy tám người trong tổ chức này bắt đầu hoạt động với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền phát triển đảng viên, chọn người tốt cho xuất dương đi học, xây dựng quỹ…

Nhờ những hoạt động này, Châu Văn Liêm bắt liên lạc được với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đã gia nhập tổ chức này. Tháng 3/1927, ông và các bạn của mình đã tổ chức được một chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở xã Long Điền (đây là cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh Long Xuyên).

Tháng 2/1928, đồng chí được cử làm bí thư Hội Việt Nam thanh niên tỉnh Long Xuyên và tháng 2 năm sau, đồng chí được bầu vào Ban thường vụ Kì bộ Thanh niên Nam kì. Sau đó, đồng chí cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng, Trần Văn Phồng lên đường sang Hương Cảng (Trung Quốc) dự đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (họp từ ngày 1 đến ngày 9/5/1930). Tại Đại hội, đã xảy ra bất đồng ý kiến xung quanh việc thành lập Đảng Cộng sản, đoàn đại biểu Bắc kỳ đưa ra ý kiến đề nghị thành lập ngay Đảng Cộng sản, nhưng không được chấp nhận. Đoàn đại biểu Bắc kỳ bỏ về nước. Mặc dù thiếu Đoàn đại biểu Bắc kỳ, Đại hội vẫn tiếp tục hợp. Châu Văn Liêm là một trong các đại diện của hai Kỳ bộ được bầu vào Tổng bộ.

Tháng 11/1929, Châu Văn Liêm triệu tập cuộc họp các đại biểu Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng tại Sài Gòn, do đồng chí làm Bí thư. Đây là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng có ý nghĩa to lớn đối với mạng Việt Nam và đồng chí Châu Văn Liêm có vai trò rất quan trọng.

Năm 1929, nước ta có ba tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tuy nhiên, các tổ chức này hoạt động riêng lẻ, không tập hợp được sức mạnh, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng cả nước. Năm 1930, Bác Hồ chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành một Đảng duy nhất. Đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị hợp nhất. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sau hội nghị, các đại biểu được sự ủy quyền của Bác Hồ về nước tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản và cử ra Ban chấp hành lâm thời, đồng chí Châu Văn Liêm đề nghị đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư Xứ ủy, còn mình nhận nhiệm vụ trực tiếp phụ trách liên tỉnh Gia Định – Chợ Lớn. Đồng chí xây dựng hai tỉnh ủy và nhiều chi bộ tại các tổng, làng, phát động phong trào đấu tranh nông dân, kết hợp với phong trào công nhân và các tầng lớp xã hội khác ở nội thành.

Ở Nam kỳ lúc bấy giờ, khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, nông sản mất giá. Nông dân phải cầm hoặc bán rẻ đất cho địa chủ để trả nợ. Tá điền bị tô tức chồng chất, đời sống cùng cực. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, trên địa bàn liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh. Ngày 4/6/1930, đồng chí chỉ đạo các cuộc biểu tình của nông dân ở Bà Hom, Bến Lức (Chợ Lớn), Hóc Môn (Gia Định), trong đó trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh tại Đức Hòa. Đồng chí Châu Văn Liêm đi đầu, hô hào, kêu gọi đồng bào đòi giải phóng dân tộc, đưa yêu sách của nông dân đòi giảm sưu thuế… Lính của tỉnh và quận được điều tới, dàn hàng, chĩa súng vào đoàn biểu tình nhưng khí thế của đoàn người biểu tình do đồng chí Châu Văn Liêm dẫn đầu không hề nao núng, vẫn kiên quyết tiến lên. Kẻ thù đã nổ súng bắn vào người dẫn đầu đoàn biểu tình, đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm đã để lại nỗi đau xót trong lòng nhân dân Nam Bộ, đây là một tổn thất rất lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Với 28 mùa xuân gắn bó trên mảnh đất Long An ruột thịt, đồng chí Châu Văn Liêm đã có cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược đáng trân trọng. Từ một nhà giáo yêu nước, những hoạt động cách mạng của thầy Châu Văn Liêm đã góp phần cỗ vũ tinh thần yêu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, khai sáng nhận thức cho người dân, hướng học trò, thanh niên yêu nước đến những ước mơ, lý tưởng cao đẹp và trách nhiệm với Tổ quốc, giúp cho họ có đủ sức mạnh tinh thần, có lý luận dẫn đường đấu tranh chống kẻ thù hung bạo. Và đến khi là một chiến sĩ cộng sản mang nhiều trọng trách lớn lao, đồng chí Châu Văn Liêm đã lấy sinh mạng của mình để phát động một cuộc biểu tình vang dội, tuy bị giặc giải tán bằng vũ lực, nhưng chúng không thể dập tắt được tinh thần cách mạng của quần chúng lao khổ.  Và cũng trên mảnh đất này, máu của đồng chí đã hòa cùng máu của nhân dân, làm tươi thắm thêm ngọn cờ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng mà tấm gương hy sinh ấy đã trở thành tiêu biểu cho khí phách của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Để ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm, Đảng và Nhà nước ta ở các địa phương đã lấy tên của đồng chí để đặt cho nhiều địa danh, nhiều ngôi trường, con đường trên khắp đất nước Việt Nam để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay mãi mãi ghi nhớ công lao và kế thừa tinh thần yêu nước, bất khuất, ý chí kiên cường, dũng cảm của người chiến sĩ cộng sản, hun đúc lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1392 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày