Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 21/07/2022, 13:05

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022)

Đồng đội ơi - Những năm tháng không quên

 

Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn đã viết:

“Tôi gọi mãi sao đồng đội không thưa,
Mà mưa cứ rơi gió cứ gào cứ thét,
Mà cứ thẳng hàng ngang hàng dọc,
Hết giặc rồi sao không dậy mà vui?

Tôi gọi mãi sao không ai trả lời,
Lạnh trắng một màu cắt da cắt thịt,
Tổ quốc sum vầy các anh đâu hết?
Cứ vô tình hay rong hay chơi”.

Tám câu thơ chứa chan tình đồng đội đã chạm đến nỗi đau tận cùng của sự hy sinh, mất mát, làm rung động trái tim hàng triệu người Việt Nam. Từng câu từng lời là tấm lòng, tấc dạ, nỗi nhớ thương, sự “hờn trách” mà tác giả gửi đến những đồng đội thân yêu của mình (dù đã hòa bình độc lập, nhưng các anh vẫn đang nằm trong lòng đất lạnh). Và:

“Đồng đội ơi!

Dù năm tháng không nguôi,
xin hãy để cho tôi được khóc,
với những nấm mộ có tên hàng ngang hàng dọc,
vì chúng tôi là đồng đội của nhau”.

“Đồng đội ơi!” tiếng gọi da diết từ trái tim của những người lính. Họ không có gì ngoài nghĩa tình đồng đội, bao cảm xúc như dồn nén, cất tiếng gọi nhớ nhung những người đồng đội hôm qua, họ đã ngã xuống để đổi lấy tự do độc lập của dân tộc mãi mãi không thể trở về bên gia đình của mình.

Dựa trên bài thơ của Trương Vĩnh Tuấn, nhạc sĩ Nguyễn Giang đã tìm được sự đồng cảm và phổ thành bản nhạc mang đầy cảm xúc và ý nghĩa. Những nốt nhạc như bật ra từ ý thơ hay chính sự đồng điệu giữa nhà thơ và nhạc sĩ đã mang đến giai điệu da diết đến cháy lòng. Tiếng gọi “Đồng đội ơi” chính là những vần thơ quyện vào nốt nhạc mà tác giả dùng để đi tìm đồng đội mình bằng cả trái tim của những người lính trở về.

Đồng đội ơi! Điệp khúc ấy cứ vang lên lăp đi lặp lại trong giai điệu khắc khoải như xoáy vào tim người nghe, cảm xúc đến se lòng. Đọc đoạn thơ ta cảm được nỗi niềm day dứt không nguôi, nỗi nhớ thương của tác giả về những đồng đội đã ngã xuống, trong thâm tâm họ luôn canh cánh trăn trở như món nợ, thôi thúc họ hành động đi tìm.

“Đồng đội ơi!

Chiều trắng xóa những linh hồn trắng,
Mây trắng bay và bướm trắng chập chờn,
Hương khói trắng lòng ta trắng lặng,
Đồng đội ơi, chớp bể mưa nguồn!
Đồng đội ơi, chớp bể mưa nguồn!”

Có lẽ chỉ những người lính đã trải qua trận mạc, đã từng chứng kiến sự hy sinh, mất mát, mới cảm nhận được trái tim người lính. Tác giả đã tặng ca khúc này cho tất cả đồng đội và những ai có cùng sự đồng cảm với những người lính đã hy sinh. Để tiếng gọi bạn vang lên khắp nơi, để những linh hồn đồng đội luôn ấm áp, dù năm tháng có trôi qua, dù “chớp bể mưa nguồn”.

Có nghe hết được bài hát “Đồng đội ơi” của Trương Vĩnh Tuấn – Nguyễn Giang, người nghe mới hiểu được nỗi nhớ nhung đồng đội của tác giả. Mặc dù, thế hệ chúng tôi không sinh ra trong thời bom đạn, không phải gánh chịu cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, nhưng qua những ca từ đầy tâm trạng, tôi cảm được nghĩa tình đồng đội của họ. Trong chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nên những người lính rất trọng nghĩa tình, sẵn sàng chia nhau từng điếu thuốc, bát cơm, cùng gánh cho nhau gian khổ trong quân trường và cùng mong đến ngày hòa bình độc lập, được trở về quê hương với gia đình, với những người yêu thương nhất. Nhưng trớ trêu thay, chiến tranh thật ác liệt, không nói trước điều gì, và ngày trở về chỉ còn là ước mong...

Quả thật như vậy! Chiến tranh đã khiến những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, không ít trong số ấy vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Chiến tranh đã qua đi nhiều năm, nhưng hậu quả mà chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu. Có biết bao người con ưu tú đã ngã xuống, mồ hôi, xương máu và nước mắt của họ đã đổ xuống trên mảnh đất Việt Nam này, và bao người người lính còn sống trở về nhưng phải mang trên mình thương tật suốt đời…

Trở lại với cuộc sống thời bình, những chiến binh dẫu mang trong mình những mảnh bom, viên đạn của chiến tranh và hàng ngày họ phải gánh chịu những cơn đau dữ dội khi trái gió trở trời, nhưng họ không hề gục ngã trước nỗi đau thể xác, mà vẫn hừng hực khí thế mong góp công sức của mình để xây dựng quê hương, đất nước. Và ở đâu đó trong tâm khảm của họ, luôn đau đáu một “tâm nguyện đời người” là “đi tìm đồng đội” - là mau chóng tìm kiếm, quy tập hài cốt những đồng đội năm xưa để họ sớm trở về với gia đình của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, những chiến binh ấy được nhẹ nhàng thanh thản… Ôi nghĩa cử ấy thật cao đẹp, không có mỹ từ nào có thể tả hết được…

Chúng ta đang đi trong những ngày thiêng liêng của tháng 7, tháng 7 của những trái tim đồng điệu, tháng 7 của sự tri ân, không chỉ tôi mà tất cả chúng ta những người con đất Việt đều đang hướng về Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), ngày tưởng nhớ, tri ân đến những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh,… chính họ đã làm nên độc lập tự do hôm nay. Dẫu biết rằng bù đắp bao nhiêu thì vẫn là chưa đủ, bởi chiến tranh đã lấy đi của họ cả tuổi thanh xuân, và giờ đây còn chất lên thân thể họ những vết thương không gì có thể chữa lành và xoa dịu được.

 

 

Thế hệ trẻ hôm nay thật sự may mắn vì được sinh ra và lớn lên khi quê hương đã sạch bóng quân thù, được hưởng nền tự do độc lập mà các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh mang lại. Bằng tất cả tấm lòng thành kính của thế hệ hậu sinh, xin được bày tỏ niềm tự hào sâu sắc, lòng tri ân vô hạn đến các thế hệ hôm qua, xin các anh hãy yên nghỉ, chúng tôi nguyện phát huy tốt truyền thống anh hùng bất khuất, ra sức phấn đấu học tập, công tác thật tốt, tiếp tục phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, gần gũi, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần các đối tượng chính sách, người có công, nhằm động viên, khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cả vật chất và tinh thần cho người có công, tạo điều kiện để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát của quá khứ, giúp họ lạc quan trong cuộc sống, sống vui sống khỏe và sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Có thể khẳng định rằng chiến tranh đã qua đi gần ½ thế kỷ, những cống hiến của thế hệ thương binh, liệt sĩ ngày hôm qua sẽ luôn được được thế hệ hôm nay trân trọng, tự hào và tạc dạ ghi ơn. Hãy tin một điều rằng, dù các anh mãi mãi không thể trở về, nhưng với chúng tôi các anh mãi là “bất tử”.

 

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2264 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày