Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 30/08/2022, 21:20

TÌNH VIỆT – LÀO

Kỷ niệm 60 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào 

(5/9/1962 - 5/9/2022)

 

“Em ở bên này Tây Trường Sơn,

Anh ở bên này Đông Trường Sơn.

Luôn gửi cho nhau khúc hát ân tình…

Em ở bên Tây. Anh ở bên Đông.

Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng.

Đất nước Chăm Pa. Đất nước Tiên Rồng.

Chung bước đi lên xây đắp mối tình

Tình Việt Lào anh em. Tình Việt Lào anh em.

Mãi mãi không bao giờ phai”.

Đó là những giai điệu trong sáng, thấm đượm tình anh em trong bài hát Tình Việt–Lào một sáng tác của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới mà tôi đã được nghe trong chương trình Liên hoan văn hoá Việt–Lào. Mặc dù chưa một lần đặt chân đến nước bạn Lào, chưa được trực tiếp ngắm phong cảnh của đất nước Triệu Voi xinh đẹp nhưng qua ca từ trong những bài hát như: Gửi anh bộ đội yêu nước Lào, Bài ca hữu nghị Việt – Lào,… tôi cảm nhận rõ tình cảm gắn bó keo sơn của hai dân tộc chúng ta suốt 60 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ Việt Nam–Lào.

Khi nói về tình nghĩa đặc biệt giữa hai Đảng, hai dân tộc, hai quân đội Việt Nam và Lào, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã có những câu thơ bất hủ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo; mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. ViệtLào hai nước chúng ta; tình sâu hơn nước Hồng HàCửu Long”. Và Hoàng thân Xuphanuvông cũng đã nhận xét: “Tình hữu nghị Việt–Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đoá hoa nào thơm nhất”.

Thật vậy, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có diện tích lãnh thổ thuộc loại “vừa” và “tương đối nhỏ”, có địa danh giáp giới nối liền nhau dài hơn 2.000 km, cùng nằm ở trung tâm bán đảo Ấn–Trung, vị trí địa–chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á–con đường giao thương hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi có nguồn trữ lượng dầu khí và tiềm năng tài nguyên khoáng sản khá dồi dào, một tiêu điểm của sự tranh giành lợi ích và ảnh hưởng giữa các nước lớn và các trung tâm quyền lực quốc tế. Điều kiện tự nhiên thiên nhiên và sự phát triển kinh tế–xã hội của Việt Nam và Lào có nhiều điểm tương đồng, lại là những quốc gia có nhiều dân tộc sinh sống; có chung nền văn minh lúa nước Đông Nam Á nên hai nước có nhiều nét văn hoá tương đồng như: thấm đẫm tinh thần nhân ái, yêu thương con người, kính trên nhường dưới, truyền thống bang giao hòa hiếu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau từ lâu đời; truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước: đoàn kết trong nước và nhân dân thế giới chống giặc ngoại xâm.

Mối quan hệ truyền thống Việt Nam–Lào được nâng lên thành quan hệ đặc biệt từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 tại Hồng Kông và sau đó đến tháng 10/1930, Đảng được chuyển thành Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu thành quả kết hợp chủ nghĩa Mác–Lênin với phong trào yêu nước, phong trào công nhân ở Việt Nam nói riêng cũng như ở Đông Dương nói  chung.

Nhờ tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc không những có công đầu trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam, mà còn là người đầu tiên góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng đó ở Lào, đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Việt Nam và Lào ngày càng gắn bó với nhau, nương tựa lẫn nhau, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, cùng hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Giữa năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam bùng lan trong cả nước, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Do sự cận kề về mặt địa lý, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhanh chóng tác động và ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Lào. Các chi bộ Đảng và đoàn thể quần chúng ở Lào đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh với nhiều hình thức: đòi tăng lương và ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh của công nhân Lào làm đường Lạc Sao, đấu tranh phản đối nhà trường đuổi một số học sinh của chi bộ đoàn thanh niên cộng sản trường tiểu học Pháp–Việt ở Viêng Chăn (năm 1933)…

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp được sự đồng lõa của quân Anh, nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn, chúng mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ, Nam Trung Bộ của Việt Nam, sang Campuchia, Hạ Lào, rồi toàn cõi Đông Dương. Ngày 25/11/1945, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương. Chỉ thị chủ trương: “Thống nhất mặt trận ViệtMiênLào chống Pháp xâm lược” và nêu rõ nhiệm vụ: “Tăng cường công tác vũ trang tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân ở thôn quê, làm cho mặt trận kháng Pháp của Lào–Việt lan rộng và chiến tranh du kích nảy nở ở thôn quê, đặng bao vây lại quân Pháp ở nơi sào huyệt của chúng và quét sạch chúng khỏi đất Lào”. Theo tinh thần đó, quân và dân các địa phương vùng giáp ranh biên giới Việt Nam–Lào phối hợp đánh quân Pháp ở nhiều nơi. Uỷ ban Kháng chiến hành chính và Bộ chỉ huy Chiến khu 4 (Việt Nam) thành lập Ban chỉ huy các mặt trận đường 8, đường 9 và cử một số đơn vị phối hợp với bộ đội Lào, vừa đánh địch ở Na Pê, Xê Pôn, huyện lỵ Căm Cớt..., vừa làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân gây dựng cơ sở, lực lượng kháng chiến. Hội Việt kiều cứu quốc ở các tỉnh, thành phố của Lào động viên, kêu gọi thanh niên tích cực gia nhập lực lượng Liên quân LàoViệt. Chỉ trong một thời gian ngắn, Liên quân Lào–Việt được thành lập ở nhiều nơi, trở thành lực lượng vũ trang cách mạng, hăng hái chiến đấu chống quân xâm lược. Tiêu biểu cho tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của Liên quân LàoViệt trong năm đầu của cuộc kháng chiến là trận chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc ngày 21/3/1946. Đây là trận đánh lớn nhất của Liên quân Lào–Việt kể từ ngày thành lập, đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, một biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam–Lào.

Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ Mặt trận Điện Biên Phủ 300 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được sau chiến thắng Thượng Lào và 400 viên đạn pháo 105 ly của địch. Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt và anh dũng, ngày 7/5/1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến công đó đã giáng một đòn quyết định vào bọn thực dân, đế quốc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mà Việt Nam làm trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung. Từ đây, cục diện chiến tranh Đông Dương chuyển sang thế có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia tại Hội nghị Giơnevơ.

Đầu năm 1961, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh việc đánh phá hòng ngăn chặn việc vận chuyển của Đoàn 559 trên tuyến Đông Trường Sơn. Để đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam và cách mạng Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào đã thảo luận, thống nhất chủ trương mở đường vận chuyển chiến lược sang phía Tây Trường Sơn. Được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân các bộ tộc Lào, các đoàn công tác quân sự Việt Nam đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, phục vụ cho việc mở tuyến đường mới dọc Tây Trường Sơn trên đất Lào.

Ngày 5/9/1962, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Vương quốc Lào đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 12/1975, Cách mạng Lào thành công, nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào được thành lập, ngày 18/7/1977 Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam–Lào đã được ký kết.

Nửa thế kỷ qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam–Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trải qua thử thách của thời gian và lịch sử đấu tranh cách mạng của hai Đảng và nhân dân hai nước ngày càng được củng cố, phát triển, mở rộng, đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực. Cụ thể:

Về chính trị và đối ngoại: Từ năm 1988, cuộc gặp hàng năm giữa hai bộ Chính trị đã trở thành một cơ chế hoạt động chính thức giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu từ ngày 2 đến ngày 4/7/1989. Đây là chuyến thăm Lào chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau Đại hội IV Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Hai bên thống nhất với nhau nhiều vấn đề quan trọng trong việc đổi mới phương thức hợp tác giữa hai nước và giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực.

Về xây dựng, phát triển kinh tế: Quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia cũng dần thay đổi: từ viện trợ không hoàn lại và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi.

Hai nước thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, khuyến khích và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động đối ngoại tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế: Diễn đàn Liên Hợp Quốc, Diễn đàn hợp tác Á–Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác tiểu vùng Sông Mêkông mở rộng (GMS), Tam giác phát triển, Tứ giác phát triển, Diễn đàn Nghị viện Đông Nam Á (AIPO),... Sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của Việt Nam và Lào đối với hợp tác đa phương được dư luận quốc tế đánh giá cao, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế quan trọng của hai nước ở khu vực và thế giới. Việt Nam có 210 dự án còn hiệu lực tại Lào với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD.

Về đào tạo nguồn nhân lực: Với tư tưởng chỉ đạo, giúp cách mạng Lào là tự giúp mình, giúp đào tạo cán bộ cho nước bạn là giúp khâu cơ bản nhất cho cách mạng Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đề cao quan điểm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ giúp bạn. Hai nước giúp nhau đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, coi đây là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là hạt nhân giữ vững và tăng cường tình đoàn kết hai nước.

Trong lĩnh vực hợp tác văn hóaxã hội: Hàng năm, hai bên thường xuyên lập kế hoạch giao lưu văn hoá nghệ thuật dưới các hình thức: trao đổi đoàn biểu diễn, tổ chức sáng tác mỹ thuật, tìm hiểu về chủ đề đất nước và con người, hợp tác xuất bản, in và phát hành sách báo, văn hoá phẩm, phim ảnh. Phối hợp tuyên truyền về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam–Lào, Lào–Việt Nam, tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn để tăng cường hiểu biết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Nhiều công trình có giá trị về khoa học, lý luận và thực tiễn được biên soạn bởi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của hai nước trong đó bao gồm cả những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và một số địa phương của Việt Nam và Lào, được xem như tài liệu gốc để sau này tiếp tục tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước, làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam trong giai đoạn mới, cụ thể là: Bộ sách Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt NamLào, LàoViệt Nam (1930-2007)”. Có lẽ, trong lịch sử chưa có một quốc gia nào, một Đảng nào mà hai Đảng cùng thống nhất xây dựng và cùng viết nên bộ lịch sử này. Phối hợp phát hành Tuyển tập kinh điển mác, Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh bằng tiếng Lào…

Trong lĩnh vực y tế, phối hợp giúp nhau chống dịch bệnh, nhất là phòng, chống sốt xuất huyết, bệnh cúm gia cầm, hỗ trợ vật tư y tế, cử nhiều y, bác sĩ và chuyên gia sang Lào giúp Lòa ứng phó với đại dịch Covid-19. Một số đoàn bác sĩ tình nguyện Việt Nam đã sang khám và chữa bệnh cho nhân dân Lào ở Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh khác.

Mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện Việt Nam–Lào, Lào–Việt Nam, là mối quan hệ thuỷ chung, trong sáng, đã trở thành tài sản vô giá, hiếm có trên thế giới ngày nay và trở thành nhân tố quyết định cho thắng lợi của cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, là quy luật sống còn cho sự phát triển của hai dân tộc. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cũng từng nói: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy”.

 Trong giai đoạn hiện nay giữ gìn và phát huy mối quan hệ Việt–Lào là việc làm vô cùng cần thiết, tuyên truyền những hình ảnh đẹp về mối quan hệ hai nước sẽ giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ bản chất tốt đẹp, trong sáng của mối quan hệ Việt NamLào hơn; đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; đấu tranh chống lại sự bóp méo, xuyên tạc lịch sử của các thế lực chống phá gây mất tình hữu nghị của nhân dân hai nước Việt NamLào.

Đối với Thư viện tỉnh Đồng Nai, trong nhiều năm qua, đơn vị cũng đã có nhiều hoạt động hưởng ứng và tuyên truyền về mối quan hệ Việt–Lào như: Bổ sung, sưu tầm các tài liệu viết về: đất nước, con người Lào; về mối quan hệ của hai nước trong lịch sử cũng như trong hiện tại; Giới thiệu, trưng bài triển lãm tài liệu liên quan đến hoạt động này; biên soạn và phát hành thư mục chuyên đề Tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam–Lào mãi mãi trường tồn và phát triển. Bản thư mục có ý nghĩa như một tài liệu góp phần thêm niềm tin vững chắc vào tình đoàn kết hữu nghị Việt–Lào, khẳng định vị thế, sức mạnh của mối quan hệ hai nước trên chính trường quốc tế ngày càng tốt đẹp hơn.

Ôn lại lịch sử hào hùng của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, sự giúp đỡ và ủng hộ chí nghĩa chí tình, trước sau như một giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho hai dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước ngày nay, là hoạt động góp phần tăng cường tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Lào.

 

Tài liệu tham khảo

1.      25 năm chiến đấu và thắng lợi của Đảng nhân dân cách mạng Lào / Cayxỏn Phômvihản. - H. : Sự thật, 1980. - 59 tr. ; 19 cm

2.      55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào : Nhìn lại và hướng tới / Lê Đình Chỉnh ; Pouykham Phengbounheuang dịch. - H. : Thông tin và Truyền thông, 2017. - 289 tr. : bảng ; 21 cm

3.      Biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào :  Tài liệu tuyên truyền / Hoàng Ngọc Sơn, Nguyễn Danh Tiên, Đỗ Phương Thảo,... biên soạn. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2016. - 127 tr. : hình ảnh ; 21 cm

4.      Quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào giai đoạn 1954 - 2017 / Lê Đình Chỉnh. - H. : Thông tin và truyền thông, 2017. - 344 tr. : bảng ; 21 cm

5.      Biên niên sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào / Chu Đức Tính (ch.b), Nguyễn Đình Dĩnh, Ngô Kim Uyên, Nguyễn Thị Huyền Trang. - H. : Chính trị Quốc gia, 2007. - 183 tr. ; 21 cm

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 7140 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày