Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 13/03/2023, 21:15

Tài Thao Lược Của Đại Tướng Chu Huy Mân

Lật lại những trang sử vàng trong đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, chúng ta luôn bắt gặp những tấm gương anh hùng, bất khuất như: Hai bà Trưng, người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,… Trong triệu triệu đóa hoa anh hùng ấy, có một đóa hoa mang tên Chu Huy Mân lặng lẽ tỏa hương, cho cuộc đời được ngát hương độc lập và tỏa ánh tự do. Đại tướng Chu Huy Mân là nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời ông đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ của người cộng sản cống hiến cho cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, là con thứ 8 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên ,nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong thời điểm đất nước lầm than, Ông sớm nhận ra rằng: chỉ con đường đấu tranh, chống lại thực dân phong kiến thì mới có thể giải phóng được cho mình và người dân quê Ông.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ông được giao làm đội phó Đội tự vệ, sau đó hoàn thành nhiều nhiệm vụ được tổ chức giao. Tháng 11/1930, tại nhà riêng của mình, Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Từ một đội phó Đội tự vệ của xã, Chu Văn Điều được bầu làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên khi mới 23 tuổi. Sau đó, Ông tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chế độ phong kiến thực dân tại quê nhà. Cùng thời gian này, ông đã đổi tên thành Chu Huy Mân. Từ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Ông đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành hơn, từ đó bộc lộ những tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng của Đảng cũng như tài năng quân sự của mình.

Từ năm 1937 đến năm 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam Chu Huy Mân ở nhà lao Vinh. Năm 1940, chúng đưa ông đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum. Trong nhà giam, địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn, cực hình nhưng không làm nản lòng người cộng sản. Để có thể trở về hoạt động cách mạng, tháng 3/1943 ông cùng Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ và Hà Thế Hạnh tổ chức trốn khỏi nhà giam, ở lại tham gia vào Ban Việt Minh của tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Ông được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung bộ, Xứ ủy Trung Kỳ. Khi nước nhà giành được độc lập, Ông làm Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C (gồm Quảng Nam, thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình), Chính trị viên Mặt trận đường 9 Đông Hà - Xavanakhẹt.

Với tài thao lược về quân sự, năm 1963, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị cử vào nghiên cứu chiến trường khu 5 - Vùng đất ác liệt, gian khổ, nơi mà chính quyền Mỹ ngụy đang áp dựng loại hình “chiến tranh đặc biệt”. Ở đây, ông được cử làm Phó Bí thư Khu ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5.

Chu Huy Mân là nỗi khiếp đảm của Mỹ ngụy trên chiến trường khu 5, mặt trận Tây Nguyên. Ông cầm quân đến đâu, kẻ thù thua chạy ở đấy, càng đánh càng lớn mạnh, lớp lớp thanh niên các dân tộc có mặt trong các sư đoàn chủ lực của khu 5 lập nên nhiều chiến công lớn, tạo thế và lực mới cho toàn chiến trường.

Mùa xuân năm 1975, ở Tây Nguyên, với trận then chốt Buôn Ma Thuột, đã đẩy địch vào thế bị động chiến lược, có được những thay đổi phù hợp với tình hình quân sự trong nước. Đoán biết quân địch sẽ bỏ Tây Nguyên, Ông bàn với Bộ Tư lệnh nhanh chóng tiến công vào thị xã Tam Kỳ, cắt đứt con đường thoát của chúng, tạo bàn đạp tiến công Đà Nẵng. Sau khi giải phóng Tam Kỳ, Quân khu 5 phối hợp với cánh quân khác vào giải phóng Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất miền Trung của địch. Chiến thắng này đã tạo thế và lực để quân đội ta mở cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Vị tướng nông dân áo vải Chu Huy Mân là một tài năng quân sự, có tầm chiến lược và cũng rất giỏi về chiến dịch, chiến thuật. Cả cuộc đời binh lược của mình, Ông chỉ mong giành lại được độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Hòa bình lặp lại, Ông được bầu vào Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng trong các kỳ đại hội IV và V, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước (nay là Phó chủ tịch nước),…v.v. Với những cống hiến to lớn đối với dân tộc, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Đặc biệt, Ông là vị Đại tướng duy nhất được Đảng, Nhà nước tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Đại tướng Chu Huy Mân, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp và những cống hiến tiêu biểu của đại tướng Chu Huy Mân với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua đó, hun đúc tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, đặc biệt là những bạn đọc trẻ tuổi; giúp thế hệ trẻ luôn cố gắng học tập, lao động dựng xây quê hương, đất nước ngày càng văn minh và giàu đẹp hơn.

 

Đào Thanh

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1087 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày