Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 04/04/2023, 10:50

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ (4/4/1923 - 4/4/2023)

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ là nhà sư phạm, nhà nghiên cứu văn học hàng đầu của Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Ở ông luôn toát lên phong thái của người giản dị và thoải mái trong đời thường, nhưng rất chuẩn mực trong công việc, ông luôn được nhiều giới nghiên cứu văn học và học trò quý trọng.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ sinh ngày 4/4/1923 tại xã  Điện Hồng (nay là Điện Quang), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Học hết bậc tiểu học, Giáo sư Lê Đình Kỵ ra Huế học trung học ở Trường tư thục Việt Anh và thi đậu tú tài phần thứ nhất. Sau đó, ông chuyển vào học năm cuối bậc trung học ở Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn.

Năm 1944, sau khi thi đậu tú tài phần thứ hai, do không tìm được trường đại học hợp với nguyện vọng nên ông đã rời Sài Gòn về quê hương Quảng Nam dạy học tư. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, ông hoạt động trong phong trào thanh niên Phan Anh ở Quảng Nam, tích cực hoạt động, đi nhiều nơi, kêu gọi nhân dân đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông tham gia khởi nghĩa ở Hội An, làm công tác bình dân học vụ, thông tin tuyên truyền và đã có ba năm phục vụ trong quân ngũ với nhiệm vụ của một cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn.

Sau 3 năm, thầy giáo Kỵ ra quân và quay về Quảng Ngãi làm nghề giáo Trường Trung học Lê Khiết của Liên khu 5. Dù trong điều kiện hoàn cảnh hết sức khó khăn của những năm tháng chống Pháp, nhưng thầy Lê Đình Kỵ đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Nam Trung bộ.

Sau Hiệp định Geneve năm 1954, thầy tập kết ra Bắc và dạy cấp 3 Trường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, rồi Trường cấp III Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên)... Năm 1957, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mời thầy Lê Đình Kỵ về dạy Khoa Ngữ văn. Từ đây, thầy Kỵ bắt đầu nghiên cứu và viết lý luận phê bình. Năm 1959, thầy có bài phê bình văn học đầu tiên được đăng trên tạp chí Văn nghệ. Đó là bài viết về truyện ngắn “Con cá song” của nhà văn trẻ Anh Đức vừa được giải thưởng của tạp chí này, cùng với truyện “Cái hom giỏ” của nữ nhà văn trẻ Vũ Thị Thường. Mấy tháng sau thầy lại có bài “Từ ấy và phong trào Thơ mới” cũng được đăng trên tạp chí Văn Nghệ. Từ bài viết này, tài năng phê bình văn học của thầy thực sự được giới văn chương chú ý đến.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, thầy Lê Đình Kỵ chuyển về Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh dạy Ngữ văn. Thời gian từ 1956 đến 1978, thầy Kỵ làm Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận văn học và Văn học Việt Nam (giai đoạn 1971-1976). Sự nghiệp nghiên cứu chính là văn học Việt Nam hiện đại, những vấn đề lý thuyết văn học, vấn đề phong cách tác giả văn chương… Thầy đã có nhiều bài viết kịp thời về các sáng tác của các nhà thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo...

Ngay từ những năm tháng giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng với vốn chữ Hán và tiếng Pháp được trau dồi trước đó, thầy bắt đầu học tiếng Nga để dịch thuật các sách tham khảo về lý luận văn học và văn học Xô viết. Thầy Lê Đình Kỵ là một tấm gương hiếu học, kiên trì tự học, tự rèn luyện để trở thành một trí thức tài năng; một nhà sư phạm mẫu mực, một nhà khoa học, một chuyên gia lý luận, phê bình văn học hàng đầu ở nước ta; thầy cũng là một trong những người đầu tiên ở nước ta tham gia xây dựng bộ giáo trình lý luận văn học được sử dụng ở nhà trường trong điều kiện nghiên cứu và giảng dạy của đất nước còn thiếu rất nhiều tài liệu.

Trong sự nghiệp giảng dạy đại học gần 40 năm, bên cạnh đào tạo các thế hệ sinh viên, hướng dẫn luận văn, luận án tiến sĩ, Giáo sư Lê Đình Kỵ đã công bố nhiều công trình lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học quan trọng; những bài viết có tính học thuật, gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới, được công bố trên các báo, tạp chí chuyên ngành có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học như: Phương pháp nghệ thuật (năm 1962); Đường vào thơ (năm 1968); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (năm 1970); Cơ sở lý luận văn học - Tập 4 năm (1971); Thơ Tố Hữu (năm 1979); Tìm hiểu văn học (năm 1980); Thơ mới, những bước thăng trầm (năm 1988); Trên đường văn học (2 tập, năm 1995); Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam (năm 1998). Phê bình nghiên cứu văn học (năm 1999);…  Nổi bật trong số đó là công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, được khởi thảo năm 1965 trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ lớn, xuất bản lần đầu năm 1970 và đến nay đã in đến lần thứ tư.

Bên cạnh đó, Giáo sư còn tham gia biên soạn nhiều bộ giáo trình giá trị, đặt nền tảng cho môn lý luận văn học, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt.

Nói về thầy Kỵ, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên của thầy nhận xét: Đối với các thế hệ học trò, thầy vừa nghiêm khắc, đòi hỏi cao về học thuật, nhất là về chuyện viết lách; nhưng đồng thời cũng rất khoan hòa, độ lượng, hết lòng giúp đỡ trong nghề nghiệp và cuộc sống. Trong sự nghiệp nghề giáo của mình, thầy đã phát hiện, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh, sinh viên thành danh như: Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân; Phó Giáo sư Huỳnh Như Phương, PGS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS. Lê Tiến Dũng...

Với những cống hiến lớn lao cho nền văn học nước nhà, năm 1982 thầy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 1984 được công nhận chức danh Giáo sư; năm 1988 được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 1995, thầy được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và Huân chương Lao động hạng nhất; năm 2001 nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (năm 2009). Giáo sư mất ngày 24/10/2009.

Để ghi nhớ công lao của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ, trên quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng chính quyền đã đã lấy tên của Giáo sư để đặt tên cho các con đường.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ (1923-2023), là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, nhằm khẳng định những đóng góp to lớn về lý luận, phê bình của ông cho nền văn học cũng như sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đồng thời, tri ân người thầy lớn của nền giáo dục Việt Nam. Cuộc đời mẫu mực cùng những công trình tiêu biểu của Giáo sư Lê Đình Kỵ để lại, thế hệ sau sẽ giữ gìn, học tập, tiếp tục khơi nguồn sáng tạo, tiếp thêm động lực trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo những thế hệ sinh viên tiếp bước sự nghiệp của Người.

 

Nguyễn Mai

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3971 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày