Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Sáu, 12/10/2018, 21:05

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903-13/10/2018)

Đồng chí Lương Khánh Thiện – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng

 

Hà Nam, mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng, là quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa nổi tiếng của đất nước, là quê hương của những chiến sĩ cách mạng kiên trung trong đó có đồng chí Lương Khánh Thiện – nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng.

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903, trong một gia đình nhà nho nghèo tại thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm. Năm 1923, đồng chí rời quê ra thành phố Hải Phòng, xin vào học ở trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Tại đây, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh. Hoạt động nổi bật là cuối năm 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ dẫn đầu đoàn học sinh trường Kỹ nghệ thực hành xuống đường chặn xe toàn quyền Va-ren từ Đồ Sơn về Cầu Rào, đưa đơn đòi chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu, gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội.

Năm 1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Định làm thợ nguội tại Nhà máy Sợi. Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Nam Định. Năm 1928, đồng chí Lương Khánh Thiện trở lại Hải Phòng, thực hiện “vô sản hóa” trong phong trào công nhân Nhà máy Chai. Tháng 4-1929, đồng chí được kết nạp Đảng, trở thành một trong bốn đảng viên đầu tiên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của thành phố Hải Phòng, trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Nhà máy Chai. Từ đây, cuộc đời cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện bước sang một giai đoạn mới, trở thành một người cách mạng chân chính với tinh thần tự học tập rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí đã trở thành người lãnh đạo có năng lực của Đảng, được Đảng tin tưởng giao nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt.

Tháng 9/1936, sau khi được trả tự do từ Côn Đảo trở về, đồng chí chắp nối lực lượng với Đảng. Cuối năm 1936, tại một địa điểm Gia Lâm đồng chí đã cùng với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh bí mật thành lập Ủy ban Kháng chiến, thực chất tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 3-1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí đã chỉ đạo khôi phục các tổ chức cơ sở, xây dựng cơ sở lực lượng cách mạng của Đảng ở Bắc Kỳ hoạt động theo phương thức mới bí mật, bán công khai và công khai, hợp pháp, từ trực tiếp đấu tranh đến đòi cải cách dân chủ dân sinh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Đảng trong cao trào đấu tranh dân chủ những năm 1936-1939.

Tháng 9/1939, đồng chí được phân công chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật của Đảng tại tỉnh Phú Thọ. Đồng chí đã tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng trên địa bàn rộng lớn, thuộc các huyện: Cẩm Khê, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba, Yên Lập đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy, thành lập ba trong bốn chi bộ đầu tiên và Ban cán sự lâm thời tỉnh Phú Thọ.

Tháng 10/1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, 1 phần của tỉnh Kiến An và trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Nhận nhiệm vụ mới, trong thời điểm phong trào cách mạng Hải Phòng và Liên tỉnh B đang gặp nhiều khó khăn do địch tăng cường khủng bố, vây bắt cán bộ, nhiều cơ sở bị vỡ. Trong hiểm nguy, đồng chí vẫn khôn khéo, linh hoạt trong vai thầy lang, người bán vôi, thợ sửa điện... qua mặt kẻ thù. Đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo xây dựng khu vực Hải Dương làm căn cứ vững chắc cho liên tỉnh, đồng thời, bám sát cơ quan Thành ủy Hải Phòng để chỉ đạo phong trào. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí phong trào cách mạng ở Hải Phòng và Liên tỉnh B có chuyển biến tích cực, các cơ sở cách mạng được củng cố và mở rộng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện đầy chông gai, thử thách. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí cũng hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước những khó khăn thử thách, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, có những đóp góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Ba lần bị địch bắt vào các năm 1929, 1938, 1941, bị giam cầm ở nhà tù Hải Phòng, Hỏa Lò, bị đày ra Côn Đảo, bị địch dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn dã man, nhưng đồng chí luôn kiên gan chịu đựng giữ vững phẩm chất của người cộng sản kiên trung không khuất phục được tinh thần thép của đồng chí. Tòa án thực dân Pháp đã kết án tử hình và đưa đồng chí đi xử bắn vào lúc 4h30 phút, ngày 1/9/1941, tại chân núi Áng Sơn, huyện An Lão, tỉnh Kiến An nay thuộc thị trấn Trường Sơn, Huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Cuộc đời của đồng chí Lương Khánh Thiện là một trang sử vẻ vang, một tấm gương của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tư chất cao đẹp của người cộng sản yêu nước. Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, với phương pháp và phong cách cách mạng quyết đoán, sáng tạo đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc tuyên tuyền, đấu tranh, xây dựng, củng cố các tổ chức, cơ sở cách mạng, mở rộng địa bàn hoạt động của Đảng ở các tỉnh phía Bắc…

Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thủy chung, sắt son với Đảng, với dân tộc và cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết của người cộng sản, vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau về tinh thần tự học tập, tự rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành từ thực tiễn, về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.

Người đồng chí, đồng đội, người chiến sĩ cách mạng Hoàng Cương là bạn tù ở nhà tù Hỏa Lò của đồng chí Lương Khánh Thiện đã làm những vần thơ đầy xúc động ngay sau khi đồng chí Lương Khánh Thiện mất:

“Kiến An tiếng súng nổ rồi

Để lại thương nhớ ngậm ngùi trong ta

Cầm bút viết mắt nhòa lệ nhỏ

Mấy dòng này khôn tỏ lòng tôi

Hỡi ôi! anh Khánh Thiện ơi

Làm tròn nhiệm vụ với đời thế xong

Máu anh đổ, cờ hồng thêm đỏ

Hồn núi sông, soi tỏ lòng anh

Rồi đây sử sách lưu danh

Lương Khánh Thiện đã hy sinh trọn đời”.

Thật vậy, những đóng góp, hy sinh cho cách mạnh của đồng chí Lương Khánh Thiện góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Khí phách hiên ngang, tinh thần kiên trung cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện sẽ luôn vang vọng trong ký ức và tình cảm của chúng ta hôm nay. Tên tuổi của đồng chí mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, trở thành niềm tự hào của mỗi con người quê hương Hà Nam nói riêng, của cả nhân dân Việt Nam nói chung, như một minh chứng cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1330 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày