Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:45

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 - 19/9/2019)

Năm 2019, là năm cả nước có nhiều sự kiện trọng đại. Trong đó, sự kiện kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn - Cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội - Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khóa I) là sự kiện rất quan trọng, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với một nhân sĩ yêu nước, vị quan thanh liêm, đức độ, bậc tiền bối có trí tuệ lỗi lạc, cụ đã có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà hôm nay.

Bài viết xin được trình bày những cống hiến to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là dịp để thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ hôm nay đối với cụ.

Cụ Bùi Bằng Đoàn, sinh ngày 19//9/1889, tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình truyền thống Nho học. Ông nội là Tiến sĩ Bùi Tuấn, hàm Thái tử Thiếu bảo, từng làm giám khảo các kỳ thi Hương, giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm tổng đốc tỉnh Bắc Ninh đánh dẹp giặc Ngô Côn. Cha là Bùi Tập từng giữ chức Tuần phủ tỉnh Thanh Hóa. Vợ cụ là bà Trần Thị Đức, cụ có tám người con gái và hai người con trai là đại tá, nhà báo Bùi Tín, doanh nhân Bùi Nghĩa – Chủ tịch hội Doanh nghiệp họ Bùi Việt Nam.

Cha mẹ cụ sớm mất, cả sáu anh em của cụ được nuôi dưỡng và học hành bởi người chú dượng là Dương Lâm (cụ Thiếu bảo Vân Đình lúc đó làm Tham tri Nha Kinh lược Bắc Kỳ).

Năm Bính Ngọ 1906, ba anh em cụ Đoàn đều ứng thí, kết quả là cụ Bùi Bằng Phấn đỗ Tú tài, còn hai cụ Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn đỗ Cử nhân (khi đó cụ mới 17 tuổi). Ba anh em cụ được mệnh danh là Hà Đông tam bằng. Về sau Bùi Bằng Thuận còn đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1916 cùng với Bùi Bằng Phấn đều làm quan Nam triều đến hàng Tuần phủ, về hưu trước năm 1945.

Với tri thức uyên bác, cụ Bùi Bằng Đoàn còn thông thạo cả Pháp văn và Hán văn, đến năm 1907, cụ thi vào trường Hậu Bổ tại Hà Nội.

Con đường quan lộ của cụ hanh thông và rạng rỡ. Vào năm Tân Hợi (1911), cụ tốt nghiệp và được bổ làm Tri huyện, sau đó làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình; rồi làm đến Thượng thư bộ Hình của triều đình Huế, trong nội các của Phạm Quỳnh năm 1933, hàm Thái tử Thiếu Bảo.

Cụ Bùi Bằng Đoàn được nhiều người biết đến là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân. Trên công đường ở những nơi cụ làm quan, đều có treo một bảng thông báo “không nhận quà biếu”. Với người nhà, Cụ Đoàn rất nghiêm khắc, cấm tiệt việc nhận quà, nếu lỡ nhận rồi thì phải mang đi trả lại.

Lúc làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định) cụ Đoàn đã đề xuất và thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo lập được một vùng lúa, dâu rộng lớn. Báo đáp công đức của cụ Bùi Bằng Đoàn, người dân địa phương đã làm lễ tế sống vị “phụ mẫu chi dân” trẻ tuổi ngay nơi nhậm chức.

Bên cạnh sự thanh liêm, chính trực, cụ Đoàn luôn dũng cảm lên tiếng bênh vực, bảo vệ quyền lợi của những người dân yếu thế trong xã hội. Năm 1925, trước việc báo chí lên án cảnh phu đồn điền ở miền Nam bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam triều đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn vào Nam bộ thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Trên cương vị của mình, cụ đã tiến hành thanh tra thấu đáo, viết một bản báo cáo dày đến 100 trang bằng tiếng Pháp nêu bật lên những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Những kiến nghị xác đáng của bản báo cáo đã được nhà đương cục chấp nhận, giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.

Năm 1925, mặc dù đang làm tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) nhưng cụ vẫn được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, cụ Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu để rồi sau đó toàn án đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống hình thức “an trí ở Huế”.

Đầu năm 1933 cụ được bổ nhiệm làm Tuần phủ tỉnh Ninh Bình, không lâu sau đó khi Phạm Quỳnh tổ chức Nội các cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư bộ Hình. Trong 12 năm ở kinh đô Huế cụ Bùi Bằng Đoàn trông nom việc xử kiện tại tất cả các tỉnh Trung kỳ, chỉ đạo việc soạn thảo các luật cho Trung kỳ đều bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và dịch ra chữ Hán.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ, cụ đã từ chối tham gia Chính phủ, cáo quan về quê. Tuy nhiên, Chính phủ Nam triều đã mời cụ ở lại bằng được và giao cho cụ giữ chức Chánh thất Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Ở thời điểm “đêm trước” của cách mạng, tổ chức Việt Minh đã tiếp xúc và mời cụ làm Hội trưởng Hội bảo vệ tù chính trị.

Trước tình hình chiến sự của đất nước, thù trong, giặc ngoài, để đoàn kết dân tộc và tìm người tài đức phục vụ cách mạng, ngày 17/11/1945, Hồ Chủ tịch đã kiên trì viết thư tay mời cụ Đoàn tham gia làm cố vấn Chính phủ, thành viên Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. Trong bức thư tay gửi cụ Đoàn có nội dung: “Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư”. Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn đã rời quê đi theo cách mạng, trở thành 1 trong 10 người trong Ban Cố vấn của Chính phủ lúc bấy giờ.

Ngày 6/1/1946, cụ Đoàn trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại tỉnh Hà Đông và được cử làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, tương đương với chức Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam.

Ngày 2/3/1946, cụ được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, tham gia thành lập Hội Liên hiệp quốc dân. Ngày 8/11/1946, cụ Đoàn được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho cụ Nguyễn Văn Tố.

Năm 1947-1948, cụ hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 1948, cụ Đoàn lâm bệnh nặng ở Việt Bắc và được đưa về Liên khu 3 điều trị. Trong thời gian này, cụ vẫn theo dõi tin tức và đóng góp ý kiến cho Quốc hội. Hòa bình lập lại, cụ Đoàn về Hà Nội dưỡng bệnh. Ngày 13/4/1955, cụ qua đời tại Hà Nội.

Với công lao, sự cống hiến to lớn cho Đảng, cho Chính phủ, cụ Đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.

Để nhớ đến tên tuổi và công lao của cụ, một số nơi trên cả nước, các đường, phố được mang tên của cụ Đoàn, như phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội; phố cạnh trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định và một phố ở trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh…

Có thể nói, từ một trí thức lớn yêu nước đến một vị Thượng thư Bộ hình của triều đình Huế, với tài năng, đức độ của mình cụ Đoàn đã được nhân dân và Chính phủ tín nhiệm giao nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước. Trong các cương vị được đảm nhiệm, đặc biệt với Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ đã làm việc tận tâm, tận lực, nghiêm túc, đúng quyền hạn và trách nhiệm, kể cả trong thời gian bị bệnh, cụ vẫn luôn theo dõi tình hình đất nước, cố gắng đóng góp sức lực của mình vào công việc của Quốc hội, vào công cuộc kháng chiến của toàn dân. Cụ chính là tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước, chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân. Một tinh thần làm việc tận tụy, sự hy sinh vì nước, vì dân cao cả, sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý sẽ mãi là tấm gương sáng để các đại biểu quốc hội cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Bùi Bằng Đoàn là dịp chúng ta tưởng nhớ và tri ân công lao, sự cống hiến to lớn của cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm đối với đất nước trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Noi gương Cụ Đoàn, thế hệ hôm nay nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn đã lựa chọn, chung tay góp sức bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các tiền bối và các vị anh hùng dân tộc./.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 702 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày