Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Tư, 09/10/2019, 09:30

MẸ NGUYỄN THỊ DUNG - MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Mẹ Nguyễn Thị Dung sinh năm 1915, quê quán ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - mảnh đất miền Trung khô cằn và nắng gió. Nơi đây từng là một trong những chiến trường ác liệt đã chứng kiến nhiều cuộc đối đầu quyết liệt giữa ta và địch trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1954Hiệp định Genève được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 (vĩ tuyến 17° bắc), dọc sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị làm phân định giới tuyến quân sự Bắc - Nam tạm thời cho Việt Nam. Cũng từ đây dòng sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương quê mẹ trở thành giới tuyết chia cắt hai miền đất nước trong suốt hơn 20 năm chiến tranh, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng giới tuyến này mới được xóa bỏ.

 Mẹ Dung lớn lên và kết hôn với ông Lê Ưu (sinh năm 1910), là người cùng quê Quảng Trị và sinh được 2 người con gái là Lê Thị Lê và Lê Thị Yên. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt, đế quốc Mỹ đang tăng cường đánh phá trên khắp chiến trường Nam Trung Bộ và Nam Bộ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chồng và người con gái đầu của mẹ là chị Lê Thị Lê đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ tại chiến trường Long Khánh – Bà Rịa.

Vào ngày 25/10/1969, chồng mẹ hy sinh tại một cơ sở cách mạng ở xã Xuân Lập, huyện Xuân Lộc (nay thuộc thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Sau khi cha hy sinh, chị Lê Thị Lê vẫn kiên cường, tích cực tham gia hoạt động cách mạng và cũng đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chị đã hy sinh anh dũng tại mặt trận Suối Tre (nay thuộc thuộc thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) khi mới 26 tuổi.

Từ ngày chồng và con gái hy sinh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, mẹ Nguyễn Thị Dung đã nén đau thương để nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Tuy nhiên, do sự khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ và những khó khăn của cuộc sống nên mẹ không thể vào Long Khánh để tìm phần mộ của chồng con mình. Mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ cùng con gái út là chị Lê Thị Yên mới chuyển vào xã Suối Tre, thị xã Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) gần nơi an nghỉ của chồng và con gái để sinh sống và cũng là để được thường xuyên viếng thăm, chăm sóc cho phần mộ của chồng, con mình.

Ngày 06/7/1984 mẹ đã ra đi trong vòng tay yêu thương của gia đình và xã hội. Mẹ đã sống một cuộc đời cao đẹp, thanh tao, luôn hết lòng vì chồng vì con, hy sinh những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc, cho dân tộc.

31 năm sau ngày mẹ mất, để ghi nhận những đóng góp và sự hy sinh cao cả  của mẹ cho dân tộc Việt Nam, mẹ Nguyễn Thị Dung đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo Quyết định số 2679/QĐ-CTN ngày 1/12/2015 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiện nay, mẹ đang được người con gái út thờ cúng. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện cho gia đình mẹ vươn lên trong cuộc sống, giải quyết đầy đủ các chính sách, chế độ theo quy định của Nhà nước đối với gia đình người có công với nước.

Chiến tranh đã qua đi được 44 năm, đến thời điểm này toàn tỉnh Đồng Nai có 1.120 người được công nhận danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 57 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm và làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh,… được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Chăm lo ngày càng tốt hơn cả về đời sống vật chất và tinh thần cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhất là với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, tổ chức gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện về nhân vật lịch sử, gia đình các nhân vật lịch sử, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhằm nhắc nhở tuổi trẻ ghi nhớ và tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc.

 

Trần Thủy

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 694 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày