Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Ba, 15/10/2019, 09:45

Viết về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Mận

“Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con lần lượt ra đi... đi mãi mãi

Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng.

Nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang”.

Thật thấm thía biết bao, từng ca từ trong bài hát Người mẹ của tôi mà tác giả Xuân Hồng đã sáng tác. Bất cứ ai nghe qua, không khỏi xót xa, bùi ngùi nhớ về mẹ - những người mẹ Việt Nam Anh hùng của dân tộc.

Đối với dân tộc ta, mẹ Việt Nam từ ngàn đời luôn là biểu tượng cao quý của sự dịu dàng, tấm lòng nhân hậu, bao dung, đức tính kiên trung. Hình ảnh người mẹ đi vào trang sách em thơ, đi vào lời ru câu hát, những vần thơ thắm đượm tình người. Mẹ Việt Nam một đời lam lũ, tảo tần, chắt chiu nuôi dưỡng bao thế hệ con cháu, trong mỗi cuộc đời chúng ta, mẹ là điểm tựa, là niềm tin vững bền, là bóng mát chở che, là nhựa sống truyền cho chồi non, lộc biếc lớn lên thành những người con ưu tú của đất nước.

Để có được một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất như hôm nay, đất nước chúng ta đã có hàng triệu người con ưu tú ngã xuống. Không ai khác, mẹ là những người chịu hy sinh và mất mát to lớn nhất. Họ là những người anh hùng. Nhiều mẹ không những xứng đáng được phong tặng (truy tặng) danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do đã hy sinh, cống hiến, người chồng và những đứa con của mình cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và thống nhất nước nhà mà còn trở thành những anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các mẹ đã đóng góp công sức của mình cho cách mạng, từ công tác giao liên, cất giấu lương thực, rải truyền đơn,… đến những công việc hậu cần, nuôi quân trong căn cứ. Thật xứng đáng với 4 chữ vàng “trung hậu, đảm đang”… dành cho mẹ. Đó là mẹ Đỗ Thị Mận, một trong những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Đồng Nai đã hy sinh chồng, con cho Tổ quốc, tuổi thanh xuân mẹ trải qua những tháng ngày bom đạn khốc liệt của chiến tranh, mẹ đã dành trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, với ước mong một ngày không xa, quê hương, đất nước sẽ được bình yên, hòa bình, độc lập, tự do, gia đình mẹ lại được đoàn tụ, sum vầy…

Tôi đến thăm mẹ Đỗ Thị Mận sau giờ tan tầm, mẹ hiện đang được con gái Danh Thị Kim Chi phụng dưỡng tại căn nhà số 512/1/48, tổ 3, khu phố 3, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa. Mẹ đón tôi bằng đôi bàn tay ấm áp, nhẹ nhàng như đón một người con từ nơi xa trở về, khiến tôi thật xúc động.

Nắm tay tôi, mẹ nói: “các con đến thăm mẹ, mẹ vui lắm”. Khi hỏi về cuộc đời của mẹ, mẹ rất vui, ánh mắt mẹ như sáng lên, những ký ức về một thời chiến tranh, bom đạn lại ùa về, đặc biệt là mẹ nhớ rất rõ từng sự kiện diễn ra trong đời mẹ, ngay cả những lần bị địch bắt, đòn roi, tra khảo vì tình nghi mẹ hoạt động cho cách mạng.

Mẹ Mận sinh năm 1929, ở tỉnh Ninh Bình, giữa những năm 1945, tình hình chiến sự giữa ta và địch hết sức phức tạp, mẹ theo ông chú cùng đoàn người lên tàu chạy giặc về tỉnh Thanh Hóa sinh sống, do mẹ ngủ quên trên tàu rồi đi thẳng vào Nam - Sài Gòn. Nơi đất khách quê người, chân ướt, chân ráo không có người quen, mẹ kiếm sống bằng nghề đi bán rau muống, kiếm cơm qua ngày, rồi mẹ gặp được người đàn ông tên Danh Nhiễu là chồng của mẹ sau này từ Kiên Giang lên làm ăn. Mẹ và ba gặp nhau và kết duyên chồng vợ, rồi dắt nhau về Long Khánh sinh sống, lập nghiệp.

Mẹ và ba có với nhau 04 người con, hai trai, hai gái. Hai người con trai đầu là Danh Nghĩa, Danh Ngọc, hai người con gái kế là Danh Thị Ngọc Ngà và Danh Thị Châu (Danh Thị Kim Chi).

Hồi đó, ông Danh Nhiễu (sinh năm 1924) – chồng của mẹ tham gia hoạt động cách mạng, làm kinh tài ở huyện Định Quán, ông hy sinh trên đường đi công tác bị địch phục kích (ngày 16/5/1968). Nghe mẹ Mận kể, trước đó gần 1 tháng, ba tụi nó dường như có linh cảm về chuyện không lành, “ông ấy nhắn mẹ đưa mấy đứa con lên cho ổng gặp”… Và đó cũng là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hai đứa con của mẹ được gặp ba. Mẹ gạt nước mắt, giọt nước mắt nóng hổi rớt xuống tay tôi, rồi mẹ nghèn nghẹn nói tiếp “được tin ba tụi nhỏ hy sinh, mẹ buồn lắm nhưng cố gạt nước mắt, cố sống để nuôi con”. Được sự động viên của cơ sở, mẹ gia nhập hội phụ nữ của địa phương dưới sự chỉ đạo của chị Tư Đời (trưởng ban tổ chức của Huyện ủy Định Quán thời bấy giờ), mẹ trực tiếp tham gia công tác tiếp tế thuốc men, lương thực, cất giấu truyền đơn, thu thập tin tức của địch báo cho các anh trong tổ chức cách mạng của ta.

Vào những năm 1954, trong quá trình hoạt động, mẹ Mận bị địch bắt vì chúng tình nghi mẹ hoạt động cách mạng, mẹ bị đánh đập, tra tấn dã man, nhưng với ý chí sắt đá và sự căm thù bọn giặc, mẹ không khai một lời. Sau khi được tha, mẹ lại tiếp tục hoạt động, rồi lại bị bắt và bị tra khảo dã man nhưng “lòng mẹ gan, tâm mẹ vững”, mẹ vẫn không khai gì trước roi vọt, cũng như lời ngon ngọt của kẻ thù. Không khai thác được gì, chúng lại thả mẹ ra. Lần này mẹ được các anh, chị cơ sở móc nối với tổ chức và đưa mẹ thoát ly vào căn cứ ở ấp Bình Lộc, huyện Long Khánh hoạt động.

Tại căn cứ ở Huyện ủy Đồn điền cao su Ông Quế, Long Khánh, Đồng Nai, mẹ được phân công làm công tác hậu cần, hàng ngày mẹ làm chị nuôi trong căn cứ, nấu cơm nước, lo mọi việc cho các anh, các chú yên tâm hoạt động… Rồi đất nước được hoàn toàn giải phóng, mẹ Mận cùng chị lớn về quê chồng của mẹ ở Kiên Giang sinh sống, cuộc sống vất vả, bươn trải qua ngày, có mẹ, có con an ủi tuổi già. Đến năm 1986, chị Chi – con gái út đón mẹ lên Đồng Nai sinh sống và phụng dưỡng đến tận bây giờ.

Khi hỏi về người con trai đã hy sinh của mình, mẹ hơi trầm lại, giọng mẹ hơi ngèn ngẹn, dường như mẹ đang nhớ về anh. Nỗi đau mất con đã gợi lại cho mẹ bao sự nhớ thương, đau xót về cái chết của anh ngày nào. Anh Danh Nghĩa (sinh năm 1955), người con trai đầu của má, gan dạ, kiên cường đã tiếp nối theo con đường của cha, đi theo lý tưởng cách mạng, yêu tự do, yêu quê hương, đất nước và căm thù giặc sâu sắc. Anh hy sinh vào ngày 3/2/1975 trong một trận đánh ác liệt... Nghe tin dữ, mẹ như té xỉu, đây là lần thứ hai mẹ nhận được hung tin là con của mẹ đã hy sinh, lòng mẹ đau như dao cắt, mẹ tưởng chừng không gượng dậy được, nhưng lại được sự động viên, chia sẻ của anh, chị em trong căn cứ, mẹ dần nguôi ngoai, vơi đi nỗi đau mất con, mẹ lại tiếp tục hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Người con trai thứ hai của mẹ là anh Danh Ngọc (sinh năm 1959), lớn lên cũng theo tiếng gọi của quê hương, lý tưởng cách mạng, anh làm giao liên của Huyện ủy ở Đồn điền cao su, công ty cao su huyện Xuân Lộc. Sau ngày giải phóng, anh tham gia nghĩa vụ ở mặt trận Campuchia, Sau đó anh được cử đi học, năm 1982 phục viên, do sức khỏe yếu bị ảnh hưởng bởi những năm nằm rừng ở Campuchia, anh bị sốt rét hoành hành, sau một năm anh mất.

Như vậy, cả gia đình mẹ đều hoạt động cách mạng, bản thân mẹ cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài chồng và con trai cả Danh Nghĩa là liệt sĩ, thì các con còn lại của mẹ cũng có công trong việc đấu tranh gìn giữ hòa bình và bảo vệ Tổ quốc. Thật tự hào biết mấy, khi quê hương có những người mẹ Việt Nam Anh hùng như mẹ, mẹ là một trong những bà mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục, tình yêu quê hương, đất nước và niềm tin vào ngày chiến thắng đã tiếp thêm sức mạnh cho các con của mẹ, gan dạ, kiên trung, anh dũng, kiên cường, các anh, các chị đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đến giờ phút hiện tại mẹ Mận đã hưởng thọ 90 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, mẹ vui với tuổi già bên con, bên cháu, nhưng nỗi đau mất chồng mất con cứ hiện về trên khuôn mặt gầy gò, với nhiều nếp nhăn của mẹ. Nỗi nhớ chồng, thương con lòng mẹ như quặn lại, khi có ai đó hỏi về chồng và con của mẹ... Mẹ nhớ lắm chứ, đau lắm chứ, nhưng có ai biết rằng mẹ phải dấu đi những giọt nước mắt, nuốt vào trong lòng, đến đêm những giọt nước mắt ấy lại trực trào tuôn ra…

Đến đây, tôi bất chợt nhớ đến lời bài hát “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên: “Hát mừng những người mẹ Việt Nam, hát mừng những người mẹ anh hùng. Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời. Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ. Là biết mấy chờ mong mỏi mòn từng đứa con ra đi không bao giờ trở lai…”. Thật vậy, chiến tranh đã đi qua gần 45 năm nhưng những nỗi đau mất mát do chiến tranh để lại vẫn day dứt, âm ỉ trong lòng mẹ và trong lòng hàng triệu người dân Việt Nam. Máu những người chồng, người con, thậm chí của cả các mẹ đã tô thắm thêm màu cờ, thớ đất, bầu trời Việt Nam... đất nước đã hòa bình, nhưng mẹ mãi không được gặp lại chồng, con của mình.

Nói đến đây, tự dưng mắt mẹ lại sáng lên, bởi mẹ tin rằng, công sức và sự hy sinh của mẹ nói riêng và những mẹ Việt Nam anh hùng nói chung đã được đền đáp, bởi quê hương đất nước hôm nay đã sạch bóng quân thù, không còn cảnh chạy giặc từ nơi này qua nơi khác, không còn cảnh bị tù đày, tra tấn dã man của quân giặc, không còn cảnh vợ xa chồng, mẹ xa con... hiện giờ các con, cháu của mẹ đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bản thân mẹ được Đảng và Nhà nước và các tổ chức xã hội tri ân, quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng,… mẹ đang sống trong vòng tay yêu thương ấm áp của mọi người, mẹ vui lắm. Giờ đây, mẹ không phải cô đơn mỗi sớm mai ra ngồi trước ngõ mong ngóng con về. Theo mẹ, cuộc đời mẹ như thế là đủ, mẹ mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, mẹ vui với tuổi già còn lại, mẹ mong muốn lớp trẻ ngày nay luôn ghi nhớ về truyền thống đấu tranh bất khuất của cha anh, truyền thống yêu nước của dân tộc, noi gương lớp cha anh đi trước, sống có mục đích, lý tưởng cách mạng, trân trọng giữ gìn và ra sức bảo vệ quê hương, đất nước xứng đáng với những gì các mẹ, các anh đã hy sinh có được.

Đảm đang, tảo tần, lam lũ một đời thương chồng, nuôi con, nuôi bộ đội đánh giặc và bản thân mình cũng trở thành những chiến sĩ hậu phương ngoan cường, dũng cảm... mẹ là một trong những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã có công sinh thành, dưỡng dục, nuôi lớn và hiến dâng cho dân tộc lớp lớp các thế hệ anh hùng. Mẹ sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả, không đòi hỏi gì hết cho riêng mình, chỉ có mong muốn bình dị tột cùng là con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với nhân dân. Thật vĩ đại biết bao, khi đất nước có các mẹ, các mẹ đã làm rạng rỡ quê hương Đồng Nai nói riêng, non sông Việt Nam nói chung, góp thêm công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, tô thêm vào trang vàng truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc…

Những cống hiến và đóng góp của mẹ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, năm 1976 mẹ được trao tặng nhiều danh hiệu như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương Cựu tù chính trị và được phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng với thành tích đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo Quyết đinh số 3292/QĐ-CTN ngày 26/9/2014 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 788 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày